Nhạc indie- nguồn sống bất tận.
Nhạc indie mấy năm gần đây nổi lên như một làn gió mới, đang dần chiếm được nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là người...
Nhạc indie mấy năm gần đây nổi lên như một làn gió mới, đang dần chiếm được nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là người trẻ. Đây không phải một dòng nhạc, mà là một tư duy làm nhạc. Hiểu đơn giản, indie là vắn tắt của Independence, có nghĩa độc lập.
Độc lập là sao? Chính là tự do cũng như tự thân sáng tác và công bố sản phẩm âm nhạc, không có ekip hùng hậu hỗ trợ, chất liệu thường là mộc (guitar và những nhạc cụ thủ công, âm thanh không cần nhiều qua sự chỉnh sửa của máy móc). Tư duy người làm nhạc được đặt lên hàng đầu, ca từ được trau truốt, thể hiện cá tính tác giả và nhìn chung không có xu hướng nhắm đến phần đông thính giả. Nhạc của họ viết ra để nhằm phục vụ bản thân họ, là khát khao nói lên cái tôi, không để thỏa mãn bất kỳ ai. Nhạc sĩ indie vì thế mà ai cũng cá tính, họ có quan điểm mạnh và rõ về cuộc sống, cộng thêm tư duy âm nhạc ngược dòng mainstream, tạo nên nét riêng của mỗi người.
Chọn theo đuổi idie thường do đam mê, hiếm có ai lấy tiền bạc làm mục tiêu. Đây là công việc đòi hỏi sáng tạo về ngôn ngữ lẫn ý tưởng là những nhân tố quyết định, không như nhạc thị trường có thể khỏa lấp phần hụt ở hai khía cạnh này bằng một phông beat bắt tai hoặc một đoạn dạo giữa của các nhạc khí điện tự, hoặc tiết chế lời đến mức tối đa và phối bản nhạc thành remix để khuấy động không khí. Người làm nhạc tư tưởng khác nhau, mục đích cũng khác nhau và không có thước đo chung để so sánh được ai hơn ai kém vì mỗi bên đều mạnh về mặt chuyên môn của mình, như mainstream đánh vào gu nhạc chung của đông đảo người nghe trong khi indie chạm tới phần còn lại. Việc đòi hỏi cao về sức sáng tạo trong ngôn ngữ buộc nhạc sĩ indie phải luôn luôn trau dồi, tìm tòi, luôn thay đổi góc nhìn để lấy được những lát cắt lạ trong đời sống xã hội cũng như tinh thần. Tiền của không thể dùng làm thước đo sự thành công trong nhạc indie, chính vì bản chất của nó là một khái niệm nặng tính vị kỷ, nên mọi thước đo hay phép đo là do mỗi người nhạc sĩ tự đặt ra cho mình. Hơn nữa, kiếm tiền được đồng nghĩa với sự ủng hộ của quần chúng mạnh mẽ, có nghĩa nghệ sĩ nổi bật và bước ra khỏi góc tối để làm nhạc CHO MỌI NGƯỜI, sẽ viết theo yêu cầu và các đơn đặt, âm nhạc sử dụng làm phương tiện trao đổi và sáng tạo nhiều khi chỉ là những bài vở cũ xào nấu lại, con đường này đi trái với quy cách chung của những nhạc sĩ sống chết cùng indie. Không phủ nhận lượng người nghe nhạc indie khá giới hạn, nhưng dám cá một điều số người đã ưa thích thì sẽ trung thành bền lâu, cũng nhờ những quy tắc có phần khắt khe của âm nhạc loại này.
Được coi là một lối làm nhạc, indie là một thế giới song song của mainstream, cũng có đa dạng dòng nhạc, khác chăng là không đầu tư quá kỹ càng về âm thanh. Có thể kể ra vài thể loại: Indie pop, Indie rock( hay Alternative rock), Blue indie,... Đặc biệt là Alternative rock, loại nhạc đặc biệt hấp dẫn, có mị lực của rock nhưng không quá đậm tính metal, dễ nghe và cảm thụ hơn với nhiều người. Cá nhân người viết là một fan của rock soft- metal, loại rock nhẹ, nên nghe indie ngay lập tức bị cuốn hút bởi Alternative rock. Dịch thô, Alternative rock nghĩa là "nhạc rock thay thế", và cụ thể là thay thế những nhánh rock đại chúng, nó bắt nguồn từ làn sóng nhạc ngầm độc lập, rồi dần tiếp cận rộng rãi hơn. Alt- rock (cách gọi khác của alternative rock) sinh ra từ punk rock nên mang tính chất punk rock, đặc trưng là tinh thần tự thân vận động cùng cụm từ thương hiệu: DIY - "Do it yourself" đủ để thể hiện thứ nhạc được sinh ra không lệ thuộc vào bất cứ một khuôn khổ nào. Hiện tại, nền âm nhạc indie Việt Nam đang chứng kiến những tên tuổi có chỗ đứng ngày càng vững chắc, 2 trong số đó đi theo dòng rock indie: một bên là đại diện của miền Bắc, những chàng trai Hà thành với phong cách đa dạng đầy sức trẻ: Ngọt band; phía bên kia có phần bụi bặm phiêu lưu hơn, một cái tên lâu năm của indie miền Nam: CHH ( Cá hồi hoang).
Quả thật indie vốn ít có hỗ trợ về âm thanh, tuy nhiên hai band nhạc kể trên, khả năng hòa âm phối khí của thành viên cũng đã khá tốt, nên chất lượng nhạc không hề thua kém so với nhiều bài nhạc được đầu tư cả ekip sản xuất. Với khả năng chơi lead guitar xuất sắc, Chí Hùng đã tạo nên màu nhạc đặc sệt phong vị của Ngọt, cậu cũng biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau và là người chịu trách nhiệm mix và master cho các sản phẩm của band, đáng nể hơn là chàng trai này mới chỉ 21 tuổi. Cậu được Thắng - nhóm trưởng cũng là người sáng tác các ca khúc cho nhóm- nhận xét ngắn gọn trong hai chữ: "thần đồng". Còn ở Cá Hồi Hoang người chơi lead đồng thời là nhóm trưởng: Thanh Minh (Ming) có kinh nghiệm dày dạn, kỹ thuật chạy solo tốt, hơn nữa còn sử dụng nhiều hợp âm phức tạp đi suốt cần đàn, hiệu ứng âm thanh cho ra vô cùng chuyên nghiệp. Thành (Luke)- người cùng với Ming đã khai sinh CHH- là vocal chính, sáng tác chính, đảm nhiệm cả vai trò hậu kỳ phòng thu.
Về đề tài khai thác, tùy vào mỗi nhóm sẽ có những mảng màu quen thuộc, nhưng nhìn chung họ không bó khuôn mà sẽ luôn có đột phá, tìm ra cái mới mẻ. Nhạc của Ngọt đơn giản , thường mang thông điệp cuộc sống, cùng lúc phản ảnh cả hai mặt tốt xấu của xã hội ("Cá hồi" chẳng hạn, nó vừa thể hiện ý nể phục vừa giễu nhại, có những người nỗ lực cố gắng rất nhiều nhưng không có mục đích thì thà "buông tay cho dòng xuôi thân" cho thanh thản lòng), nhạc CHH tích cực sử dụng nhiều chất liệu từ jazz, blue,... để đổi màu chính mình qua từng bài hát. Nếu là người quan tâm tới indie Việt, hẳn không xa lạ với một Vũ lãng mạn khi nào cũng phảng phất nét buồn trên con chữ kể cả trong bài hát vui nhất "Mình anh cứ ngồi nơi đây đợi chờ ai đợi chờ ai/ Mà bao nhiêu vấn vương", một Trang chậm rãi nữ tính và mơ mộng, một Kiên có phần thô kệch nhưng không thiếu những ý tứ lắng đọng (như trong "Thế kỷ 21 buồn"), và không thể không kể đến Lê Cát Trọng Lý -một cô gái mang cái nhìn ưu tư về nhân thế khiến người nghe liên tưởng tới cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc của chị ru người ta về bến xa nơi không vương bụi trần, nếu phong chị là truyền nhân của vị cố nhạc sĩ tài hoa cũng không ai có lẽ gì phản đối ...
Suy cho cùng, âm nhạc đã có lao động miệt mài để cho ra sản phẩm thì đều là những thành quả đáng quý như nhau, nhưng thiết nghĩ, cần hơn sự quan tâm dành cho nhạc Indie vì nghệ sĩ đi theo lối này vất vả hơn gấp bội những người khác, và cũng là một cách để thừa nhận sự cống hiến thầm lặng của họ đối với nền âm nhạc đất nước. Có người sẽ cho rằng không cần làm vậy, vì cơ bản nhạc sĩ indie đã chọn đứng trong tối làm nhạc, như vậy họ mới tự do sáng tạo được, họ chỉ thật sự vì đam mê khi ở thế giới của họ. Tuy nhiên, cũng cần ít nhiều sự để mắt của những người có chuyên môn, để mọi người biết đến họ nhiều hơn, biết về một góc nhỏ nơi có những người sống lẫn vào đám đông nhưng cách họ sống và coi âm nhạc như hơi thở khiến ai lắng nghe nhạc của họ đều bị rung động bởi sự đồng cảm chân thành giữa người với người, chứ không hề có khoảng cách của nghệ sĩ- quần chúng.
Ngay ngày hôm qua, chương trình Sing my song ở vòng chung kết đã xướng tên Lộn Xộn- một band nhạc indie ra đời từ năm 2016, còn rất mới, nhưng đã gặt hái được thành công. Qua chương trình, tài năng của họ đã được biết đến nhiều hơn, và chứng minh cho công chúng thấy, nghệ sĩ độc lập không hề kém cạnh ai trong khoản sáng tác, và có khi còn vượt trội. Cái tên về hạng nhì, Andiez Nam Trương, cũng là một indie artist mới xuất hiện, là tác giả của ca khúc "1 phút" được khá đông bạn trẻ ưa chuộng. Đây là một niềm vui chung của cộng đồng indie cũng như những người yêu nhạc của họ. Cần có những chương trình như Sing my song để những tài năng đang ngủ sâu của âm nhạc được phát hiện. Còn biết bao viên ngọc quý nằm im dưới cát, chưa lộ ra với nắng trời.
Ta đang bước nơi thành phố này, tự nhiên cũng thấy khiêm nhường đi. Vì quanh ta có bao nhiêu tâm hồn nghệ sĩ ẩn bóng, không phô trương, trầm lặng đời sống âm nhạc của mình. Để từ đó, ta thấy yêu thêm thành phố, yêu thêm đất nước, càng say đắm hơn những giá trị đẹp trong tâm hồn.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất