Người đi cùng với bạn suốt "quãng đường" tuổi thơ giờ thế nào rồi?
Mình có một người bạn là chú họ - bằng tuổi, gần nhà. Chú bị ngọng. Lúc học mẫu giáo lớn mình hay hỏi “nhà chú nay ăn cơm với gì?”....
Mình có một người bạn là chú họ - bằng tuổi, gần nhà. Chú bị ngọng. Lúc học mẫu giáo lớn mình hay hỏi “nhà chú nay ăn cơm với gì?”. Chú trả lời “vứi sường”. Thực ra là “với đường”. Ngày nhỏ hai đứa chơi thân với nhau lắm. Mình nhớ những buổi trưa hè chẳng ngủ, hai chú cháu cùng với mấy đứa trẻ trong làng đi câu cá sọi cờ, có lúc câu được con cá cờ bạc to đùng cho vào cái chai nuôi nhưng nó cũng chẳng sống được mãi. Trưa nắng, bọn mình chẳng mũ nón, đi chân đất, lật giun dưới những vầng cỏ ven đường làm mồi đi câu.
Có những buổi sáng đi học đúng mùa lúa trổ đòng vậy là hai đứa tuốt mấy cái bụng lúa ra ăn, lúa non ăn nhiều rát lưỡi nên phi lên trời cao. Mình thề là cái hướng đòng lúa bay lên nhìn đẹp cực kỳ, kiểu kiêu hãnh làm sao. Sau đó về mình lỡ miệng kể với mẹ, mẹ nói không làm như vậy nữa vì cấy lúa vất vả lắm mới lên được đòng nên không được đi rất đòng nhà họ nữa.
Có những buổi chiều hai đứa chạy tắt ngang cánh đồng lúa chín vàng ươm để về nhà. Cô giáo là một người cùng ngõ với nhà bọn mình và đi xe đạp về nhưng lần nào cũng về sau. Có lần cô hỏi “sao hai đứa đi cách nào mà nhanh vậy?”. “Bọn con đi lối tắt”. Hai đứa trả lời.
Có những khi trời chạng vạng bọn mình đi hái cây măng non vì dọc đường quê nhiều tre lắm. Rồi lấy tay lắc, đung đưa thật khéo sao cho cây măng có nhiều khấc nhưng không bị đứt, ai quay được nhiều khấc măng là người ấy giỏi và được những đứa trẻ khác nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ.
Có những ngày nghỉ hai đứa đào những hố nhỏ trong vườn, cho sỏi vào, đào thêm những dòng chảy nhỏ, lót mảnh áo mưa trắng. Sau đó hút nước ao lên bằng chiếc vòi của người lớn cho. Nước lọc qua những lớp sỏi chảy ra trong vắt nên đứa nào cũng thích. Cứ nghịch cho đến khi quần áo lấm lem thì thôi.
Có những ngày cả làng làm gạch để đốt lò chúng mình theo người lớn ra đồng nghịch, xin hai viên gạch đã được đóng bằng đất sét sau đó khoét thành bếp lò về kiếm củi khô đốt. Khói um, cay xè mắt. Nhiều khi đứng ngược gió khói ám hết cả lên người. Lại có những ngày mưa chúng mình để kệ người bị ướt kiếm lá chuối che cho cái bếp đang có một ít gạo rang dở trong hộp sữa ông thọ mà bố đã đục để hai đứa chơi đang đặt trên bếp ấy. Gạo rang ra cháy khét mà vẫn tranh nhau ăn.
Có những mùa hè hai đứa rủ nhau đi bắt cào cào, lần nào cũng đầy mấy lọ. Cho gà, cho hàng xóm mà chả hết. Về sau ngồi xem chúng nó chọi nhau rồi thấy nó ị đầy trong chiếc lọ hôi rình nhưng mà cuối cùng chúng cũng chỉ sống nổi có mấy ngày.
Có những ngày mùa gặt, gặp tổ chim non ở ruộng mà phải cắt lúa đi người lớn đã mang về để chúng mình chăm. Nhiều lắm ấy. Bọn mình đi bắt sâu trên những rặng cây râm bụt về cho chim non ăn, khi chim lớn chút thì đặt tổ trên ngọn cây cao. Có chim mẹ biết con mình ở đó nên đã bay lại mớm mồi rồi chim con lớn lên ra ràng và bay đi. Nhưng cũng có tổ chim không may mắn như thế, chúng mình phải tự chăm và rồi chúng chết mất. Đó là những khoảng lặng rất buổn của tuổi thơ. Nhiều khi ngồi hiên nhà ngắm mẹ con chim ríu rít mớm mồi mấy đứa trẻ con đã rất vui nhưng cũng có nhiều lần chúng mình đã ngồi khóc khi thấy chim non yếu dần.
Có những ngày giáp mùa mà nhà hết đồ đun (quê mình ngày ấy còn đun bếp rạ) hai đứa cầm bao đi nhặt lá, vơ hết tất cả những chiếc lá bạch đàn (phi lao) rụng dưới vườn của mấy mảnh đất chưa có người ở. Nhặt nhiều chán quá lấy hai cái dây buộc hai bên đầu bao sau đó thắt chặt vào hai cái cây rồi ngồi đung đưa. Có lần dây bị đứt ngồi phạch xuống đất đau điếng.
Mình chắc chắn sẽ không bao giờ quên đoạn tập xe đạp. Người lớn quê mình nói rằng đứa trẻ nào tập xe đạp mà cả xe và người rơi xuống ao, máng (mương) ba lần là biết đi xe. Bọn mình đã tin vào lời đấy. Mình bị rơi xuống ruộng lúa một lần, hai lần rơi xuống máng, suýt chết đuối. May có anh họ mình vớt lên. Sau này thì mình biết chả cần lần nào rơi xuống ao thì bọn trẻ vẫn đi xe thành thục. Nhưng mà những ngày bọn mình rủ nhau tập xe đạp đứa rơi xuống ruộng, đứa rơi xuống ao, đứa dính đầy bùn ở máng vẫn luôn là những ký ức thật đẹp.
Rồi hai chú cháu mình vào cấp ba, mỗi đứa học một trường, lại đúng giai đoạn dậy thì nên hai đứa tự tách ra. Bây giờ chú ấy đã lập gia đình, đang làm ở công ty điện tử, thi thoảng cần mua đồ mình vẫn nhờ chú mua giúp và luôn được đồ đẹp, giá hời. Chúng mình ít gặp nhau lắm vì mỗi đứa ở một nơi, lúc về chơi mà gặp nhau không cần nhắc lại thì người lớn vẫn nhắc giúp những kỷ niệm tuổi thơ của hai đứa. Với mình con đường tuổi thơ luôn đẹp nhất, vui nhất, ý nghĩa nhất. Ngày ấy quần áo lúc nào cũng đầy nhựa cây, hay bị rách và thường xuyên bị bẩn, tay chân lúc nào cũng có vết xước nhưng mà chúng mình được chơi và cười thật nhiều.

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất