Nguồn gốc của con người theo Huyền Sử của các khu vực
1. Kinh Thánh Châu Âu: Chúa trời Jehovah sáng tạo ra con người (Mặc dù khởi nguồn thì từ Tây Á mới đúng, chắc vậy) Kinh Thánh chép...
1. Kinh Thánh Châu Âu: Chúa trời Jehovah sáng tạo ra con người (Mặc dù khởi nguồn thì từ Tây Á mới đúng, chắc vậy)
Kinh Thánh chép rằng Thiên Chúa Jehovah tạo ra đại địa và vạn vật trong 7 ngày, ngày thứ 6 Chúa phán: "Chúng ta hãy tạo nên loài người như hình thể Ta và giống như Ta, để quản trị các loài cá biển, chim trời, súc vật trên cả trái đất và các loài vật bò trên đất”. Sau đó, con người đầu tiên đã được tạo ra, là một người đàn ông tên gọi là Adam. Adam đến từ tiếng Do Thái, có nghĩa là “bùn đất”.
Ngài cũng tạo ra một khu vườn ( vườn Eden hay vườn Địa Đàng) và đặt Adam ở đó, cho phép anh ăn tất cả các loại trái cây trong vườn trừ cây nhận thức Thiện và Ác – Trái cấm. Vì thấy Adam cô đơn trong vườn Địa Đàng, Chúa đã rút một xương sườn của anh và tạo ra người phụ nữ tên gọi Eva. Ngoài ra, Chúa cũng tạo ra chim muông và thú vật.
2. Thần Thoại Hy Lạp: Thần Prometheus sáng tạo ra con người
Theo Thần Thoại Hy Lạp, anh em Prometheus và Epimetheus được Thần Zeus giao cho nhiệm vụ cai quản mặt đất, sáng tạo ra con người.
Hai Anh em Prometheus đã lấy đất sét trộn với nước nặn thành hình muôn loài. Trong khi người em đã nặn ra không biết bao nhiêu loài sinh vật, thì người anh Prometheus vẫn chưa hài lòng với tác phẩm đầu tiên của mình.
Ông muốn tạo ra một sinh vật phi thường có khả năng nắm giữ trái đất. Sau mười hai ngày đêm, Prometheus cuối cùng cũng hoàn thành tác phẩm. Prometheus đã tạo ra Đàn ông theo hình dáng các vị Thần và nghĩ “Ta sẽ cho sinh vật này một tài năng để vượt qua muôn loài”.
Ông đã ban cho con người một số đặc tính của Thần để giúp con người vĩnh viễn phân khai với động vật. Vì muốn trao một đặc quyền gì đó cho con người, Prometheus bèn trộm lấy lửa của thần Zeus đem xuống trần gian trao cho những sinh linh yêu quí. Lửa thắp sáng và sưởi ấm. Nhờ đó mà con người ngày càng phát triển.
Thần Zeus sau đó lệnh cho các vị thần tạo ra Pandora, người phụ nữ đầu tiên với hình dáng phụ nữ yểu điệu. Athena – vị thần của nghề thủ công mỹ nghệ, trí tuệ, rất thích tác phẩm của anh mình, nên đã ban cho Pandora sự sống, sự khéo tay. Còn dạy nàng Pandora biết dệt vải, may vá… cùng nhiều kỹ năng khác. Thần Aphrodite, nữ thần của sắc đẹp và tình yêu tạo cho nàng Pandora dung nhan xinh đẹp. Mỗi vị Thần góp một chút để tạo ra đặc tính của Pandora.
Vậy là hai tạo vật của Thần, người nam và người nữ, đã được hình thành, từ đó sinh sôi nảy nở và phát triển tri thức, dần dần hình thành nên xã hội loài người.
3: Huyền Sử Phương Đông: Bàn Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa sáng tạo con người
Theo Huyền Sử Phương Đông cách đây rất rất lâu, trời và đất vẫn còn là cõi hỗn mang, toàn bộ vũ trụ được bao phủ bởi một đám mây hình quả trứng. Mọi thứ đều hỗn độn. Trong xoáy sâu hun hút đó là một vị Thần do linh khí trời đất sinh ra, Bàn Cổ, một người khổng lồ sinh ra từ hỗn độn. Ông đã ngủ trong quả trứng đó 18 nghìn năm. Một ngày nọ, ông thức giấc và duỗi mình khiến quả trứng bị vỡ và mọi thứ tản vào vũ trụ. Thứ màu sáng, tinh khiết bay lên tạo ra bầu trời và thiên đường. Thứ nặng hơn, không tinh khiết lắng xuống tạo thành mặt đất.
Trong vũ trụ mới này, Bàn Cổ lo rằng mọi thứ sẽ lại hỗn độn nếu Trời và Đất hợp lại, nên ông quyết định dùng thân mình để giữ chúng tách ra. Thêm 18 nghìn năm nữa, Bàn Cổ tiếp tục lớn lên đến khi Trời và Đất cách nhau 30,000 dặm. Sứ mệnh của ông chính là giữ cho Trời và Đất không hợp lại.
Đó là cách mà vũ trụ và trái đất bắt đầu. Sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa đã du ngoạn đó đây giữa Trời Đất. Lúc đó, mặc dù trên mặt đất đã có sông núi cây cỏ, có động vật chim muông, các loài thú, cá, nhưng vẫn không sinh động hoạt bát, bởi vì trên Trái Đất còn chưa có loài người. Một hôm, Nữ Oa đi lại trên Mặt Đất hoang vắng tĩnh mịch, trong lòng cảm thấy rất cô đơn, bà cảm thấy phải tăng thêm thứ gì đó có sinh khí hơn cho Trời Đất.
Nữ Oa thấy sáng tạo của Bàn Cổ còn chưa hoàn chỉnh, trí tuệ của chim muông sâu cá vẫn chưa làm bà cảm thấy hài lòng. Bà cần phải sáng tạo ra sinh linh xuất sắc hơn bất cứ sự sống nào.
Nữ Oa bay lượn dọc theo sông Hoàng Hà, cúi đầu thấy bóng dáng xinh đẹp của mình, bất giác vui mừng. Bà quyết định dùng bùn đất dưới sông nặn một người đất theo hình dạng của mình. Những người đất này hầu như giống bà, chỉ khác là bà nặn cho họ đôi chân phối hợp với đôi tay, để thay thế đuôi rồng. Nữ Oa thổi hơi tiên vào những người đất nhỏ này, chúng liền được tiếp sức sống, và trở thành những sinh vật nhỏ có thể đứng thẳng người đi lại, biết nói, thông minh khéo léo, Nữ Oa gọi họ là “Người”.
Bà tiếp dương khí lên một số người trong đó - một loại yếu tố tính nam thích đánh nhau trong giới thiên nhiên, do đó họ đã trở thành đàn ông; còn trên một số người khác, bà lại tiếp âm khí – một loại yếu tố tính nữ hiền lành trong giới thiên nhiên, do đó họ trở thành đàn bà. Những người đàn ông đàn bà này vây quanh Nữ Oa nhảy múa, reo hò, mang lại sức sống cho Mặt Đất.
Nữ Oa muốn để loài người phân bố khắp nơi trên Mặt Đất, nhưng bà đã mệt, làm đã chậm hơn trước. Do đó, bà nghĩ ra một cách làm nhanh chóng. Bà cầm một sợi dây rơm cỏ thả xuống đáy hồ ngoáy trong bùn, cho đến khi đầu dây dính đầy bùn liền vung lên, cho bùn tung toé ra khắp nơi, những đám bùn đó biến thành những người nhỏ. Nữ Oa đã như vậy sáng tạo ra mọi người phân bố rộng trên Mặt Đất.
Trên Mặt Đất đã có người, công việc của Nữ Oa hầu như có thể chấm dứt rồi. Nhưng bà lại có một ý nghĩ mới: Làm thế nào mới khiến con người có thể sinh sống tốt được? Người cuối cùng thế nào cũng chết, chết đi một số, lại làm ra một số, như vậy thì phiền phức quá. Do đó, Nữ Oa liền ghép cặp đàn ông đàn bà với nhau, dạy họ sinh con đẻ cái, gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng đời sau. Loài người đã sinh sôi nảy nở như vậy, và ngày càng tăng lên.
Tiếp sau đó, khi trời phân chia Nam Bắc (tộc Việt ở phía Nam, Trung Quốc là đất Bắc), theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vị kế nhiệm của Nữ Oa là Thần Nông, còn gọi là Viêm Đế, hay Ngũ Cốc Tiên Đế, được xem là thủy tổ của người Việt.
Phần lời tựa trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam – Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có kể rõ lai lịch ba đời này: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông (vua Viêm Đế), đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục.
Tiếp sau đó, Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (tức Trung Quốc, từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam – (tức đất Việt, từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Quốc gia đầu tiên của tộc người Việt vậy là có tên Xích Quỷ.
Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh trăm người con trai.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất