“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”[1] Một bài giảng đi vào lòng người, khiến người phụ nữ thính giả phải thốt lên lời khen ngợi người đàn bà đã sinh ra mình. Cái lời khen ấy chẳng phải là phúc cho người bà là người đã sinh ra một chân sư quyền năng[2]? Trên thế gian này, làm gì có người đàn bà nào lại không muốn được khen ngợi như vậy, có người đàn bà nào lại chẳng muốn nhìn thấy món quà Thượng Đế ban? Này bạn có biết để có được Lời khen ấy người đàn bà đã phải thực hiện điều gì không? Tôi muốn nói về người đàn bà đã được diễm phúc nhận lãnh lời khen ấy, bà Maria mẹ Đấng Cứu Thế:
            “Thưa mẹ! Người ta đã đem Thầy đi rồi…”
            “Người ta đem Thầy đi đâu? Ai đem Thầy đi…”
Hẳn là người đàn bà khốn khổ này sẽ chẳng muốn nghe câu trả lời nữa. Có người đàn bà nào lại không rúng động[3] khi biết con mình bị đánh đòn, khi biết con mình sắp lâm vào cảnh chết chóc. Người đàn bà khốn nạn ấy, người đàn mà người ta khen là bà có phúc hơn mọi người đàn bà[4] khi nhìn thấy con mình sắp chết thì sẽ chẳng thể nào hiểu nổi cái phúc ấy ở đâu, nó là gì. Than ôi, khốn nạn thay, khúc ai ca[5] nào sẽ được cất lên để an ủi bà đây?
Nếu một đứa trẻ mất đi cha (mẹ), thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng bạn biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả. Không một từ nào.... Còn nỗi đau nào xé ruột xé gan, còn nỗi đau nào có thể so sánh được với nỗi đau mất con của mình đây? [6]Vậy mà người đàn bà này lại phải chịu tất cả. Giữa trời bơ vơ, người đàn bà mất con nhìn trời mà than khóc[7]. Nỗi đau của người đàn bà này là có khác gì như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, xé nát trái tim đâu[8].
Ấy vậy mà, từ nỗi đau này, ẩn tàng trong nỗi lòng này lại là hạt mầm của ân sủng, của phúc lành mà bà sẽ được nhận.
Một điềm thiêng xuất hiện trên bầu trời[9], một ánh hồng rực lên báo hiệu trời sẽ sáng, dấu hiệu ân sủng của người đàn bà từ đây được tỏ lộ.
Có người phụ nữ nào không thảng thốt khi nghe tin mình sẽ là người được diễm phúc cưu mang Đấng Cứu Thế[10]? Có người phụ nữ nào lại không vinh hạnh khi mình được chọn. Bà Maria cũng thế, nhưng để niềm vui đến thì bà lại cần trải qua một cơn thử thách kéo dài. Người đàn bà này khi thưa lên tiếng “Tôi đây là nữ tì của Chúa[11]” – thì cũng là lúc ân sủng dồi dào đến với bà, cũng là lúc diễm phúc ẩn tàng trong sinh thể bà. Bà chẳng phải là một thiếu phụ lộng lẫy ngồi chơi đùa với Con Người, bà cũng chẳng là một người thiếu phụ nổi tiếng khắp vùng Galilea, lạ lùng thay bà ấy chỉ là một cô thôn nữ bần cố nông của làng Nazareth nhỏ bé[12]. Người đàn bà này cũng chẳng cần tới lời khen ngợi vĩ đại, chẳng dám nhận mình là có phúc, thực tế cũng chẳng phải là trang tuyệt thế giai nhân khuynh nước khuynh thành nhưng điều làm bà vĩ đại là bởi vì tâm hồn bà – tâm hồn người đàn bà đẹp. Chẳng mảy may nghĩ đến chuyện vinh phúc nhưng là trong giây phút hiện tại, bà sẵn sàng đón nhận Thiên Ý. Điều làm bà có phúc ở đây chẳng có gì khác ngoài việc bà sống cái thực tại như bao người phụ nữ khác chỉ duy khác biệt là bà gánh thêm thử thách làm Mẹ Con Người.
Sau màn hạnh ngộ đầy bất ngờ giữa Nhân gian và Thiên giới, giữa Trời với Đất, bà ấy bước vào cuộc thử thách lạ lùng[13]. Thử thách của Đức Tin, niềm Trông Cậy và của Lòng Mến. Thử thách này chẳng vang mười phương đất, chẳng tỏ lộ rõ ràng nhưng nó là thử thách của sự câm nín, sự thinh lặng, thinh lặng đến đáng sợ. Sứ Thần đến báo tin bất ngờ rồi rời đi cũng bất ngờ, người đàn bà bị vật quăng xuống dưới mảnh đất thực tại, chẳng là sự xuất thần hay thị kiến nhưng là thực kiện rõ ràng, bà mang thai Con Người. Phúc Âm chẳng kể lại suy tư của người đàn bà lúc nghe tin ấy, cũng chẳng nói gì sau khi người của Thiên Giới rời đi, bà được đưa vào cõi thinh lặng vô cùng[14]. Đó chính là thử thách của kẻ tin và kẻ muốn được diễm phúc như bà. Đúng như Soren Kierkegaard đã nói rằng người đàn bà này Vĩ Đại như người bạn hữu của Chúa chẳng có gì khác ngoài việc bà chấp nhận thử thách của Đức Tin đó là phải trải qua nghịch lý, nỗi thống khổ và niềm kinh hãi[15]. Điều gì kinh hãi hơn là được làm Mẹ Thiên Chúa? Điều gì thống khổ hơn là sống cùng thực tại đau khổ của con mình – chẳng phải là đau khổ khi con và mình chẳng có nơi sinh hạ chu đáo, nỗi thống khổ khi phải trốn chạy trong đêm như chạy giặc, hay thống khổ nào hơn trong cơn tưởng chừng mất con, bị họ hàng ruồng rẫy, tột cùng nỗi thống khổ là đứa con mình chết nhục nhã giương lên giữa trời Giêrusalem. Trải qua những điều ấy vẫn còn chưa đủ với người đàn bà khốn khổ này, cả cuộc đời của bà một cái nghịch lý to đùng. Làm sao bà có thể hiểu được cái nghịch lý to đùng khi bà được chọn và gọi là/làm Mẹ Thiên Chúa? Làm sao bà có thể chịu được cái nghịch lý cái chết của con mình? Tôi chẳng thể nào trả lời cho tường được cái nghịch lý này vì nó là một câu hỏi hiện sinh đối với chính bà, với Đức Tin của bà. Nếu được, hãy cùng sống với bà trong khoảnh khắc đó, ít thì nhiều Đức Tin sẽ cho bạn câu trả lời từ hiện thực cuộc đời bà. Quả thật, như một kẻ nào đó đã từng nói rằng sự bất hạnh chính là tài sản của con người vì thế người ta sẽ mang theo thứ tài sản ấy bên mình cho đến chết. Một kiểu biện chứng là nếu có bất hạnh thì cũng cần có vinh phúc chứ nhỉ? Từ khóa mở ra bí ẩn nó nằm ở chỗ đó. Ngang qua những thử thách Đức Tin, người đàn bà này vượt qua được chốn luân lý phổ quát mà tiến tới sự trải nghiệm thánh thiêng của kẻ được hưởng hoa trái Đức Tin, bà sống những trải nghiệm bất hạnh, trải nghiệm là người nhất vì thế bà đã thắng thế gian như Con Trai bà đã thắng thế gian[16].
Ngoài tiếng thưa “Fiat[17]”, tiếng ngợi khen “Thiên Chúa của Abraham” lúc gặp bà Elizabeth[18], lo âu đi tìm con[19] và xin con trong tiệc rượu[20] chúng ta chẳng còn nghe một lời nào của người phụ nữ diễm phúc này nữa. Người nữ này khi đã nhận được thử thách thì bà can trường đến cùng, bà hằng “suy đi và nghĩ lại trong lòng[21]” các biến cố, bà đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để vượt qua thử thách ấy. Trong tất cả, từ những gì tôi trình bày ở trên, tôi chỉ muốn đúc kết một lời, Hội Thánh gọi bà là tia hy vọng của nhân loại thật là chính đáng. Tôi gọi bà là người nữ Hy Vọng, khi mọi thứ nghịch cảnh đến với bà, bà biết hy vọng vào Thiên Chúa, biết Cậy dựa vào Đấng Tối Cao. Nhờ đó bà được gọi là Mẹ Thiên Chúa.
Bà đã thấy và đã tin: “Vì chính Ta biết kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).
[1] Lc 11,27
[2] Lc 4,32
[3] Trước cái chết của con mình, trước thực tại khổ nạn đau đớn của con mình thì những người mẹ hẳn phải rúng động cả cõi lòng mình, bà tìm về mối liên hệ nhất thể nơi con của mình. Đứa con đã từng thuộc về bà do đó bà sẽ thấu cảm được cùng với nỗi đau của con mình.
[4] Lc 1,42
[5] Gr 9,19
[6] St 43,14
[7] Mt 2,18
[8] Lc 2,35
[9] Kh 12,1
[10] Lc 1,29
[11] Lc 1,38
[12] Lc 1,26
[13] Đây là điểm mới giao ước giữa Thiên Chúa và con người, lấy mối dây giao ước chính là Ngôi Hai Thiên Chúa
[14] Lc 1,38
[15] Trích cuốn “Kính sợ và rung rẩy” của Kierkegaard
[16] Ga 16,33
[17] Lc 1,38
[18] Lc 1,46
[19] Lc 2,48
[20] Ga 2,3-5
[21] Ac 3,21 ; Lc 2,19