Q: Người nào đã sống một cuộc đời đáng noi theo?
A: Ahmad Abubakr
______________________________________
Tôi sẽ nói rằng đó là Battuta. Tôi chọn ông là bởi vì những gì ông làm trong một đời nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm trong mấy cả trăm đời. Suốt cả cuộc đời, ông đã sống như một học giả, một nhà thám hiểm, một thẩm phán và hơn thế nữa. Trên tất cả, ông còn ghi chép những sự kiện xảy ra xuyên suốt cuộc đời mình trong một cuốn tự truyện để chúng ta đều có thể trải nghiệm cuộc đời ông.
Shams al-Din Abu Abd al-Lah Muhammad ibn Abd al-Lah l-Lawati Tangi Ibn Battuta

XUẤT THÂN

Chúng ta biết rất ít về xuất thân của người đàn ông này. Ibn Battuta sinh năm 1304. Ông sinh ra tại Berber, vùng đất mà ngày nay được biết đến với cái tên Morocco. Tên đầy đủ của ông là Shams al-Din Abu Abd al-Lah Muhammad ibn Abd al-Lah l-Lawati Tangi Ibn Battuta. Lần đầu ông bước chân vào con đường phiêu lưu là ở tuổi 21.
Hành trình của Ibn Battuta

HÀNH HƯƠNG ĐẾN THÁNH ĐỊA MECCA

Vào năm 1325, Ibn Battuta khi đó còn là một chàng trai trẻ, quyết định rằng mình phải đến Mecca để tiến hành nghi lễ Hajj (T/N: Cuộc hành hương đến Mecca - một bổn phận tôn giáo phải được thực hiện ít nhất một lần trong cuộc đời của người Hồi giáo). Đây là một hành trình phải mất cả năm mới có thể hoàn thành. Ibn Battuta cáo biệt gia đình và bạn hữu rồi bắt đầu cuộc hành trình của mình. Khi ấy ông không hề biết rằng mình sẽ chẳng thể quay về cố hương trong hơn hai thập kỷ nữa.
Bản đồ Bắc Phi thời đó
Ibn Battuta quyết định đi dọc theo tuyến đường Bắc Phi để đến Vương quốc Mamluk. Ông đã đi qua thành phố Tlemcen của Vương quốc Zayyanid và thành phố Bejaia và Tunis của Vương quốc Hafsid. Ông đã ở lại vùng đất này vài tháng, thậm chí còn kết hôn. Để đảm bảo an toàn, ông còn gia nhập một lữ đoàn trên đường đến Alexandria. Gần một năm từ khi bắt đầu cuộc hành trình, Ibn Battuta đã đến được thành phố Alexandria của Vương quốc Mamluk.
Khi ở Alexandria, ông gặp một người sùng đạo tiên đoán rằng ông sẽ trở thành một nhà lữ hành vĩ đại, phiêu lưu tới vùng Ấn Độ và Trung Hoa. Từ Alexandria, ông thẳng đường tới Cairo, thủ đô của đế chế. Từ đây ông băng qua Jerusalem và Bethlehem đến thành Damascus. Ông ở trong thành và chờ hết tháng lễ Ramadan. Sau đó ông hướng về Medina và cuối cùng đến điểm cuối hành trình: Mecca.
Sau khi hoàn thành cuộc hành hương, Ibn Battuta đứng trước hai lựa chọn: Quay về cố hương hoặc tiếp tục cuộc hành trình. Suy nghĩ một chút, ông liền quyết định chọn phương án thứ hai.
Vương quốc Mamluk kiểm soát con đường hành hương.

HÀNH TRÌNH ĐẾN HÃN QUỐC Y NHI (ILKHANATE)

Điều quan trọng cần lưu ý đó là hành trình Ibn Battuta đi khám phá thế giới diễn ra sau các cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ và cùng thời gian khi các Hãn quốc này đang trên đà tan rã. Lúc này Ba Tư và Iraq đều là một phần lãnh thổ của Hãn Quốc Y Nhi (Ilkhanate).
Bản đồ 4 Hãn Quốc lúc đó
Sau một tháng ở thánh địa Mecca, Ibn Battuta bắt đầu hành trình mới đến Iraq và Ba Tư. Ông quyết định đi cùng với một đoàn hành hương đang quay về nhà của họ ở Iraq. Cả đoàn băng qua sa mạc ở cao nguyên Najd thuộc Ả Rập, rồi đến thành phố Najaf của Iraq.

Ở thành Najaf, ông đến thăm lăng mộ Ali – Caliph thứ tư và là con rể của Tiên Tri Muhammad (T/N: Caliph là vị chức sắc cao nhất đối với tín đồ Hồi giáo trên thế giới). Ibn Battuta tách khỏi đoàn hành hương, lúc này đoàn đang đi về Bát-đa, còn ông thì lên kế hoạch đi đến Ba Tư.
Lăng mộ của Hazrat Ali
Ông đi dọc theo sông Tigris đến thành phố Basra. Từ đây ông đi đến thành phố Isfahan và đến thành phố Shiraz của Ba Tư. Sau đó ông băng qua núi Zagros để quay trở về Bát-đa. Ở Bát-đa, ông gia nhập đoàn hành hương hoàng gia Hãn Quốc Y Nhi đi tới Tabriz sau đó quay lại Bát-đa lần nữa. Sau một vài chuyến đi, ông quay trở lại thánh địa Mecca để hành hương lần thứ hai vào tháng Chín năm 1327.
Bản đồ địa lý Ba Tư

HÀNH TRÌNH ĐẾN ĐÔNG PHI

Ibn Battuta ở lại thánh địa Mecca một thời gian. Vào năm 1328, cuối cùng ông quyết định sẽ tiếp tục thực hiện một hành trình mới. Lần này ông chọn khám phá vùng duyên hải phía Đông châu Phi. Từ Mecca, ông đi đến thành phố ven biển Jeddah. Sau đó đi dọc theo Biển Đỏ đến vùng đất ngày nay là Yemen.
Vương quốc Rasulid
Yemen thời điểm đó là lãnh thổ của Vương quốc Rasulid. Ibn Battuta di chuyển đến thành phố Zabid, Taiz và sau đó là Sana’a. Ông gặp Quốc vương Rasulid - Mujahid Nur al-Din Ali. Từ đây ông di chuyển tiếp đến thành phố cảng Aden.



Từ cảng Aden, Ibn Battuta đón tàu tới thành phố Zeila của Somali. Sau đó ông chèo thuyền dọc theo đường bờ biển và dừng chân tại các thành phố ven bờ. Thậm chí ông đã đi đến tận Mogadishu, thành phố lớn nhất Đông Phi lúc bấy giờ. Khi Ibn Battuta ghé thăm cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thành phố.
Bờ biển Kilwa và Đông Phi
Ibn Battuta tiếp tục cuộc hành trình của mình về phía Nam, chèo thuyền dọc theo đường bờ biển. Ông dừng chân và ghé thăm thành phố Kilwa, thủ phủ của Vương quốc Kilwa. Vương quốc này chiếm phần lớn diện tích vùng duyên hải Swahili. Ông đã bị choáng ngợp bởi sự trù phú và vẻ đẹp của đảo quốc này. Từ đây, Ibn Battuta quyết định quay trở về Mecca một lần nữa. Ông thực hiện nghi thức Hajj lần thứ ba vào năm 1330.

HÀNH TRÌNH ĐẾN TIỂU Á (Anatolia)

Lúc này, Vương quốc Delhi được biết đến là đế chế thịnh vượng nhất trong số các nước Hồi giáo. Ibn Battuta muốn được làm việc cho Vương quốc Delhi. Ông nghe nói rằng Vương quốc luôn hoan nghênh các học giả, các nhà lữ hành từ xa đến và cho họ một công việc có thù lao hậu hĩnh. Tuy nhiên ông lại chọn cách đi con đường dài hơn.

Cần lưu ý là vào thời điểm này, Tiểu Á là một vùng đất được phân chia giữa những quý tộc người Turk sau sự sụp đổ của Vương quốc Rum.
Ibn Battuta băng qua Biển Đỏ đến Cairo. Từ đây ông vượt eo biển Sinai đến Syria. Từ thành phố cảng Latakia của Syria, ông bắt một chiếc tàu của người Genoe đến thành phố Alanya. Từ đây ông đi về phía Tây đến thành phố cảng Antalya. Sau đó đi đến Egirdir, thủ đô của Hamidids. Ông tiếp tục ghé thăm nhiều thành phố khác nhau ở Anatolia bao gồm cả Konya và Bursa. Khi ở thành phố Bursa, ông đã gặp "Chiến binh" Orhan, con trai của "Chiến binh" Osman (T/N: Chiến binh - Ghazi: danh hiệu của người Ả Rập). Ông dành hết lời ca tụng cho nhà cai trị Ottoman.
Những tộc người Turk tại Anatolia dường như đã thực sự gây ấn tượng cho Ibn Battuta. Ông ghi chép rằng họ là những người rất hào phóng. Ông cũng nhìn nhận họ là những chàng trai đẹp và cực kỳ biết cách chưng diện. Ông cũng ghi chép rằng phụ nữ ở đây được đối xử vô cùng tốt. Ông còn ghi lại về việc những nô lệ từ châu Âu bị dùng như gái mại dâm thì bị đối xử tàn nhẫn. Điều này làm ông thấy thật vô nhân tính.
Chúng ta bắt đầu hành trình đến đất nước của người Turk.…Mặc dù đã bị người Hồi giáo chinh phạt, nhưng vẫn còn rất nhiều Kitô hữu đang được người Turk mang đạo Hồi bảo vệ. Suốt 10 đêm lênh đênh trên biển, những Kitô hữu đối xử với chúng tôi một cách kính trọng và không hề lấy tiền từ chúng tôi. Vào ngày thứ 10 chúng tôi đến Alanya [tỉnh đầu tiên của đất nước]. Đất nước này… là một trong những nơi tốt đẹp nhất thế giới; Chúa đã mang tất cả những gì tốt đẹp nhất từ những miền đất khác đến đây. Con người ở đây là những anh chàng hài hước (điển trai) nhất, trang phục sạch sẽ nhất, thức ăn ngon nhất, và người dân địa phương thân thiện nhất. Bất cứ khi nào chúng tôi dừng chân ở vùng này, dù ở nhà tế bần hay nhà riêng, thì hàng xóm dù là đàn ông hay đàn bà (họ không mang mạng che mặt) sẽ đến hỏi thăm xem chúng tôi cần gì hay không. Khi chúng tôi lên đường thì họ sẽ chào tạm biệt như thể họ là người thân thích cùa chúng tôi vậy, rồi bạn sẽ thấy. – Ibn Battuta [Gibb, p.415 – 416]
"Chiến bính" Orhan, vùng vịnh Ottoman

HÃN QUỐC KIM TRƯỚNG VÀ BYZANTIUM

Từ thành phố cảng Sinope (bên bờ Biển Đen), Ibn Battuta đi tàu đến Crimea. Ông đến Kaffa và di chuyển sang Azov sau đó đến Majar. Ông rời thành phố để đi theo đoàn hành hương của Uzbeg Khan, người trị vì Hãn Quốc Kim Trướng. Chẳng bao lâu sau ông bắt kịp đoàn hành hương. Ibn Battuta thấy đoàn hành hương này giống như một thành phố khổng lồ đang di chuyển. Ở đây ông có cơ hội gặp Hãn Uzbeg, một trong những người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Ibn Battuta đi cùng đoàn hành hương đến tận thành phố Astrakhan.

Hãn Muhammad Uzbeg lừng lẫy là người cai trị một vương quốc rộng lớn và là người có chủ quyền mạnh nhất, chiến thắng những kẻ thù của Chúa, người dân của Vương quốc Constantinople vĩ đại, và không ngừng chiến tranh chống lại họ. Ông là một trong bảy vị vua quyền năng nhất thế giới, trong đó [đầu tiên], chủ nhân cùa chúng ta là Chỉ huy của Đức tin, xin Chúa hãy ban cho sức mạnh và vinh khen ngợi thắng của ông! [Quốc vương Morocco]; [thứ hai] Quốc vương Ai Cập và Syria; [thứ ba], Quốc vương của hai Iraq; [thứ tư], Hãn Uzbeg này; [thứ năm], Quốc vương Turkistan và những vùng đất nằm ngoài Oxus; [thứ sáu], Quốc vương của Ấn Độ; và [thứ bảy], Quốc                                                                                                 vương của Trung Quốc [hoàng đế]. – Ibn Battuta                                                                                             nói về Hãn Uzbeg.
Khi đến Astrakhan, Hãn Uzbeg quyết định cho phép một trong số những người vợ của ông về thăm nhà ở Constantinople. Công chúa Bayalun là con gái của Hoàng đế Byzantine Andronikos III Palaiologos. Ibn Battuta nhận thấy đây là một cơ hội tốt và ông quyết định đi cùng. Ông muốn chiêm ngưỡng thành phố vĩ đại của người Cơ Đốc. Sau đó họ sắp xếp một đoàn lữ hành khổng lồ gồm 5000 kị mã, hàng trăm nô lệ và nhiều thứ khác nữa rồi khời hành đến Constantinople. Ibn Battuta ghi chép rằng khi đi đến gần thành phố, công chúa không còn cầu nguyện nữa, thay vào đó nàng bắt đầu uống rượu và ăn thịt heo. Ông nhận ra rằng đây chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị mà thôi.
Ông ở lại Constantinople khoảng 1 tháng. Thậm chí ông còn có cơ hội gặp Hoàng đế Byzantine Andronikos III Palaiologos. Ông đi khám phá thành phố. Được tận mắt nhìn thấy công trình Hagia Sophia vĩ đại (T/N: Hagia Sophia ban đầu là một Vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông phương, sau là thánh đường Hồi giáo, và nay là một viện bảo tàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Sau 1 tháng, ông quyết định quay về Astrakhan. Từ đây ông đi du hành tới thủ đô của Hãn Quốc Kim Trướng, Saray. Sau đó ông quyết định tiếp tục hành trình của mình đi về Ấn Độ. Từ Saray, Ibn Battuta đi dọc theo biển Caspi và rời khỏi Hãn Quốc Kim Trướng để vào lãnh thổ Hãn quốc Sát Hợp Đài (Chagatai Khanate).