Tại sao con người không còn chơi cờ cùng AI nữa!
Các thể loại cờ nói chung luôn được coi là một môn thể thao đặc biệt, thể thao về trí tuệ. Người thông minh có thể không chơi cờ...
Các thể loại cờ nói chung luôn được coi là một môn thể thao đặc biệt, thể thao về trí tuệ. Người thông minh có thể không chơi cờ giỏi, nhưng người chơi cờ giỏi ắt hẳn phải là người thông minh. Chẳng thế mà trong những bộ phim Trung Quốc ta coi từ khi còn nhỏ luôn thấy các bậc cao nhân đàm đạo sự đời trên bàn cờ. Ngay ở trong những xóm làng vẫn thấy hình ảnh những bác trung niên, những cụ già râu tóc đã bạc vẫn nhâm nhi ly trà, mải mê đắm mình vào thế giới kỳ diệu trên bàn cờ. Những hình ảnh đó đã như in dấu vào tâm khảm bao người, bao thế hệ đến mức ta luôn coi rằng cờ là trò chơi trí tuệ dành cho con người, mà ta chợt quên một sự thật rằng AI đã thống trị thế giới cờ từ khá lâu rồi.
I. Bản chất của việc chơi cờ
Nếu như trước đây, ta có thể coi chơi cờ là một thể loại tư duy chiến thuật cực kỳ huyền diệu, nơi bạn trở thành Tào Tháo, Gia Cát Lượng để ủ mưu tính kế, bày binh bố trận cùng tài điều binh, khiển tướng. Số biến thể tức số ván cờ có thể chơi được còn nhiều hơn số nguyên tử trong toàn vũ trụ. Từ đó, ta mặc định cờ là một trò chơi mà không ai có thể giải quyết được hoàn toàn hay nói cách khác là càng chơi thì càng ra nước :))
Thế nhưng từ khi chúng ta tạo ra những cỗ máy có thể chơi cờ, ta phải thực sự nhìn lại vấn đề là cờ cũng không thực sự quá ảo diệu như ta tưởng. Và hơn nữa, ta phải thừa nhận với nhau rằng, người chơi cờ giỏi thực sự là người tưởng tượng được ra nhiều thế cờ trong đầu hơn những người khác. Nó giống như việc ta giả sử vậy: Nếu tôi đi quân này 1 nước thì điều gì sẽ xảy ra, sau đó lại tiếp tục đối thủ của tôi đi nước này, tôi đi nước kia thì điều gì tiếp theo và cứ như thế... Và ông nào tưởng tượng được ra nhiều tổ hợp những nước đi hơn trong một thời gian nhất định thì được gọi là cao cờ.
Tất nhiên là ta phải loại bỏ các nước đi sai lầm ngớ ngẩn và tập trung vào các nước đi mà ta cho là tiềm năng. Ngay cả các tuyển thủ cờ hàng đầu cũng sẽ tư duy theo cách đó, chỉ khác là họ nhìn ra được nhiều tổ hợp các nước đi hay hơn người thường mà thôi.
Ta có thể đưa ra một so sánh giữa việc giải toán và chơi cờ như sau:
Làm toán thì bạn nháp ra giấy còn chơi cờ thì bạn nháp trong đầu
II. Máy móc biết chơi cờ từ bao giờ
Nhận ra được bản chất của việc chơi cờ, các nhà khoa học máy tính đã quyết tâm tạo ra những cỗ máy biết oánh cờ đầu tiên dựa theo nguyên lý là không đi các nước cờ ngớ ngẩn và tìm tất cả các tổ hợp nước đi tiềm năng có thể. Máy móc đã có một lịch sử dài chơi cờ bắt đầu từ tận những năm 60 của thế kỉ trước. Wikipedia đã có một thống kê rất chi tiết về các trận đấu giữa người và máy.
Các cỗ máy thời điểm này đều hoạt động dựa trên những thuật toán , những kiến thức trong sách vở, hay kiến thức từ các đại kiện tướng. Nó có thể đánh giá thế cờ hiện tại rồi đưa những nước cờ khả thi rồi phát triển các nước cờ có thể đó trong bộ nhớ với một độ sâu nhất định. Các kết quả của máy móc đã tốt dần lên theo thời gian với sự phát triển của thuật toán và sức mạnh của phần cứng máy móc.
III. AI và phần còn lại của lịch sử
Các thuật toán đã làm rất tốt phần việc của nó và đã được chứng minh qua các trận đấu với con người. Nhưng chính vì sự huyền diêu của thế giới cờ, ta nhận ra rằng ko thể nào giải quyết tất cả các ván đấu chỉ bằng cách đánh giá thế cờ được. Cuối cùng thì AI đã tới và làm thay đổi thế giới cờ một lần và mãi mãi.
AI sử dụng một thứ gọi là mạng nơ ron nhân tạo và cơ chế học sâu dùng để học hỏi từ những trận đấu của nó. AI không được đào tạo với hàng ngàn tuyển thủ chuyên nghiệp hay đọc hàng ngàn những cuốn sách dạy chơi cờ. Những gì nó phải làm chỉ là tự chơi cờ với chính nó hàng triệu lần.
AlphaGo - một AI được phát triển bởi Google DeepMind đã có một cuộc chiến với kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Lee Sedol diễn ra năm 2016 và nó đã dành chiến thắng chung cuộc 4 - 1. Sự kiện này đã được coi là dấu chấm hết cho những nỗ lực từ con người trong lĩnh vực cờ, cuộc đua giữa trí não nhân loại và trí tuệ máy móc đã có hồi kết và ta đã phải đưa AI lên ngang tầm thần thánh tới mức không một con người nào còn dám thách đấu với AI nữa.
Ngoài AnphaGo sau này là AnphaZero thống trị thế giới cờ vây, chúng ta cũng có những AI thống trị các loại cờ khác như cờ vua, cờ tướng,... Dần dần thì tất cả các loại cờ đều bị AI thống trị theo những cách khá giống nhau. Cuối cùng thì bài toán chơi cờ sau 3000 năm phát triển cùng nhân loại cũng đã có lời giải.
IV. Vậy AI có ý nghĩa gì với thế giới cờ
Từ một trò chơi thiên biến vạn hóa, được sử dụng để thể hiện vẻ đẹp trí não của con người. Cờ dần trở thành nơi phô diễn sức mạnh của trí tuệ máy móc. Mặc dù AI cũng là do con người tạo ra, nhưng ngay cả chính những người tạo ra nó cũng không hiểu nổi tại sao nó lại đi các nước cờ như vậy, ta chỉ biết đó là những nước cờ rất thần thành và kết cục chỉ có một là AI luôn thắng. Việc tạo ra một thực thể thông minh vượt trội hơn hẳn con người thì không hẳn là một điều tốt.
Cờ cũng là một trò chơi và nó phân rõ ra người thắng, kẻ thua. Bạn không thể chơi một trò gì đó mà đã biết chắc sẽ thua ngay từ khi trò chơi còn chưa bắt đầu. Các AI có thể giúp ta phân tích thế cờ, chỉ ta những nước đi thiên tài, mở ra những chiến thuật mà nhân loại chưa từng nghĩ tới, nhưng sau khi dành cả đời để được AI dạy học mà ta vẫn không thể nào thắng nổi AI thì việc học còn có ý nghĩa gì?
Để kết lại cho bài viết thì giờ đây ta nên chuyển câu "Người tính không bằng trời tính" thành "Người tính không bằng máy tính". Cuối cùng thì con người vẫn chơi cờ với nhau, chỉ là con người không chơi cờ với AI nữa mà thôi.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất