(Góc nhìn từ Luật Tiếp cận thông tin, đọc từ bài: Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Dự án Tam Đảo II - có gì bí mật? [Phunuonline, 28/9/2019])
Tưởng rằng ngày nghỉ sẽ là ngày nghỉ nhưng sáng nay báo lại lên bài, lắc não một tí mình lại tâm tư một chút. Loạt bài của Báo Phụ nữ online dạo gần đây thì đình đám lắm rồi, những mình hiểu biết có hạn :v chờ mãi tới hôm nay mới có cái để đặt chân vào! Chuyện là thế này...
Trong bài báo mới đây của phunuonline, nhóm phóng viên có tường thuật lại quá trình yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ) cung cấp Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” (gọi tắt là Tam Đảo II)
Tác giả bài báo trích dẫn Điều 131, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để yêu cầu Bộ cung cấp thông tin. Theo đó, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc “thông tin môi trường phải được công khai” theo điều luật này. Dù vậy, nhóm phóng viên cho rằng quá trình này giống như đi “xin” và gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, ngày 6/8/2019, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gửi Công văn số 160 đến Bộ đề nghị cung cấp bản ĐTM của dự án Tam Đảo II. Tới ngày 16/8, nhóm phóng viên có mặt tại trụ sở của Bộ để hỏi về quá trình phúc đáp công văn. Theo bài báo thì một cán bộ của Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (thuộc Bộ) đã trả lời trực tiếp rằng sẽ gửi tài liệu được yêu cầu qua đường công văn hoặc email. Sau đó một tuần, Báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn chưa nhận được tài liệu từ phía Bộ. 
Sau khi liên lạc với cán bộ đã gặp ngày 16/8 thì được trả lời rằng: “Hiện đang trình lãnh đạo nội dung cung cấp cho báo chí, khi lãnh đạo phê duyệt, sẽ gửi ngay”. Ngày 25/8, nhóm phóng viên nhận được câu trả lời: “Vấn đề này đã báo cáo lãnh đạo Bộ nhưng chưa được duyệt. Khi nào có, sẽ cung cấp ngay”. Ngày 27/8, nhóm phóng viên liên lạc với ông Trịnh Xuân Quảng - Phó vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền nhưng vị cán bộ này nhầm yêu cầu của phóng viên sang một văn bản khác!
Vậy là sau nhiều lần trao đổi trong gần 1 tháng, nhóm phóng viên vẫn chưa được Bộ cung cấp Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II mà đáng ra Bộ phải công khai!
Tương tự và bao hàm các thông tin phải được công khai theo Điều 131, Luật Bảo vệ môi trường như kể trên là các quy định của Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1/7/2018) Theo đó, Luật TCTT quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. 
Ngoại trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước không được cung cấp cũng như thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và bí mật kinh doanh được cung cấp khi người sở hữu thông tin đồng ý thì nhà nước có nghĩa vụ công khai các thông tin còn lại do họ tạo ra và giữ và cung cấp khi công dân yêu cầu. Điều 28 của Luật Tiếp cận thông tin quy định: Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Công dân làm nghề báo cũng có quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, theo dõi quá trình yêu cầu thông tin của nhóm phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, người đọc thấy rằng dường như các câu trả lời cũng như giới hạn ngày trả lời từ cơ quan chức năng còn chung chung và có phần “vòng vo”, có lúc còn hiểu không đúng yêu cầu của người dân!
Mới đây, trong tọa đàm “Tác nghiệp báo chí với Luật tiếp cận thông tin” (đi hóng được) diễn ra vào ngày hôm qua 27/9, nhiều anh chị nhà báo nói về việc sử dụng Luật Tiếp cận thông tin trong tác nghiệp, dường như chưa và khó là một cách làm đột phá vì gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều nơi còn trả lời vòng vo, thông tin được cung cấp thì hoặc chậm trễ hoặc có cũng như không!
Cái nhà báo cần là thông tin, thông tin và thông tin..nhưng à mà thôi!
Tất nhiên, không phải tới khi có Luật Tiếp cận thông tin, các phóng viên nhà báo mới có cơ sở để phục vụ công việc tìm kiếm thông tin cho công việc của mình! Với Luật Báo chí và hàng chục luật khác quy định về việc nhà nước phải công khai thông tin cùng với những kỹ năng được các nhà báo phát triển trong quá trình tác nghiệp, việc áp dụng Luật Tiếp cận thông tin được xem như là công cụ cộng thêm của một số nhà báo nói riêng và thúc đẩy quyền biết của người dân nói chung.
Tiếp cận thông tin không phải là đặc quyền của riêng bất kì ai. Việc hạn chế tiếp cận thông tin cần phải được nêu rõ ràng và dựa trên những nguyên tắc hợp lý về bảo mật thông tin nhưng không nhằm hạn chế quyền chính đáng của người dân.

*Tọa đàm “Tác nghiệp báo chí với Luật tiếp cận thông tin” mình nói tới là một hoạt đông kỷ niệm Ngày Quốc tế về Quyền biết (International Right to Know day - 28/09) - chính là hôm nay :))) hê hê
ps Một người anh của mình đã chuyển Facebook để qua tiktok giải trí..đọc chuyện binh đao nhiều quá sống không nổi :v