“Nhà mình đến tiền cho mày đi học còn chẳng có, đừng nghĩ đến chuyện ăn chơi đàn đúm bạn bè!”
Mẹ nhớ không, con từng kể với mẹ về một người bạn cùng lớp của con. Nhà cậu ấy thật ra cũng chẳng đến mức quá nghèo, chỉ là bố mẹ nông dân, đi làm thuê làm mướn cho người ta, chứ không có lương hàng tháng ổn định như nhà mình.
Mẹ nhớ không, có một lần con cùng bạn được đi học Trường Hè. Ở một nơi rất nhiều các bạn đến từ những vùng miền khác nhau, và những buổi liên hoan gắn kết mà bạn chẳng dám đi bao giờ. Thậm chí những bữa ăn bình thường bạn lấy ít cơm lắm, rủ đi ăn cơm rang một bữa bạn cũng nói không có tiền, chỉ lủi thủi mãi một góc phòng kí túc.
Mẹ nhớ không, để có những chuyến đi học, đi ôn thi ấy, hội phụ huynh của lớp đã góp vào cho bạn. Đến một ngày bạn học không tốt, áp lực quá, bạn khóc và nói với con rằng: “Hay bây giờ tao xin rút khỏi Đội tuyển được không, tao xin mẹ bằng mọi cách trả lại hết số tiền đấy cho quỹ lớp.”
Mẹ nhớ không, những buổi liên hoan như Khai giảng, 20/11,… chẳng mấy khi thấy bạn đi cùng cả lớp vì luôn nói: “Không có tiền!”
Con từng nghĩ, một người cha, người mẹ, độc ác nhất chính là khi nói với con cái họ rẳng nhà mình nghèo, nhà mình không có tiền, thậm chí là tiền cho mày đi học. Nhưng rồi vẫn có để xây nhà 2 tầng, sân rộng thênh thang. Bạn ấy là một đứa chăm chỉ, sau này rồi đạt giải Quốc gia, nhưng mãi cũng chẳng biết rốt cuộc bản thân mình muốn học và làm gì, hay công việc đó có hợp với bản thân mình không. Bạn lại vùi đầu vào sách vở, bạn thường khóc vì áp lực, bạn mệt mỏi vì một tương lai vô định không đam mê, cuối cùng cũng vào An ninh rồi, nhưng lí do lớn nhất vẫn là, vì được miễn học phí.
Thật tốt hơn cho con vì đã được sinh ra trong gia đình mình. Bố mẹ làm công ăn lương, mặc dù có thể một tháng cũng chỉ hơn chục triệu nuôi sống cả ba người thôi nhưng lại ổn định chứ chẳng ai muốn đặt gia đình mình vào danh sách hộ nghèo cả.
Bố mẹ chưa bao giờ nói về chuyện tiền bạc với con, mặc dù con biết rằng đôi khi thiếu thốn lắm, nợ nần để mua nhà, mua xe, trả góp đến mấy năm rồi vẫn chưa hết. Rồi đến lúc bố nghỉ hưu, bố đi chạy xe kiếm thêm cũng được kha khá đủ dùng. Bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con, cho bằng bạn bằng bè, điện thoại, máy tính, quần áo, sách vở. Mẹ cũng khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, những bữa liên hoan vì mẹ hiểu đó là cách tốt nhất để con có thể xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và phát triển bản thân, mặc dù đôi khi tốn kém, những bố mẹ lúc nào cũng lo được.
Cho đến mãi những đến ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, bố không đi chạy xe được, và tất nhiên thiếu thốn, nợ nần chồng chất bắt đầu ép con phải thực sự hiểu vấn đề tiền bậc của gia đình. Con lớn rồi, năm nay con thi Đại học.
Mẹ có nhớ những ngày mẹ cho con cùng bạn bè đi dự Open Day của NEU không, thực ra cho đến bây giờ đó vẫn luôn là ước mơ của con. Con thích trường, thích nhóm ngành Kinh tế. Con có nói với mẹ mà, con cũng để 3 nguyện vọng đầu vào trường nữa cơ. Nhưng ngay sau đó khi tìm hiểu về vấn đề học phí, có lẽ mẹ không biết con đã khóc. Hôm đó bố có nói với con, bao nhiêu bố mẹ cũng lo được, con cứ thích thì để, con giỏi giang, sau này còn lấy được cái học bổng nữa thì lo gì. Vậy nhưng con cũng chẳng có chút tự tin nào vào bản thân mình như thế đâu. Đến cuối cùng con đổi nguyện vọng rồi, con giấu bố mẹ rằng tìm hiểu lại thì con thích như vậy hơn, những thực ra, chưa bao giờ con bỏ đi ước mơ NEU.
Những ngày ôn thi lại mang áp lực nặng nề về vấn đề tiền bạc và học phí như vậy, con chỉ mong nhanh nhanh được về Hà Nội rồi kiếm việc làm thêm, chỉ là đi bưng bê cũng được, để giúp đỡ cho bố mẹ, ít nhất là phải tự lo được cái khoản ăn uống cho bản thân mình.
Hôm đó con mệt mỏi quá, con chẳng giỏi giang cũng sắp đến ngày thi cử mà vẫn nặng nề trong tâm lý. Bố không thấy con học bài, đã quát con một trận mà làm con nhớ mãi đến giờ có lẽ vẫn một chút ấm ức. Con của hôm đó đã nói với bố một câu: “Con xin bố đấy, con áp lực lắm rồi, bố đừng nói như thể bố cho tiền con ăn học mà con lại chẳng được cái tích sự gì. Con đã cố gắng hết sức rồi mà, sau này con kiếm được con trả nợ cho bố hết có được không?” Chính là buổi tối sau ngày thi đầu tiên, con khóc ướt gối.
Bố không tâm lý như mẹ, và con biết con sai, biết rằng cả đời có làm được bao nhiêu cũng không bao giờ đủ để trả cho công nuôi dưỡng của bố mẹ. Nhưng con rất sợ, con đau lòng không dám nói ra, con bé 18 tuổi chẳng giúp gì được về vấn đề tiền bạc cho bố mẹ cũng như không thể giải phóng được tâm lý cho chính bản thân mình.
Và rồi cũng đến ngày con nhập học, 11 triệu đồng chuyển đi cho cả năm học (chỉ bằng một nửa so với NEU), mà con biết đó gần như là toàn bộ số tiền trong tài khoản của bố. Những ngày nghỉ dịch bố ở nhà chẳng thể đi chạy xe, rồi bắt đầu có những cuộc cãi vã về tiền bạc giữa bố mẹ, nhiều lúc con cảm thấy bản thân thật vô dụng và tệ thật đấy, con chẳng biết phải làm điều gì ngay lúc này.
Hôm qua mẹ có mắng con vì con vụng về hay làm rơi điện thoại, những lần đầu tiên mẹ nói rằng tiền đã chẳng có, bây giờ làm hỏng cái gì chẳng có tiền mua đâu. Con sợ nhất khi phải nhắc đến vấn đề tiền bạc đến phát khóc. Rồi đến hôm qua mới buột miệng nói với mẹ sau bao lần con chỉ biết nhịn lấy và cắn răng chạy vào phòng.
Con biết mẹ giận con nhiều, mẹ nói con sai rồi, rất sai từ lần trước con nói với bố rằng sau này con trả nợ cho bố. Con tiếc tiền nhiều chứ, nhưng mẹ ơi mẹ hiểu không? Tiền bạc thiếu thốn nói với một đứa trẻ mới lớn từ bé được bố mẹ bao bọc như con, giờ con chẳng thể làm gì để giúp đỡ bố mẹ, 18 tuổi nhưng bố mẹ vẫn tiếp tục phải nuôi con, mà tiền học Đại học còn nặng nề hơn nhiều.
Con muốn tâm sự với mẹ về vấn đề này nhiều, nhưng cuối cùng chẳng dám lại chỉ tự viết ra cho mình đọc. Có lẽ, con sẽ phải cố gắng thật nhiều mẹ ạ. Rồi khi nào con được nhận những tháng lương đầu tiên, con gửi mẹ, mẹ đọc nha.
Con xin cảm ơn mẹ, và xin lỗi mẹ. thật nhiều!