Có tình huống phổ biến mà tôi thường xuyên gặp phải: hai người tranh luận về một khái niệm khoa học nào đó, một người tranh luận về một quan điểm chính thống trong khoa học sử dụng các tài liệu khoa học uy tín làm nền tảng lý luận cho họ. Trong khi đó người còn lại thì lý luận sử dụng các bài viết blog trên Internet, những giai thoại cá nhân hay các tờ báo thiếu uy tín. Khi mà bên anti-science nhận thấy một nồi bằng chứng và một sự đồng thuận mạnh mẽ của giới khoa học đi ngược lại với quan điểm của họ, thay vì chấp nhận rằng quan điểm của mình có vấn đề, họ lại viện dẫn Galileo hoặc Columbus với những lý lẽ như, “tất cả mọi người từng nghĩ rằng Galileo bị điên, nhưng hóa ra ông ta đúng” hay “Vào thời của Columbus, mọi người đều tin Trái Đất phẳng, nhưng hóa ra tất cả đều sai, vậy tại sao tôi phải tin tưởng những gì các nhà khoa học 'biết' ngày nay?” 
Thực tế ngụy biện trên cũng chỉ là một phiên bản nhỏ của lý lẽ: “Khoa học đã sai trong quá khứ, vậy tại sao nó lại đáng tin cậy?” Bài viết này sẽ chỉ xoay quanh những ngụy biện liên quan đến Galieo hay Colombus trên

Columbus đã thách thức kích thước của Trái Đất chứ không phải hình dạng của nó

Câu chuyện phổ biến mà chúng ta đều hay nghe là mọi người vào thời Columbus đều nghĩ rằng Trái Đất phẳng còn Columbus sẽ rơi khỏi mép nếu ông cố gắng chèo thuyền đi vòng quanh nó, nhưng ông lại tin Trái Đất hình tròn và vì thế quyết định chèo thuyền từ bên này sang bên kia. Tuy nhiên, câu chuyện đó không khác gì thần tiên cổ tích. Thực tế không ai vào thời Columbus nghĩ rằng trái đất phẳng cả. Ý tưởng rằng trái đất tròn đã có từ thời các Hy Lạp cổ đại, và nó gần như đã được chấp nhận rộng rãi trước khi Columbus ra khơi. Cuộc tranh luận vào thời Columbus là về kích thước của Trái đất chứ không phải hình dạng của nó. Uớc tính chu vi Trái đất được chấp nhận rộng rãi nhất vào thời Columbus là 40.250 đến 45.900 km (25.000 đến 28.500 dặm), nhưng Columbus cho rằng nó nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng 30.200 km (18765 dặm). Vì vậy, cuộc tranh luận không phải là về việc liệu Columbus có rơi khỏi mép Trái đất hay không. Đúng hơn, cuộc tranh luận là về việc liệu ông ta có thể sống sót trong một chuyến đi dài như vậy hay không. Những con tàu ngày đó không thể chở đủ nhu yếu phẩm để đi đến tận bên kia hành tinh nếu nó có chu vi thực sự là 40.250 km.
Bây giờ, đây mới là chi tiết quan trọng: Columbus đã sai! Chu vi thực tế của trái đất là 40.074 km (24.901 dặm), rất gần với ước tính được nhiều người chấp nhận vào thời của Columbus, và khác xa với con số mà Columbus đã tính toán. Nếu không có sự tồn tại của Bắc Mỹ và các đảo Caribe (trước đây hầu hết người châu Âu chưa biết đến), rất có thể Columbus và các thủy thủ đoàn của ông đã chết.
Tóm lại, đúng là Columbus đã bị chế giễu, và mọi người nghĩ rằng ông ta bị điên, nhưng sự giễu cợt của họ là hoàn toàn chính đáng! Cũng giống như những kẻ chống đối khoa học trong thời đại ngày nay, cứ phớt lờ nền khoa học đã được công nhận và thích lao về phía trước, mù quáng chạy theo sự mê muội của bản thân. Vì vậy, dành cho bất kỳ người phủ nhận khoa học nào đọc bài này, hãy tự so sánh mình với Columbus, bởi vì bạn thực sự có rất nhiều điểm chung với ông ta đấy! Cả hai đều đã “thực hiện nghiên cứu của riêng mình”, cả hai đều thách thức bỏ qua các chuyên gia và sự đồng thuận của giới khoa học, cả hai đều cho phép những thành kiến ​​của mình làm lu mờ phán đoán và khiến mình đưa ra những quyết định nguy hiểm, và cả hai đều đã sai lầm.

Không ai cho rằng Galileo bị điên cả.

Về Galileo, thứ nhất ông gặp rắc rối khi tuyên bố rằng Trái đất chuyển động quanh Mặt trời, chứ không phải Trái đất hình tròn. Như đã giải thích ở trên, mọi người đều biết rằng Trái đất hình tròn trước thời Galileo rất lâu.
Thứ hai, không ai bảo ông bị điên cả. Có nhiều người cho rằng Galieo đã sai, nhưng ông chưa bao giờ bị coi là kẻ mất trí. Hơn nữa, ông đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà thiên văn học đồng nghiệp của mình. Một số lượng lớn đồng nghiệp của ông cho rằng ông đã đúng. Những người không đồng ý với ông, trong nhiều trường hợp, thì không đồng ý vì lý do tôn giáo, chứ không phải lý do khoa học. Họ muốn bám lấy cách diễn giải theo nghĩa đen một số đoạn Kinh thánh (trái ngược với gì Galieo ngụ ý); do đó, họ phải khăng khăng Galileo đã sai.
 Hãy để tôi mô tả theo cách khác. Một bên là Galileo với những dữ kiện chắc chắn, quan sát cẩn thận và tính toán chặt chẽ. Bên kia là những người cuồng tín tôn giáo từ chối sự thật của Galileo một cách mù quáng vì những sự thật đó không phù hợp với thành kiến ​​​của họ. Thực ra cũng có những nhà thiên văn học không đồng ý với Galieo, nhưng chính những tác động tôn giáo mới thực sự khiến ông gặp rắc rối. Ngoài ra, những nhà thiên văn học không đồng ý với Galieo không phải vì họ có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ông đã sai. Đúng hơn, họ không đồng ý với ông vì ông đang đề xuất một sự thay đổi căn bản trong cách chúng ta nhìn thế giới (ví dụ như bác bỏ quan điểm của Aristotle về vật chất và chuyển động). Nói cách khác, họ không đồng ý với ông vì ông đang lập luận chống lại thành kiến ​​và định kiến ​​của họ, chứ không phải vì họ có bằng chứng đối lập.
Bây giờ, thử áp dụng điều trên vào phong trào anti-science hiện đại. Nếu bạn đang phản đối biến đổi khí hậu, vắc xin, tiến hóa, v.v. thì bạn không thể viện dẫn Galileo bởi vì nếu so sánh tương đương thì: bạn chính là những kẻ cuồng tín tôn giáo (hoặc những nhà thiên văn học đã mù quáng bám vào Aristotle). Ví dụ, khi nói đến biến đổi khí hậu, một bên là các nhà khoa học đã thu thập một núi dữ liệu khổng lồ và xuất bản hàng ngàn nghiên cứu, còn bên kia là những người phản đối mà không có dữ liệu nào mà thay vào đó dựa vào thành kiến ​​cá nhân hay các lập luận thiếu logic như, "Khí hậu đã thay đổi một cách tự nhiên trong quá khứ, vậy bây giờ cũng thế." Cũng tương tự, có hàng nghìn nghiên cứu cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả, tuy nhiên những nghiên cứu đó bị phản đối bởi những giai thoại cá nhân, những “bản năng làm mẹ” hay những kẻ thôi thúc nỗi sợ hại.
Tóm lại, cái câu chuyện Galileo là một kẻ điên bị chế giễu, một con người dám chống lại sự đồng thuận bấy giờ và hóa ra ông ta đúng, là hoàn toàn không chính xác. Ông đúng là đã thách thức các quan điểm thời bấy giờ, nhưng ông làm như vậy với bằng chứng thực tế , và nhiều nhà khoa học đã công nhận ông đúng. Điều đó hoàn toàn khác biệt với tuyên bố vaccine gây ra bệnh tự kỷ và các nghiên cứu cho thấy điều ngược lại là sai chỉ bởi vì bạn biết một người nào đó đã được tiêm phòng rồi sau đó mắc chứng tự kỷ. Hay tuyên bố một “phương pháp chữa bệnh thần kỳ” nào đó có tác dụng bởi vì bạn đã thực hiện “hàng nghìn giờ nghiên cứu” trên internet.
Khi nào bạn có nhiều nghiên cứu được tiến hành đúng cách, được kiểm soát cẩn thận, được đồng nghiệp xem xét, có kích thước mẫu lớn, đã được các nhà khoa học độc lập khác replicate và hầu hết đều cho thấy vi lượng đồng căn (Homeopathy) hoạt động, châm cứu có hiệu quả, quá trình tiến hóa là sai, v.v. thì khi đó bạn mới trở thành Galileo. Còn không thì bạn chỉ như những kẻ cuồng tín tôn giáo đang chống lại sự tiến bộ vì những thành kiến ​​và quan niệm sai lầm của chính mình.
Bài viết lược dịch từ:
https://thelogicofscience.com/2015/09/21/no-one-thought-galileo-was-crazy-and-everyone-in-columbuss-day-knew-they-earth-was-round/