Người Sài Gòn thèm được về quê
Hồi lâu hỏi mẹ, gia đình mình do đâu mà gọi đây là quê. Mẹ chỉ bảo là nhà tôi đã sinh sống ở đây từ thời Pháp rồi, còn xa hơn nữa thì...
Hồi lâu hỏi mẹ, gia đình mình do đâu mà gọi đây là quê. Mẹ chỉ bảo là nhà tôi đã sinh sống ở đây từ thời Pháp rồi, còn xa hơn nữa thì không biết vì chẳng còn ai làm chứng nhân lịch sử. Tôi nhớ lúc nhỏ còn học mẫu giáo, trường cứ hay phát đi phát lại bài “300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, em đi trong tiếng hát càng yêu quê hương mình”. Không chắc là nhà tôi đã ở đây từ những năm 1698-1699, nhưng tính từ hồi Pháp nổ súng chiếm Đà Nẵng năm 1858, rồi 3 năm sau chiếm luôn đất Gia Định để đưa Việt Nam vào thời kỳ Pháp thuộc, thì nhà tôi cắm rễ ở đây cũng được trên 150 năm rồi.
Người Sài Gòn bây giờ đa số đều có quê. Vì Sài Gòn là vùng đất mở, phồn vinh từ thuở sơ khai nên cư dân các tỉnh lân cận từ Bắc Trung Bộ đổ vào đều có thể di cư xuống đây để kiếm kế sinh nhai. Người ta nói địa lý tạo nên con người. Do sống ở vùng đồng bằng trù phú, đi lại thuận tiện mà con người Sài Gòn tính tình dễ chịu, ấm áp, chan hoà. Chắc vì lẽ đó mà người dân tứ xứ đều yêu quý, rồi lại nên vợ thành chồng. Bố người Sài Gòn lấy mẹ người miền Tây chẳng hạn. Thế là người Sài Gòn lại có quê. Mỗi khi tết đến lại về quê chồng, quê vợ đón tết.
Nhà tôi lại khác. Ba tôi người Sài Gòn. Mẹ tôi cũng người Sài Gòn nốt. Mà phải Ba ở Tân Bình, Mẹ ở Bình Chánh để tết đến còn có dịp đi xa xa một chút cho có cái gọi là “về quê nội, quê ngoại”. Đằng này, Ba Mẹ tôi ở Tân Bình hết. Hai bên nội ngoại chỉ cách nhau chừng 3 phút chạy xe máy. Vậy là cảm giác “về quê” của tôi chỉ gói gọn trong tích tắc. Hay nói trắng ra, tôi chả có cảm giác được “về quê” gì cả.
Cứ mỗi dịp tết đến, nghe bạn bè người thân luôn miệng hỏi nhau khi nào về quê mà tôi cảm thấy bị cho ra rìa. Mà riết rồi cũng quen, nên tôi hay tự nhủ rằng, việc quê nội quê ngoại gần nhau là một đặc ân. Bởi tôi không phải chịu cảnh chen lấn, kẹt xe ngợp đường trên quốc lộ theo dòng người hối hả “về quê” ăn tết. Bởi tôi không phải tay xách nách mang lỉnh kỉnh một đống quà cáp từ thành phố về tặng người thân. Mà còn bởi cái tết ở Sài Gòn còn có đếm ngược, pháo bông, còn có đường hoa Nguyễn Huệ mà người “về quê” sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm được.
Nhưng thường ở đời người ta hay thèm những thứ người ta chưa có. Tôi chưa được “về quê”, nên tôi thèm cái cảm giác tất bật lo cho xong công việc ở công ty, rồi vội vàng tranh thủ thời gian buổi tối mua đồ tết về biếu gia đình. Tôi chưa được “về quê” nên tôi thèm cái cảm giác hoà mình trong đám đông, mặt nhăn mày nhó vì trời nắng, hay kẹt xe, nhưng cùng đập chung một nhịp mong chờ nhìn mặt ông bà, ba mẹ, con cháu. Và vì tôi chưa được “về quê” nên tôi thấy đếm ngược, pháo bông, hay đường hoa Nguyễn Huệ chán ngắt. Có nhiều thứ còn vui hơn, như đồng ruộng, trâu bò, hay lúa chín.
À, nói mới nhớ. Hồi xưa, khi nói tới từ “quê” là tôi nghĩ ngay đến cánh đồng bất tận với mấy đứa trẻ chăn trâu cầm cờ lau đánh trận giả. Hồi xưa khi nghĩ tới “quê”, tôi tưởng tượng ra những căn nhà đắp bằng lá, có giường tre, dựng lưa thưa trên con đường đất vàng, đất đỏ.
Dạo gần đây khi tôi được dịp đi ra miền Bắc, rồi miền Trung, rồi miền Tây, tôi mới biết thật ra mấy cái trên chỉ có trong quê của “Trạng Tí”. Quê của những người không phải người Sài Gòn cũng có nhà cửa san sát, có đường nhựa ngay ngắn, rồi có cả Vincom, siêu thị bự tổ chảng. Quê của những người không phải người Sài Gòn hoá ra có khác gì cái đất Sài Gòn này đâu.
Thì ra “về quê” cũng chỉ là một cảm giác trừu tượng. Hằng năm hết tết, mùng 6, mùng 10 người ta ôm hành trang lên Sài Gòn kiếm sống. Rồi cuối năm 28, 29 tết, họ lại tạm gác cái bề bộn của cuộc sống mưu sinh để trở về với gia đình. Trọn nghĩa đi để trở về.
Là người Sài Gòn, tôi thèm cái cảm giác được đi để trở về. Nhưng phải đi đâu đây?
TP. Hồ Chí Minh, 27/01/2017
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất