Ai rồi cũng sẽ lại yêu thôi, vì trái tim ta còn đập.
Có người, họ phẫn nộ thay cho mình, vì lần nào cũng vậy, những bạn trai cũ của mình sau khi chia tay lại vội vàng phải đi tìm người yêu mới ngay lập tức. Nhưng mình chưa bao giờ nghĩ rằng, hành động đó thể hiện sự không tôn trọng đối với mình, thậm chí còn cảm thấy bản thân mình thật sự đã làm quá tốt, trong mối quan hệ vừa kết thúc kia.
Thứ nhất, ai cũng có cách sống và sự lựa chọn cho riêng mình. Bạn thử nhìn lại xem, trong số tất cả những người bạn gặp, có được bao nhiêu là đồng tình với những quan điểm cá nhân về những vấn đề khá nhạy cảm của bạn hay không? Có thể, bản thân mình sau chia tay sẽ không vội vàng tìm kiếm mối quan hệ mới, mình muốn dành thời gian để suy nghĩ về những gì mình được và mất, cũng như vạch ra những kế hoạch, đầu tư cho bản thân. Nhưng nói như vậy KHÔNG có nghĩa là, đối với một người quá tốt và biết suy nghĩ hay giữ thể diện cho họ như vậy, họ lại vội vàng đi kiếm người mới, thì lập tức bị quy cho cái tội “không biết tôn trọng”, thậm chí còn có rất rất nhiều những nghi vấn được đưa ra, hay thằng đấy nó có dự phòng từ trước, người kia là kẻ thứ ba, hay vốn dĩ người ta chỉ đến với mình vì muốn thử cảm giác của tình yêu, cái thú của sự trêu đùa? Vậy đã bao giờ bạn nghĩ về chiều hướng ngược lại chưa, người bị hại thực ra lại là bị cáo. Cô ta thực chất không yêu anh ta như anh ta nghĩ, cô ta vậy mà vô tâm và tuỳ hứng đến thậm chí đã làm cho một thằng con trai phải đau lòng đến rơi lệ, cô ta sống tốt khi không cần tình yêu, thì ra chỉ là chút nhầm tưởng giữa “thích” và “yêu” mà thôi,… Không phải trong cuộc tình nào người con gái cũng là người bị tổn thương nhiều hơn, và chia tay chính là điều có ý nghĩa nhất cô ấy dạy cho anh ta hiểu về định nghĩa của tình yêu là thế nào. Cô ấy là người mong muốn nhất, rằng anh ta sẽ tìm được một người phù hợp, không phải là mình.
Thứ hai, tại sao mình nói bản thân cảm thấy đã làm rất tốt trong mối quan hệ vừa rồi khi mà trong cả quá trình cũng như kết thúc của nó vốn dĩ chẳng tốt đẹp gì? Thì ra, đàn ông hay con trai, có vẻ như không sợ tan vỡ hay tỏ rõ thái độ mình là chủ cuộc chơi trong hôn nhân cùng với tư tưởng, người phụ nữ là người cần mình hơn. Nhưng các ông thử ở trong một mối quan hệ nghiêm túc, có một người lo lắng, quan tâm các ông, những chuyện nhỏ nhặt có họ chu đáo sắp xếp, các ông có thời gian tập trung cho sự nghiệp và rảnh rỗi lại đi ngồi chém gió với mấy thằng bạn, thì mối quan hệ đấy một khi mất đi, các ông cảm thấy tự do lúc ban đầu thật đấy, nhưng thử nói xem trật tự cuộc sống của các ông có phải đảo lộn hết lên không, bỗng nhiên mất đi một người để chia sẻ gánh nặng, lại ôm thêm vào mình một đống việc. Hoặc, nếu người đàn ông/con trai là kẻ bị tổn thương hay bị phản bội, thì chẳng có gì khó hiểu khi họ xứng đáng đi tìm kiếm một tấm chân tình, họ xứng đáng lấy lại những gì mình đã mất, và họ có quyền tìm kiếm sự đồng cảm. Đừng chỉ nghĩ rằng, “kẻ thua cuộc” sẽ tìm cách trả thù bằng việc ngay lập tức có người mới để chứng minh với cả thế giới, rằng họ không chịu thua. Vãn Tình viết: “Cái sai lớn nhất của người phụ nữ trong tình yêu chính là hy sinh quá nhiều, nhưng cùng với đó cũng là làm cho người đàn ông quên mất giá trị của bản thân mình.” Đàn ông, con trai thực sự cần sự cân bằng trong cuộc sống giữa sự nghiệp và tình yêu hơn đàn bà, con gái rất nhiều. Một single mom, một người phụ nữ đến 40 tuổi vẫn độc thân, là lựa chọn của họ, nhưng đối với đàn ông, không có người phụ nữa nào bên cạnh, lại là một thất bại.

Thứ ba, không nói đến những phi vụ “trà xanh”, đánh ghen hay bạo lực gia đình và vô số những lí do chia tay hợp tình hợp lí khác, thì người ta cũng có thể chia tay vì một chữ thôi: “chán”, thường được biểu hiện bằng những lí do như dừng lại để tập trung cho sự nghiệp, không hợp nhau,… Quan điểm về vấn đề này của mình khá là khác với số đông. Mình biết, không có ai hợp nhau ngay từ đầu cả, gặp nhau, đến với nhau có thể là ý trời, nhưng có đi cùng nhau lâu dài hay không vốn là ý người. Tình yêu đến từ hai phía, cũng đồng nghĩa với việc mỗi người nên cố gắng một chút thay đổi vì nhau và duy trì mối quan hệ. Không sai, nhưng rất nhiều người lầm tưởng và hiểu sai về nó. Trên thực tế, không mấy ai giữ được lửa yêu thực sự sau một khoảng thời gian khá dài, mà đối với họ, tình yêu bây giờ chỉ còn là thói quen mà thôi. Đó chính là sự khác nhau giữa “tình yêu” và “sự hoà hợp”. Quan trọng là họ có dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thay đổi trật tự cuộc sống mà họ đã quen này hay không. Mình nói về vấn đề này để các bạn có một cái nhìn thoáng hơn về vấn đề chia tay và những lí do nghe có vẻ vô lí của nó. Thực sự, có rất nhiều vấn đề không hề đơn giản, như việc ngoại tình chưa hẳn đã xấu cũng như việc hy sinh hết mình không phải đã tốt. Vậy nên, việc chia tay như thế nào hay chọn thời gian bao lâu thì yêu người khác vốn dĩ không thể đánh giá bằng một con mắt chủ quan.
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình thôi, vì người ngoài cuộc đâu bao giờ có thể biết rõ nội tình hơn người trong cuộc cơ chứ? Cho nên, mình không bênh ai cả, nhưng mình cũng không muốn đánh giá một người bằng con mắt định kiến cá nhân, dù là theo cách hợp tình hợp lí đến đâu.