Người nông dân giỏi nhất tôi biết.
Trời ơi sao bố đa di năng quá vậy??? Bê lô mọi người. Có ai đang ở đây đọc những thứ mình viết không ta? Hôm nay là sáng chủ...
Bê lô mọi người. Có ai đang ở đây đọc những thứ mình viết không ta?
Hôm nay là sáng chủ nhật đầu đông. Mưa rét lạnh lắm mọi người ạ. Mình nhớ nhà ghê gớm. Nhớ cái nệm ấm ở nhà, nhớ cái máy sưởi trong phòng tắm, nhớ nồi lẩu nghi ngút hơi. Hôm qua mình gọi điện về còn được nghe kể hôm nay có hội làng, mọi kí ức về hội làng, về tuổi thơ lại trỗi dậy trong mình. Mình sinh ra ở làng, lớn lên ở làng và đi học thì xa làng. Ngày còn nhỏ, mình luôn được đi múa trong những ngày này. Mẹ mình phải chạy đây đó để đi mượn cho mình cái váy công chúa để đi diễn. Rồi được các cô đánh son phấn cho nữa. Mình nhớ các cô cứ khen mình rằng con bé này da đen nhưng được cái ăn phấn. Mình không biết nên vui hay nên buồn nữa. Nhưng đến tận bây giờ mình vẫn nghĩ ăn phấn tức là phấn đánh vào da sẽ mịn màng, không bị bờ lên mặt da. Cười. Hôm qua cháu mình cũng lên diễn. Cũng giống như mẹ mình hồi trước, chị gái mình, tức là mẹ nó cũng sẽ trải qua cảm giác xốn xang. Cũng hồi hộp theo dõi mọi động tác của con trên sân khấu. Măng già tre mọc, mình mong những buổi biểu diễn nho nhỏ nơi lũy tre làng này sẽ giúp bọn trẻ tự tin hơn, những giá trị văn hóa của quê hương cứ thế thấm dần thấm dần vào mỗi đứa. Để khi đi xa chúng có thể tự hào kể cho bạn bè nghe về tuổi thơ của mình, để kể về con người, văn hóa nơi mình sống. Để luôn biết rằng mình có cuội nguồn đầy truyền thống, mình tin nếu ai không có kỉ niệm nào đáng nhớ về quê hương của mình, một ngày nào đó họ sẽ thấy rất lạc lõng.
Your browser does not support HTML5 video.
Người luôn nhắc nhở cho mình những giá trị quê hương là bố mình. Bố mình, một người nông dân giỏi nhất mình từng biết. Người luôn biết đan xen những giá trị truyền thống lẫn giá trị hiện đại. Những công việc bố làm thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Hồi mình còn nhỏ, mình nhớ bố là một nông dân với gia tài đất. Cười. Chẳng phải vì nhà mình giàu có để mua đâu. Là vì nhà có đông con quá mà, những 5 chị em lận. Nhà nước phát đất để canh tác theo nhân khẩu mà. Và thế là mình nghe đâu mỗi năm nhà mình sẽ cấy gặt khoảng hơn mẫu ruộng gì đó. Bố mẹ và các chị mình làm cho bở hơi tai luôn. Hạn chế thuê mướn vì đỡ tốn tiền thuê thợ. Nuôi thêm được mấy cái mồm. Rồi mình nhớ, sáng nào mình cũng ra ăn sáng ở quán ngoài đình và không phải trả tiền vì bố mình làm lao công ở chợ. Tiền ăn cô bán hang trừ đi cho bố. Những năm tháng khó khăn, bố làm nhiều nghề cùng một lúc. Bố làm cả bên thủy lâm, tức điều chỉnh lượng nước ra vào đồng ruộng đã hợp lí chưa. Nhiều nước quá thì ngập úng, mà cạn quá thì cây khô héo sẽ chết. Những năm 2000, bố mua bát đũa, rạp đám cưới và từ đó là nghề chính của bố. Để người ta thuê rạp nhiều nên bố sẽ giúp họ khoản hậu cần luôn, tức bố là người nấu chính, chỉ đạo việc nấu nướng trong nhà bếp. Chị em mình nhiều lần bảo bố từ chối việc đó vì bố vất vả quá. Nấu ăn cho bao nhiêu mâm cỗ xong chắc chắn là mệt rồi , áo quần đầy dầu mỡ thì thiết gì ngồi vào bàn ăn như khách nữa đâu. Nhưng bố mình bảo, giúp được họ càng nhiều thì họ càng quý, họ mới thuê mình nhiều. Ừm bố luôn nghĩ làm cách nào để tăng thu nhập. Nuôi 5 chị em nhà mình. Bố mình còn có thêm nghề trưởng thôn. Bà nội mình bảo bố mình như cái mõ làng. Chạy loăng quăng khắp nơi là việc này việc nọ, luôn chân luôn tay mà được có mấy đồng bạc. Chưa kể bao nhiêu việc đến tay, đến chân. Ngày này thì cần băng rôn khẩu hiệu gì, ngày này thì tổ chức chương trình gì, đồng áng ra sao, con đường này xin quỹ thế nào để được bê tông hóa, gây quỹ cho quỹ khuyến học ở thôn như thế nào.Còn cả giải quyết vợ chồng nhà người ta đánh lộn nhau, combo thêm cả những chí phèo ở làng đêm xuống là cầm chai rượu đi chửi bới. Những đêm bố mình phải dậy đi giải quyết những chuyện như thế mình lại bồn chồn, lo lắng. Lo cho sự an toàn của bố mình. Nghĩ lại thôn quê có nhiều chuyện thật đấy. Sau này, khi xã hội phát triển hơn. Cơ duyên nào cho bố mình thành một ông chủ nhỏ chuyên nấu ăn thuê. Có những đợt nhà mình bận rộn nấu cỗ đến nỗi cứ cuối tuần là nhà làm cỗ. Nhiệm vụ của mình là tráng bát đũa, nhặt hành tỏi, vặt lông gà, xiên thịt nướng, chân chạy vặt của bố mẹ và rửa bát. Ôi nhiệm vụ cao cả nhất của mình là dọn dẹp khi họ ăn xong và cùng thằng em rửa một khối bát khổng lồ. Có lần mình than thở với các chị mình rằng em muốn có ngày thứ Bảy, Chủ Nhật đúng nghĩa. Haha. Nhưng vài ba điều mình làm đã thấm thoát là đâu so với nỗi vất vả của bố. Tính toán thực đơn, liên hệ người này người nọ mua thực phẩm, rồi thức dậy từ sớm băm chặt. Sáng tinh mơ mọi người thức dậy là có thể gửi thấy mùi tôm chiên, thịt nướng của bố mình rồi. Cuối tuần chỗ mình con cháu hay về tụ tập nên đông vui hơn ngày thường. Nói đến đây mình bỗng thấy nhớ khung cảnh ấy quá. Mỗi năm mình đi học về, lại có một số thứ đổi thay. Mấy anh chị em cùng xóm cũng bắt đầu lấy vợ ngả chồng. Trẻ con thì lớn nhanh như thổi. Chúng nó có khi cũng không biết mình cùng xóm nữa ấy.
Bố mình, người nông dân giỏi nhất mình từng biết. Không chỉ là người chỉ biết với đồng áng , với cây lúa với lao động chân tay mà còn có một đời sống tinh thần phong phú. Mình muốn khoe rằng bố mình chính là một MC kì cựu của làng. Từ khi mình bé con còn múa hát trên sân khấu đến tận bây giờ khi mình đã 23 tuổi, bố đã dẫn không biết bao chương trình hát múa trong các dịp lễ hội của làng Chắc cũng phải hơn 15 năm rồi. Có một câu chuyện mình sẽ không bao giờ quên để mỗi khi thấy mình thiếu tự tin mình sẽ lôi nó ra nhắc nhở mình. Chuyện là có lần nhà mình nhận làm cỗ thuê cho một anh quá tuổi cưới. Bố ở dưới còn đang xào nấu mồ hôi mồ kê ướt đầm bỗng nói với cả team nấu cỗ “ Các chú giờ bày biện lên nhé . Tôi phải chạy về để tắm rửa rồi lên làm MC nữa cơ “. Mình ngạc nhiên há hốc mồm. Mắt chữ A mồm chữ O. Gì vậy? Bố bao nhiêu tuổi rồi còn dẫn chương trình đám cưới. Ôi mình ngại chết mất thôi, có cả thanh niên nữa mà. Và con bé mình đứng dưới nhìn bố dẫn chương trình ngày hôm đó thật. Với một chiếc áo sơ mi trắng. Cà là vạt, đôi giầy của bên quân đội bố luôn yêu thích mặc trong những ngày trọng đại. Lời dẫn giản dị, mộc mạc nhưng hiện lên trong mình là một đám cưới thời trong quân ngũ của bố thời xưa. Mình không thể ngờ bố có thể đa di năng như thế. Mình thua xa bố mình ở khoản tự tin trước mọi người. Và đôi khi mình phải tự động viên mình làm cái gì đó để bố ít nhất không thất vọng về mình.
Giờ bố mình có những chuyến đi xa. Bố đã đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này. Từ Bắc chí Nam, được đi máy bay để du lịch.Bố được ở resort, ở khách sạn 5 sao, nhưng vẫn cần kiệm mỗi ngày. Vẫn lao động hăng say khi có việc. Và bố giờ học thêm cả cách làm bạn với con, lắng nghe, chia sẻ cùng con những tâm tư, nguyện vọng. Vẫn đang và sẽ mãi ủng hộ cho sự nghiệp của con cái. Hôm nay khi nhìn bố sau một ngày làm cỗ thuê vất vả mà tối vẫn giàu năng lượng đứng làm MC cho chương trình ca nhạc ở làng lòng mình lại hân hoan một niềm vui khôn tả. Mình ước bố có thể mãi khỏe mạnh như thế này, tận hưởng những thứ xứng đáng với sự hy sinh của bố sau bao tháng ngày.
Mình tự hào về bố của mình lắm. Một người nông dân giỏi nhất mình từng biết.
Có những lúc con tự hỏi tại sao ra ngoài kia thấy hỉ nộ ái ố nhiều lắm. Thấy người ta lươn lẹo nhiều lắm vậy mà chẳng thấy khi nào bố kể xấu về cuộc đời. Con lớn lên, đi học, va chạm được chút ít và thấy cảm thấy thật may mắn vì có một người bố như bố.Bố và cả gia đình ta luôn có một niềm tin rằng cứ sống tốt, cứ tràn đầy tình yêu thương, lao động chân chính thì cuộc đời sẽ trả lại cho chúng ta những điều tốt đẹp đó. Luôn có luật nhân quả hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Con tin vào điều đó.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất