Nguyễn Thành Nam có lẽ một cái tên không còn quá xa lạ trong giới kinh doanh và khởi nghiệp ở Việt Nam. Là một trong 13 thành viên sáng lập ra FPT, anh Nguyễn Thành Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm khi nắm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của FPT. Hiện anh Nam đang là nhà sáng lập Đại Học Trực Tuyến FUNiX, đồng thời kiêm vai trò chủ tịch của quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Endeavor.
Trong tập 5 của podcast Behind The C, host Việt Anh cùng anh Nguyễn Thành Nam đã có một cuộc trò chuyện đa dạng về những khía cạnh như quản trị, xây dựng đội ngũ, thiết kế công việc cũng như phát triển doanh nghiệp vững mạnh,...

Có một khoảng cách lớn giữa việc Học và Làm của sinh viên Việt Nam. Liệu đó có phải vấn đề mà anh và FUNiX đã nhìn ra?  

Về bản chất chúng ta sống trên cuộc đời này là đều phải HỌC. Muốn làm gì thành công cũng phải học cả. Thế nhưng trước đây chúng ta hay nhấn mạnh về chữ “DẠY”, tức là muốn học thì phải có người dạy, phải có thầy, nhưng thực tế không hẳn là có việc dạy đâu. Nó chỉ có học thôi, còn người thầy là người truyền đạt kiến thức và hỗ trợ bạn học tốt hơn. 
Bây giờ kiến thức có ở khắp nơi, tức là bạn có thể chủ động học ở bất cứ đâu. Cái quan trọng là học làm sao để kiến thức vào đầu. Và mấu chốt để làm được điều đó là phải biết đặt câu hỏi, mà câu hỏi lại xuất phát từ thực tế, từ thực hành.
Bác Hồ có một câu rất hay đó là “Thực Hành sinh ra Hiểu Biết. Hiểu Biết tiến tới Lý Luận. Lý Luận lãnh đạo Thực Hành”. Chúng ta cứ tưởng phải đi học mới có hiểu biết, nhưng phải làm rồi thì mới có hiểu biết. Làm rồi mà có vấn đề ở đâu thì bắt đầu về nhà lôi sách vở ra đọc để lý luận. Lý luận xong thì bắt đầu thực hành tiếp. 
Nếu làm tốt được điều đó thì bạn sẽ dễ thành công hơn, còn nếu lỡ thất bại thì cũng sẽ học được rất nhiều.

Làm thế nào để mình có một quy tắc xuyên suốt trong việc quản lý, thu hút và giữ chân nhân tài ạ? 

Thực ra đối với doanh nghiệp nào thì nhân sự cũng là vấn đề quan trọng nhất. Thực ra với anh thì không nhân tài hay nhân sự bình thường đâu. Cứ làm được việc thì là người tài rồi.
Nếu mà tuyển một đứa được coi là nhân tài rồi mà nó không làm được việc thì sao có thể gọi là người tài đúng không? Đó, nên vấn đề không phải là làm thế nào để thu hút nhân tài, mà anh phải nhìn nhận rằng là công ty có phát triển hay không. Công ty không có người tài mà phát triển được thì chả thích quá còn gì. 
Nó sẽ dẫn đến cái vấn đề là làm thế nào để thu hút được những nhân sự làm được việc cũng như hứng thú với công việc. Để làm được cái đó thì anh phải thiết kế được “bài toán” cho nhân sự của mình. Bài toán đủ thử thách, môi trường tốt thì nhân sự sẽ tự về.
Ra cái bài toán là xây cái đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 1 năm đi, khối đứa nó về làm. Còn xây trong 10 năm thì ai chả làm được. 

Khi anh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đâu là điều anh quan tâm nhất? 

Thực ra phải làm rõ cái từ văn hoá này trước vì chúng ta không có một định nghĩa chung thế nào là văn hoá cả. Với anh văn hoá doanh nghiệp không phải là công tác đoàn hội, team building hay văn nghệ thì lên hát gì cả. 
Anh thành công trong việc không làm doanh nghiệp tan vỡ thì điều đó quyết định văn hoá doanh nghiệp của anh. Vì văn hoá là thứ được sinh ra trong quá trình mọi người trong công ty cùng nhau giải quyết bài toán kiếm được tiền.
Nó cũng giống như nếp nhà vậy. Mọi người đều cảm thấy thoải mái và tuân thủ là được.
– 
Vừa rồi chỉ là một vài trích đoạn ý nghĩa từ buổi nói chuyện của anh Nguyễn Thành Nam trong tập 5 series Podcast Behind The C.
Vẫn còn rất nhiều chia sẻ chất lượng khác của anh đang chờ bạn lắng nghe.
Bạn có thể xem podcast cùng anh Nguyễn Thành Nam tại ĐÂY nhé: Bạn cũng có thể lắng nghe phiên bản audio của chuỗi podcast Behind The C, cũng như cập nhật những nội dung mới nhất tại:
______________
Kết hợp giữa “Behind the scene” (Hậu trường) và “C level” (Lãnh đạo cấp cao), Behind The “C” là một series podcast được mang tới bởi Spiderum Aristino, xoay quanh những cuộc trò chuyện chưa bao giờ được hé lộ cùng những lãnh đạo, những CEO, CMO, COO,... hàng đầu.
______________
Kết nối với các mạng xã hội của Người Trong Muôn Nghề tại: