Gần 80 năm trôi đi biền biệt, trường ca "Hòn vọng phu" của nhạc sĩ Lê Thương đã tạc vào nền tân nhạc Việt Nam một khúc tráng ca bi ai lay động còn vang vọng mãi trong lòng công chúng yêu nhạc qua bao năm tháng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kì, những người mang mệnh biệt ly...
Hòn vọng phu 2 - Lê Thương
Trường ca "Hòn Vọng Phu" của nhạc sĩ Lê Thương
Trường ca "Hòn Vọng Phu" của nhạc sĩ Lê Thương

Từ vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu

Trước khi xuất bản một bản trường ca sống mãi qua bao cuộc bể dâu của dân tộc, nhạc sĩ Lê Thương đã thực sự chìm mình trong đề tài về người "chinh phụ". Vị nhạc sĩ tài hoa lưu dấu trên nhiều phiến đá mòn về người phụ nữ có chồng đi chinh chiến, từ những lần khắc khoải chạm mặt với sự tích nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến hóa đá ở miền Bắc Việt Nam đến hình ảnh người chinh phụ trên núi Đá Bia ở phía đông đèo Cả hay cả "vọng phu thạch" ở Trung Quốc khi nhạc sĩ tới biên giới Việt - Trung. 
Trong một lần phỏng vấn, cố nhạc sĩ Lê Thương đã trải lòng: "Ai cũng biết rằng hình ảnh người đàn bà chờ chồng hóa đá biểu hiện sự đau thương vì chiến tranh liên miên... Không có gì đẹp hơn bằng cách chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành cuộc ra đi vì đại nghĩa, và hình ảnh người đàn bà cũng trở nên hợp hơn, đúng hơn với người chinh phụ! Người đàn bà luôn chịu thiệt thòi. Cần phải trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quý."
Liệu có phải vì đồng cảm tha thiết với những thân phận những người phụ nữ ấy mà nhạc sĩ Lê Thương đã gần như hoà mình vào một nỗi niềm chung, sáng tác một tác phẩm mang tầm vóc lớn, không chỉ đứng cùng cảnh ngộ với những số phận đau thương mà còn đứng về phía dân tộc, không theo hơi thở nào khác ngoài dân tộc.
Trường ca "Hòn vọng phu" được viết theo âm gia Rê thứ, thể hiện sự kết hợp khéo léo giữa thang âm nguyên của bác học phương Tây và âm giai ngũ cung của châu Á. Chất âm nhạc lạ và khác của nhạc sĩ Lê Thương rất đáng nể phục, từ lối tư duy và vận dụng nhuần nhuyễn âm nhạc dân tộc của Việt Nam.

Một kiệt tác âm nhạc mang đậm hơi thở dân tộc

Qua cách mượn câu chuyện dân gian nổi tiếng để viết lên hoàn cảnh đất nước trong thời loạn, với sự hòa quyện rất chặt chẽ giữa giai điệu Tây Phương và âm giai ngũ cung của Việt Nam đã tạo nên một sức sống lâu bền cho bản trường ca nổi tiếng nhất của lịch sử tân nhạc Việt Nam. 
Trong 3 bản Trường ca "Hòn vọng phu", nhạc sĩ Lê Thương nói rằng ông thực sự dồn nhiều thời gian, tâm huyết nhất cho bản Hòn vọng phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý
Người vọng phu trong lúc gió mưa/Bế con đã hoài công để đứng chờ/Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về/Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ...
Ai xuôi vạn lý - Lê Thương
Trong bản Ai Xuôi Vạn Lý, cỏ cây, hoa lá, sông núi, nước non,... cả đất trời đều thương cảm cho số phận người chinh phụ. Ngóng trông mãi là lúc cả hồn núi sông đều khuyên nàng đừng chờ đợi dài đến thế, "trở về chớ đừng để xuân tàn".
Tác giả Phan Hoàng trong sách Phỏng vấn người Sài Gòn (NXB Trẻ 1998) đã viết: "Lê Thương góp phần khẳng định bước tiến mới của một nền âm nhạc vốn đã định hình từ hàng ngàn năm ở phương Đông. Bước chân lưu lạc của người nghệ sĩ ngay chính trên đất mẹ thân yêu thời tao loạn đã đem lại cho Lê Thương những xúc cảm bi tráng mà đỉnh cao là ba bản Hòn vọng phu."
Nhạc sĩ Lê Thương sống mãi với "Hòn vọng phu"
Nhạc sĩ Lê Thương sống mãi với "Hòn vọng phu"
Trường ca "Hòn vọng phu" sống mãi bởi vì nó mang nặng đến một vấn đề của dân tộc, đó là đối diện với chiến tranh vệ quốc, mà gần như trước khi nhạc sĩ Lê Thương đặt bút chưa có tác giả thực sự chú ý tới. Nhạc sĩ Lê Thương đã thực tâm hướng về cội nguồn đất nước, tha thiết đồng cảm với dân tộc nên trong tác phẩm của ông đều chứa đựng một nội dung súc tích trong kỹ thuật già dặn và nhạc hứng chân thành.
Trải cùng bao thăng trầm đất nước, "Hòn vọng phu" đã chứng minh được sức sống trường kỳ của mình cả ở giá trị âm nhạc lẫn văn hóa lịch sử. Có lẽ đợi khi con người ta biết đau đớn, biết giá trị của sự mất mát, chia ly thì "Hòn vọng phu" lại trở về như mong muốn của cố nhạc sĩ đại tài Lê Thương.