1. Người đẹp ngủ mê 

Tôi vẫn còn nhớ ấn tượng khi lần đầu tiên nhìn ảnh Kawabata Yasunari. Đấy là bức ảnh chụp khi ông giữa độ tam tuần. Một con người gầy gò, khôn mặt xương xương trong bộ kimono tuềnh toàng đang tì tay trên lan can với đôi mắt buồn nhìn xuống và điếu thuốc cháy dở kẹp giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái. Ông đã chịu cảnh mồ côi bố mẹ từ khi lên bốn, phải sống với ông bà mình. Ám ảnh mất mát còn bám theo ông suốt cả thời niên thiếu khi bà ông mất lúc ông lên bảy, chị gái ông mất hồi ông mười một, còn ông nội mất khi ông mười lăm. Cả một cuộc đời ông chìm trong những nỗi cô đơn, không chỉ là nỗi cô đơn của việc mất người thân, thiếu tình yêu thương chăm sóc mà còn cả nỗi niềm cô đơn giữa thời đại đổi thay khi những giá trị cổ xưa bị đánh mất.
Kawabata at his home in Kamakura
Kawabata Yasunari (nguồn : wikipedia)
“Xứ tuyết” – tiểu thuyết đầu tay của Kawabata Yasunari (được viết từ năm 1934 đến 1947) – đã đưa danh tiếng của ông lên cao. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Nhật Bản thất bại toàn diện, mất đi quyền tự do quân sự, và triệt để từ bỏ những giá trị truyền thống lâu đời của mình thì tác phẩm của ông như hoa sau mưa đua nhau nảy nở, tuy nhiên những bông hoa ấy không rạng rỡ, sặc sỡ màu sắc hay mùi hương. Chúng đẹp vẻ đẹp u sầu và tinh khiết. Trong tưởng tượng của tôi những đóa hoa ấy, đóa nào đóa nấy đều trắng muốt một màu não nề, cánh hoa ủ rũ như muốn chia buồn, muốn tiếc thương một nền văn hóa cổ xưa với những vẻ đẹp trang nhã và tinh tế đang bị thay thế bởi những giá trị ngoại lai hỗn tạp. “Ngàn cánh hạc”, “Tiếng rền của núi”, “Người đẹp ngủ mê”, “Cố đô”, “Đẹp và buồn”… là những đóa hoa ấy.
“Người đẹp ngủ mê” được viết và xuất bản năm 1961 khi ông 62 tuổi. Tác phẩm được sáng tác dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki nhan đề “Những mỹ nữ của Eguchi” công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản. Tác phẩm kể về những lần ghé thăm của ông lão Eguchi sáu mươi bảy tuổi tới ngôi nhà đặc biệt với những trinh nữ xinh đẹp tuổi chưa đến hai mươi luôn trong tình trạng ngủ say. Ngôi nhà với những quy định nghiêm ngặt chỉ dành riêng cho những ông già không còn chút sinh khí nhưng vẫn muốn gọi lại chút thanh xuân của mình bằng việc ngủ say bên một người con gái còn trong trắng. Năm chương truyện là năm lần ông ghé thăm ngôi nhà này. Mỗi lần ông lại ngủ với những cô gái khác nhau; mỗi cô gái gọi lại cho Eguchi những hồi tưởng, những kỷ niệm khác nhau về những người đàn bà đã đi qua đời ông. Một ẩn dụ rõ ràng về sự tiếc nuối những văn hóa, những vẻ đẹp xưa kia chỉ có thể gọi lại qua những khung cảnh, những hình ảnh tương tự, gần giống như thế.
Kết quả hình ảnh cho người đẹp ngủ mê
Tác phẩm Người đẹp ngủ mê, Quế Sơn dịch
Thêm một điều thú vị đó là Phật tính trong tác phẩm. Khi cái tên Eguchi (phiên âm ra tiếng Hán là Giang Khấu) của nhân vật chính được tác giả lấy cảm hứng từ một khúc ca cùng tên do nhà viết nhạc Trung Quốc Quan A Di (1333-1384) sáng tác. Khúc ca kể về chuyện hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát thành kỹ nữ, làm công việc thấp hèn chỉ mong có thể cứu rỗi được cho bản thân mình và cho mọi người. Phải chăng những cô gái ngủ mê trong tác phẩm cũng chính là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát với ước mong có thể cứu rỗi giải thoát được cho những người đàn ông chỉ còn chút hơi tàn sức yếu kia qua việc giải tỏa những ham muốn dục vọng cuối cùng của họ? Và phải chăng hình ảnh ông già Eguchi ôm lấy thân hình nõn nà của những người con gái không chỉ đơn giản là thể hiện sự buồn bã, tiếc thương những gì đã qua mà còn là nguyện ước được cứu vớt được giải thoát ra khỏi bể khổ ?

2. Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi 

Có một lần Gabriel García Márquez đã nói : “Trên thực tế, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách. Cuốn sách mà tôi đang viết là cuốn sách về “cái cô đơn”. Thực vậy cả cuộc đời nhà văn người Colombia đã viết về nỗi cô đơn bằng bút pháp hiện thực huyền ảo đậm chất Mỹ La-tinh của mình. Những tác phẩm của ông như “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả” hay “Mùa thu của vị trưởng lão” đã nổi danh trên toàn thế giới và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1982, ông được trao giải Nobel Văn học “cho những truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, nơi hiện thực và huyền ảo kết hợp lại trong thế giới rộng lớn của trí tưởng tượng, phản ánh cuộc sống và xung đột của cả một châu lục”. Năm 2004, ông cho xuất bản tác phẩm cuối cùng của mình: “Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi”. Ông qua đời ở tuổi 87 vào ngày 17 tháng 4 năm 2014 tại thủ đô Mexico City, Mexico nơi ông đã sống hơn 30 năm.
Kết quả hình ảnh cho garia marquez
Gabriel García Márquez
Tác phẩm “Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Người đẹp ngủ mê” của Kawabata Yasunari. Khi cả hai đều kể về việc những ông già qua đêm bên cạnh những cô trinh nữ trẻ với mong ước tìm lại tuổi trẻ họ đã bỏ lại phía sau từ rất lâu. Nhân vật chính là một nhà báo già sống trong một gia đình trung lưu nhưng sớm mồ côi bố mẹ, muốn kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 90 của ông bằng một đêm đáng nhớ với một thiếu nữ còn trinh nguyên. Thế nhưng việc chứng kiến thân thể của người thiếu nữ – một cô bé chưa đủ mười bốn tuổi nhưng đã phải lao động vất vả để lo cho các em và bà mẹ bị liệt – đã khiến những dục vọng đam mê của ông trở nên tan biến. Trong lòng người đàn ông già nua tuy đã ngủ với hơn 500 người kỹ nữ nhưng chưa từng biết mùi tình yêu này đã nảy sinh một tình cảm vô cùng đặc biệt với cô bé. Ông đặt tên cho cô là Delgadina. Ông treo tranh, mang đài, trang trí lại căn phòng mà ông vẫn gặp cô bé. Ông hát ru, đọc truyện “Hoàng tử bé”, “Nghìn lẻ một đêm”… cho cô nghe. Ông già 90 tuổi như hồi sinh từ đống tro tàn trở thành một con người khác hẳn.
Kết quả hình ảnh cho hồi ức cô gái điếm buồn của tôi

Tác phẩm mang đến cho độc giả rất nhiều điều thú vị : từ sự đổi thay của Colombia qua từng thời kỳ, đến sự nghèo khổ và vất vả của những cô bé trong khu ổ chuột khi chúng phải khâu vá cực nhọc hơn mười tiếng một ngày và phải làm gái để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng tương phản với góc cạnh phản ánh xã hội còn nhiều khó khăn vất vả là sự tôn vinh tình yêu. Tình yêu ở đây không phải là tình yêu nam nữ đơn thuần mà là tình yêu với cuộc sống, với tuổi trẻ và tương lai. Cái ông lão yêu là hình ảnh cô bé mà ông tưởng tượng ra trong đầu, cái ông lão yêu là yêu việc được chăm sóc vỗ về một ai đó, yêu việc được nhìn cô bé lớn lên dần dần và yêu cả cái tuổi trẻ của cô. Tình yêu đã đổi thay ông lão, cuộc đời của ông như bước sang một trang mới dù ông đã hơn 90 tuổi. Một cuộc đời đầy lạc quan, yêu thương và hạnh phúc. “Cuối cùng thì đó chính là đời thực, với trái tim tôi mạnh khỏe nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi.”
Nếu làm một so sánh nho nhỏ giữa hai tác phẩm “Người đẹp ngủ mê” và “Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi”. Ta sẽ thấy dù cốt truyện của hai tác phẩm giống nhau nhưng hương vị mà hai tác giả đem tới cho ta hoàn toàn khác biệt. Một kết buồn; một kết vui. Một bút pháp đậm chất miêu tả tinh tế tài tình; một bút pháp kể truyện đơn giản, sống động. Nó khiến ta nhận ra sự khác biệt không chỉ về văn hóa (Nhật Bản và Colombia) mà còn khiến ta nhận ra sự khác biệt về thời kỳ (1961 và 2004). Chúng ta đang sống giữa thế kỷ 21, khi những cơn kinh biến rúng động thế giới chỉ còn là dĩ vãng mà ta học trong giờ Lịch sử. Chúng ta đang sống trong thời kỳ yên bình nhất từ trước tới nay, bởi vậy xin đừng đối mặt với cuộc sống bằng đôi mắt buồn bã của Kawabata Yasunari mà hãy lạc quan và yêu đời lên, giữ một trái tim khỏe mạnh rồi “chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm.”

2017