Có bao giờ giữa những nỗi đau, những thất bại, bạn ước mình được sống trong một thế giới không có đau đớn, không có lựa chọn, một nơi chốn hoàn hảo không có dục vọng và ham muốn, một thế giới tuyệt vời, một utopia không? Có lẽ sau khi đọc ‘The Giver’ – ‘Người truyền ký ức’ bạn sẽ phải suy nghĩ lại về thiên đường hạ giới ấy và tự hỏi thế giới mà bạn vừa mơ ước sẽ là utopia hay là dystopia?
Kết quả hình ảnh cho nguyền truyền ký ức
Bìa sách Người truyền ký ức (Nhã Nam)
Thực sự thì những chương đầu tiên của tác phẩm đã khiến tôi nghĩ rằng thế giới mà Jonas đang sống thực sự là một utopia. Tôi nhìn thấy những nét tuyệt vời của một xã hội chủ nghĩa mà ta đang hướng tới, những con người của cộng đồng, yêu lao động, sống hòa thuận với nhau, giản dị và không có nhiều ham muốn. Những đứa trẻ từ nhỏ đã được dạy dỗ để trở thành người có ích cho cộng đồng, được quan sát và định hướng phát triển đúng đắn. Đến năm mười hai tuổi dựa trên những gì đã quan sát được từ trước, Hội đồng Bô lão sẽ phân chúng cho một công việc phù hợp nhất với khả năng. Chắn chắn rằng họ không phân công sai bao giờ! Hội đồng Bô lão cũng sẽ là người lựa chọn bạn đời, chọn con cho các thành viên. Thành viên trong cộng đồng sẽ được sống một cuộc sống nhẹ nhàng giản đơn, không cần phải lựa chọn, không có sai lầm và chẳng có đau đớn.
Nhưng những bí mật của cộng đồng bắt đầu lộ ra khi Jonas được lựa chọn làm Người Tiếp nhận Ký ức (Receiver of Memory) mới. Hóa ra, để cả cộng đồng không có nỗi đau thì tất cả nỗi đau phải đổ dồn lên một người. Người Tiếp nhận Ký ức mang trong mình tri thức của cả nhân loại từ xa xưa, cả niềm vui, nỗi buồn và sự đau đớn, là người đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cho cộng đồng, hướng cộng đồng đến sự đúng đắn. Dần dần những bí mật khác hiện ra, ta chợt hiểu ra rằng để có cuộc sống không có đau khổ, thì những con người trong cộng đồng cũng trở nên yếu đuối và co mình lại trong vùng an toàn, chỉ một chiếc máy bay bay nhầm vào cũng khiến cho cả một cộng đồng lo lắng và hoang mang, không có nhận định riêng, không có sự dũng cảm bởi lời xin lỗi chẳng qua là một nghĩa vụ đơn thuần. Họ không cảm thấy xấu hổ hay ăn năn hối lỗi bởi họ không có cảm xúc và cũng không có tình người. Chẳng có mối dây tình thân nào kéo con người lại với nhau. Bố, mẹ, con cái chỉ là những cá thể trong quần thể, là thành viên của cộng đồng, chấm hết. Thế giới mà họ đang sống là một thế giới đơn điệu, nhạt nhòa, không màu sắc cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những Lễ Phóng thích đẹp đẽ trở nên kinh tởm và những con người vốn tưởng đang làm những công việc cao đẹp nhất lại trở thành những đao phủ gớm giếc.
Lois Lowry đã mang đến cho ta một dystopia đẹp hơn các dystopia khác, không hỗn loạn, nghèo đói, bị kiểm soát hay tràn đầy dục vọng ham muốn. Nhưng những vấn đề nó đưa ra không hề kém cạnh những tác phẩm khác; những câu hỏi về tầm quan trọng của ký ức, tầm quan trọng tính cá nhân và sợi dây liên kết giữa nỗi đau và niềm vui sẽ quanh quẩn ta mãi và hành động dũng cảm của cậu bé Jonas sẽ chỉ đường dẫn lối cho chúng ta mỗi khi ta gặp phải đớn đau.

2017.04.10