Bạn có bao giờ thấy người lớn nói dối rất nhiều không?
Ví dụ như họ không có tiền nhưng vẫn khoe về một căn nhà nào đó
Họ buồn bã đau khổ nhưng vẫn up lên mạng xã hội những lời đẹp đẽ về cuộc đời 
Họ không bận nhưng lại bảo với mọi người rằng mình rất bận
Họ không có việc làm nhưng vẫn nói rằng mình có một công việc rất tốt
Có rất nhiều người lớn như thế trên cuộc đời này. Có một phần nào đó, tôi ghét trở thành người lớn vì không muốn trở thành những người như vậy. Bào mòn và mệt mỏi, bỏ đi những chân thành và trung thực, trống rỗng và mất mát. Người lớn dường như không có niềm tin vào điều gì, vì chính họ cũng không nói những điều đúng với sự thật. Người lớn luôn khoác những cái áo đẹp đẽ lên người mình dù bên trong có thể họ đang mặc áo ngủ. Tôi đã từng không thích những điều đó, ghét những lúc người lớn làm vậy. Cho đến một ngày, khi tôi ngày một lần lớn lên, và chính tôi cũng bắt đầu nói dối như họ, trở thành dạng người mà khi xưa tôi rất ghét, tôi dần hiểu ra đằng sau những lời nói dối đều có một câu chuyện riêng.
Hồi năm nhất tôi rất xui xẻo. Bị mất cả ví và điện thoại cách nhau chỉ tầm hai tháng. Tôi cũng bị lừa tiền qua mạng, mất cả số tiền mẹ gửi ra để chi trả cho sinh hoạt tháng đó. Những lúc như vậy, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là gọi điện về cho bố mẹ. Khóc lóc mất một thôi một hồi, nghe mắng cũng được, nghe bố mẹ nói gì cũng được. Nhưng vẫn than khóc với bố mẹ. Và sau khi biết tôi bị mất, bố mẹ vẫn âm thầm chuyển thêm tiền cho tôi trong tháng đó. Tôi vẫn vui vẻ nhận lấy.
Năm đó, tôi cũng có chuyến đi du lịch lần đầu không có bố mẹ hay thầy cô. Chuyến đó đi Hội An cũng một người bạn. Tôi vui vẻ kể rất nhiều về chuyến đi, còn nói với bố bây giờ con đi xe máy 30 cây ra Đà Nẵng chơi. Chỉ vậy thôi mà bố tôi gọi điện và dặn dò suốt từ lúc tôi chưa đi đến khi tôi đã về. Chắc hẳn bố mẹ đã rất lo. Sau này bố tôi bảo làm gì cũng được, đừng tiếc tiền đi xe ô tô, đi xe máy nguy hiểm lắm.
Sau này, tôi không nói gì nữa, không than nữa. Tôi cũng bắt đầu nói dối. Vừa đi học, đi làm và vẫn tham gia hoạt động cộng đồng thực ra rất mệt. Có những ngày 8 - 9 giờ tối tôi mới bắt đầu nấu cơm và ăn cơm. Mẹ gọi vẫn tươi cười bảo con ăn rồi, con rất khỏe, cuộc sống vẫn ổn, mẹ không cần gửi thêm tiền ra đâu, mẹ đừng lo cho con.
Tôi cũng ít kể đi về những chuyến đi. Chuyến đi ngắn, chuyến đi dài, có những chuyến đi lên vùng cao, có những chuyến đi lại đi xuôi về vùng biển. Tôi đi nhiều, nhưng không mấy khi kể nhiều về những chuyến đi nữa. Mỗi lần đi, tôi học hỏi thêm được nhiều điều, nhìn nhận cuộc sống theo những cách đặc biệt hơn, yêu thêm cuộc sống và con người nhiều vùng miền. Mỗi lần đi là mỗi lần trưởng thành. Thỉnh thoảng khi thấy chuyến đi đó đã diễn ra quá lâu, tôi mới hay kể cho mẹ nghe. Mẹ ngạc nhiên sao không thấy kể cho mẹ. Nhưng những chuyện đã xảy ra rồi nên mẹ cũng chẳng hỏi gì thêm. Tôi sợ nói ra bố mẹ sẽ lo lắng, sợ con gặp nguy hiểm, sợ vì bố mẹ không yên tâm mà mắng. Nên vẫn quyết định chọn một sự lặng im.
Có lần tôi ngồi bên cạnh một người bạn, anh đã gần ba mươi. Dù có rất nhiều nỗi lo, dù bữa cơm đó cũng chưa ăn miếng nào. Nhưng nghe thấy điện thoại của bố mẹ, chỉ nghe thấy toàn những điều tốt đẹp, công việc của con rất ổn, con cũng vừa ăn cơm xong, cuộc sống cũng vui vẻ hạnh phúc lắm, mẹ không cần lo lắng gì đâu.
Tôi từng đọc được một câu nói thế này: “Tuổi thơ kết chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc. Sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác.”. Hóa ra đó là lý do vì sao người lớn vẫn hay nói dối.
Trong đời ta đã chứng kiến biết bao nhiêu lời nói dối của bố mẹ. Họ nói dối chúng tôi rằng món quà này do ông già Noel đêm qua đã mang quà vì tôi đã là một đưa trẻ ngoan, tất cả để bảo toàn cho tâm hồn và tuổi thơ của chúng tôi. Chẳng có ông già Noel nào cả, đó chính là bố mẹ. Họ bảo chúng tôi rằng món này họ không thích ăn, họ không ăn nữa, chúng tôi cứ ăn hết đi, thực ra để chúng tôi có những bữa ăn ngon. Họ đưa nước cho chúng tôi, bảo rằng họ không khát con cứ uống đi, nhưng trên mặt họ mồ hôi chảy dài. Họ bảo họ không mệt, dù đằng sau đó họ làm việc miệt mài từ sáng cho tới tận khuya để nuôi chúng tôi lớn khôn. Vậy mà đến khi chúng tôi lớn rồi, họ bảo chúng tôi đi làm không cần gửi tiền về, họ vẫn sống ổn, cứ cầm tiền đó mà chi tiêu cho cuộc sống, bởi vì họ lo lắng cho chúng tôi. Họ bảo họ không đau vì sợ con cái đau đớn, dù bệnh tật khiến họ yếu ớt hẳn đi. Họ còn tự nói dối với chính mình, nói dối với những người xung quanh, rằng họ luôn luôn ổn, dù có bao nhiêu đau khổ ghì chặt, họ vẫn phải mạnh mẽ đứng dậy. Còn bao nhiêu người vì họ mà sống, làm sao có thể kêu than và bỏ cuộc
Ngày tôi còn nhỏ gia đình còn vất vả. Vì đặc thù công việc, bố hay phải đi công tác xa. Ngày đó điện tử viễn thông cũng chưa phát triển như bây giờ, những vùng núi bố đi không có sóng. Nên cứ vài ngày hoặc đến cả tuần mẹ con cũng không thể liên lạc với bố. Lần đó tôi tình cờ phát hiện ra mẹ hết tiền, nhưng mẹ dặn tôi không được nói với bố. Nhân lúc mẹ không có trong phòng, tôi lấy điện thoại nhắn tin cho bố, bảo bố rằng mẹ hết tiền rồi đó, bố mau về nhé. Trẻ em ngây thơ và non nớt nghĩ vậy, rằng bố về thì mọi chuyện sẽ được giải quyết, lại có tiền thôi. Mẹ tôi biết thì giận lắm, quát tôi một trận rất lớn. Nhưng vì không có sóng, tin nhắn gửi đến máy bố không thành công. Hôm sau, khi bố xuống được thị trấn gọi nhờ điện thoại, mẹ vẫn tươi cười bảo hai mẹ con ở nhà vẫn vui lắm, hôm nay ăn cái này cái kia rất ngon, bảo bố sớm về nhé. Lúc đó tôi vừa ấm ức buồn tủi vừa ngạc nhiên, tôi không làm gì sai, tôi nói đúng còn mẹ nói dối vậy mà tôi bị mắng. Lớn lên tôi mới hiểu, mẹ nói dối để bố ở xa cũng yên tâm làm việc, không phải canh cánh lo cho mẹ con. Ở lại, mẹ vẫn xoay xở được. 
Những lời nói dối luôn có hai mặt. Có đúng và có sai. Có những lời nói dối có hại, gây hậu quả xấu và nghiêm trọng. Cũng có những lời nói dối vô hại, nói dối vì mục đích tốt. Như bác sĩ đôi khi không dám nói thật với bệnh nhân, để họ giữ vững tinh thần và lạc quan chữa bệnh. Người lớn luôn nói dối, nhưng đó là những lời nói dối vô hại và đáng trân trọng. Những lời nói dối đong đầy sự chịu đựng và hy sinh mà có thể chúng ta vẫn chưa hiểu. Họ nói dối để chúng ta có một tuổi thơ ngây thơ, trong trẻo, ít những lo toan. Họ nói dối để nuôi dạy chúng ta thành những đứa trẻ giỏi giang, tử tế, sống biết đúng sai phải trái. Họ nói dối để hướng bản thân mình tiếp tục vươn lên phía trước, để tiếp tục cố gắng và biến những lời nói dối thành sự thật. Họ nói dối để bớt đi sự lo lắng cho những người họ yêu thương. Họ chỉ muốn tặng cho những người họ yêu tin tốt nhất, đẹp nhất, những điều tốt đẹp và trân quý nhất.
Lời nói dối của người lớn, lời nói dối đong đầy tình yêu. Khi nào còn tình yêu, khi đó còn những lời nói dối đáng quý ấy. Hãy trân trọng nó, và yêu thương người lớn hết mức có thể.