Mình là một 9x đời đầu, từ hồi cấp 2 đã dành tiền ăn sáng đi mua đĩa nhạc Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly, Minh Tuyết. Mê mẩn những bản nhạc hoa lời Việt, MV cổ trang lâm li bi đát. Vừa đạp xe đi học vừa hát nghêu ngao, chép lời vô lưu bút, sổ tay, xịn hơn nữa thì sưu tầm những tờ poster to cỡ một bàn tay, mặt trước in hình ca sĩ, mặt sau in lời đem tặng nhau, kẹo vô sách vở.
Một mùa thu đã qua rồi, em đâu hay biết thu tàn
Xin yêu em từ muôn kiếp, đem yêu thương về nơi xa. Xua đam mê vào đêm tối tăm
Đường vào tim em ôi băng giá
Những câu này có 8X, 9X (đời đầu) nào không nhớ, bởi đã in hằn vào trong miền vô thức.
Buổi chiều, cô gái đang quét lá xoài trong sân, bạn nam nhà hàng xóm mở nhạc Lam Trường, lại còn bật loa rồi đứng bên kia hàng rào dâm bụt len lén ngó qua.
“Nhiều lần ngập ngừng muốn ngỏ ý, tiếng yêu đương sao không thành câu”
Cô gái chỉ biết cặm cụi quét lẹ lẹ rồi vô nhà, kẻo má la. Giờ anh bạn hàng xóm ấy đã vợ con. Người lớn hay trêu sao cách nhau có cái hàng rào, hai đứa bây hồi xưa không quen nhau đi cho rồi. Biết nói sao. Thiên địa tình duyên mà.
Đến thời sinh viên cũng có vài kỉ niệm với mấy bài nhạc Hoa mà "người ta" hay hát hoặc gởi cho nghe.
Có quãng thời gian đi làm ở Hà Nội, điện thoại replay duy nhất một bài Chiếc lá mùa đông.
“Em hỡi nếu mộng đẹp có thể thôi, xin hãy giữ lại phút giây sau cùng”
Trong cái lạnh 10 độ của tháng 12, từng câu cất lên tê tái như gió mùa về ngoài kia.
Những lúc đi xa, trên những chuyến xe, chuyến bay tôi hay nghe Tháng năm vội vã – Vương Phi. Dù không hiểu lời nhưng cảm xúc về tuổi trẻ nồng nhiệt, đi cùng năm tháng chạy đua với dòng đời hơn thua, được mất, là có thật.
Tại sao nhạc Hoa lại gắn bó sâu sắc với một thế hệ người Việt đến vậy? Theo Wiki, là do cơn sốt phim truyền hình Hồng Kông (đặc biệt là phim của đài TVB) trên khắp Đông và Đông Nam Á vào những năm 1980 - 1990 đã giúp phổ biến dòng nhạc C-pop nhẹ nhàng, trữ tình (bao gồm cả Cantopop và Mandopop) ở thị trường Việt Nam, tạo nên phong trào "nhạc Hoa lời Việt" trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ. Thời đó người ta không chỉ nghe Loan Châu Paris By Night hát “Này người yêu hỡi xin đừng quay bước, Vì em đã trót yêu anh” mà còn mở cả “Ni wen wo ai ni you duo shen. Wo ai ni you ji fen” của Đặng Lệ Quân, văng vẳng bên tai mãi đến thuộc luôn lời dù không biết chữ tiếng Hoa nào ngoài Wo ai ni. 
Những ca sĩ nổi danh Làn sóng xanh, không ít người gắn bó tên tuổi mình với ca khúc nhạc Hoa từ những ngày đầu tiên. Giai điệu nhẹ nhàng, du dương đặc trưng, ca từ dạt dào sướt mướt, sến súa vô bờ. Vậy nhưng không có cảm giác “mì ăn liền” như những bài nhạc thị trường Việt Nam sau này. 
Khi Internet dần phổ biến rộng rãi, KPop, nhạc Âu Mỹ ngập tràn trong giới trẻ, VPop cũng phát triển đa dạng không kém. Mình vẫn tiếp nhận những cái mới, tích cực của thời đại. Mấy bài của Ed Sheeran hay những bài như "Thời thanh xuân sẽ qua" cũng hay ho, dễ thương.
Mục đích đơn thuần nhất của âm nhạc là thư giãn, giải trí, làm phong phú đời sống tinh thần. Mỗi người có quyền lựa chọn theo sở thích, tính cách, cảm nhận cá nhân. Mới hay cũ đều có nét hay và giá trị riêng. Nhạc cũ (ở đây nhấn mạnh đến riêng nhạc Hoa) là cái gì đó mà nếu lúc nào vô tình vang lên ở quán cafe, trên xe taxi hay lướt thấy ai đó share trên facebook, thì tự dưng bồi hồi lắm. Như tình xưa yêu dấu, qua rồi mà cứ vấn vương.
Music is the moonlight in the gloomy night of life – Jean Paul. 
Đã xấp xỉ hết ½ cuộc đời, với mình và những người cùng thế hệ, nhạc Hoa lời Việt là nhạc nền cho cuốn phim về những mảnh ký ức thời gian đã qua.