Thú thực, đây là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách viết về chiến tranh, cũng là lần đầu tiên, mình được đọc một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh chủ yếu ở một quốc gia Trung Đông mà mình không biết quá nhiều thông tin – Afghanistan.
Trong quá trình đọc Người đua diều, từng trang trôi qua, rồi lật đến trang cuối cùng, mình có quá nhiều những cảm xúc. Chúng như một mớ hỗn độn, giằng xé, khiến mình không biết bắt đầu từ đâu khi viết bài review này. Vì thế, có lẽ sẽ là tốt nhất nếu để cho cảm xúc của mình chỉ đường trong hành trình hồi tưởng và sắp xếp lại những gì mình sắp viết...
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Chất liệu đầu tiên để Hosseini dẫn người đọc vào truyện, và làm quen với nó, với mình là một sự bất ngờ dễ chịu. Đó là một Afghanistan yên bình, êm ả, xinh đẹp, nơi người dân được sống một cuộc sống bình thường như nhiều mảnh đất khác trên thế giới. Mình nghĩ rằng, từ khi bắt đầu có những nhận thức về thế giới, và biết xem thời sự, thì in đậm nhất trong trí óc mình khi nói về Afghanistan là những mẩu tin, bài báo về một đất nước bạo loạn, về những vụ đánh bom liều chết, những vụ hành quyết, và cả những khẩu súng đáng sợ xuất hiện dày đặc trên đường phố nữa. Tất cả những ký ức đó càng khiến mình sững sờ trước một Afghanistan đã từng là một nơi được bao trùm bởi hòa bình. 
Trên nền bối cảnh đó, cuộc sống của Amir và cậu bạn thân Hassan xuất hiện. Amir là một người Pashtun, và xuất thân từ tầng lớp quý tộc, trái lại, Hassan lại có xuất thân nghèo hèn. Cậu là người Hazara – chủng người được coi là thấp kém. Cha Hassan – ông Ali, chính là người đầy tớ của cha Amir, và gia đình cậu sống ở một khu dành cho người hầu ngay trong nhà của Amir. Thú thực, khi đọc về tuổi thơ của của hai nhân vật này, mình đã luôn tự đặt những câu hỏi, rằng tại sao hai con người với xuất thân khác nhau đến nhường đó, lại có thể trở thành những người bạn thân thiết? Và sự ngờ ngợ đó của mình càng được đẩy lên cao hơn, khi cả hai cậu đều được bú chung một bầu sữa mẹ…
Người Afghanistan có một quan niệm rằng: “Có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ.”… “Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Của tôi là Baba. Của cậu ấy là Amir. Tên tôi.”
Phải chăng đằng sau tình bạn giữa hai con người này là những mối quan hệ đặc biệt, là hiện thân của sợi dây vừa mong manh vừa bện chặt, chúng tạo thành một bí mật nào đó mà không phải ai cũng biết? Và quả thực, sau khi đọc xong, mình mới sững sờ biết được bí mật được chôn vùi đó, nó bất ngờ đến nỗi mình có thể miêu tả mối quan hệ giữa Amir và Hassan bằng hai chữ “kỳ lạ”. Kỳ lạ bởi những sợi chỉ vô hình của các mối quan hệ khác ràng buộc xung quanh. Đó là sợi chỉ của tình thân, huyết thống, và của cả định kiến xã hội. Hai con người này, liệu họ có thực sự là những người bạn của nhau?
Và quả thật, chính vì sự “kỳ lạ” đến nghiệt ngã của mối quan hệ này, mà chúng ta có thể cảm nhận được những suy nghĩ, hành động đặc biệt của Amir và Hassan – chúng chắc hẳn không đơn thuần chỉ là tình bạn. Đó là tình cảm thuần khiết, đơn phương, hồn hậu, tận tụy sâu sắc của Hassan dành cho Amir, là sự ghen tuông, đôi lúc đố kỵ của Amir khi thấy tình yêu mà bố mình dành cho Hassan. Và hơn hết, sự “kỳ lạ” của mối quan hệ đó đã dẫn đến những bước ngoặt trong cuộc đời và số phận của các nhân vật, khiến cho họ phải chịu đựng những nghiệt ngã, dày vò. Đặc biệt là với Amir, khi anh phải sống trong những nỗi ân hận, ám ảnh suốt một thời gian dài…
Đó là sự hèn nhát của Amir vào ngày chiến thắng cuộc thi đua diều – cái ngày mà đáng lẽ tình bạn của hai người phải càng trở nên thắm thiết. Đó là một chuỗi những ích kỷ, xấu xa của cậu khi liên tục đổ lỗi, vu khống những điều mà Hassan không làm, đến nỗi cha con Hassan phải chuyển đi nơi khác sống. Vào cái ngày mà cha con ông Ali chuyển đi, trời mưa to. Amir áp sát mặt mình vào tấm kính cửa sổ trong nhà, nhìn theo chiếc xe Baba chở những người bạn của mình. Không biết lúc đó Amir thực sự đã nghĩ gì, nhưng mình tin rằng những sự ám ảnh, xấu hổ, dằn vặt đã bắt đầu len lỏi trong tâm hồn cậu, để rồi chúng ngày một lớn dần, lớn đến nỗi cậu đã mang theo những nỗi day dứt đó đến với nước Mỹ xa xôi, khi cậu và Baba chạy trốn khỏi Afghanistan vì biến động chính trị.
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Trên đất Mỹ, Amir và Baba sống một cuộc sống vất vả. Họ chật vật kiếm sống bằng việc bán cả những thứ đồ cũ với giá rẻ. Amir lớn lên, thi đỗ đại học và có cho mình một gia đình nhỏ. Thế nhưng, nỗi ám ảnh về những ngày tháng ở quê hương, về những việc mình đã làm ở đó vẫn luôn đeo bám anh. Nó chân thực đến nỗi mọi thứ anh gặp phải, mọi việc anh làm, Amir đều liên kết chúng với những những hình ảnh, những lời nói, hành động của Hassan. Nó như một bóng ma đè nặng lên tâm hồn anh, và lớn đến nỗi dù cách xa hàng nghìn dặm, những liên tưởng về quá khứ ở quê hương vẫn mồn một, rõ nét như mới xảy ra ngày hôm qua. Tất cả những điều đó thôi thúc Amir trở về quê hương, trong hành trình chuộc lỗi của mình.
“Luôn có một con đường để tốt lành trở lại…"
Bác Rahim Khan
Đó là một hành trình trở về đầy đau thương, vất vả, với những thời khắc anh phải đấu tranh những giằng xé trong nội tâm, đấu tranh để chiến thắng lại sự hèn nhát ám ảnh bấy lâu. Trong hành trình này, bao trùm trong tâm trí Amir luôn là những câu nói của Hassan, của Baba, của bác Rahim Khan. Anh đã luôn lấy nó làm kim chỉ nam, để chúng ta thấy được ẩn sâu trong những hành động anh làm ở quê hương đều in dấu những bài học từ những lời nói đó. Không, nó không chỉ là những bài học, nó còn ẩn chứa lời hứa, là khát khao được sống với lương tâm, và là khát vọng được chuộc tội.
Như lời nói của bác Rahim Khan: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại… Một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ”. Đó là lời nói của một người bác luôn rất hiểu Amir, là một người bao dung và luôn sẵn sàng tha thứ cho anh. Amir, trong chuyến hành hương, đã hiểu được điều đó, và anh đã để lời nói của một “người bạn” cứa sâu vào trái tim anh, khiến anh từ một con người còn lưỡng lự với những quyết định của mình lúc ban đầu, đã trở nên vô cùng quyết liệt về sau. Không phải Amir không còn sự lựa chọn nào khác, mà là, trong vô vàn những con đường khác nhau, anh đã chọn con đường khó đi nhất, nhưng lại tỏa sáng và rực rỡ nhất. Đó là quyết định trở về Kabul – lúc này đã ngập chìm trong những tiếng súng và sự nghèo đói, đến mức khiến anh có cảm giác như một du khách phương xa có dịp ghé thăm một mảnh đất hoàn toàn xa lạ ngay trên chính quê hương mình – để tìm đứa con trai của Hassan, và làm những điều cần phải làm với nó.
Có thể nói, từ một kẻ luôn bị dằn vặt, một kẻ phản bội, lừa dối, Amir đã ý thức được bản thân phải làm một điều gì đó, và thế là con đường chuộc tội của anh bắt đầu. Thế nhưng, cái giá phải trả cho sai lầm của bản thân vẫn luôn rất đắt, và với Amir, anh đã lần lượt mất đi những người thân quen nhất của mình...
Chúng ta nói đến hành trình trở về của Amir, hành trình cởi bỏ lớp màng hèn nhát của bản thân, hành trình bù đắp những tội lỗi mà mình gây ra. Chúng ta cũng thấy rằng anh đã trân trọng lời răn dạy của Baba đến nhường nào, lời dạy về tội ăn cắp: “Có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp. Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ”. Nhưng trớ trêu thay, chính Baba của anh cũng đã phạm phải lỗi đó, thế nhưng không được may mắn như anh, Baba đã không bao giờ có cơ hội để chuộc lỗi.
Nguồn: Google
Nguồn: Google
Bao trùm trong tác phẩm, người đọc có thể thấy được những mối liên hệ mật thiết, ràng buộc, nhuốm màu sắc tôn giáo của con người nơi đây. Đó là mối quan hệ giữa con người với gia đình, là mối quan hệ huyết thống; là con người với cộng đồng, với đất nước, với những đức tin vào tín ngưỡng, thần thánh, và lòng thành kính với văn hóa bản địa. Chúng đóng vai trò rất quan trọng, làm động lực, là động cơ cho những suy nghĩ, niềm tin, hành động của các nhân vật trong truyện. Dù cho những quan niệm truyền thống và giàu bản sắc này có lạc hậu, nhưng chúng là đức tin, là máu chảy trong huyết quản của mỗi người con Afghanistan, họ không thể chối bỏ và sẽ không bao giờ chối bỏ chúng. Từ đó, chúng ta thấy được văn hóa Hồi giáo nói chung và văn hóa Afghanistan nói riêng hiện lên vô cùng chân thật, rõ nét, và đâu đó cho ta cảm giác gần gũi, dù chúng gần như không có mối liên hệ gì với Việt Nam, và tưởng như ngoài tầm với của người đọc. 
Không chỉ có những niềm tin và các mối liên hệ bao trùm tác phẩm, chiến tranh cũng là một yếu tố xuất hiện dày đặc, và mang đến bao bi thương, đau đớn mà đôi lúc chúng ta – những người đọc không thể kìm lòng mà cảm thấy xót xa. Tất cả những gì mà người dân Afghanistan đã phải chịu đựng là những mất mát. Họ mất người thân, mất nhà, mất quê hương, mất đi những ngày tháng êm đềm, yên ả, tươi đẹp. Thế nhưng, giữa những mưa bom bão đạn, những gọng súng của phiến quân Taliban sẵn sàng cướp đi tính mạng của bất cứ ai đó, những người Afghans không mất đi khiếu hài hước như bản tính vốn có. Họ không mất đi những niềm tin tín ngưỡng, sự kiên định phải trở thành một người trung thành với đầy ắp lòng bao dung. Họ vẫn kiên cường ước mơ về một ngày hòa bình cho đất nước, cho dân tộc. Họ vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng nơi mảnh đất quê hương, để họ có thể sống lại những ngày tươi đẹp đã qua, như những lời trong lá thư mà Hassan gửi cho Amir: “Tôi mơ thấy con trai tôi lớn lên trở thành một người tốt, một người tự do, và một người quan trọng. Tôi mơ thấy những bông hoa lawla sẽ nở trên các đường phố Kabul, và nhạc rubab lại sẽ vang lên trong những phòng trà những cánh diều sẽ lại bay trên bầu trởi. Và tôi mơ một ngày nào đó cậu sẽ trở về Kabul thăm lại mảnh đất thời thơ ấu của chúng ta. Nếu cậu trở về, cậu sẽ thấy một người bạn cũ trung thành đang đợi cậu”. Những mơ ước của Hassan như một giấc mơ chung của người dân Afghanistan. Sự bao dung và trung thành của Hassan là tiếng chuông đánh thức hàng vạn trái tim.
Vì cậu, cả ngàn lần rồi.
Nổi bật trong truyện còn là hình ảnh người đua diều và những ý nghĩa biểu tượng của nó. Cánh diều đã xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm, nhưng có hai lần làm mình ấn tượng nhất. Lần đầu tiên chính là cánh diều của chiến thắng, cũng là cánh diều mà Amir mong ước sẽ giúp cậu có được tình cảm và sự quan tâm hơn nữa của Baba, là cánh diều của tình bạn, của lời nói xúc động: “Vì cậu, cả ngàn lần rồi”.  Thế nhưng, cũng chính cánh diều này đã dẫn đến bao tội lỗi, biến cậu trở thành một kẻ phản bội. Hình ảnh thứ hai, đó là cánh diều mà Amir cùng đứa con trai của Hassan đã cùng chơi với nhau trong một cuộc đua diều trên đất Mỹ, sau khi anh đưa cậu bé đến sống với gia đình mình. Khác với cánh diều đầu tiên, nó không mang theo tội lỗi nào cả, mà trái lại, là một sự hy vọng đơn thuần của Amir vào một tương lai tươi sáng hơn, nơi mà gia đình anh và Sohrab sẽ cùng nhau sống một cuộc sống vui vẻ, nơi những dằn vặt và tội lỗi sẽ không bao giờ được sinh ra trở lại. Vượt lên trên tất cả, mình nghĩ cánh diều đó còn thầm mang theo hy vọng và niềm tin của anh về một Afghanistan không còn bom đạn, về Tổ quốc sẽ trở lại như nó vốn có, để anh có thể ôm nó vào lòng, và trở về vào một ngày không xa…
Kết
Qua tác phẩm, bên cạnh tố cáo chiến tranh và những tội ác mà nó đem lại, Hosseini còn âm thầm gửi gắm sự đồng cảm và xót thương của mình đối với người dân quê hương, những người đã phải chịu đựng những khổ sở bởi hoàn cảnh, số phận éo le, bởi luật lễ hà khắc và sự phân biệt chủng tộc. 
Không phải tự nhiên, mà tác phẩm này lại lấy được nhiều tình cảm từ các bạn đọc Việt Nam đến thế. Bối cảnh mà Người đua diều xây dựng, là tội ác chiến tranh, là những số phận bị xoáy sâu vào vũng bùn và bị vùi lấp, rất gần với những gì mà những người dân Việt Nam đã phải trải qua. Bởi lẽ đó, chúng ta vô cùng thấm thía và đồng cảm với những gì mà người dân Afghanistan đang phải chịu đựng. Trớ trêu thay, dù đã hơn 20 năm sau bối cảnh ở trong cuốn sách, số phận của dân tộc Afghans vẫn là một dấu hỏi lớn, vẫn vô định và không chắc chắn. Và chừng nào còn sự mờ mịt đó, người dân ở đây vẫn còn phải đối mặt với những nghịch cảnh éo le, tàn nhẫn…
Đánh giá: 4.5/5