“Lòng tốt phải đi liền với THẬN TRỌNG và HIỂU BIẾT, đấy mới là lòng tốt chân chính. Nếu không có, mày sẽ bị lợi dụng dài dài”. Câu nói này đã khiến tôi suy nghĩ cả ngày trời.
Để tôi kể bạn nghe 3 câu chuyện về lòng tốt và bạn thử suy ngẫm trước khi đọc tiếp phần sau.
Câu chuyện thứ nhất:
Người giao hàng đến nơi, bạn nhận hàng và trả tiền cho anh ta, anh ta nói với bạn: “Anh bớt giúp em 5k nhé, em không có tiền lẻ mất rồi.” Kèm theo đó là khuôn mặt bối rối. Bạn nhìn lại ví tiền và nhận ra số tiền còn lại nếu bớt cho người giao hàng thì bạn sẽ không đủ cho bữa trưa. Nhưng khi nhìn khuôn mặt bối rối đó, bạn không chần chừ đồng ý ngay và nói “Không sao cả”. Sau đó bạn quay trở lại văn phòng vay người đồng nghiệp 5k để ăn trưa.

Câu chuyện thứ hai:
Đã 1 giờ đêm rồi, bạn còn cả đống việc cần xử lý chưa xong. Một người bạn đã không còn liên hệ với bạn từ khi lên đại học. Câu ta nhắn tin với lời thỉnh cầu bạn làm giúp bài tập chuyên ngành, theo đó là cả tá cảm xúc năn nỉ: “Nếu không làm giúp tớ sẽ chết mất”. Rất mệt với đống công việc chưa xong nhưng bạn vẫn chấp nhận lùi lại 1 tiếng để xử lý giúp người bạn kia chỗ bài tập mặc cho đã quá giờ đêm. Hôm sau bạn như một con gà mơ đến văn
phòng làm muộn.

Câu chuyện thứ ba:
Lại một anh bạn khác cũng lâu không liên lạc từ thời đại học. Một ngày nọ cậu ta liên lạc với bạn, rủ bạn đi chơi, làm ra vẻ thân thiết. Chốt lại, cậu ta hỏi vay bạn 1 triệu, tất nhiên là kèm theo cả đống nỗi khổ câu ta đang gánh chịu và rất cần tiền của bạn Bạn đồng ý, cậu ta đã mất tích ngay sau đó.
Cuối cùng bạn than vãn.” Ở đời ăn ở tốt quá để bị lợi dụng. Đúng là đời mà!”

Nói thật, không ít người đang mắc phải “Hội chứng người tốt”, đó là khi lòng tốt không được đặt đúng chỗ. Cũng không ít người sau những lần bị lợi dụng đã trở thành người ích kỷ, luôn đề phòng. Khiến rạn nứt các mỗi quan hệ tốt, không thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với một ai đó và không thể giúp đỡ những người cần trợ giúp thật sự. Gây nên một cái nhìn sai lệch về cuộc sống.

Bạn có thể tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu đều cho bạn những kết quả rất chân thực về “Hội chứng người tốt”. Tựu chung lại:
- Những người này tin rằng mình sẽ được yêu mến khi giúp đỡ mọi người và một ngày nào đó sẽ được tương trợ.
- Dễ ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Gặp khó khăn khi nói “Không” với một ai đó.
- Thường xuyên mắc tâm lý ấm ức, hậm hực khi giúp đỡ ai đó nhưng vẫn nói “OK”.

Và thật ra trở thành người “Luôn Tốt” chả có gì tốt đẹp cả. Hãy trở thành người “Tốt Đúng”. Người “Luôn Tốt” luôn nói đồng ý khi được nhờ vả, luôn cho đi lòng tốt vô điều kiện mặc dù điều đó có thể gây ra thiệt hại cho chính người giúp. Người “Tốt Đúng” là người thoải mái khi cho đi lòng tốt và không gây thiệt hại đến bản thân.

Là người đã cho đi lòng tốt đủ nhiều, có lần đúng và không ít những lần sai để rồi lãnh hậu quả thật tệ. Mình hiểu bản chất của mỗi lần quyết định sai để sau đó sẽ là những lần ít sai hơn và không sai nữa. Mình thường trải qua 4 bước này trước khi quyết định giúp một ai đó.

1. Lý do, mục đích của người cần trợ giúp là gì?

Hãy xem xét lý do của người cần trợ giúp một cách chính đáng. Chắc chắn bạn không muốn cho ai đó vay tiền để người đó chơi bời hoang phí đâu nhỉ. Hoặc bạn sẽ không muốn giúp ai đó làm bài tập để cậu ta có những giờ nghỉ ngơi thoải mái không cần lo nghĩ đâu nhỉ. Nếu đã chắc chắn người đó cần trợ giúp chính đáng từ bạn, cứ chuyển qua bước tiếp theo.

2. Mối quan hệ này có đủ tốt không?

Người đó có thật sự thân thiết với bạn để bạn cho đi lòng tốt hay không? Hoặc mối quan hệ đó có đủ thuyết phục bạn giúp người đó hay không? Nhân cách người đó ra sao? Sẽ thật lố bịch khi một người bạn lâu ngày chả đoái hoài hỏi thăm tới bạn mà một ngày nào đó quay lại hỏi vay tiền bạn nhỉ.

3. Khả năng của bạn tới đâu?

Lòng tốt cho đi một cách chính đáng là “Không để gánh nặng của người khác chuyển sang mình”. Nếu việc đó không làm tổn hại đến lợi ích của bạn thì hãy cứ cho đi lòng tốt. Bạn chắc chắn không muốn cho một người vay tiền để bản thân phải nhịn đói cả tháng. Bạn chắc chắn không muốn giúp ai đó làm bài tập để người đó ngủ thảnh thơi mà bạn phải thức khuya đến thâm cả mắt mũi.

4. Hãy có lập trường đi.

Cốt lõi của việc bạn luôn nói “đồng ý” với mọi người là do lập trường của bạn chưa vững. 3 bước trên giúp bạn đánh giá hoàn cảnh để ra quyết định có nên giúp hay không. Bạn nên dứt khoát từ chối hơn là cứ giải thích lý do, trình bày dài dòng rồi cuối cùng mềm lòng, 2 chữ “đồng ý” lại bay ra. Bạn biết không, nếu làm một việc gây tổn hại cho chính mình là bạn đang không có trách nhiệm với bản thân, ngược đãi bản thân để phục vụ cho một ai khác. Trong khi cảm xúc của người đó không thuộc trách nhiệm của bạn. Vậy có nên hay không?

Việc lựa chọn ưu tiên lợi ích và cảm xúc của bản thân với lợi ích và cảm xúc của người khác, bạn chọn bên nào? Tôi mong bạn đủ sáng suốt để chọn chính bản thân bạn. Sự thật là nếu bạn không ưu tiên chính bạn thì chẳng có ai để ý đến bạn đâu. Chúc bạn có quyết định đúng đắn cho chính mình về sau này nếu đang là một người “Luôn Tốt”.