Người - Người học Văn
Tôi là một kẻ văn học giả tạo. Hoặc nói cách khác đi, cho đỡ nhầm lẫn, thì là một kẻ mang vẻ văn học nhưng giả tạo. Mọi người vẫn...
Tôi là một kẻ văn học giả tạo. Hoặc nói cách khác đi, cho đỡ nhầm lẫn, thì là một kẻ mang vẻ văn học nhưng giả tạo.
Mọi người vẫn nghĩ tôi học văn giỏi lắm. Mà cũng có vẻ đúng là như thế, khi tôi có thể viết văn theo một mạch trơn tru hơn nhiều người khác, có thể nắm bắt điều này điều kia hay suy đoán mông lung tưởng tượng ra nhiều thứ từ một chi tiết. Từ bé, việc học văn giỏi của tôi được gán với việc tôi biết viết câu và chuyển ý mượt hơn, mà phần lớn nhờ cách học kĩ thuật từ văn mẫu để biết cách làm. Đến cấp 2, việc đó tiếp diễn bằng cách tôi biết ghi chép nhanh và nắm ý tứ mà thầy cô giảng bài trên lớp, trong khi nhiều đứa chỉ ngẩn ngơ chép những gì có trên bảng. Những thứ như thế tiếp diễn nhau, nối thành một mạch tạo nên một tôi-học-văn-giỏi. Mà giỏi ở độ nào thì không ai rõ.
Người ta bảo thích người học văn lắm, chắc nghĩ là người nhiều chữ, người đọc rộng hiểu sâu. Và cũng thường hay nói người học văn có khả năng hiểu và đồng cảm với người khác hơn cao hơn. Nhiều người nghe tôi học lớp chuyên Văn thì cảm thấy như là một lạ lùng nhỉ, hiểu biết nhỉ rồi nghĩ về tôi (sau lần đầu gặp hoặc một thời gian đã quen) sẽ gán định nghĩa về tôi với những phẩm chất của một người học Văn.

Sau mấy lần như thế, rồi tự nhìn lại bản thân mình, tôi thực sự thấy hơi hụt hẫng và thất vọng. Ôi tôi chưa đọc "Cuốn theo chiều gió" đâu, chưa cả "Thép đã tôi thế đấy"! Ôi tôi đọc văn của Haruki Murakami nhưng tôi chẳng hứng thú tẹo nào cũng như thấy nhạt nhòa những cuốn sách của tác giả "Em đã đến cùng cơn mưa". Có nhiều thứ tôi chưa làm được và không đủ khả năng để làm được, nên tôi không tài giỏi đến thế đâu. Tôi chỉ là một người đã ngồi ở lớp chuyên Văn, biết viết câu không sai quá nhiều lỗi diễn đạt và đơn giản để người khác hiểu được ý niệm của mình qua ngôn từ một tí: Tôi chỉ muốn hét lên như thế thôi.
Cái vẻ văn học khoác lên người tôi nhờ những lời thêu dệt và suy nghĩ của người khác. Rồi từ lời người khác lại qua lời của người khác nữa. Thực chất, tôi tự hiểu ra mình là kẻ thất bại bình thường, và giả tạo khi mang cái vẻ văn học ấy trên khuôn mặt mình mỗi lúc. Thật tệ khi ở một thời điểm nào đó, tôi soi vào mình và nhận ra cái bản chất nó không như cái bề ngoài, rồi thức tỉnh mình đứng dậy đi tiếp, đọc tiếp, hiểu tiếp thay vì nằm mãi ở cái đệm êm người ta gán cho là một kẻ hiểu biết văn học.
Chính vì thế, ở tuổi 18, tôi rẽ sang ngã khác. Không học Văn nữa, không theo con đường mà người ta nghĩ tôi sẽ và nên đi, tôi bẻ lái sang lối khác. Tôi đi học thiết kế. Rồi tôi rơi tõm vào một cái bể tương tự, khi người khác lại áp tôi với những đặc điểm của một người học cái ngành đó.
Mà lắm khi tôi bảo: Không phải. Đừng nói thế. Thực ra thì không được thế đâu... Có người nghĩ tôi khiêm tốn, và mọi thứ lại tiếp tục được đẩy cao và xa và lệch đi so với bản chất. Áp lực. Thật áp lực. Thật tệ khi lại tiếp tục nhận ra, bản chất và bề ngoài không như nhau. Hay hóa ra nó là một quy luật nhỉ?

Khả năng thấu cảm và đồng cảm, sự hiểu biết và chính kiến - ba trong số những điều thường được coi là đặc điểm tiêu biểu của một người học Văn giỏi. Nhưng thực chất, những điều đó được rèn giũa và được hình thành nên từ những điều hết sức cơ bản như môi trường học tập, hoàn cảnh sống hay gia đình - những yếu tố cực kì nền tảng tạo nên mỗi con người. Điều đó có nghĩa là, không nhất thiết bạn phải là một người học Văn giỏi để có thể có những khả năng đó, không nhất thiết bạn gặp một người dường như rất Văn học cũng có khả năng đó. Không nhất thiết. Đọc Văn và học Văn suy cho cùng chỉ là một phần kĩ năng để giúp những khả năng đó được phát triển hơn lên, mạnh mẽ hơn lên và có giá trị hơn. Và từ những khả năng ban đầu như thế, làm nảy sinh những phẩm chất khác tốt đẹp hơn, để át đi bớt phần xấu ở trong ta.
Như Hoài Thanh đã viết đấy thôi: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có."

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Thang hinh nhan
Mình cũng từng nghĩ dăm ba câu văn có thể khiến mình thay đổi được thế giới cơ, giờ nghĩ lại mà buồn cười xDNhớ có truyện kí nào của nhà văn Lý Lan kể về lần gặp nhà văn lớn Tô Hoài, hóa ra cũng chỉ là ông lão thô thô, xí trai và đặc biệt là ăn uống hơi bị.. các cụ gọi là ăn như năm Ất Dậu.Đừng nên đặt kì vọng quá nhiều vào người viết văn, có người moi móc tim gan ra viết, còn có người chỉ viết và viết, vì đơn giản nó là kĩ năng, là thói quen biến tấu những câu chữ đã ăn vào máu.Người lái xe lâu năm họ đánh tay lái trong vô thức mà vấn lái xe một cách điệu nghệ đó thôi xDNgày mới vui vẻ.
- Báo cáo

The.Zr
Cảm ơn bạn :))))))) cmt hay quá
- Báo cáo

Sweetthang
Mình k biết rằng mình có thể copy bài viết này đc k ? Thực sự bạn như đang nói hộ lòng mình vậy. Suốt những ngày tháng học văn, mình cứ bị ám ảnh bởi cái mác văn học, người ta chỉ nhìn ở ngoài, trong khi sự thật và bản chất bên trong nó ra sao thì chẳng có mấy người bận tâm hết! Mình sẽ ghi nguồn, cảm ơn bạn !
- Báo cáo

Sweetthang
Cảm ơn bài viết của bạn 😊 thật sự là y như mình vậy
- Báo cáo

The.Zr
Well, cảm ơn vì bạn đã ghi nguồn yayy 🍭🍭🍭
- Báo cáo