Người Việt lúng túng với tiếng Việt.
Điều tưởng như lạ lùng nhưng đang được thể hiện rất rõ: người Việt đang lúng túng với tiếng mẹ đẻ của mình.
Khi làm việc với nhiều bạn trẻ, tôi nhận ra một vấn đề quan trọng mà phần lớn đang gặp phải, đó là: các bạn ấy gặp khó khăn trong việc giao tiếp, trình bày ý kiến hay soạn thảo văn bản bằng tiếng Việt. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng điều đó đang được thể hiện ra rất rõ: người Việt lúng túng với tiếng mẹ đẻ của mình.
Các email, bài viết, hay một vài chia sẻ trong đơn tìm việc làm của các bạn trẻ đều mắc từ một đến nhiều lỗi như: sai chính tả, sử dụng sai từ, câu văn rườm rà và không lo-gic, đọc cả đoạn văn thì lan man mà không có điểm kết...Bỏ qua việc thái độ hời hợt, không xem trọng của một vài bạn thì vẫn có những bạn rất nghiêm túc nhưng đều mắc các lỗi trên.
Tiếp nữa là kiểu lỗi: viết ra mà không hiểu mình viết gì, một vài bạn làm content hay copywriter rất hay mắc lỗi này, có nghĩa là khi các bạn ấy hoàn thành một bài viết, mình có ngồi đọc và hỏi lại: câu này có nghĩa là gì, đoạn này mục đích làm gì...thì các bạn ấy đều không trả lời được, hoặc trả lời rất mơ hồ và chung chung. Lỗi này thể hiện là bạn ấy đã cóp nhặt câu đó ở đâu rồi đưa vào nhưng không thật sự hiểu, sử dụng từ ngữ thì phóng đại, ''đao to búa lớn'' để thu hút nhưng thực chất đến đâu thì không nắm được.
Chính vấn đề này đã khiến cho giao tiếp, làm việc nhóm trong một tập thể luôn bị gián đoạn hoặc kéo dài hơn: người đọc/ nghe không hiểu người viết/ nói chia sẻ điều gì, ''ông nói gà, bà nói vịt'' là không đi đến đâu cả. Chưa kể, việc này cũng khiến cho tư duy bị trì trệ, lệ thuộc, thiếu sáng tạo, không thể đưa ra được ý kiến riêng của mình mà luôn phải đi tìm kiếm, sao chép ở đâu đó.
Xét về nguyên nhân của việc người Việt đang lúng túng với tiếng Việt của mình, kể ra thì có thể có nhiều lý do, nhưng theo quan sát và suy tư của cá nhân tôi, thì có hai vấn đề chính, đó là: tư duy và ngôn ngữ.
Đầu tiên là tư duy, tôi nghĩ rằng: nhắc đến ngôn ngữ thì phải nói đến tư duy, bởi thực chất ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy, là tấm gương phóng chiếu tư duy ra ngoài. Một tư duy mạch lạc và rõ ràng là cơ sở để việc trình bày bằng ngôn ngữ ra bên ngoài (thông qua nói/ viết) diễn ra trôi chảy và dễ hiểu.
Người Việt có rất ít tư duy độc lập, trong chương trình học phổ thông thì những khái niệm như tư duy phản biện (critical thinking) và tư duy lo-gic (logical thinking) đều rất xa lạ, đến khi học đại học thì môn Triết học lại bị xem nhẹ hoặc nếu có thì chỉ có một thứ triết Mác - Lenin. Trong môi trường như vậy kèm với nhiều áp đặt từ nhà trường, gia đình và xã hội, khiến cho phần lớn những người trẻ chỉ biết nghe theo, không có ý kiến riêng của mình và cũng không biết thể hiện ra.
Tiếp đến là ngôn ngữ Tiếng Việt, tôi nghĩ rằng nhiều bạn trẻ đã không nhận thức được tầm quan trọng của nó, cứ tưởng rằng người Việt thì sẽ biết tiếng Việt nhưng không phải thế, nhiều người không biết hoặc không phân biệt được rằng: ''cứu cánh'' khác với ''cứu nguy'', ''mục đích'' khác với ''mục tiêu'', ''quan trọng'' và ''hệ trọng'' là hai mức độ khác nhau, ''an yên'' là một từ sai...và rất nhiều lỗi khác nữa. Nhiều từ đã bị dùng sai và chính người sử dụng cũng không hiểu nội hàm của nó.
Muốn cải thiện tiếng Việt của bản thân thì phải cải thiện tư duy và ngôn ngữ, bản thân tôi cũng rất chật vật để làm điều đó. Khi cải thiện được việc ấy thì mấy chuyện giao tiếp, thuyết trình, viết email, báo cáo, nêu ý kiến...cũng sẽ tự động cải thiện theo. Tôi cho rằng đó là con đường bền vững và thực chất nhất chứ không phải chạy theo mấy khóa học kiểu như ''kỹ năng giao tiếp'', ''kỹ năng thuyết trình'', ''trình diễn trước đám đông''. Mấy khóa học đó chỉ làm con người ta hưng phấn nhất thời nhưng rồi không biết nói/ viết gì hoặc nói thì sẽ nói toàn những thứ cao siêu, thao thao bất tuyệt những lời sáo rỗng chứ không hiểu gì.
Học lại môn Triết, đọc nhiều thông tin rồi đối chiếu và so sánh, dành thời gian tĩnh lặng để suy tư, tách bạch rồi viết ra. Đừng quá vội tin vào điều gì và cũng đừng quá nhanh nhảu cóp nhặt một ý nào đó và đưa ra mà chưa phản biện. Tập nói và viết ra, tra từ điển tiếng Việt để biết cách sử dụng từ đúng, trau chuốt đoạn văn và từng dấu ngắt câu. Từng bước thật nhỏ nhưng nó sẽ giúp cải thiện tư duy và ngôn ngữ của mình.

(Ảnh mượn trên Internet)

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Bộ Hành Lãnh Tử
Bài viết rất hay và đúng trọng tâm, rất hoan nghênh ý kiến của tác giả. Chỉ tiếc là ngay trong bài cũng đang mắc một lỗi đó là thiếu chữ làm câu văn tối nghĩa, cụ thể là câu này: "người đọc/ nghe không hiểu người viết/ nói gì...". Để đủ ý thì mình đề xuất thêm một cụm nhỏ để thành: "người đọc/ nghe không hiểu người viết/ nói đang muốn trình bày gì..."
- Báo cáo

Trịnh Ngọc Đạt
Cảm ơn bạn nhé, đúng là mình có thiếu sót chỗ đó, mình sẽ chỉnh lại luôn.
- Báo cáo
nguyenhnv
Nói về dùng từ sai thì mấy "nhà thơ" phải gọi là trùm luôn. Ví dụ như đang gieo vần "i" thì bí vận, thế là thay vì "gió thổi vi vu" thì phang luôn "gió thổi vu vi", hay bí vận "ênh" nên thay vì "cánh đồng mênh mông" thì phang ngang thành "cánh đồng mông mênh"... lâu lâu đọc phải cứ như ăn cơm mắc sạn vậy. Còn mà nói về đao to búa lớn, ông nói gà bà nói vịt thì cũng có sự góp mặt của mấy "nhà thơ" với cái vụ chế từ nữa. Giang hồ có tiếng lóng thì "nhà thơ" cũng có "từ lóng" chứ nào có thua kém gì ai. Ví dụ như đang cần một từ láy cho nó nghệ thuật nhưng "hoang vu" lại là từ ghép, thế là có nhà thơ nhanh trí chế ra "hoang hoải". Khốn nỗi bởi vì là "từ lóng" nên là giải thích thì mỗi người một phách, cãi nhau chí chóe cả lên. Ngay cả Bà Huyện Thanh Quan cũng dính vụ này với từ láy "bãng lãng/bảng lảng".
- Báo cáo

Trịnh Ngọc Đạt
Đúng như vậy, ''nhà thơ'' hay ''nhà báo'' thiếu cẩn trọng và non nớt là sẽ phá nát thêm tiếng Việt.
- Báo cáo