Một điều quan trọng trong hành trình trở thành người lớn tự do của mình là học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Thế giới của người lớn có rất nhiều việc xảy đến. Nó không còn đơn giản chỉ là ăn và học như hồi con nít nữa. Người lớn có nhiều việc phải quan tâm hơn như: công việc, kinh doanh, bạn bè, người thân, các mối quan hệ họ hàng nội ngoại và những mối quan tâm xã hội nữa.
Đơn giản như chuyện kinh doanh thôi cũng sẽ phát sinh rất nhiều việc. Đơn vị vận chuyển không đến lấy hàng, giao hàng muộn, rồi làm mất hàng nữa. Mỗi lần như vậy mình đều là người xử lý: chasing các bên, khiếu nại, đền bù cho khách, hoặc tự ra bưu cục lấy hàng đi ship. Rồi mình gặp vấn đề với hệ thống và chính sách của các sàn thương mại điện tử. Sendo không cho đăng sản phẩm hàng loạt, quy trình đăng sản phẩm mới phức tạp. Giao diện người bán hàng của Lazada không thân thiện người dùng, không xóa được nhiều sản phẩm một lúc, lỗi hệ thống thường xuyên, không có người đến pick-up hàng.
Khi quyết định mở Sen và Gốm ở địa điểm hiện tại mình phải chấp nhận tham gia và tương tác vào một cộng đồng mới gồm những người mình chưa quen và khác biệt nhiều về lối sống. Gần Tiệm có một bác hàng xóm lớn tuổi. Bác hay hỏi Tiệm kinh doanh được không, doanh thu bao nhiêu, lâu lâu bác lại khuyên “Dẹp quách đi bán được bao nhiêu tiền đâu mà còn bị mất xe nữa”. Những đứa trẻ đôi khi cũng quá hiếu động, chưa hiểu việc tôn trọng không gian và thời gian của người khác nên thường làm ồn không hợp với người thích yên lặng như mình. Hay là những người lớn quá tò mò, đôi lúc khiến những người bạn của Tiệm khó chịu.
Mình đã từng phản ứng với bất kỳ sự việc gì không theo ý mình và theo một cách rất tiêu cực. Những ngày như vậy thực sự là mệt mỏi và năng lượng tiêu cực luôn theo mình cả ngày. Và khi mình đạt tới giới hạn của sự mệt mỏi mình mới bắt đầu thay đổi để bớt bực bội hơn. Đây là những điều đã kéo suy nghĩ của mình lại mỗi khi gặp chuyện không như ý:
  • Mình phải chấp nhận những điều không như ý vì cuộc sống là vậy. Như một đoạn trích trong cuốn The subtle art of not giving a f*ck: “Things go wrong, people upset us and accidents happen . These things make us feel like shit. And That’s fine”. Vậy đó những điều khiến chúng ta bực bội sẽ luôn luôn xảy ra mà thôi nên đừng bất ngờ.
  • Mình tập chịu trách nhiệm cho mỗi và mọi việc đến với mình. Việc shipper bất cẩn làm mất hàng không phải lỗi của mình tuy nhiên đó là việc liên quan tới sản phẩm của Sen và Gốm và mình cần có trách nhiệm để giải quyết. Những người hàng xóng không nice là vì họ không tinh tế, nhưng lựa chọn mở Sen và Gốm ở địa điểm hiện tại là quyết định của mình và mình phải chấp nhận nó, bỏ qua những lời nói không vui.
  • Mình nhận ra rằng bực bội chỉ làm mọi việc xấu đi chứ không giúp vấn đề giải quyết nhanh hơn. Từng vài lần mình nghĩ nếu căng thẳng với đơn vị vận chuyển thì yêu cầu của mình sẽ được xử lý nhanh hơn nhưng thực tế thì ngược lại. Giữa một khách hàng trình bày rõ ràng, yêu cầu hợp lý, và thiện chí hợp tác và một người chỉ lu loa để giải quyết bực dọc trong người thì mình tin khách hàng đầu tiên sẽ giải được giải quyết nhanh hơn. Thay vì dành dành thời gian để bực bội thì mình dành thời gian để bình tĩnh và tìm giải pháp cho vấn đề hiện tại.
  • Cần hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mỗi người liên quan là gì để tránh bực bội vô cớ. Việc hàng giao sai là lỗi của shipper chứ không phải các bạn CSKH hay trực tổng đài, các bạn CSKH có nhiệm vụ hỗ trợ tốt nhất cùng mình giải quyết vấn đề chứ không phải là người hứng chịu những bực bội. Trẻ em khi mới lớn hiếu động là chuyện đương nhiên, việc bé chưa biết tôn trọng thời gian và không gian chung là do bé chưa được hướng dẫn và nhắc nhờ. Mà việc này là việc của người lớn.
  • Mình học cách biết ơn (grateful) nhiều hơn. Dù chính sách chưa hợp lý, hệ thống hay bị lỗi thì các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp mình tiếp cận được nhiều khách hàng hơn là một trong những nguồn thu chính của Sen và Gốm.
Bạn có vì một ly cà phê không ngon mà phá vỡ cả một ngày mới tươi đẹp không?
Ảnh: Pinterest


Adele Doan
08/07/2019