Nhân câu chuyện bài hát Quốc Ca bị đánh bản quyền. Hôm nay tôi dành chút thời gian viết về người nhạc sĩ đã sáng tác nên bài hát này. Gửi đến các bạn đọc để hiểu thêm về Văn Cao, một danh nhân không đơn thuần chỉ là tác giả bài hát Quốc Ca của đất nước (chỉ riêng điều này đã đủ để tôn vinh sự vĩ đại), mà ông còn đặc biệt hơn thế. Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ, một họa sĩ, một triết gia, một nhà tư tưởng, mà ông còn là một hiệp sĩ. Và vút cao lên mọi trần tục cõi đời, Văn Cao là vị tiên bị đọa đày.
Điều đầu tiên mà người trong nước dễ bị hiểu lầm về Văn Cao, đó là nếu bạn cho rằng Văn Cao là chuyên gia nhạc đỏ, nhạc quân đội thì sai lầm hoàn toàn. Ngược lại, ông là nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc lãng mạn. Nhạc của ông man mác buồn, chứ không phải kiểu hào hùng của những ca khúc Trường Sơn. Văn Cao lại sinh ra vào cuối thu đầu đông, nên cái lãng mạn và bi luyến mùa thu lại càng khắc sâu vào trong tâm hồn thơ ca-nhạc họa của ông. Chẳng hạn như bài hát “Buồn tàn thu”, có câu “Đêm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng.” Rồi sau đó “Em ngồi đan áo/Lòng buồn vương vấn/Em thương nhớ chàng”.
Điều thứ hai đó là cái tài hoa tột đỉnh của Văn Cao. Tài hoa thì nghệ sĩ nào mà chả có tài hoa, nhưng 2 chữ “tột đỉnh” thì tôi dành riêng cho Văn Cao. Thật sự thì câu từ, câu chữ mà Văn Cao sử dụng đều thập phần tinh tế. Ví dụ bài hát Bến Xuân, nói về mối tình của Văn Cao với Hoàng Oanh. Ông miêu tả một ngôi nhà bên cầu, khi tình yêu đến, mọi thứ thật là vui tươi lời bài hát là: "Em đến tôi một lần/Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân/Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca". Nhưng vẫn ngôi nhà ấy, khi mối tình chia xa, buồn bã thì lại thành: "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác/Em vắng tôi một chiều/Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu.” Đó chính là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quan trọng là lồng tất cả vào một bài hát với những câu từ huyễn hoặc và buồn bã như thế thì thật là cự phách.
Điều thứ ba là nhạc của ông nhạc của ông mà như những áng văn lộng lẫy. Tôi phải nói là kinh khủng. Tả về nhan sắc trong bài hát thì khét tiếng nhất chính là trong bài hát “Cung Đàn Xưa”, Văn Cao chỉ cần sử dụng 12 chữ, 12 chỉ là đủ để miêu tả được hết vẻ đẹp của một người con gái. 12 chữ đó là: “Gót hài khai hoa, Mắt huyền lưu xuân, Dáng hồng thơm hương.” Tả người đẹp, tả cảnh cũng đẹp không kém. Đấy là trong bài hát “Suối mơ”. Những câu hát mà khi nhắm mắt lại, bạn có thể tưởng tượng ra được một bức tranh của Levitan: “Suối mơ/Bên rừng thu vắng/Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.” Không có gì bất ngờ, vì Văn Cao vừa là nhạc sĩ, vừa là họa sĩ.
Tả cảnh đẹp và tả tình thì xuất sắc: “Chiều năm nay bóng người khơi thương/tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.” Tôi thích câu này nhất vì nó lồng vào điển cố của câu chuyện Trương Chi-Mỵ Nương. Trước đây, người trẻ thường biết rằng lồng được điển cố vào âm nhạc thì chỉ hay gặp ở các ca khúc Trung Hoa, còn Việt Nam thì có Tấm, Cám, Bông bống bang bang. Văn Cao rất may đã ra đi trước khi chứng kiến cảnh này. Thôi, cứ coi như là 2 dòng nhạc khác nhau để giảm thiểu sự so sánh.
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã đủ để sửng sốt về Văn Cao. Nhưng chưa hết, Văn Cao từng là sát thủ. Văn Cao là văn võ song toàn.Theo lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Văn Cao là thành viên của đội danh dự Việt Minh, cầm súng trên tay tử hình 2 nhân vật Việt gian, trong đó có một phi vụ thành công bằng việc “nổ” ngay trước cửa, y như cách Albert Neri “để” 3 phát súng giữa ngực Barzini trong Bố Già. Phi vụ còn lại ông đóng giả ăn mày để ám sát nhưng rất tiếc là thất bại. Vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết truyện ngắn, làm thơ, nghệ sĩ và là một hiệp sĩ.
Văn Cao còn là một vị tiên bị đọa đày. Gọi ông như thế vì Nhạc Văn Cao thuộc về một không gian mơ hồ, lãng mạn, bay bổng. Nhưng đọa đầy vì tên tuổi của ông còn gắn liền với một vụ án lớn trong lịch sử Việt Nam, phần nào đã che đi nhiều sáng tác của ông: vụ án Nhân văn giai phẩm. Một vụ án lớn liên quan đến đường lối sáng tác của các văn nghệ sĩ thời ấy.
Khi các bạn đọc và hiểu về Văn Cao qua những gì tôi kể ở trên thì bạn có thể hiểu được con người ông không thuộc về những sáng tác tuyên giáo. Mặc dù là người tham gia kháng chiến, và rất nhiều bài ca của ông (kể cả bài Bến Xuân tôi viết ở trên) đã bị cải biên theo hướng kháng chiến. Con người của Văn Cao thuộc về nơi chốn cô liêu lãng mạn, đi tìm tình yêu và tự do. Hôm nay thế kỷ 21, chúng ta có thể dễ dàng nói về tình yêu, hay thể hiện được quan điểm cá nhân, nhưng ngày đó, hoàn cảnh miền Bắc khi ấy, cũng như cuộc chiến chống Mỹ đang ở hồi cam go, thì các hơi hướm sáng tác của Văn Cao bị đẩy sang hướng của cái gọi là “đường lối văn nghệ tư sản trụy lạc”, gần gũi với tư tưởng tư bản, và chối bỏ tầng lớp nhân dân. Cuối cùng, Văn Cao lại còn làm bạn với Phạm Duy và nhận về sự ngưỡng mộ của những nhạc sĩ miền Nam. Thậm chí từng có lời đồn đại rằng, Văn Cao không đề cử “Tiến Quốc Ca” làm Quốc Ca. Ca khúc mà ông đề cử chính là “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương – một nhạc sĩ thiên tài và u uẩn của miền Nam. Từng đó yếu tố đẩy ông vào trong vụ án Nhân văn giai phẩm.
Điều gì đến cũng đã đến, năm 1960, Văn Cao bị đưa đi cải tạo lao động tại khu gang thép Thái Nguyên. Ông bị ốm nặng, mổ dạ dày, được cho về. Từ đó, ông rời xa chốn văn nghệ. Sống âm thầm tại Hà Nội bằng nghề dịch sách, tô ảnh màu. Vị tiên của những ca khúc bạt tụy sống mòn trong cảm giác bị theo dõi, bất mãn, và đau khổ. Ông bị giam cầm trong cô đơn dằng dặc cho đến năm 1976. Ca khúc đầu tiên sau khi được “giải phóng” mà ông viết chính là “Mùa xuân đầu tiên”, viết trong tình trạng đặt hàng nhưng vẫn hay đến sửng sốt lòng người, vẫn gửi đến những ca từ tinh tế và mỗi tết đến xuân về chúng ta vẫn lại được nghe.
Ngày 10 tháng 7 năm 1995, cha đẻ của Quốc Ca nước Việt Nam, người nhạc sĩ thiên tài, đa tài và đọa đầy của âm nhạc Việt Nam trút hơi thở cuối cùng. Dân tộc đã có một Văn Cao, và dân tộc đã mất đi một Văn Cao trọn vẹn vì thời cuộc.
Lời kết:
Thật sự không biết kết như thế nào về ông, thôi thì mượn lời của hai nhạc sĩ xuất chúng khác khi nhắc về Văn Cao để tôn ông lên vậy.
Trịnh Công Sơn viết:
"Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng.
Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.
Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.
Quanh anh Văn là tranh. Là thơ. Là nhạc.
Vốn liếng cạnh tôi cũng là tranh, là thơ, là nhạc.
Anh và tôi đi trên cùng một con đường. Nhưng, anh là anh mà tôi vẫn là tôi. Cái lớn vô cùng và cái nhỏ cũng vô cùng...
Anh đã từng nhiều năm nặng nợ với âm nhạc, thi ca, hội họa. điều ấy có thật nhưng nhiều khi tôi vẫn băn khoăn và tự hỏi: Anh là ai mà lưu lạc giữa chốn Thiên Thai này?”.
Phạm Duy thì nói ngắn gọn hơn:
“Chỉ có Văn Cao mới dẫn dắt chúng ta đến đỉnh cao nhất của tình ái, cũng như đưa ta đến sâu thẳm nhất của khổ đau.”
(8/12/2021)
Ảnh chụp đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao mồng 5 Tết Nhâm Thân (1992)
Ảnh chụp đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao mồng 5 Tết Nhâm Thân (1992)
Nhạc sỹ Văn Cao và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Nhạc sỹ Văn Cao và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Bài viết theo tư liệu và quan điểm cá nhân của Dũng Phan!