Một anh lính Mỹ đi qua thế chiến thứ hai sau trận thảm sát ở Lò sát sinh số 5. Một chàng thanh niên hai mươi tuổi lang thang nơi thành phố biển nước Nhật Lắng nghe gió hát. Hai nhân vật chính trong tác phẩm kinh điển của Kurt Vonnegut và tiểu thuyết đầu tay của Haruki Murakami, tâm hồn họ có gì đồng điệu?


Billy và "tôi", hay chính hai con người tạo nên họ trong hai cuốn tiểu thuyết vừa hư cấu lại có đôi phần như tự truyện, đều yêu mến và tìm nguồn hứng cảm từ những nhà văn bị ruồng bỏ: Kilgore Trout và Derek Hartfield. Họ là ai?
Trout và Hartfield, trái với tưởng tượng của ta về hai vĩ nhân xuất chúng, hóa ra lại là những kẻ bị trục xuất bởi công chúng, những cá thể xã hội chẳng bao giờ công nhận họ là nhà văn bởi (người ta cho rằng) tư tưởng và cuộc đời họ hết sức tầm thường.
Kilgore Trout viết chừng bảy mươi lăm cuốn tiểu thuyết, không cuốn nào ra tiền. Ông sống qua ngày nhờ làm chân phát hành báo. Dưới ông là một lũ nhóc con giao báo chuyên bị ông dọa nạt, phỉnh phờ. Ông ngơ ngẩn và bàng hoàng khi Billy gọi mình là nhà văn, bởi thế giới này chưa bao giờ cho phép ông nghĩ về mình như thế. Ông được Billy mời đi ăn tiệc. Người ta hào hứng, tán tụng khi thấy một tác giả bằng xương bằng thịt, dù chưa bao giờ đọc sách của Trout. Lời khen rỗng tuếch và dốt đặc nhưng với ông lại chẳng khác nào cần sa. Có trách được không, vì ngoài thứ đó ra, thì ông biết bấu víu vào đâu mà sung sướng? 
Cậu thiếu niên Hartfield trầm tính tốt nghiệp cấp ba trong hoàn cảnh không có lấy một người bạn, hễ rảnh rỗi là vùi đầu vào truyện tranh hay tạp chí đại chúng rẻ tiền, và ăn bánh quy mẹ nướng. Ông thử làm việc trong bưu điện nhưng chẳng bao lâu sau đã quyết định con đường mình phải đi là trở thành tiểu thuyết gia. Trong suốt tám năm hai tháng cầm vũ khí văn chương, mỗi năm ông viết hơn trăm ngàn chữ, nhưng trận chiến kết cục vẫn thành ra "vô ích" vì Hartfield chẳng thể xác định nổi kẻ thù mình cần đánh bại. Khi mẹ ông qua đời, ông đến tận New York và gieo mình xuống từ tầng thượng tòa Empire State. Cũng như khi còn sống, cái chết của ông chẳng hề thành đề tài gây xôn xao. Ngôi mộ ông ở quê nhà nhỏ bằng cỡ cái gót giày cao gót.
Hai kẻ viết văn với nỗi tuyệt vọng không ai thấu, tuy chẳng có lấy một cái liếc mắt của người đời, nhưng lại có chỗ đứng đặc biệt trong lòng Billy và "tôi", hai con người cũng lạc lõng không kém trong dòng đời vô nghĩa.
Billy, hai mươi mốt tuổi, cao một mét chín, râu ria lởm chởm, sắp hói tới nơi, không áo giáp, không vũ khí, chân đi đôi giày dân sự thấp cổ rẻ tiền mất một bên gót vào cuộc thập tự chinh con nít toàn những binh nhì vừa hết tuổi ấu thơ, và những tên lính què quặt, ốm yếu và trông ngớ ngẩn chẳng kém. Quân Đức tống họ vào trại tập trung ở Dresdent. Chồng áo vứt đống đã đóng băng của người chết được gỡ ra, treo lên người những tên lính Mỹ. Xà phòng làm từ mỡ người Do Thái. Từng người chết vì bị thương, bị bệnh, nhiễm trùng. Rồi 135,000 tảng thịt cháy rụi trong Lò sát sinh số 5 sau trận ném bom "cần thiết" của quân đồng minh hòng tiêu diệt quốc xã. Không có ai trả lời câu hỏi "tại sao?". Đơn giản là khoảnh khắc đó được lập trình như vậy. "Đời là thế". Cái chết chỉ đơn giản là một khoảnh khắc trông thảm hại của một người trong dòng thời gian, như con bọ bị kẹt trong hổ phách. Billy, sau những gì chứng kiến trong chiến tranh, chỉ đơn giản tồn tại trong cuộc đời vô nghĩa. Anh du hành thời gian, trôt dạt trong nhiều không gian, cố gắng tái tạo vũ trụ của mình. 
Vượt Bắc Thái Bình Dương đến với nước Nhật nhiều năm sau thế chiến thứ hai, ta bắt gặp một cậu thanh niên đang tua những thước phim chậm của tuổi thanh xuân tại thành phố biển yên bình nhưng vô vị, nơi nhân vật "tôi", trong suốt mùa hè năm 20 tuổi, và cả đôi lần trở về thăm quê, chỉ biết uống bia cho trôi đi ngày tháng. Cũng như Billy, tôi chỉ đơn giản tồn tại cùng những sự kiện xảy ra trong đời. Không cảm xúc. Không nghĩ ngợi. Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ tối bố đi làm về "tôi" đánh giày cho ông, đều như vắt chanh. Không vì ý nghĩa gì cả. Anh cảm tạ vì ông chỉ có hai chân. "Tôi" đã từng yêu vài cô gái, một trong số đó đã tự tử. "Tôi" chỉ đơn giản kể lại chuyện đó, mà không xúc cảm gì. Anh không nhớ mặt ai vì "có lẽ như vậy sẽ dễ chịu hơn". "Mọi thứ đều qua đi. Không ai có thể kiểm soát được điều đó. Tất cả chúng ta đều sống như vậy." Cuộc đời này có biết bao điều vô nghĩa, ta cứ mặc bản thân mình trôi lững lờ như khúc gỗ trên sông, ắt hẳn là dễ dàng hơn. Hà cớ chi suy nghĩ, để mà lạc lõng, hoang mang, mất mát, cô đơn?
Đối tượng cảm được Billy và "tôi" trong cái thế giới vô nghĩa họ sống có lẽ chỉ có Trout và Hartfield, với những trang tiểu thuyết, dù bị người đời khinh rẻ, đã khơi dậy mối tâm tư bị vùi lấp trong sâu thẳm tâm hồn hai nhân vật. 
Trout viết sách về một cái cây tiền, lá là tờ 20 đô, hoa là trái phiếu, quả là kim cương. Nó thu hút con người đến giết nhau quanh gốc cây và trở thành loại phân rất tốt. Một cuốn khác kể về người máy bị hôi mồm, làm công việc ném bom napan. Nhân vật chính này trông giống một con người, biết trò chuyện, nhảy múa và vân vân, chỉ thiếu mỗi mạch điện tử lương tâm. Chẳng ai phản đối chuyện nó ném bom, nhưng người ta không chấp nhận nổi chứng hôi mồm của nó. Nhưng rồi nó khắc phục được chuyện đó và được chào đón đến thế giới loài người. 
Hartfield, trong một tác phẩm bán tự truyện nghiêm túc (tức không xuất hiện người ngoài hành tinh và quái vật) đã bộc bạch chút tâm tư của bản thân như sau: "Tôi xin thề trước cuốn sách linh thiêng nhất trong căn phòng này, tức cuốn danh bạ điện thoại theo thứ tự bảng chữ cái, tôi chỉ nói sự thật. Rằng, cuộc đời này quá trống rồng. Nhưng, đương nhiên vẫn có liều thuốc cứu rỗi. Vì ban đầu nó không hoàn toàn trống rỗng đến vậy. Chỉ là chúng ta mang khổ đau chồng chất lên đau khổ, rồi lại ra sức làm vơi bớt đi, bởi vậy cuộc đời mới trở nên trống rỗng".
Hartfield nói rằng, "Nếu so với sự phức tạp của vụ trũ, thì thế giới của chúng ta chẳng khác nào não của loài giun đất". Vậy người ta thù ghét, khinh miệt, nhẫn tâm với nhau, hay tự bó buộc bản thân mình trong những rập khuôn của xã hội, là vì mục đích gì? Làm chúa tể vương quốc não loài giun? Chuyện sinh tử có còn quan trọng nếu ta sống mà chỉ như tồn tại?
Nạn nhân của cái xã hội tôn sùng những giá trị sai lệch như vậy, không ai khác chính là Billy, "tôi", Trout và Hartfield, những kẻ hoặc nghèo, hoặc yếu thế, hoặc tứ cố vô thân hoặc nhìn thấu mọi sự trên đời. Riêng Trout và Hartfield, thay vì nói họ là những nhà văn tầm thường, ta hãy gọi họ là những nhà văn không được thấu hiểu. Cuộc đời vô nghĩa là do phần đông người ta không nhận ra cái giá trị đáng theo đuổi. Vậy thì, "tiểu thuyết mà toàn những chuyện ai cũng biết, thử hỏi có ý nghĩa gì?" (Hartfield)
Vonnegut và Murakami không chọn bất kỳ nhà văn đời thực nào làm nguồn cảm hứng sáng tác, mà lại tự tạo ra hai tiểu thuyết gia Kilgore Trout và Derek Hartfield như một cách bộc lộ tâm tư của chính mình. Trout và Hartfield dường như là những bản ngã mà tác giả Lò sát sinh số 5Lắng nghe gió hát đã có thể trở thành. 
Vonnegut sau khi trở về từ thế chiến thứ hai cứ ngỡ mình sẽ dễ dàng cầm bút viết về trận bom hủy diệt Dresdent, bởi những gì ông cần làm chỉ là thuật lại những gì tai nghe mắt thấy. Nhưng rồi, có lẽ bởi những thương tổn từ chiến tranh, phải đến 23 năm sau, khi đã già và con cái đã đủ lông đủ cánh, ông mới tuôn ra được số chữ đủ thành sách, mà theo ông vẫn là chưa đủ. Kí ức trở lại với ông chập chờn qua nhiều không gian và thời gian y như cách ông kể câu chuyện về nhân vật Billy. Nội dung những cuốn tiểu thuyết của Trout mà Billy yêu thích cũng chính là cách Vonnegut châm biếm sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh mà người ta theo đuổi.
Murakami, trước khi cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay, cũng đã trăn trở suốt 8 năm đằng đẵng. Mỗi khi định viết gì đó là ông lại chìm vào nỗi tuyệt vọng, bởi những lĩnh vực mà mình có thể sáng tác rất đỗi hạn chế. Ông tự tạo niềm an ủi và động lực cho mình bằng tạo hình nhà văn Hartfield, với một câu nói đầy ý nghĩa: "Thứ gọi là văn chương hoàn hảo không tồn tại. Giống như không tồn tại nỗi tuyệt vọng hoàn hảo vậy." Viết văn, với Murakami, không phải phương tiện, mà là nỗ lực xoa dịu bản thân. Và Hartfield chính là nhân vật đáng học tập về sự nỗ lực đánh bại nỗi tuyệt vọng, với một tư thế chiến đấu, mà theo ông, không hề thua kém Hemingway hay Fitzerald.