Sau biết bao nhiêu năm, những triết lý in hằn trong nhạc Trịnh vẫn là một thứ “bùa mê” thôi thúc người nghe chiêm nghiệm, suy tư. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn tìm thấy nhạc phẩm “Hai mươi mùa nắng lạ” trong playlist của những người trẻ đầu xanh hai chục. Tuổi hai mươi đẹp mà buồn như được cố nhạc sĩ họ Trịnh “đúc” lại trong vỏn vẹn bốn câu hát: “Em hai mươi tuổi em đâu ngờ/ Năm xưa vui buồn chút phù du/ Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ/ Cho em bây giờ mắt tình đưa”.
Bản năng di cư hay chủ nghĩa xê dịch
Trong cuốn “Lược sử loài người”, tác giả đã không ít lần tái hiện những cuộc di cư của nhân loại. Di chuyển dường như đã trở thành tập tính của loài người. Di dân để canh tác, săn bắn, hái lượm, để xây dựng cuộc sống mới. Hiểu rõ điều này, Trịnh Công Sơn đã đặt chữ “đi” trong vô số tác phẩm ông chắp bút. Vì bản tính con người là “đi”, là tìm, là học nên sự “ở” chỉ làm tạm bợ. Trong nhạc phẩm “Ở trọ”, Trịnh Công Sơn đã khái quát mưu cầu tự do của con người: “Con chim ở đậu cành tre/ Con cá ở trọ trong khe nước nguồn… Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”.
Google vinh danh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lần sinh nhật thứ 80 - Tạp  chí Đẹp

Chủ nghĩa xê dịch như dòng nhựa sống chảy từ nhạc Trịnh đến những ca khúc của người trẻ sau này. Đó phải chăng là nguyên nhân sâu xa làm nên sức hút của các bài hát mang chủ đề “đi” như: “Đưa nhau đi trốn” (Đen Vâu), “Bài ca tuổi trẻ” (nhiều nghệ sĩ),… Khao khát được “tháo cũi sổ lồng” ở nhân loại phải chăng đã là triết lý được cố nhạc sĩ họ Trịnh nhận ra từ nhiều năm trước.
Thế nhưng, chữ “đi” của Trịnh Công Sơn không đứng một mình mà tồn tại trong thể đối xứng với chữ “về”. Con người từ thuở lọt lòng tới khi “đủ lông đủ cánh” luôn được săn sóc trong vòng tay của một gia đình, một dòng họ hay một cộng đồng. Thời nguyên thủy, một đứa trẻ vốn được nuôi nấng, dưỡng dục bởi cả một tộc người. Mô hình này được duy trì cho tới hiện nay. Vì thế, gia đình, quê hương vẫn luôn là chiếc ba lô không thể đặt xuống trên lưng kẻ hành khất. Chỉ người lữ khách tha hương mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “quê nhà”. “Một cõi đi về” chẳng phải là khát vọng “về cội” của kẻ lang thang hay sao? “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Sau trăm chuyến thương, nghìn bước nhớ, thân xác mỏi mệt rã rời lại muốn “quay đầu về núi”: “Về chân núi thăm nấm mồ/ Giữa đường trưa có tôi bơ phờ” (“Lời thiên thu gọi”).
Thuyết luân hồi
Trịnh Công Sơn vốn được biết đến là nhạc sĩ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Bởi lẽ đó, trong nhiều nhạc phẩm của ông, người ta không nhìn thấy sự kết thúc của kiếp người. Nguyên lý này của nhà Phật cũng có thể được lí giải bởi định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác mà thôi”. Quan điểm này cũng đã từng được tác giả Haruki Murakami bàn luận trong tiểu thuyết “Rừng Na Uy”: “Cái chết không phải sự đối nghịch, mà là một phần của sự sống”.
Báo chí thế giới từng viết gì về Trịnh Công Sơn? - Đời sống - Việt Giải Trí

Quay trở lại với nhạc Trịnh, thuyết luân hồi đã được cố nhạc sĩ người Huế truyền tải qua những câu hát lời ca: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi”. Cái chết đơn giản chỉ là trở về. Sự sống đơn giản là tái sinh. Chính bởi thế, cõi “trần gian” và chốn “thiên thu” trong nhạc Trịnh dường như được xóa nhòa khoảng cách. Trong “Đời cho ta thế”, Trịnh Công Sơn ca: “Không xa đời và cũng không xa mộ người/ Không xa rạng ngời và cũng không xa đoạ đày”.
Thuyết cộng sinh
Từng có một nhà khoa học thời phong kiến Việt Nam cho rằng: “Mỗi cá nhân tồn tại như một đồi cát, tưởng cô độc lạc loài. Thế nhưng, nếu quan sát kĩ sẽ thấy các đồi cát đều được liên kết với nhau bởi sa mạc rộng lớn”. Lịch sử nhân loại đã chứng minh con người không tồn tại đơn độc. Mối quan hệ cộng sinh là thiết yếu. Bởi thế, người luôn cần người. Và tình yêu là sợi dây kết nối bền chặt nhất. Xuân Diệu từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào?”.
Vẫn còn đây, một Trịnh Công Sơn - Hội Cờ Đỏ

Tình khúc Trịnh Công Sơn luôn cổ vũ tình yêu dù “Yêu là chết ở trong lòng một chút”. Nghe “Diễm xưa”: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, nghe “Hãy yêu nhau đi”: “Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn/ Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm”,… người trẻ muôn đời vẫn cứ xốn xang con tim trinh nguyên. Những bản tình ca đẹp mà buồn, ngọt ngào mà da diết vẫn cứ thế lay động tâm hồn những đứa trẻ “tập yêu”.
Dẫu biết trăm chữ “khổ”, vạn chữ “đau” đều bắt nguồn từ một chữ “yêu” nhưng người trong nhân gian có ai tránh được “trái tim lầm lỡ đặt trên đầu”. Người dám yêu là kẻ dám đau, người dám hy vọng là kẻ chấp nhận thất vọng. Đối với nhạc sĩ gốc Huế cũng vậy, ước nguyện, mộng tưởng, giấc mơ lớn nhất đời cũng vẫn là yêu và được yêu: “Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Chữ “mãi” của Trịnh Công Sơn khiến người ta chẳng dám tin nhưng “trăm năm hạnh phúc” chẳng phải là mộng ước thẳm sâu của triệu triệu kiếp người hay sao?