Những ấn tượng đầu tiên

"Đi đi, mày nhất định phải đến đấy. Nhanh lên trước khi nó phát triển". Đó là lời khuyên của thằng bạn thân dành cho tôi sau khi nó trở về từ chuyến đi Myanmar. Thế nhưng phải hai năm sau tôi mới có cơ hội đặt chân đến xứ Miến Điện này. Đã có quá nhiều thay đổi so với những gì tôi được nghe kể lại nhưng tôi thấy may mắn vì mình vẫn đến chưa quá muộn. Chưa muộn đối với những kẻ tìm kiếm sự bình yên nơi đất Phật.
Không khó để bắt gặp những tấm biển quảng cáo thế này ở Yangon
Ngồi trên chiếc taxi để di chuyển từ sân bay vào trung tâm thành phố Yangon, Ko Zaw - tay tài xế taxi nói với tôi rằng thành phố này đã thay đổi rất nhiều từ khi ông Thein Sein lên làm tổng thống vào năm 2011. Nhiều tòa nhà mới được xây dựng, đời sống thay đổi, các công ty nước ngoài đổ tiền vào Myanmar. Tôi thậm chí còn thấy một tòa nhà của BIDV và HAGL khi đi qua khu vực tập trung nhiều cao ốc đối diện hồ Inya.
Dừng xe trước cửa bưu điện trung tâm Yangon, tôi hẹn Ku Zaw sẽ quay trở lại sau 2 tiếng thăm quan thành phố, sau đó tôi sẽ ra bến xe để đi Bagan. Lang thang giữa những tòa chung cư cũ kỹ ẩm mốc phơi đầy quần áo ngoài ban công, tôi có cảm giác như ở nhà vậy. Khu tập thể nơi tôi sống hồi bé cũng chẳng khác gì nơi đây ngoại trừ những chiếc ăng ten râu thu analog cho TV được thay bằng những chiếc chảo parabol thu vệ tinh. Những đứa trẻ chơi đùa ở khoảng sân phía trước cầu thang mỗi khu nhà, chạy đuổi nhau trên từng bậc cầu thang - điều mà giờ ở Hà Nội chẳng còn mấy. 

Cứ đi một đoạn tôi lại gặp những đoàn người diễu hành khắp các con phố mang theo loa đài đang rao rảo những câu quảng cáo hay tụng kinh gì đó. Phía trước sẽ là những người cầm theo tráp xin ủng hộ. 
Một người đàn ông trong đoàn cầm tráp xin ủng hộ
Khi gặp đoàn đầu tiên thì tôi hơi dè chừng nên cũng không có dám mở ví ra lấy tiền. Đến khi gặp đoàn thứ n thì mới nghĩ bụng chắc đây là phong tục gì đó nên cũng đã tự tin donate cho họ một chút. Sau này tôi mới biết thời điểm đó là một ngày lễ và họ đi quyên góp cho chùa.
Gần đến giờ hẹn với Ku Zaw, tôi quyết định kiếm một chút gì đó lót dạ trước khi ra bến xe.
Quán ăn điển hình bên vỉa hè 
Hai bên vỉa hè sẽ là các quán trà (người Miến rất thích uống trà) hoặc quán bán đồ ăn. Thời gian ngắn ngủi nên tôi chỉ có thể thưởng thức qua món nổi tiếng ở đây là Mohinga - một loại bún cá. Mohinga ở Yangon cũng giống như phở ở Hà Nội vậy, đâu đâu cũng bán, từ những gánh hàng rong cho đến quán nhỏ ven đường. Tôi dừng ở một quán vỉa hè, cô chủ quán không biết tiếng anh nhưng cứ nói "mohinga" là cô ý hiểu, cười cười gật đầu. May quá. Giá cho một tô mohinga vỉa hè chỉ rơi vào 700 kyat (cỡ 10k VNĐ). 
17h15 tôi quay trở lại điểm hẹn thì Ku Zaw đã chờ sẵn ở đó. Quãng đường từ downtown Yangon ra bến xe Aung Mingalar chỉ hơn 20km nhưng mất gần 3h đồng hồ vì kẹt xe. Giao thông ở Yangon khá tệ, tắc đường kéo dài nhưng điều tôi thấy đặc biệt là người dân ở đây không hề bóp còi. Không vội vã, Ku Zaw bật nhạc trên xe và nói chuyện với tôi trong lúc chờ nhích từng chút một. Chậm rãi, từ tốn, chẳng vội vàng gì cả. Hắn bảo chiều nay hắn chỉ cần một cuốc như của tôi là đủ. Tôi nhận ra phảng phất ở Ku Zaw hay cả trong những người dân Myanmar mà tôi chỉ vừa gặp lướt qua, họ thỏa mãn với cuộc sống hiện tại và chẳng đòi hỏi gì quá nhiều. Một cuộc sống...yên bình !

- Ấn tượng đầu tiên của mày với người Miến bọn tao là gì ?
- Nụ cười. Sự thân thiện. Cứ nhìn thấy tao chĩa ống kính vào là họ cười ngay lập tức. Sao người Miến chúng mày cười lắm thế ?
- Mày không biết bọn tao từng khổ thế nào đâu, ngày xưa khổ lắm, thế nên giờ bọn tao lúc nào cũng vui vẻ cả. Chẳng việc gì phải buồn khi cuộc sống bây giờ đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều rồi.
Một tấm hình kỷ niệm với Ku Zaw
Cô chủ quán bán Mohinga (đằng sau) và con gái 

Còn đây là con trai cô
Một khu chợ nhỏ bên vỉa hè
                                                                                                                        (Còn tiếp)