Trong khi tâm lý học ngày nay phản ánh lịch sử phong phú và đa dạng của ngành này, thì nguồn gốc của tâm lý học lại khác biệt đáng kể so với các khái niệm hiện đại về lĩnh vực này. Để hiểu về tâm lý học, bạn cần dành thời gian tìm hiểu lịch sử và nguồn gốc của nó.
Tâm lý học bắt nguồn như thế nào? Nó bắt đầu từ khi nào? Những người nào đã đặt nền móng cho ngành tâm lý học như một ngành khoa học riêng biệt?
Nguồn ảnh: massolit.io
Nguồn ảnh: massolit.io

Tại Sao Nên Học Lịch Sử Tâm Lý Học?

Tâm lý học hiện đại quan tâm đa dạng nhiều chủ đề, nghiên cứu hành vi và quá trình tâm lý con người, từ mức độ hệ thành kinh đến trình độ văn hóa. Các nhà tâm lý học nghiên cứu các vấn đề của con người bắt đầu từ trước khi sinh ra và liên tục cho đến khi chết đi. Bằng việc hiểu về lịch sử tâm lý học, bạn có thể hiểu tốt hơn những chủ đề này được nghiên cứu như thế nào và những gì chúng ta đã học được cho đến nay.
Ngay từ những ngày đầu, tâm lý học đã phải đối mặt với một số câu hỏi. Câu hỏi ban đầu về cách định nghĩa tâm lý học đã giúp thiết lập nó như một môn khoa học tách biệt với sinh lý học và triết học.
Những câu hỏi khác mà các nhà tâm lý học phải đối mặt trong suốt lịch sử bao gồm:
- Tâm lý học có thực sự là một ngành khoa học?
- Các nhà tâm lý học có nên sử dụng nghiên cứu tác động đến chính sách công, giáo dục và các khía cạnh khác của hành vi con người không?
- Tâm lý học nên tập trung vào những hành vi có thể quan sát được, hay những quá trình tinh thần bên trong?
- Phương pháp nghiên cứu nên dùng là gì để nghiên cứu tâm lý học?
- Tâm lý học nên quan tâm đến những chủ đề và vấn đề nào?

Nền Tảng: Triết Học và Tâm Lý Học

Tâm lý học đã không xuất hiện như một ngành riêng biệt, cho đến những năm cuối 1800s, lịch sử sớm nhất của nó có thể bắt nguồn từ Ai Cập, China, Ba Tư và Ấn độ. Vào thế kỷ XVII, triết gia người Pháp Rene đã đưa ra ý tưởng về thuyết nhị nguyên, khẳng định rằng tâm trí và cơ thế là hai thực thể tương tác để hình thành trải nghiệm con người. 
Còn nhiều vấn đề khác vẫn đang được tranh cãi giữa các nhà tâm lý học ngày nay, như sự phân bổ liên quan của bản chất so với sự nuôi dưỡng, đều bắt nguồn từ những truyền thống triết học bản đầu này.
Vậy điều gì làm cho tâm lý học khác với triết học? Trong khi những nhà triết học ban đầu dựa vào những phương pháp như quan sát và logic thì những nhà tâm lý học ngày nay sử dụng những phương pháp khoa học nghiên cứu và đưa ra kết luận về suy nghĩ và hành vi của con người.
Sinh lý học cũng đóng góp phần nào vào sự xuất hiện sau cùng của tâm lý học như một ngành khoa học. Nghiên cứu sinh lý ban đầu về não và hành vi có tác động đáng kể đến tâm lý học, từ những điều này khiến sinh lý học đóng góp phần nào vào việc áp dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu về tư duy và hành vi của con người.

Tâm Lý Học Hình Thành Lên Như Một Ngành Học Riêng Biệt

Vào những năm 1800s, một nhà tâm lý học người Đức tên là Wilhelm Wundt đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để điều tra thời gian phản ứng cảm xúc trong con người. Cuốn sách của ông ấy đã được công bố vào năm 1873, “Những nguyên tắc của tâm lý học sinh lý,” cuốn sách đã phác thảo nhiều mối liên hệ chính giữa khoa học sinh lý học và nghiên cứu về suy nghĩ và hành vi con người.
Sau đó ông ấy đã mở phòng nghiên cứu tâm lý học đầu tiên trên thế giới vào năm 1879 tại Đại học Leipzig. Dấu mốc này được coi là sự khởi đầu chính thức của tâm lý học như một ngành khoa học riêng biệt.
Wundt đã nhìn nhận tâm lý học như thế nào? Ông coi chủ đề này như một nghiên cứu về sự ý thức con người và tìm cách áp dụng những phương pháp thử nghiệm để nghiên cứu các quá trình tinh thần bên trong. Mặc dù việc sử dụng phương pháp được gọi là sự tự vấn nội tâm (introspection) của ông hiện này được xem là không đáng tin cậy và thiếu tín khoa học, nhưng những công trình đầu tiên của ông trong lĩnh vực tâm lý học đã góp phần mở đường cho các phương pháp thí nghiệm trong tương lai. Ông được coi là một trong số ít người đã nổ phát súng đầu tiên về nghiên cứu tâm lý con người. 
Ước tính có khoảng 17000 sinh viên đã tham dự các bài giảng tâm lý của ông, và hàng trăm người đã theo đuổi các bằng cấp về tâm lý và nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tâm lý học của ông. Mặc dù ảnh hưởng của ông đã giảm dần khi lĩnh vực này phát triển, nhưng tác động của ông đối với ngành tâm lý học là không thể phủ nhận.

Chủ Nghĩa Cấu Trúc Luận - Structuralism: Trường Phái Tư Tưởng Đầu Tiên Trong Tâm Lý Học

Edward B. Titchener, một trong những sinh viên nổi tiếng nhất của Wundt, đã sáng lập ra trường phái tâm lý học lớn đầu tiên. Theo những nhà chủ nghĩa cấu trúc luận, ý thức con người có thể được chia thành những phần nhỏ hơn. Sử dụng một qua trình được gọi là sự tự vấn nội tâm, những người tham gia đã được huấn luyện sẽ cố gắng phân tích các phản ứng và cảm xúc của mình đối với những cảm giác và nhận thức cơ bản nhất.
Mặc dù chủ nghĩa cấu trúc luận nổi bật vì nhấn mạnh vào nghiên cứu khoa học, nhưng những phương pháp của nó không đáng tin cậy, giới hạn và mang tính chủ quan. Khi Titchener qua đời vào năm 1927, chủ nghĩa cấu trúc luận đã gần như biến mất đi cùng với ông.

Trường Phái Chức Năng Của William James - Functionalism

Tâm lý học đã phát triển mạnh mẽ ở Mỹ từ giữa đến cuối những năm 1800s. William James đã nổi lên như một trong những nhà tâm lý học lớn người Mỹ trong giai đoạn này và việc xuất bản cuốn sách giáo khoa kinh điển của ông, “Các Nguyên Tắc Của Tâm Lý Học”, đã đưa ông trở thành cha đẻ của ngành tâm lý ở tại Mỹ.
Cuốn sách của ông sớm trở thành tài liệu chuẩn mực trong ngành tâm lý và những ý tưởng cuối cùng đã trở thành cơ sở cho một trường phái tư tưởng mới được gọi là trường phái chức năng (functionalism).
Trọng tâm của trường phái chức năng là hành vi được giải thích dựa trên chức năng của nó. Những người theo trường phái chức năng sử dụng các phương pháp như quan sát trực tiếp để nghiên cứu tâm trí và hành vi của con người.
Cả hai trường phái tư tưởng thời đầu này đều nhấn mạnh vào sự ý thức con người, nhưng khái niệm của họ về nó lại khác biệt đáng kể. Trong khi các nhà cấu trúc luận cố gắng phân tách các quá trình tâm lý thành những phần nhỏ nhất, thì các nhà theo trường phái chức năng tin rằng sự ý thức tồn tại như một quá trình liên tục và thay đổi nhiều hơn.
Mặc dù trường phái chức năng đã nhanh chóng mờ nhạt như một trường phái tư tưởng riêng biệt, nhưng nó đã tiếp tục ảnh hưởng đến những nhà tâm lý học và các lý thuyết về tư duy và hành vi của con người sau này.

Sự Xuất Hiện Của Phân Tâm Học - Psychoanalysis

Đến thời điểm này, tâm lý học thời kỳ đầu tập trung vào trải nghiệm ý thức của con người. Một bác sĩ người Áo tên là Sigmund Freud đã thay đổi diện mạo của tâm lý học một các mạnh mẽ, ông đề xuất một lý thuyết về nhân cách con người nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự vô thức trong tâm trí (unconscious mind).
Freud làm việc với các bệnh nhân mắc chứng hysteria (rối loạn phân ly) và những căn bệnh khác đã khiến ông tin rằng những trải nghiệm thời thơ ấu và những xung động vô thức góp phần vào sự hình thành nhân cách và hành vi của người trưởng thành.
Trong cuốn sách Tâm thần học trong cuộc sống đời thường, Freud đã mô tả cách những suy nghĩ và hành vi bốc đồng vô thức được biểu hiện thường thông qua những lần lỡ lời, “được gọi là lỡ lời Freud - Freudian slips” và giấc mơ. Theo Freud, các rối loạn tâm lý là kết quả của việc những xung đột vô thức này trở nên cực đoan hoặc mất cân bằng.
Thuyết phân tâm học do Sigmund Freud đề xuất đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng ở thế kỷ XX, tác động lớn đến lĩnh vực sức khỏe tinh thần cũng như các lĩnh vực khác như nghệ thuật, văn học, và văn hóa đại chúng.
Mặc dù nhiều ý tưởng của ông hiện nay bị hoài nghi, nhưng ảnh hưởng của ông đối với ngành tâm lý học là không thể phủ nhận.

Sự Trỗi Dậy Của Chủ Nghĩa Hành Vi - Behaviorism

Tâm lý học đã thay đổi mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX khi có trường phái tư tưởng khác, được gọi là chủ nghĩa hành vi lên ngôi. Chủ nghĩa hành vi là một sự thay đổi lướn so với các quan điểm lý thuyết trước đó, từ chối sự nhấn mạnh vào cả tâm trí ý thức lẫn vô thức. Thay vào đó, chủ nghĩa hành vi cố gắng đưa tâm lý học thành một ngành khoa học hơn bằng cách tập trung hoàn toàn vào quan sát hành vi.
Chủ nghĩa hành vi bắt đầu với những công trình của một nhà sinh lý học người Nga tên là Ivan Pavlov. Nghiên cứu của Pavlov về hệ tiêu hóa của chó đã đưa phát hiện của ông về quá trình điều kiện hóa cổ điển, theo đó các hành vi có thể được học thông qua các liên kết có điều kiện.
Pavlov chứng minh rằng quá trình học tập này có thể được sử dụng để tạo ra sự liên kết giữa một kích thích môi trường trung lập và một kích thích xảy ra một cách tự nhiên. 
Một nhà tâm lý học người Mỹ tên là John B. Watson đã sớm trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa hành vi. Ban đầu, ông đã phác thảo các nguyên tắc cơ bản của trường phái tư tưởng này trong bài báo năm 1913 của mình, “Tâm lý học dưới góc nhìn của nhà theo chủ nghĩa hành vi”, sau đó Watson tiếp tục đưa ra định nghĩa trong cuốn sách kinh điển của ông “Chủ nghĩa hành vi” năm 1924, đã viết: 
“Chủ nghĩa hành vi…cho rằng đối tượng nghiên cứu của tâm lý học con người là hành vi của con người. Chủ nghĩa hành vi khẳng định rằng ý thức không phải một khái niệm rõ ràng hay hữu dụng.”
Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hành vi là rất lớn, và trường phái tư tưởng này đã tiếp tục thống trị trong 50 năm tiếp theo. Nhà tâm lý học, B.F. Skinner đã mở rộng quan điểm của chủ nghĩa hành vi với khái niệm “điều kiện hóa từ kết quả - operant conditioning”, điều này đã chứng minh sự ảnh hưởng của hình phạt - punishmentsự củng cố - reinforcement đối với hành vi.
Mặc dù chủ nghĩa hành vi cuối cùng đã mất đi vị thế thống trị trong tâm lý học, nhưng các nguyên tắc cơ bản của tâm lý học hành vi vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Các kỹ thuật điều trị như phân tích hành vi, điều chỉnh hành vi, và mô hình kiểm soát hành vi được sử dụng để giúp trẻ em học các kỹ năng mới và khắc phục các hành vi không thích hợp, trong điều kiện hóa được áp dụng cho nhiều tình huống, từ nuôi dạy con cái đến giáo dục.

Tập Trung Vào Quan Điểm Nhân Văn

Trong khi nửa đầu thế kỷ XX chịu sự chi phối phân tâm học và chủ nghĩa hành vi thì một trường phái tư tưởng được gọi là quan điểm nhân văn - humanist perspective đã xuất hiện nửa sau thế kỷ. Quan điểm này nhấn mạnh vào những trải nghiệm có ý thức.
Nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers được xem như là một trong những ông tổ sáng lập ra trường phái tư tưởng này. Trong khi các nhà phân tâm học tập trung vào tác động sự vô thức và các nhà chủ nghĩa hành vi chú trọng đến nguyên nhân từ môi trường tác động, Rogers tin vào sức mạnh của ý chí tự do và sự định hình bản thân.
Nghịch lý kỳ lạ là khi ta chấp nhận bản thân như đúng ta đang là, thì ta mới có thể thay đổi.
Carl Rogers
Nhà tâm lý học Abraham Maslow cũng đã đóng góp vào tâm lý học nhân văn với thuyết phân cấp nhu cầu về động lực của con người. Thuyết này cho rằng con người được thúc đẩy bởi những nhu cầu phức tạp. Khi những nhu cầu cơ bản nhất được đáp ứng, con người trở nên có động lực để theo đuổi những nhu cầu cấp cao hơn.

Tâm Lý Học Nhận Thức

Trong những năm 1950s và 1960s, một phong trào được gọi là cuộc cách mạng nhận thức đã bắt đầu xuất hiện trong tâm lý học. Trong thời gian này, tâm lý học nhận thức bắt đầu thay thế phân tâm học và chủ nghĩa hành vi như một cách tiếp cận chủ đạo trong nghiên cứu tâm lý học. Các nhà tâm lý học vẫn quan tâm đến việc quan sát hành vi, nhưng họ cũng quan tâm đến những gì xảy ra trong tâm trí.
Kể từ đó, tâm lý học nhận thức vẫn là lĩnh vực chủ đạo của tâm lý học khi các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như nhận thức, trí nhớ, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề, trí thông minh và ngôn ngữ.
Sự ra đời của các công cụ chụp ảnh não như MRT và PET đã giúp các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu sâu hơn về hoạt động bên trong não người.

Tâm Lý Học Tiếp Tục Phát Triển

Như bạn đã thấy trong bản tóm tắt tổng quan về lịch sử tâm lý học, ngành này đã chứng kiến sự phát triển và thay đổi đáng kể kể từ khi nó chính thức ra đời trong phòng thí nghiệm của Wundt. Câu chuyện chắc chắn không dừng lại ở đây.
Tâm lý học đã tiếp tục phát triển kể từ năm 1960 và những ý tưởng, quan điểm mới đã được ra đời. Nghiên cứu gần đây trong tâm lý học xem xét nhiều khía cạnh về trải nghiệm con người, từ ảnh hưởng sinh học đến hành vi cho đến các tác động của những yếu tố văn hóa-xã hội.
Ngày nay, phần lớn các nhà tâm lý học không xác định mình với một trường phái tư tưởng đơn lẻ. Thay vào đó, họ thường tập trung và một lĩnh vực chuyên môn hoặc một góc nhìn cụ thể, thường kết hợp các tư tưởng từ nhiều nền tảng thuyết khác nhau. Cách tiếp cận đa dạng này đã đóng góp những ý tưởng và lý thuyết mới, sẽ tiếp tục định hình tâm lý học trong nhiều năm tới.

Những Người Phụ Nữ Ảnh Hưởng Đến Lịch Sử Tâm Lý Học

Như bạn đã đọc qua bất kỳ lịch sử nào của tâm lý học, bạn có thể cảm thấy đặc biệt ấn tượng với thực tế rằng các tài liệu dường như tập trung hoàn toàn vào các thuyết và những đóng góp của nam giới. Điều này không phải vì phụ nữ không có hứng thú trong lĩnh vực tâm lý học mà chủ yếu là do phụ nữ bị loại khỏi việc theo đuổi chương trình thực hành và đào tạo học thuật trong những năm đầu của lĩnh vực này.
Một số phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào lịch sử ban đầu của ngành tâm lý học, mặc dù công trình của họ đôi khi bị bỏ qua. Dưới đây là một số nhà tâm lý học nữ đi tiên phong:
Mary Whiton Calkins, người đã nhận được bằng tiến sĩ chính đáng từ Harvard, mặc dù trường từ chối cấp bằng cho bà vì bà là phụ nữ. Bà đã học với những nhà tư tưởng lớn thời bấy giờ như William James, Josiah Royce, và Hugo Munsterberg. Bất chấp những rào cản mà bà phải đối mặt, bà đã trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ.
Anna Freud, một trong những người con của Sigmund Freud, người đã có đóng góp quan trọng với lĩnh vực phân tâm học. Bà đã mô tả nhiều cơ chế phòng ngự và được biết đến là người lập ra ngành phân tâm học trẻ em. Bà ấy cũng ảnh hưởng đến những nhà tâm lý học khác, bao gồm cả Erik Erikson.
Mary Ainsworth, một nhà tâm lý học phát triển, bà đã có những đóng góp quan trọng trong việc hiểu về sự gắn bó. Bà đã phát triển một phương pháp để nghiên cứu sự gắn bó giữa trẻ em và người chăm sóc, được gọi là “ Đánh giá Tình huống Lạ - Strange Situation”.

Lời Kết

Để hiểu về cách tâm lý học đã trở thành một ngành khoa học như ngày nay, điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm một số sự kiện lịch sử đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nó.
Mặc dù một số thuyết đã xuất hiện trong những năm đầu của ngành tâm lý học được coi là đơn giản, lỗi thời, hoặc không chính xác, nhưng những ảnh hưởng này đã định hình hướng đi của ngành và giúp chúng ta có được sự hiểu biết sâu hơn về tâm trí và hành vi con người.
Dịch: Brian Dinh
Nguồn: verywellmind.com