Mấy tuần trước mình được người chú thân thiết hỏi về vấn đề này vì lúc đấy nó cũng khá nổi bất, hay xuất hiện ở trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mình cùng chú bàn luận một lúc cũng sôi nổi phết rồi cũng đi tới kết luận cuối cùng. Thực ra mình cũng đã ngâm cứu đề tài này một thời gian dài rồi, cũng phân vân không biết  có nên viết bài về chủ đề này không vì nó rất nhạy cảm. Nhưng cuối cùng thấy rằng cái gì giữ lại trong đầu lâu quá thì cũng sẽ trở thành gánh nặng  vậy nên mình viết ra hết để để cho đỡ phải đắn đo, suy nghĩ về vấn đề này.
    Đây là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum và cũng về một chủ đề rất nhạy cảm vậy nên nếu có gì sai sót hi vọng mọi người góp ý trên tinh thần phê bình xây dựng. 
    Hiện tượng phân biệt đối xử với người gốc Á xuất hiện ở nhiều nước phương Tây tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ chỉ tập trung vào nước Mỹ vì nếu như phân tích các quốc gia khác thì bài viết sẽ cực kỳ dài. Mình cũng không có đủ thời gian và công sức để tìm kiếm tài liệu. Mong sau khi viết xong không bị nhận về một rổ gạch đủ để xây cả ngôi nhà.
Nguyên nhân trực tiếp
    Cái này thì rất dễ thấy vì ai cũng biết rồi. Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc sau đó lan ra toàn thế giới đã gây ra một đại dịch ở quy mô toàn cầu. Người dân toàn bộ thế giới đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch: các quốc gia tiến hành phong tỏa nên không có khách du lịch, ngành dịch vụ điêu đứng dẫn tới số người thất nghiệp tăng chóng mặt, hàng trăm nghìn người chết vì dịch bệnh... Trong đợt bùng nổ lần thứ nhất và lần thứ hai thì các quốc gia phương Tây bị ảnh hưởng nặng nhất. 
Nguồn: Báo Nhân Dân
    Từ biểu đồ này cho thấy tổng ca mắc và tử vong của Châu Âu và Bắc Mỹ cao ngất ngưởng so với Châu Á mặc dù dân số châu Á là khoảng hơn 4,5 tỷ người-cao hơn rất nhiều so với Châu Âu và Bắc Mỹ. Lúc đó cả thế giới phương Tây đã hướng mũi dùi vào Trung Quốc, cho rằng chính nước này đã sử dụng Covid-19 như một loại vũ khí sinh học. Thậm chí Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng thuật ngữ "kung flu" ghép từ hai chữ "kungfu" nghĩa là võ thuật của Trung Quốc và "flu" có nghĩa là cúm để miệt thị nước này. Sau đó thì một loạt các hành động phân biệt đối xử với người Châu Á lan rộng ở khắp các nước Mỹ.  Tiêu biểu là ở  Atlanta, Mỹ đã xảy ra một vụ nổ súng vào tiệm Spa của người Việt vào ngày 16-3-2021 khiến 8 người thiệt mạng. Nhiều người hỏi tại sao người Trung Quốc chỉ là một bộ phận của người châu Á mà người Ấn Độ, người Việt Nam, người Nhật Bản... cũng trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử. Có thể hiểu là người Mỹ cũng chưa có sự nhận thức về tính đa dạng của người châu Á. Khuôn mẫu đối với người châu Á thường là giỏi toán,  da vàng và có khuôn mặt tròn... Đều này có thể do người châu Á thường ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ nên đa số người dân không có nhận thức về sự đa dạng này. Mình cũng thông cảm.
Nguyên nhân sâu xa
    Bây giờ là phần phức tạp rồi nhé, mình đã thử tham khảo đủ các bài viết trên mạng cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Mình đã có thử tổng hợp trên mạng và đưa xin đưa ra một số nguyên nhân sau:
- Trong quá khứ, khu người châu Á được truyền thông Mỹ miêu tả là nơi bẩn thỉu, người châu Á thường ăn những loại đồ ăn độc hại nên được coi là một ổ dịch.
- Hình ảnh của người châu Á trong quá khứ thường được miêu tả tiêu cực, liên quan đến các giai đoạn trong lịch sử như Phong Trào Nghĩa Hòa Đoàn hay sự sụp đổ của nhà Thanh... Ngày nay vẫn có rất ít diễn viên, người mẫu gốc Á thành công ở phương Tây nên hình ảnh người châu Á vẫn ít được biết tới ở phương Tây.
- Một bộ phận người châu Á thường ăn những món ăn như thịt chó, thịt dơi và côn trùng - những món ăn đối với người phương Tây được coi là cực kỳ mất vệ sinh. Dễ gây ra mầm bệnh.
- Sự trỗi dậy về mặt kinh tế của các quốc gia châu Á đã và đang cạnh tranh trực tiếp tới các quốc gia phương Tây, khiến phương Tây không còn là người dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực .  Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Khủng bố da vàng

Người nhập cư gốc Á

Henry Golding, diễn viên nổi tiếng gốc Á tại Hollywood
nhóm nhạc BTS, biểu tượng thành công của làn sóng Hàn Quốc tại Mỹ
  Phần tiếp theo là về ý kiến cá nhân của mình. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tới hiện tượng phân biệt đối xử người châu Á không phải là từ những vấn đề trong quá khứ mà từ chính phong trào nhập cư vào Mỹ của người châu Á. Mình không phủ nhận chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, nên thị trường lao động toàn cầu giúp một người nay có thể làm ở Việt Nam, mai làm việc cho một công ty Thụy Sĩ tại một trụ sở nằm tại Sydney, Úc là việc bình thường. Vậy nên việc người dân châu Á nhập cư vào các nước phương Tây theo diện việc làm với mình không có gì bất thường. Có điều sau khi nghiên cứu kĩ thì có rất nhiều cái hại hơn là cái lợi. 
Mình xin lấy một phóng sự của Vice News  để bàn luận về vấn đề này:


  Từ phóng sự này thấy được rất nhiều vấn đề. Ở đầu phóng sự đã đề cập đến cuộc đình công của giáo viên thành phố Chicago. Chi tiết về cuộc đình công này có thể xem tại đây.  Nguyên nhân là do mức lương khởi điểm họ trả cho giáo viên tương đối thấp. Theo bài viết này lương sẽ là 56,000$/ năm đối với giáo viên mới đã gia nhập công đoàn trong khi đó để có được một cuộc sống thoải mái ở đây thì mình tham khảo trên business insider thu nhập phải  là khoảng 67,000$/ năm. Nghĩa là nếu một người lao động muốn theo đuổi nghề giáo viên thì chắc chắn phải chấp nhận việc những năm đầu đi làm sẽ rất khó khăn do tiền lương thấp mà chi phí sinh hoạt lại cao. Vậy nên công đoàn tiến hành đình công yêu cầu tăng lương 15% trong 3 năm. Cuộc đình công thành công hay thất bại mình không nắm rõ. Tuy nhiên có thể thấy một thực tế là ở Mỹ ngành giáo dục đang thiếu nhân lực. Đều này dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên ở các trường công ở bang Illinois, Mỹ. Theo quy luật thị trường thì khi khi một ngành nghề đang bị thiếu lao động, thì nhu cầu tuyển dụng ngành đó chắc chắn sẽ tăng. Mà khi nhu cầu tăng lên thì tất nhiên mức lương ngành đó sẽ phải tăng. Tuy nhiên hiệu trưởng các trường công ở Chicago lại không muốn tốn tiền nên đã tìm ra một giải pháp theo kiểu "điền vào chỗ trống" là tuyển dụng giáo viên tới từ Philippines thông qua chương trình visa J-1.  
    Lý do họ chọn giáo viên tới từ Philippine là vì người Philippines nói tiếng Anh và hệ thống giáo dục của 2 quốc gia có sự tương đồng lớn nên cũng có thể làm giáo viên ở Mỹ được. Nhưng nguyên nhân chính là giáo viên người Philippine chấp nhận được trả mức lương thấp hơn so với mong muốn của giáo viên người Mỹ. Theo phòng sự trên thì  mức lương khởi điểm sẽ là 52,000$/ năm, cao hơn rất nhiều so với mức lương 3,500/$ năm ở Philippine nhưng thấp hơn so với mức lương 56,000$/ năm của các giáo viên người Mỹ. Đến cuối phòng sự ta còn biết được không chỉ có mỗi trường công ở Chicago, Ilinois mới áp dụng biện pháp này mà các trường học trên toàn bộ nước Mỹ cũng đã áp dụng. Từ đây mình thấy một nghịch lý rất lớn của cả quá trình toàn cầu hóa, đó là người lao động ở các nước đang phát triển nhận được một mức lương thấp, nên họ đi tới các quốc gia phát triển với ước mơ về một khoản thu nhập cao hơn. Điều này rất bình thường vì đây là nhu cầu chính đáng của con người. Ai trong chúng ta đi làm chả mong lương cao. Tuy nhiên cùng lúc đó người lao động tại các quốc gia đã phát triển cũng nhận được một mức lương thấp nếu tính theo chi phí sinh hoạt tại nước sở tại nên họ đình công để đòi quyền lợi. Sau đó nhà tuyển dụng thay vì tăng lương cho người lao động lại thay thế họ bằng người lao động nhập cư vì họ chấp nhận mức lương thấp và ít yêu cầu thêm quyền lợi cơ bản.  Nếu như  tuyển dụng họ tại sao không trả họ mức lương tương đương người lao động tại nước sở tại cũng như cung cấp đủ phúc lợi? Trình độ của họ tương đương với người lao động sở tại thì họ cũng xứng đáng nhận được đồng lương tương xứng với mức lương trung bình của thị trường chứ.
    Câu truyện này không chỉ diễn ra ở mỗi lĩnh vực giáo dục mà còn diễn ra ở rất nhiều ngành nghề khác. Hiện tượng thuê ngoài không chỉ xuất hiện ở các công việc mang tính chất lao động chân tay như thợ xây, lao cộng hay tạp vụ mà còn rất phổ biến ở các ngành nghề yêu cầu bằng cấp và trình độ, tiêu biểu nhất là các công ty công nghệ lớn. Theo như bài viết này  thì các  developer phần mềm ở Mỹ có tới 39,22 % là người nhập cư. Mình không tìm được bài viết nào để so sánh xem nếu như một người nhập cư và người lao động tại nước sở tại làm cùng một vị trí  và cùng có một năng suất lao động thì ai sẽ được trả lương cao hơn nên rất khó đưa ra kết luận. Tuy nhiên các công ty vẫn thích tuyển người lao động nhập cư hơn vì nếu tuyển lao động toàn thời gian có quốc tịch Mỹ thì bắt buộc phải đóng bảo hiểm theo đúng luật. Ở Mỹ người lao động nhập cư hợp pháp  không thuộc diện Thường trú nhân (muốn có cái này cần phải xin thẻ xanh-cái thẻ này muốn xin được cũng vất vả lắm, các bạn cứ xem bài này) thì không được nhận hỗ trợ từ các chương trình An sinh xã hội của chính phủ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm tai nạn...). Nghĩa là nếu như muốn có bảo hiểm phòng trừ rủi ro thì họ phải bỏ tiền túi ra hoặc là có thể để công ty đóng tiền bảo hiểm. Sau 5 năm thì người nhập cư sẽ đủ điều kiện để để nhận bảo hiểm công Medicaid and the Children’s Health Insurance Program (CHIP). Đối với những người nhận visa H1-B thì không được nhận bảo hiểm công mà phải mua theo giá thị trường hoặc là mua thông qua sự giới thiệu của nhà tuyển dụng theo nhóm. Tuy nhiên công ty có hỗ trợ hay không, hỗ trợ bao nhiêu và cung cấp loại bảo hiểm nào thì đây có lẽ là sự thỏa thuận giữa 2 bên. Thậm chí những người Freelancer làm việc xuyên quốc gia  còn chẳng quan tâm đến cái này nữa vì về cơ bản họ làm việc ở đó từ 3 - 5 tháng rồi bay đi nơi khác nên không đủ tiêu chuẩn và cũng không có nhu cầu để được đóng bảo hiểm. Đều này khuyến khích các công ty tuyển dụng người lao động nhập cư, hạn chế tuyển dụng lao động tại quốc gia sở tại, kể cả trong những công việc yêu cầu kinh nghiệm và trình độ.
     Mình nhận thấy đều này vô hình chung tạo ra một vấn đề . Đó là người lao động nhập cư cứ tới ồ ạt , nhận mức lương thấp hơn mức lương thị trường rồi sau đó khoảng vài năm về nước hoặc đi tới quốc gia khác làm thuê (dĩ nhiên sẽ có một nhóm tìm cách ở lại, tuy nhiên đối với đa số thì từ lúc họ đặt chân tời Mỹ đến lúc nhận được quốc tịch Mỹ thì là một chặng đường rất dài) thì mức lương trung bình của mọi ngành nghề trong xã hội cứ thế trì trệ. Điều này thì người gánh hậu quả đầu tiên chính là người lao động sống tại Mỹ. Khi lương cứ trì trệ trong khi đó số tiền lương nhận được không theo kịp  lạm phát làm giá nhu yếu phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Dần dần tại áp lực cho cuộc sống của người dân. Theo bài viết trên Business Insider thì tiền lương của người Mỹ sau khi điều chỉnh theo lạm phát thì xảy ra một hiện tượng bất thường: tiền lương năm 2017 chỉ cao hơn 10% so với năm 1973, dẫn đến mức tăng lương thực tế hàng năm chỉ dưới 0,2%.
Nguồn:https://www.businessinsider.com/inequality-near-historic-highs-wages-stagnant 
    Thực ra nguyên nhân của tình trạng lương tăng trì trệ  có rất nhiều và người nhập cư thì chỉ là một trong số đó. Do đại suy thoái kéo dài từ năm 2008 đến 2012 khiến cho lương của người lao động không được tăng lên, do kết quả kinh doanh không khả quan các của doanh nghiệp nên sự nghiệp của nhiều người dậm chân tại chỗ, do nạn thất nghiệp trong khủng hoảng tài chính 2007-2008 , việc làm tạo ra trong ngành kinh tế chủ yếu là các công việc bán thời gian, sự đi xuống của các công đoàn... Mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố lên tình trạng lương trì trệ thì thay đổi theo từng phương pháp nghiên cứu, góc nhìn của từng chuyên gia kinh tế khác nhau, mình cũng không học kinh tế chuyên sâu nên cũng không thể đưa ra kết luận một cách chính xác nhất. Tuy nhiên cái đích là tạo những cảm xúc tiêu cực: sự chán nản, miệt mỏi thậm chí thù ghét, oán hận trong lòng người dân Mỹ. Đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tạo ra cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có kết hợp thêm sự công kích của truyền thông vào Trung Quốc làm cho làm cho những cảm xúc này bùng nổ. Dẫn tới phong trào kỳ thị người châu Á lan rộng. Phong trào này là cách phản ứng cực đoan của một bộ phận người dân Mỹ trước những khó khăn chồng chất mà họ gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Hành động này giống như bản năng tự vệ của con người trước mối đe doạ tiềm tàng, giống như người nguyên thủy phải luôn đề phòng thú dữ tấn công vào ban đêm vậy.
    Bài viết đến đây là hết. Vấn đề mình trình bày trong bài viết này khá nhạy cảm và phức tạp vậy nên hi vọng các cao nhân trên diễn đàn sẽ chỉ bảo thêm . Cá nhân mình chưa từng đi du học nước ngoài và cũng chưa có nhiều trải nghiệm quốc tế nên đa số thông tin mình có được dựa vào các tài liệu tìm được trên mạng như bài báo, phóng sự và thông tin từ những người nước ngoài mà mình biết nên không tránh khỏi sai sót. Mình xin khẳng định mình không chỉ trích các bạn  Việt Nam đi sang nước ngoài làm là phí công đào tạo của đất nước. Các bạn để sang đó làm cũng tốn không ít chi phí để học tập, đạt các chứng chỉ, và đi inter các kiểu...vv nên các bạn nên được trả mức lương đầy đủ và được đãi ngộ  xứng đáng. Kết lại bằng câu nói này:
Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp, người này co thì người kia hở"
Nam Cao
Tài liệu tham khảo: