Mấy hôm về nhà nghỉ tết, tôi dọn lại tủ sách của mình. Tôi ngồi ngắm lại từng cuốn sách như nhìn lại từng chặng đường của cuộc đời hai mươi mấy năm qua. Mỗi cuốn sách khi mua tôi đều có ghi lại mấy dòng chữ, rồi đề ngày tháng năm. Thói quen này tôi học từ bố tôi. Bố luôn ghi gì đó ở trang đầu một cuốn sách, một quyển sổ tay. Ẩn sau những dòng chữ đơn giản, ngắn gọn ấy có thể là một kỷ niệm, một câu chuyện và nhiều cảm xúc. Khoảng thời gian tôi còn nhỏ, bố tôi cứ mỗi mùa hè đi tập huấn thay sách sẽ thường mua truyện cho tôi. Sách đó bố sẽ ghi: "Cho con". Bố đề thời gian. Ký tên bằng một chú VỊT, và ghi thêm một chữ "Ê" bên dưới. 
Âm nhạc là đam mê của bố tôi, sau Toán học. Bố tôi có một quyển vở học sinh chép các bài hát mà bố thích. Mỗi bài hát bố tôi vẽ tựa đề một kiểu khác nhau, không bài nào trùng lại kiểu chữ. Phần nhiều trong quyển đó là nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Mẹ tôi trêu: "Già rồi còn chép nhạc này nọ". Bố tôi mặc kệ, bố vẽ vời linh tinh mấy thứ rồi ghi một câu tiếng Pháp ở trang đầu tiên với ý nghĩa: "Cuộc sống thiếu âm nhạc như trái đất thiếu ánh mặt trời". 
Bố tôi có thể ngồi hàng giờ liền để phân tích cho tôi nghe về tiếng hát liêu trai huyền ảo của Khánh Ly, cách hát điệu đà duyên dáng mang màu sắc dân ca Bắc bộ của Ý Lan, chất tự sự nam tính trong phong cách của Tuấn Ngọc hoặc có khi là note C5 vang và sáng của Bằng Kiều. Khi nghe mấy bài nhạc xưa được phối lại theo một phong cách mới, bố hơi nhíu mày, nhưng vẫn kiên nhẫn lắng nghe cho trọn vẹn. Nhưng tuyệt nhiên nếu ai hát "Niệm khúc cuối" mà không theo điệu Boston thì bố bực bội ngay. Bố tôi nói về cao độ và trường độ như thể bố đang giảng về phân số. Và khi nói về đường đi của mấy nốt nhạc thì tay bố như thể đang vẽ một đồ thị hàm số trong không trung. Đầu ngón tay của bố tôi luôn luôn bị chai. Rảnh rang là bố lấy đồ cắt móng tay để ngồi cắt hết mấy lớp da cứng ngắt ấy để "chơi guitar cho tiện". Rất thường xuyên diễn ra chuyện mẹ tôi đi dạy về, thấy trời thì mưa, bố thì ngồi trong nhà ôm cây guitar say mê trong khi quần áo thì vẫn trơ trơ ngoài sân. Mẹ tôi cáu, bố tôi cười hề hề: "Anh xin lỗi anh quên". Thỉnh thoảng, bố tôi phổ nhạc cho mấy định lý Toán học, có khi là Lý, có khi là Hóa, rồi đệm đàn dạy tụi nhỏ hát. Tôi đoán rằng đứa nào cũng sẽ thích thôi, vì 15 phút đầu giờ chúng nó không bị gọi trả bài hay kiểm vở bài tập mà lại còn được hát hò xả stress. 
Buổi sáng, nhà tôi sẽ vang lên tiếng guitar không lời. Mấy hôm tôi về nghỉ tết, tôi âm thầm len lén mở nhạc Hà Anh Tuấn. Bố tôi im im không nói gì, được đà, tôi mở lớn luôn để lom khom với cây lau nhà từ nhà sau ra nhà trước vẫn nghe được idol hát. Buổi trưa, bố tôi nghe nhạc Trịnh của Khánh Ly. Chiều tối thì nhà tôi không nghe nhạc. Bố sẽ mở Youtube xem chuỗi video "Ngôi đền huyền thoại" về các cầu thủ nổi tiếng thế giới vào buổi chiều, còn tối thì xem "Cho phép được yêu". Nếu nằm chơi, xem trên điện thoại, bố tôi sẽ mở "Thách thức danh hài" để xem đi xem lại phần thi của năm chú tiểu. Lúc nào bố tôi cũng vừa xem vừa tủm tỉm cười. Tôi nghi ngờ rằng "GALA Bao công xử án" 27 triệu lượt xem có khi một nửa trong số đó là đóng góp từ bố tôi. 
Tranh này là nhóc học trò vẽ tặng bố tôi. Nó bảo bên còn lại định sẽ vẽ mẹ tôi. Tôi đoán ý tưởng của nó là kiểu vẽ 2 người  xong ở giữa vẽ trái tim. =))) Cơ mà tác phẩm đang dang dở thì họa sĩ được nghỉ tết nên hiện bức này hình như vẫn chưa có sự xuất hiện của nữ chính.
Bố mẹ tôi đều thích nhạc Trịnh. Tôi nghe nhạc Trịnh từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Với bố tôi, chỉ có Khánh Ly mới lột tả được hết cái thần trong những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Khi bắt đầu lớn, tôi hơi sợ ma khi nghe Khánh Ly hát. Dần dần, tôi từ sợ thành nghiện. Dẫu vậy, tôi biết mình còn non và xanh để hiểu được hết những ca từ mang nhiều tầng ý nghĩa sâu xa như thế. Khoảng thời gian tôi học đại học, trong một chiều hè đầy nắng gió, tôi chợt nghe được bài "Biển nhớ" của giọng ca liêu trai quen thuộc phát ra từ chiếc điện thoại di động của bác giữ xe. Vậy là tôi khóc ngon lành. Từ đó, tôi không bao giờ mở nghe Khánh Ly hát khi tôi xa nhà nữa. 
Bố tôi giải Toán mọi lúc mọi nơi nếu có thể, nếu không có giấy ở đó, bố dùng miếng giấy bạc trong bao thuốc lá. Khi tôi thấy bố ngồi một mình đăm chiêu nghĩ ngợi, tôi biết lúc đó trong đầu bố tôi đang có cả dãy số dài hoặc một đường tròn với chi chít đường kẻ phụ. Khi buổi sáng bố ngồi trong wc cả tiếng đồng hồ, tôi biết ngay là bố có cầm theo cây viết và tờ giấy. Khi nửa đêm bố bật dậy, mở cửa phòng vội vàng, tôi biết ngay bố vừa nghĩ ra một cách giải nào đó trong lúc ngủ, bây giờ phải bật đèn, lấy giấy ra bàn ngồi ghi ngay. Có vẻ bố tôi không thích để đầu óc được thảnh thơi. Hoặc là với bố, giải Toán là một sự giải trí. Châm ngôn của bố tôi là: "Giỏi Toán ắt sẽ giỏi Văn, nhưng giỏi Văn chưa chắc giỏi Toán". Mười mấy năm qua, tôi cố gắng lấy chính mình làm một minh chứng để phản bác bố tôi, để có thể vênh mặt lên với bố, rằng dân Văn cũng giỏi Toán như dân Toán giỏi Văn vậy. Nhưng tôi chưa làm được và e rằng mình không bao giờ làm được. Sự chăm chỉ của tôi không qua nổi đầu óc nhạy bén thông minh của mấy anh trò cưng vừa Văn Toán song toàn của bố tôi. Vậy nên tôi cay lắm.
Trước đây, thấy bố đam mê giải sodoku trên báo, tôi mua tặng bố vài quyển. Bố tôi giải chỉ trong vòng mấy ngày. Mẹ tôi bảo bố được tôi nuông chiều riết hư, mua bao nhiêu cũng chơi liền tù tì chẳng chịu để dành. Mẹ không cho tôi mua thêm nữa, vì bố suốt ngày chỉ cắm đầu vào giải ô số. Vậy là tôi không gợi nhắc gì đến sodoku nữa, bố tôi lặng lẽ dùng viết xóa, xóa hết cả 2 quyển rồi chơi cho đỡ ghiền. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ. 
Một trang trong sổ họp của bố tôi =)))))
Bố tôi cũng mê cờ tướng. Một mình bố thà phân thân tự đấu chứ bố không thèm chơi với tôi. Tôi biết thân biết phận, chẳng bao giờ làm phiền lúc bố nghiền ngẫm những thế cờ khó. Tôi cũng không bao giờ năn nỉ bố chơi cùng vì tôi biết mình quá gà so với người đàn ông mê cờ tướng tới độ từng ôm cả bàn cờ lên giường đi ngủ. 
Thầy dạy tôi ở trường đại học từng nói: "Đàn ông được hồn nhiên nhất ở hai thời điểm. Một là trên sân bóng. Hai là trên bàn nhậu". Bố tôi bây giờ không  còn sức để ra sân. Nhưng mê thì vẫn mê, xem thì vẫn xem. Hè 2018, cả nhà tôi đi du lịch, thấy trong khách sạn có dán lịch thi đấu. Vậy là bố tôi te te đi tới, lấy cây viết vắt ở túi áo ra, nhăn trán vài giây để lục lại trí nhớ... Và rồi, bố điền luôn một lèo tỉ số lẫn danh sách các đội vào tứ kết.
Cách đây mới 1 tuần, bố tôi kể chuyện bữa đó đi nhậu, chú kia đố bố câu đố này. Chú bảo chú nghĩ ra trong vòng 30 giây. 
Đây là câu đố của chú ấy
Hẳn là khi nhìn vào, bạn cũng thấy ngay đáp án là đổi vị trí chữ số 2 và số 1 để phép tính sẽ thành 101 - 2= 99. Đó là đáp án của tôi, cũng là đáp án của "bạn nhậu" của bố. Nhưng tôi nói với bố rằng tôi thấy câu lệnh ở đây chưa chính xác. Rõ ràng chúng ta phải "đổi vị trí của hai chữ số" chứ không phải chỉ là "di chuyển một chữ số" như đề yêu cầu. Bố tôi vỗ đùi cười lớn, "trời ơi sao con gái tui trùng ý với tui ghê". Bố nói câu lệnh làm bố khựng lại mấy giây và thấy có gì đó không ổn. Nhưng khi bố đem vấn đề này nói trong bàn nhậu, thì mấy chú lại thấy câu lệnh này là bình thường. "Mấy ông này học Văn dở quá", bố nhăn mặt nói với tôi. Tôi bảo, "không phải người ta dở Văn, mà vì người ta là kỹ sư chứ không phải giáo viên". Bố tôi tỏ vẻ không hiểu, tôi giải thích: "Vì bố bị bệnh nghề nghiệp là luôn dạy học trò chú ý phân tích câu lệnh trong đề bài, khi ra đề kiểm tra bố lúc nào cũng để ý câu từ làm sao thật rõ ràng, dễ hiểu nhất nên bố mới thấy bực bội vì cái cách diễn đạt này. Chứ bình thường không để ý thì sẽ không thấy có gì lấn cấn ở đây cả". Bố tôi gật gù ra vẻ đồng tình với tôi lắm. 
 Nhưng cái cốt lõi của vụ này tôi muốn kể không phải là ở câu lệnh. Chuyện buồn cười ở đây là, bố mất gần 1 phút mới nghĩ ra đáp án. Và bố mất thêm 3 phút nữa để nghĩ ra thêm một đáp án nữa. Hai đáp án của bố tôi thì không cái nào giống với đáp án nảy ra trong 30 giây của các chú ấy. Tối bố nhậu về thì tôi ngủ mất rồi. Nên sáng tôi vừa thức, bố đã kể ngay với tôi. Tôi nói: "Trời đất con không ngờ bố nghĩ ra được 2 cái đáp án vậy luôn á. Thông minh zậy taaa". 
Ý bố tôi là vầy nè. =))))))))))
Tôi không biết sao nhưng khen một ông già gần 60 tuổi là thông minh  tôi cũng thấy kì kì. Dẫu vậy, tôi cũng thấy bố tôi thông minh một cách kỳ cục kẹo. Vì cái dễ nhìn nhất thì ông lại không nhìn ra. Cũng như tôi, bố kể, mấy ông chú cười ha hả khoái chí vô cùng với hai đáp án không-ai-ngờ-tới của bố. Đáp án thứ nhất là "quăng số 2 lên làm số mũ". Còn đáp án thứ hai là "đem số 1 sang vế bên kia rồi quăng 99 lên làm số mũ". 

Nhiều thứ tưởng quên thì bố tôi nhớ rất dai. Như ngày 20/11, trong khi mẹ tôi nhăn trán cố hồi tưởng tên họ của một người học trò cũ, thì bố tôi đọc ngay luôn tên họ của cha, thậm chí là ông nội của anh đó. Bố tôi còn nói luôn là anh đó học lớp nào, ngồi bàn mấy, khóa đó có những ai nổi bật. Dạo này đang xem "Ngôi đền huyền thoại", bố tôi say mê như kiểu bọn con nít mê xem hoạt hình. Đến tập giới thiệu ông Johan Cruyff, bố tôi vỗ tay reo lên: "Con ơi ông này hồi xưa bố mê nhất luôn á". Cảnh đó làm tôi liên tưởng ngay tới thằng em hàng xóm nhảy nhót tưng tưng khi nó được mẹ cho mượn iPhone để xem spider-man. Vậy là ý tưởng cho bài viết này hình thành, tôi đang vừa gõ mấy dòng này và vừa nghe bố tôi kể chuyện trận chung kết năm 1974 giữa Hà Lan với Đức. Lúc đó có cậu nhóc 10 tuổi ròm ròm, đen nhẻm đi bán bánh tráng nướng, cả buổi ấy mải mê đứng trước cái tivi trắng đen ở một quán cà phê nọ để xem Johan Cruyff đá. Về nhà, rổ bánh tráng còn y nguyên, cậu ta bị chị gái quất cho 3 roi vì tội ham chơi. 
Bố tôi ghi lại lịch phát sóng của "Cho phép được yêu" =))))
Bố tôi nhớ nhiều thứ mà cũng quên nhiều thứ. Bố luôn đọc vanh vách những bài thơ của Tố Hữu mà ngày xưa bố được học, nhưng bố thường hay quên tắt bếp nồi cháo mỗi khi bố xem bóng đá khuya. Bố tôi không bao giờ quên mua đồ ăn sáng và dắt xe sẵn cho mẹ tôi mỗi ngày, nhưng bố thường quên đón tôi hễ khi bố ngồi vào bàn nhậu. Bố tôi không bao giờ quên nhắn tin ngọt ngào chúc mừng sinh nhật tôi, mừng 8/3 và 20/10 nhưng luôn quên đóng cửa sổ trên gác khi trời mưa. Bố tôi luôn nhớ lịch phát sóng của "Cho phép được yêu" nhưng đi nhậu về thì lâu lâu lại mang nhầm một đôi dép nào đó lạ hoắc của bạn nhậu về nhà. Và mẹ tôi lại một phen bực bội, vì bố tôi chỉ toàn canh ngay những đợt mẹ tôi vừa mua dép mới cho bố để đổi mới lấy cũ.
Tôi luôn nghĩ bố tôi là một người hạnh phúc nhất trên đời này. Bởi bố giữ được sự hồn nhiên và vụng về, lãng mạn và đáng yêu. Để bố được thỏa sức là một "người trưởng thành hồn nhiên", tôi biết rằng, trái tim mẹ tôi luôn bao dung và ấm áp. 
Bố thường nói với tôi: "Ngày xưa bố lãng tử lắm chớ bộ". Những lúc ấy, mẹ tôi đáp ngay: "Lãng xẹt chứ lãng tử cái gì". 

Viha, 022021.