I. Nobel kinh tế 2022 - Ngân hàng và Khủng hoảng tài chính

1. Vai trò của Ngân hàng:
Có thể nói, Ngân hàng thương mại (NHTM) giúp giải quyết 2 vấn đề quan trọng của nền kinh tế: (1) đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế, và (2) là kênh dẫn vốn chủ yếu nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Vai trò và hoạt động của ngân hàng tuy rất quan trọng nhưng đây cũng được coi là điểm yếu của chính bản thân hệ thống.
Đối với mỗi ngân hàng, tỷ trọng không nhỏ tài sản được thể hiện dưới dạng các khoản vay và đầu tư dài hạn trong khi đó nợ đến từ tiền gửi của khách hàng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ tiền gửi có thể là các khoản có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn, và khi so sánh với hoạt động cho vay hoặc đầu tư thì tiền gửi có thể rút ra bất kỳ lúc nào trong khi các ngân hàng muốn thu hồi khoản tiền cho vay hay đầu tư sẽ phải chịu những khoản phạt lớn. Điều này trực tiếp dẫn đến 2 rủi ro cơ bản của ngân hàng.
2. Rủi ro của Ngân hàng:
(1) Rủi ro thanh toán đến từ việc các khoản cho vay/đầu tư không mang lại đủ lợi nhuận, điều này có thể dẫn tới việc tài sản của NHTM mất đi giá trị và không thể thanh toán nợ (Ngân hàng có thể phá sản), và (2) Rủi ro thanh khoản đến từ hiện tượng tiền gửi bị rút một cách đột biến (Bank Run), các NHTM sẽ rất dễ tổn thương trước những tin đồn.
Với việc các NHTM thường chỉ giữ một tỉ lệ nhỏ tiền gửi dưới dạng tiền mặt (dự trữ bắt buộc), họ sử dụng tiền gửi của khách hàng để tham gia vào các hoạt động đầu tư, từ đó sinh lợi nhuận nhằm trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền. Điều này trực tiếp dẫn đến việc khi người dân đồng loạt rút tiền thì không một NHTM nào có khả năng trả lại toàn bộ tiền gửi cho người gửi. Khi một NHTM không thể đủ thanh khoản chi trả tiền gửi, NHTM phải bán tháo tài sản với giá rẻ, tuy nhiên ngay khi bán tháo tài sản với giá rẻ thì người gửi sẽ lấy đó làm tín hiệu xấu để gia tăng việc rút tiền khỏi ngân hàng, buộc ngân hàng phải tiếp tục bán tháo tài sản đến khi ngân hàng tuyên bố phá sản.
- Bank Run: là hiện tượng xảy ra khi rất nhiều người đồng loạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác do lo ngại các tổ chức tín dụng mất khả năng thanh khoản hoặc sắp phá sản. - Dự trữ bắt buộc (Reserve requirements): là một quy định của Ngân hàng trung ương (NHTW) về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các NHTM bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. 
3. Sự can thiệp của Nhà nước:
Chính phủ buộc phải can thiệp nhằm hỗ trợ các NHTM bằng một trong 2 cách giải quyết: 
(1) Bên cho vay cuối cùng (Lender of last resort): Các NHTM cần sự trợ giúp từ bên ngoài hay nói cách khác là hệ thống tài chính quốc gia cần có sự tồn tại của một tổ chức có thể cho NHTM không giới hạn trong thời gian ngắn (Bên cho vay cuối cùng). Ba “ứng cử viên” cho vai trò trên là Ngân hàng trung ương (NHTW), Thị trường liên ngân hàng (Interbank market) và Chính phủ. 
Tuy nhiên, trên thực tế và các thí nghiệm đều chỉ ra rằng NHTW là định chế phù hợp nhất để đảm nhiệm vai trò “Bên cho vay cuối cùng”, và đây cũng là sự lựa chọn hiện nay của các quốc gia phát triển và đang phát triển như: FED (Mỹ), ECB (Châu Âu), BOJ (Nhật Bản), BoE (Anh) hay SBV (Việt Nam). 
- Thị trường liên ngân hàng (Interbank market) hay Thị trường 2: Là thị trường tiền tệ bán buôn, giao dịch nguồn vốn ngắn hạn giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Đây được coi là mạng lưới toàn cầu được sử dụng bởi các tổ chức tài chính để giao dịch tiền tệ với nhau nhằm quản lý rủi ro về lãi suất và tỷ giá.
(2) Bảo hiểm tiền gửi: Chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi ngăn chặn đột biến rút tiền gửi. Có thể kể đến Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) ra đời vào năm 1933, trong khi đó tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1999 và hoạt động thông qua Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV). Mức bảo hiểm được điều chỉnh nhiều lần và tới thời điểm hiện tại là 125 triệu/cá nhân tại một ngân hàng. (Chủ đề này sẽ được phân tích kỹ ở phần sau)
No depositor has ever lost a penny of insured deposits since the FDIC was created in 1933
4. Khủng hoảng tài chính:
Có thể nói, Ngân hàng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến khủng hoảng tài chính, điều trực tiếp dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Nhà nước hay Chính phủ cần chủ động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ cũng như tần suất của các cuộc khủng hoảng tài chính. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, có 4 cơ chế xảy ra song song tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế: 
(1) Người gửi tiền tại Ngân hàng có thể mất tiền trong khi những khoản đầu tư/cho vay của NHTM sẽ phải bán tháo với giá rẻ.
(2) Nguồn cung tiền trong nền kinh tế bị thu hẹp lại khi các NHTM gặp khủng hoảng, điều này dẫn đến sự thiếu hụt thanh khoản của hệ thống, hoạt động liên quan đến tài chính bị thu hẹp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động nền kinh tế. (Cơ chế tiền tệ)
(3) Khi các NHTM gặp khủng hoảng, hệ thống ngân hàng không cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế, lãi suất tăng lên khiến cho hộ gia đình và doanh nghiệp tập trung vào tiết kiệm thay vì tiêu dùng và sản xuất, xu hướng này trực tiếp kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
(4) Khi các NHTM rời vào khủng hoảng và sụp đổ, nền kinh tế mất đi các định chế tài chính cùng lượng dự liệu khổng lồ về khách hàng và doanh nghiệp mà các định chế tài chính này đã tích lũy được, điều này kìm hãm hoạt động đầu tư, cho vay phục vụ sản xuất không chỉ tại thời điểm khủng hoảng mà còn kéo dài nhiều năm sau đó. (Cơ chế tín dụng)
Trong Phần II, chúng ta sẽ cùng nhau khai thác về Cơ chế hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi và Rủi ro phá sản của các Ngân hàng.
Đây là bài viết thuộc chủ đề mới - Ngân hàng, nơi mà mình sẽ khai thác trong thời gian sắp tới, mục tiêu của các bài viết nhằm cung cấp kiến thức ở một mức độ nhất định về cách mà Ngân hàng - chủ thể quan trọng của Thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mong rằng sẽ nhận được những góp ý và tranh luận đến từ mọi người. Cảm ơn mọi người đã đọc?!?