Mình vốn dĩ là một đứa hướng nội, thích nghe nhiều hơn là nói. Tính mình lại có chút bao đồng, thích đi lo chuyện giùm người khác nên trước đó mình thường rất thích lắng nghe. Mình thích nghe câu chuyện của đời họ, thích nghe kể những trải nghiệm của họ và thường thích giúp đỡ, động viên, khuyên nhủ họ vài điều dựa trên những gì mà mình biết.
Trước đó, khi chưa có nhiều trải nghiệm như bây giờ, mình nghe và đón nhận mọi thứ mà mọi người mang đến và đôi lúc, vô hình chung, mình biến những cảm giác của những người xung quanh thành của chính mình. Mình còn cho rằng đó là sự đồng cảm, vì có thể thấu hiểu cảm giác của người khác, nhưng không biết rằng mình đang dần trở thành một cái thùng rác chất chứa sự tiêu cực. Khi chính mình trở thành thùng rác đã quá đầy, mình bắt đầu xả những bực dọc khó chịu trong mình sang cho người khác. Mình trở thành một người cáu kỉnh, tiêu cực mà chẳng hiểu tại sao. Sau này, khi mọi thứ tiêu cực trong mình đã lên đến đỉnh điểm, mình tìm hiểu nhiều hơn, thì nhìn lại mới biết rằng lúc đó mình đã có tâm lắng nghe nhưng lại chưa biết cách thật sự để lắng nghe có ích.
Một người lắng nghe thật sự cần phải giữ cho mình ba điều quan trọng: một là mong muốn lắng nghe, hai là tâm tĩnh lặng và ba là buông bỏ.
Khi lắng nghe, bình an của mình mới chính là điều quan trọng nhất cho người khác
Khi bắt đầu lắng nghe cần thiết phải có lòng mong muốn lắng nghe điều người đối diện đang nói. Mỗi khi lắng nghe ta chỉ tập trung vào người đối diện với sự hiện diện của chính mình. Đã có nhiều lần khi ngồi lắng nghe một ai đó, mình đã nhận ra có lúc mình đã để cho tâm trí mình chạy lan man đâu đó, nó sẽ dự định nói cái này, nói cái kia. Người này nói thế này ta phải đáp lại ra sao, trả lời như thế nào, họ nói như vậy là sẽ có ý gì hoặc câu gì mình cần nói là gì khi họ vừa kết thúc. Mỗi khi như thế là tâm trí mình đang chạy theo những suy tưởng trong mình, những đánh giá theo ý kiến chủ quan của mình, chứ không phải đang lắng nghe điều người khác thật sự đang muốn nói. Ta ngồi lại lắng nghe vì người đối diện, chẳng phải cho riêng mình. Khi vừa nghe còn vừa muốn đưa ý kiến, nói thêm điều gì đó thì ta đang vì chính ta, vì cái sự hiểu biết của ta chứ chưa vì người khác.
Trong khi lắng nghe cần để chính tâm mình được tĩnh lặng. Lắng nghe chỉ cần ta ngồi im lặng, chú tâm quan sát và lắng nghe bằng toàn bộ cơ thể mình với tâm rộng mở, đón nhận bất cứ điều gì đang được nói ra từ người kia. Mọi người muốn chia sẻ với ta đôi khi không phải để cần ta đưa ra một giải pháp hay một lời khuyên nào đó, họ nói chỉ bởi vì có quá nhiều thứ chất chứa trong lòng mà không biết tìm ai để chia sẻ. Bản thân mỗi người luôn có lựa chọn cho chính mình, điều họ cần chỉ là một ai đó có thể lắng nghe, để họ có thể nói ra bớt những khó khăn trong lòng. Việc để cho tâm mình tĩnh lặng khiến cho mình cảm nhận được sâu bên trong mỗi lời nói, mỗi tâm sự, mỗi sự cáu gắt, chê trách thì cảm xúc thật sự của họ đang là gì. Có đôi khi là người đó cần yêu thương nhiều hơn nên trở nên cáu kỉnh, có đôi khi họ cần sự công nhận nhiều hơn nên hay chê trách người khác, có đôi khi là sợ hãi yêu thương nên luôn nói rằng họ không cần tình yêu. Khi ta để tâm trí mình tĩnh lặng thì có thể nhận ra những nỗi niềm thổn thức sâu trong họ, điều họ thật sự đang muốn nói ra là gì và khi đó thường ta lại cảm thấy thương và hiểu cho người nhiều hơn.
Nghe xong rồi chính bản thân mình phải biết học cách chọn lọc lại và buông bỏ chính những gì không cần giữ lại. Trước đây mình luôn thực hiện hai bước kia, nhưng mình chưa biết cách buông bỏ bớt những thứ không cần thiết vì mình thường cảm thấy rằng điều mọi người đang nói ra có ý gì đó đang có liên quan đến mình. Mình tự tạo cảm xúc của mình khi nghe câu chuyện và để những cảm xúc đó chất chứa lại thành một khối tiêu cực trong mình. Dần dần mình cũng mất đi khả năng lắng nghe một cách chân thành nhất vì chính bản thân mình cũng chẳng đủ sức gồng gánh những thứ tiêu cực đó nữa rồi. Sau này, mình học cách buông bỏ đi những thứ không cần giữ. Mình có nhìn nhận mọi việc như người đó nói, nhưng không còn tự tạo ra cảm xúc của mình đối với tình huống đó nữa. Mình không phản kháng hay đồng tình mà chỉ để cho mọi thứ mình nghe được đến rồi đi. Sau khi nghe xong là mọi thứ hết, mình tập trung vào phút giây hiện tại của chính mình, không quanh đi quẩn lại vấn đề đã nói để giữ lại sự bình an trong lòng.
Mỗi người khi muốn chia sẻ họ không cần gặp một người lý luận hay khuyên nhủ điều gì nữa, tâm trí họ đã đủ rối bời rồi. Và chính họ cũng biết trong lòng họ đã có sẵn câu trả lời cho nó, chỉ cần một người đủ bình tâm để giúp họ lắng lại tâm mình và nhìn rõ được câu trả lời cho chính họ mà thôi. Nói cho đến cùng thì khi lắng nghe, tâm bình an của mình mới chính là điều có ích nhất cho người khác.