ảnh: @cold.foto
"Trước đây gã chưa từng nghĩ về chuyện này, điểm tương tự giữa con vật điện và người máy. Thú điện, gã ngẫm nghĩ, có thể được xem là dạng thấp nhất của người máy, một dạng robot thấp kém hơn nhiều. Hay, ngược lại, người máy có thể được xem là phiên bản phát triển cao hơn, tiến hóa hơn so với thú thế phẩm. Cả hai cách nhìn ấy đều làm gã kinh tởm."
Một điều BẤT NGỜ dành cho những ai đã từng xem 2 bộ phim Blade Runner(1982) - đạo diễn Ridley Scott và gần đây nhất ta có Blade Runner 2049 (2018) - đạo diễn Denis Villeneuve, nếu bạn đã từng là fan của hai bộ phim trên thì sẽ không thể nào bỏ qua tiểu thuyết "Người Máy có mơ về cừu điện không?" (NMCMVCĐK?) của tác giả Philip K. Dick. [Tựa tiếng anh "Do Androids dream of electric sheep?"- (1968)].
Và tin vui cho những fan điện ảnh đã mê mệt 2 phần phim Blade Runner như mình, đó chính là khi xem cuốn tiểu thuyết "NMCMVCĐK?" này, những diễn biến - mạch truyện và các chi tiết trong đó sẽ khác rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong 2 phần phim trên, phải nói cuốn sách sở hữu hẳn một cốt truyện, tình tiết rất riêng biệt.
Vẫn là một xã hội hậu u tối sau chiến tranh Thế Giới lần thứ 3 với bầu không khí bị ô nhiễm, bụi phóng xạ dày đặc làm biến dạng và méo mó những sự sống còn sót lại ở Trái Đất, mọi thứ còn lại như đang rệu rã dần ra và trở thành những đống rác, mà trong truyện gọi là 'rác tự sinh', trong khi hầu hết dân cư đã di tản đến sao Hỏa và những hành tinh thuộc địa khác.
    Nhân vật chính của chúng ta, Rick Deckard -  một thợ săn tiền thưởng trên hành trình 'thu hồi' những người máy giả mạo con người đã trốn thoát từ sao Hỏa và đang ẩn náu tại trái đất,
Nhưng cuộc hành trình trên trang sách của anh thì không đơn độc và luôn có những người bạn 'đặc biệt' cùng đồng hành với anh góp phần xây dựng nên quá trình phát triển của chính Deckard, hành trình đó không chỉ là một cuộc truy đuổi tuyến tính mà nó còn đan xen cả những yếu tố tình cảm nội tại, tâm linh và thông điệp về sự tương tác giữa con người đối với môi trường sống xung quanh.
Có những điểm nổi bật chính trong tiểu thuyết mà sau khi đọc xong, mình cảm thấy vẫn lưu lại rất rõ trong tâm trí: 
"Điều gì tạo nên con người "?
    Đó là câu hỏi xuyên suốt mà tác giả nêu ra trong suốt cuộc hành trình. Điều gì khiến chúng ta trở thành một sinh vật khác biệt trên hành tinh này, và chúng ta có thực sự đặc biệt không khi những yếu tố hình thành nên chúng ta như cơ thể hữu cơ, suy nghĩ và cảm xúc dần có thể kiếm soát và có thể điều chỉnh, thay thế được.
"Người máy có là một sinh vật vô tri?"
    ' "Anh nghĩ người máy có linh hồn không?" Rick cắt ngang. Nghiêng đầu sang một bên,P.R nhìn gã, lúc này hắn thậm chí còn bối rối hơn.'
    Câu hỏi này chắc chắn sẽ làm người đọc đau đáu một thời gian sau khi ta buông cuốn tiểu thuyết xuống, vì thế giới hiện đại ngày này đang tiệm cận đến việc tạo tác nên những robot nhân tạo có trí thông minh biết học hỏi. Và liệu có một lúc nào đó trong tương lai, sinh vật đó có khả năng tự ý thức được như trong thế giới của Philip K. Dick?
"Con người có còn tin tưởng lẫn nhau sau khi thế giới của họ đã sụp đổ?"
    "Trong thời buổi họa hoạn ấy, không ai biết chắc mình đang làm gì. Từng nhóm dân chúng, do chiến tranh ly tán, đã phải lang bạt, ghé vào sống tạm ở vùng này rồi chạy sang khu vực nọ."
    Một trong những điểm sáng trong "NMCMVCĐK?" là xây dựng được mối liên hệ giữa con người với nhau, hệ thống văn hóa - xã hội và tôn giáo còn sót lại sau "Thế Chiến Cuối", những mối dây liên kết đó góp phần phản chiếu những góc khuất, những nỗi sợ từ trong đời sống thật đem lại cho người đọc những trải nghiệm tuy viễn tưởng nhưng lại rất thật. Đó cũng như một tuyên ngôn của tác giả về việc phản đối chiến tranh hạt nhân và bất bình đẳng trong xã hội.
Kết:
Tiểu thuyết gồm 22 chương, mạch dẫn chính trong cấu trúc kể là thuật lại cuộc đối thoại giữa các nhân vật, xen kẽ những triết lý và ý niệm siêu hình, những khái niệm về Tâm Lý học dược đan vào trong suốt các chương vì bút pháp của tác giả Philip K. Dick ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng của nhà Tâm lý học Carl Jung, và nhờ đó "NMCMVCĐK?" mang cho mình một sắc thái rất mơ mộng xen lẫn một chút huyễn tưởng giữa thực và ảo, chứ không cứng nhắc đối với một tác phẩm về thế giới viễn tưởng tương lai.
Có thể nói "Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?" của Philip K. Dick (Triều Dương dịch) không chỉ dành cho fan của dòng phim BladeRunner mà còn dành cho tất cả những ai có niềm đam mê đối với thể loại tiểu thuyết Viễn Tưởng, vì tác phẩm xây dựng một thế giới tương lai tối tăm nhưng làm cho người đọc đồng cảm với các nhân vật và nêu rõ những giá trị đang hiện hữu trong cuộc sống mà có thể chúng ta đang dần quên mất.