Như triết gia Susan Wolf từng nêu, cuộc sống giàu ngập tràn ý nghĩa và phong phú hơn nhiều khi ta chẳng nhắm tới sự vẹn toàn đạo đức
Bài viết gốc trên Aeon của Daniel Callcut - một cây viết tự do và triết gia, biên tập của quyển Reading Bernard Williams (2009).
---
“Tôi thấy mừng,” triết gia danh tiếng người Mỹ Susan Wolf từng viết, “rằng tôi hay những ai tôi quan tâm hết mực” đều không phải “bậc đức cao đạo trọng”. Tuyên ngôn này nằm trong những dòng mở đầu một tiểu luận quan trọng, trong đó Wolf thử hình dung một con người đạo đức vẹn toàn thì sẽ ra sao. Nếu từng kinh qua thí nghiệm tưởng tượng của Wolf, và kết luận mà bà rút ra, khi ấy ta ắt hẳn sẽ thấy được nó nêu ra một sự phóng thích mỗi chúng ta ra khỏi chiếc bẫy đức cao đạo trọng.
Tiểu luận cùng tên, viết năm 1982, hình dung về hai hình mẫu đức-thánh khác nhau, Thánh Tâm và Thánh Trí. Thánh Tâm, theo mô tả của Wolf, có thể thực hiện bất cứ điều gì tốt đẹp nhất về mặt đạo đức thường thấy ở một tâm hồn hạnh phúc: một cuộc sống như thế không hề thiếu vắng niềm vui, chỉ là nó tuyệt đối và khư khư nhắm vào đạo đức. Chúng ta nên hình dung về Thánh Tâm như kiểu người sẵn lòng bán sạch của cải của mình để đóng góp cứu trợ gia cảnh ai đó. Thánh Trí cũng dốc hết lòng cho các cớ nguyên đạo đức, nhưng không được thôi thúc bởi một tâm hồn yêu thương thường trực, mà bởi một nhận thức về bổn phận.
Thánh Tâm hẳn là dễ sống cạnh bên so với Thánh Trí, hoặc dễ nổi đóa hơn, tùy vào khí chất cá nhân của bản thân ta. Liệu cái niềm hạnh phúc vững bền của Thánh Tâm có khiến cho việc bên cạnh người dễ dàng hơn chăng, hay nó chỉ khiến ta mệt nhoài? Có một hướng thị liên quan tới Phật Giáo - thực tình, do chính thiền sư, học giả Phật giáo người Mỹ Joseph Campbell đặt ra - yêu cầu chúng ta “hân hoan tiến vào bi sầu của thế gian”, và Thánh Tâm là người hết lòng hết dạ cho việc này: nhưng có lẽ ta sẽ cảm thấy thứ hân hoan kia đặt trước những khiếp kinh kinh khiếp nhất của thế gian lại trật chìa hay chẳng chút nào phù hợp. Mặt khác, Thánh Trí, với cam kết không ngừng nghỉ dành cho bổn phận, cũng hoàn toàn có thể là một đồng hành rất đỗi khó gần.
Cả hai kiểu đức-thánh này khá dễ biện bày ra đủ thứ khó khăn nếu như bản thân ta không giống như họ. Liệu họ có thường trực quấy rầy và khiến sai ta cho đi nhiều hơn? Có lẽ họ đều gia nhập vào phong trào vị lợi thiết yếu, và cứ không ngừng đưa ra những cách tối ưu để sử dụng thời gian và thu nhập nhàn rỗi để giúp đỡ người khác. Một người như thế sẽ khiến ta cảm thấy thế nào nếu không dành phần lớn thời gian và tâm trí làm tình nguyện cho Oxfam mà để chơi game? Còn khi ta đã hiến một phần đáng kể thu nhập vào các của cải xa hoa như rượu chè, sô cô la thay vì chu cấp cho nhu cầu ăn uống tối thiểu của người khác thì sao? Bạn có muốn làm bạn với một người mà toàn thể 100% tập trung của họ dành cho đạo đức dường như chỉ để khiến ta cảm thấy tội lỗi?
Cái ao ước trở thành đức-thánh, theo Wolf, có thể biến một người trở thành một cơn ác mộng mà ta chung sống hay bầu bạn cùng. Nhà văn người Anh Nick Hornby đưa ra một phiên bản trào phúng của kịch bản này trong quyển How to be Good (2001). Nhưng có lẽ một đích thánh, tử tế từ tâm tốt tính tất tật, chẳng hề muốn ta lúc nào cũng cảm thấy hối hận: làm vậy có ích gì kia chứ? Kỳ thực, liệu các đức-thánh đích thực có cảm nhận tương tự về những gì họ mang lại đời sống chúng ta hệt như những gì họ mang tới cho thế gian? Wolf gợi ý rằng vấn đề khi ấy nằm ở chỗ đức-thánh sẽ phải che giấu suy nghĩ thực của họ về mức độ cam kết đạo đức của bạn. Hơn nữa, liệu một đức-thánh có cười thật sự thoải mái trước những câu đùa đành hanh của bạn khi mà, theo Wolf, chúng trái với thuần phong mỹ đạo? Và liệu họ có khi nào dành thời gian để chơi đùa với chúng ta? Nếu toàn bích về đạo đức, họ có hằng khối thứ quan trọng hơn liên quan tới đạo đức để kham về hơn là những việc trên.
Mà không chỉ dừng lại ở bạn bè mới không thể vừa vặn vào cuộc sống tận hiến cho thành tựu đạo đức tối đa đâu. Liệu một đức-thánh, hoàn hảo, có “lãng phí” thời gian xem phim hay truyền hình hay không? Vậy còn việc dùng tiền để ăn ngon hay đi du lịch? Hay tiêu pha năng lượng cho thể thao thay cho những nguyên cớ hết sức quan trọng khác? Vậy còn đi bắn chim hay leo núi thì sao? Cũng chẳng có thời gian để đi xem hát hay các thú vui khi cuộn mình trong một quyển sách hay. Vấn đề với vị tha thiết thực, như Oscar Wilde được cho đã từng lên tiếng về chủ nghĩa xã hội, nằm ở chỗ nó chiếm ngốn quá nhiều thời gian. Các đức-thánh có thể tìm ra thời gian cho dăm ba hoạt động ấy nếu chúng cũng tình cờ trùng hợp với các dự án đạo đức: xem thể thao tại một buổi quyên quỹ từ thiện, hay thưởng ngoạn cảnh trí trên đường đến một điểm nóng cần cứu trợ chẳng hạn. Nhưng các trải nghiệm ấy buộc phải được xem như những extra may mắn, nếu như mục tiêu duy nhất của cuộc sống là tạo ra sự tốt đẹp nhiều nhất có thể.
Nếu ta không có đủ thời gian để bầu bạn hay giải trí, hay các sáng tác nghệ thuật hoặc đời sống tự nhiên, rõ là ta đang bỏ sót khía cạnh mà Wolf gọi là phần vô-đạo của cuộc sống. Wolf không có ý muốn khép phần vô đạo ấy với phi đạo đức: khi một điều không có chút liên quan nào tới đạo đức (chơi quần vợt chẳng hạn), thì không thể suy ra rằng vì vậy mà nó xấu xa. Ý muốn nói ở đây là đạo đức, theo cảm nhận, chú trọng vào những vấn đề như cư xử công bằng, và tìm cách xoa dịu nỗi đau. Và tốt đẹp thì vẫn tốt đó chứ: thế nhưng đi nghỉ mát với một người bạn, hay khám phá rừng mưa Alaska, hay thưởng thức món cà ri cũng chẳng khác gì. Tử tế đạo đức chỉ là một khía cạnh trong các khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống và, nếu như ta sống như thể khía cạnh đạo đức là thứ duy nhất mang ý nghĩa, khi ấy ta dễ trở nên nghèo hèn, khánh tận những điều hay ho vô-đạo trong đời. Tức là bỏ qua rất, rất nhiều điều.

Wolf hình dung Thánh Tâm là một con người vô cùng hạnh phúc khi có thể sống một đời sống tịnh hoàn toàn những hay ho vô-đạo trong đời. Một đời sống đạo đức hết sức khổ hạnh - không bạn bè, không thú tiêu khiển, không gì gây xao nhãng khỏi sự tốt đẹp - chắc chắn rao một cái giá nhất định ở khoản hài lòng nơi Thánh Tâm. Nhưng Wolf cũng tự hỏi cái giá ấy sẽ thế nào. Thánh Tâm không sao nhìn thấy mọi thứ mà mình đang bỏ qua trong cuộc sống hay sao, và nếu quả như vậy, thì điều này tác động gì tới hạnh phúc của họ? Có lẽ, Wolf gợi ý, rằng Thánh Tâm gần như bỏ mất một món đồ trong hành trang nhận thức: cái khả năng nhìn thấy rằng trong cuộc sống không chỉ có đạo đức mà còn những thứ khác. Có lẽ điều này giải thích vì sao Thánh Tâm có thể mãi vui. Ngược lại, Wolf lại không cho rằng Thánh Trí không nhìn ra sự tồn tại của một tao đoạn cuộc sống khổng lồ mà mình đang bỏ lỡ. Wolf hình dung Thánh Trí cứ tiếp tục duy trì cuộc sống khô trọc của mình thông qua đơn nhất một nhận thức về bổn phận. Nhưng cớ chi phải bỏ ra dường ấy sức lực để sống một cuộc sống hoàn toàn và tuyệt đối dành trọn cho các nguyên do đạo đức? Wolf cho rằng những câu trả lời này khiến cho Thánh Trí kỳ thực chẳng còn lắm trí cho cam: có lẽ đó là sự tự ghét bỏ bản thân hay/và một nỗi sợ bị đọa đày tựa một căn bệnh.
Hai phiên bản đức-thánh của Wolf được lấy từ hai trường phái triết học đạo đức quan trọng nhất trong triết học hiện đại Châu Âu: chủ nghĩa vị lợi (nguồn cảm hứng cho Thánh Tâm) và chủ nghĩa Kant (truyền cảm hứng cho Thánh Trí). Cuộc sống của ta sẽ ra sao, Wolf thắc mắc, giả sử như chúng ta nương theo hai thế giới quan đạo đức này đến cùng? Wolf cho rằng chẳng có thế giới quan nào, khi được chọn sống theo trọn vẹn, đưa tới một cuộc sống cuốn hút cho cam: mỗi thế giới quan ấy, như ta vừa thấy, đưa ra một bức tranh về đời sống tốt đẹp bao gồm một sự tận hiến toàn tòng dành cho nhu cầu của kẻ khác đến nỗi chẳng còn chút thời gian nào để tự tiêu khiển với những gì hay ho vô-đạo khác trong cuộc sống - không có thời gian, nói cho đúng, để sống cuộc sống của chính mình. Ta dành trọn vẹn tồn tại của mình như kẻ tôi tớ của hệ thống đạo đức, lặp lại cách diễn đạt của Bernard Williams.
Một đặc điểm quan trọng trong cả hai chủ nghĩa triết học nằm ở chỗ cả hai đều không xem trọng hạnh phúc cá nhân, nếu có thừa nhận sự tồn tại của hạnh phúc đó. Chủ nghĩa vị lợi là triết thuyết về “hạnh phúc lớn nhất của số người thụ hưởng nhiều nhất” và vì thế, nếu như nhu cầu của nhiều người buộc ta phải đưa ra những hy sinh to tát về cá nhân, kể cả hy sinh hạnh phúc cá nhân, hãy cứ việc hy sinh. Wolf hình dung chính xác về một người vị lợi chủ nghĩa tuyệt đối, một Thánh Tâm, như một con người hạnh phúc: và thật sự như thế là lý tưởng. Nhưng không một ai nên trở thành một người như thế bởi các nguyên nhân xoay quanh hạnh phúc cá nhân: đó chẳng phải mục đích của đạo đức vị lợi. Hạnh phúc của bản thân, nếu xét trong bối cảnh hàng tỉ sinh mạng, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc. Nếu như làm điều đúng cho tập thể - chẳng hạn bán đi tài sản và dành số tiền thu được phục vụ cho các hoạt động từ thiện - lại khiến ta bất hạnh, thì quả là đáng tiếc, nhưng sự bất hạnh của ta không khiến lẽ phải hóa sai trái.
Đạo đức Kant còn ít bận tâm tới hạnh phúc cá nhân hơn nữa. Chủ nghĩa Kant, lấy từ và đặt theo tên của triết gia thế kỷ 18 Immanuel Kant, là triết thuyết nhấn mạnh vào trách nhiệm lý trí của chúng ta đối với các cá thể lý trí khác (do đó chúng ta có nhãn Thánh Trí). Lý do để làm điều phải nằm ở bổn phận của chúng ta với kẻ khác - nếu họ đói khát hay bị đàn áp chẳng hạn - khi ấy chúng ta mắc nợ họ, cũng như họ sẽ mắc nợ chúng ta nếu đảo ngược vị trí. Kant quả thật cho rằng đạo đức khiến chúng ta xứng đáng với hạnh phúc nhưng chỉ dừng lại ở đó. Có người đồ rằng, nếu như Kant còn sống, ông sẽ ưa thích nhận định được gán cho triết gia người Áo thế kỷ 20 Ludwig Wittgenstein: tôi không rõ vì sao con người tồn tại ở đây, nhưng chắc chắn không phải là để hưởng thụ.
Nếu như các lý thuyết đạo đức hiện đại, theo đó trở thành lý tưởng, tạo ra những hình ảnh không mấy quyến rũ về cuộc sống, thì ta có lẽ nên cho rằng tự thân chúng đã có gì đó chưa đúng. Có lẽ cái cần thiết hơn là có được một quan niệm tròn vành, rõ chữ hơn về thế nào là cuộc sống tốt. Thực chất, ta có thể tin một cuộc sống tốt là dấu hiệu cho thấy mọi thứ liên quan tới đạo đức hiện đại đã sai trái tới mức câu nói này ngày nay đã trở nên mơ hồ. Nó mơ hồ bởi vì chúng ta phải hỏi: tốt ở đây là tốt đạo đẹp đời hay là đáng sống nhất? Vế đầu tiên có lẽ gợi ra hình ảnh săn sóc người khó nghèo cơ nhỡ, còn vế sau là hình ảnh đang nhâm nhi cốc champagne. Một cuộc sống đẹp đạo đã đồng nhất với một cuộc đời vị tha vô vị kỷ, còn đáng sống lại đi với một cuộc sống truy tìm khoái lạc toàn tòng. Do đó sống tốt đã bị chia thành hai ngả đối nghịch nhau, và sự tách ly khủng khiếp ấy khiến cho chúng ta phải bận tâm. 
Những nhận thức kia dường như đẩy chúng ta đi về với đạo đức đức hạnh của Hy Lạp cổ đại trên chặng đường tìm kiếm những quan điểm từng có trước đây. Nhiều triết gia nổi tiếng nhất thời bấy giờ, nhất là Aristotle, có quan điểm về đạo đức không tán thành cả sự ích kỷ lẫn sự vô ngã: cuộc sống lý tưởng nhất cần chúng ta quan tâm tới kẻ khác, cũng như tham gia một cách khoái hoạt tiêu dao vào đời sống của kẻ khác, nhưng lại không đòi hỏi sự chú mục công bằng vào nhu cầu của tha nhân. Đạo đức bận tâm đến câu hỏi làm thế nào để trở thành hảo bằng hữu hơn, hơn là giải cứu thế giới phải như thế nào. Và, như với những tình bạn hữu hảo, đạo đức vừa tốt cho bản thân vừa tốt cho người khác. Ở cốt lõi đạo đức Aristotle chính là sự đuề huề đôi bên cùng có lợi. Một đời sống đạo đức hoàn hảo nhất cũng là một đời sống đáng khát khao nhất, và sự vẹn tròn bản chất xã hội của chúng ta bao gồm sự tham gia vào hạnh phúc sẻ chia cùng kẻ khác. Những quan điểm cổ đại như của Aristotle, theo đó, không sao chấp nhận sự tách lập giữa đạo đức và hạnh phúc cá nhân.
Trong mô tả về thánh đạo bằng những khái niệm không mấy quyến rũ, Wolf có thể dễ dàng bị hiểu sai là đang cổ xúy trở lại những quan điểm như của Aristotle. Thế nhưng khi đọc kỹ hơn tiểu luận, ta thấy rõ rằng Wolf chẳng hề có ý đó. Đạo đức hiện đại đã tiến hóa để bao gồm những trách nhiệm mới đối với tha nhân, và Wolf không chối bỏ. Bà rất sẵn lòng giữ nguyên cái khái niệm đạo đức hiện đại như vốn có: hết sức vị tha, vô tư và dành cho tất cả mọi người. Đạo đức liên quan tới đời sống của tha nhân cách chúng ta hàng ngàn dặm và giá trị sinh mạng của họ ngang bằng với đời sống và giá trị của những người ta thân thương gần gũi nhất, điều này chẳng có gì sai.
Wolf thấy rằng, trước tình hình kinh khiếp của thế giới, công tác đạo đức cần thực hiện có thể ngốn trọn quãng đời của một con người. Người ấy có thể trở thành, hoặc muốn được trở thành, một đức-thánh. Nhưng đó không phải là lý do để chối bỏ đạo đức hiện đại. Bà muốn cho cho chúng ta thấy rằng cần phải vạch ra một lằn ranh giữa những gì chúng ta bắt buộc phải tuân theo, chiểu theo đạo đức, và đâu là những gì chúng ta có thể được khen thưởng khi thực hiện nhưng hoàn toàn không là bắt buộc (mà đôi khi các triết gia gọi là vượt quá bổn phận và không cần thiết). Đạo đức không ép cưỡng ta trở thành một đức-thánh. Đạo đức không buộc ta không được có bất kỳ sở thích nào khác ngoài chính đạo đức. Ta có cuộc sống. Sống không có nghĩa là xem nhẹ đạo đức hay phải từ bỏ cố gắng trở thành một con người tử tế.
Chọn không trở thành thánh không mặc nhiên đồng nghĩa ta phải trở thành một tội đồ. Và làm như thế cũng mang ý nghĩa đạo đức: từ chối suy nghĩ ta nên nhắm tới điểm 10 hoàn hảo về đạo đức cũng không phải cớ để có điểm thấp. Trong tiểu luận đức-thánh, Wolf đưa ra một chỉ trích về thánh đạo mà khi hiểu tường tỏ cũng là một sự biện minh cho đạo đức. Bà đặt ra một trường hợp thuyết phục để từ chối một lối sống hoàn toàn sắp đặt bởi các nhu cầu về đạo đức, nhưng như thế không đồng nghĩa với việc bà muốn vứt bỏ đứa trẻ đạo đức ra khỏi thánh thủy.

Một chủ đề tiếp diễn trong triết thuyết của Wolf chính là chớ nhìn vào các lý thuyết về đạo đức để tìm kiếm những lý tưởng bao quát nhất để sống. Các ý niệm đạo đức có thể vạch ra những nội dung quan trọng trong cuộc sống nhưng chẳng mách bảo tất tần tật phải sống sao cho đúng. Do đó việc chuyển lý thuyết cho rằng cuộc sống kia chẳng mấy cẩm hường thành câu trả lời duy nhất cho các câu hỏi trong cuộc sống, đó chẳng phải là một phê phán dành cho lý thuyết đạo đức. Mà là hiểu sai vai trò của nó. Khi đặt lý thuyết đạo đức về đúng chỗ, Wolf muốn giải phóng triết học đạo đức ra khỏi sự đạo đức quá thái hóa của triết lý đó. Chúng ta có thể nhận được cảm hứng sống bởi đủ mọi nguồn: một người tình ta quen trên mạng, một người hàng xóm, một nhân vật trong series truyền hình, một dòng thơ. 
Wolf đặc biệt hứng thú với việc chừa ra chỗ cho sở thích và đam mê cá nhân để chúng tạo hình cuộc sống, và cho rằng ý nghĩa của cuộc sống khó lòng đến từ đạo đức theo lối này. Trong quá khứ, đó là do bởi ý nghĩa thường đến từ cam kết với người ta yêu, và trong nhiều tình huống cam kết với gia đình và bè bạn thường tác động tới cam kết của bản thân chúng ta dành cho việc thực hiện những gì lý tưởng về mặt đạo đức. Hãy thử lấy một ví dụ từ một nghiên cứu tâm lý của các nhà nghiên cứu tại Oxford và Yale: nếu ta toàn tâm toàn ý với cháu trai, ta sẽ ưu tiên đưa cho nó tiền để sửa xe hỏng thay vì giúp đỡ một tổ chức từ thiện phòng chống sốt rét, kể cả khi việc làm từ thiện sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Không hoàn hảo về đạo đức không thể khiến ta thành kẻ xấu. Ta có thể “hoàn toàn tử tế”, theo Wolf, “mà không cần phải đức cao đạo trọng”.
Ta có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống từ một nguyên cớ đạo đức cụ thể - ra sức ngăn ngừa tình trạng vô gia cư chẳng hạn - nhưng điều này khác với việc cố tìm kiếm ý nghĩa bằng cách tiến hành bất cứ điều gì hoàn hảo về đạo đức vào mọi thời điểm. Thật vậy, đặc điểm đặc thù của đời sống chúng ta có được nhờ vào sự kết hợp cố định của các mối quan hệ, những đam mê và ham thích. Đi ngược lại với trường phái triết học phổ biến hiện hành, Wolf vẫn theo quan điểm cho rằng ý nghĩa cuộc sống tùy thuộc vào việc dành trọn cuộc sống thấm đẫm các hoạt động theo chủ quan xem là tốt đẹp. “Ý nghĩa cuộc sống nảy sinh,” như câu slogan xuất sắc của Wolf, “khi sự thu hút chủ quan bắt gặp sự quyến rũ khách quan…” Nhưng những điều tốt đẹp khách quan thường mang lại ý nghĩa, theo Wolf, lại chính là những điều tốt đẹp vô-đạo mà cuộc sống đức-thánh thường thiếu vắng nghiêm trọng: các mối quan hệ yêu thương (bao gồm cả tình bạn), gắn kết với giới tự nhiên, tình yêu dành cho mỹ thuật hay thể thao gay cấn, vân vân.
Những tốt đẹp kia rồi trên thực tế sẽ thành hiện hiện thực (theo cách triết gia sử dụng) trong cuộc sống: trong trường hợp của bản thân tôi, một mối quan hệ yêu thương chẳng hạn, kéo dài 20 năm với Chris; một gắn kết với giới tự nhiên nằm ở một chuyến dạo bước trong đêm qua Wicken Fen ở Cambridgeshire; một niềm yêu thích dành cho hội họa chính là tình cảm dành cho sáng tác của Frida Kahlo; tình yêu dành cho thể thao hấp dẫn là một buổi chiều thứ bảy theo dõi thi đấu bóng đá. Mỗi chúng ta đều có những sự cuốn hút chủ quan dành cho những điều hay ho trong đời. “Thời gian,” như thi sĩ Nick Laird từng viết, “là cách ta sử dụng yêu thương của mình.”
Người yêu thiên nhiên không phải ai cũng quan tâm tới Thiên Nhiên một cách trừu tượng mà thường quan tâm tới những diễn tiến cụ thể mà họ trực tiếp tham dự: làm thế nào loài hải âu rụt cổ sống sót ở vách Bempton khi lươn cát đã bị khai thác quá mức, vân vân. Tuy nhiên ta cũng có thể bắt đầu với tình yêu dành cho loài hải âu này và cuối cùng tham gia vào một kêu gọi cứu vớt chúng, mang tính đạo đức: có thể là một phong trào môi trường tại địa phương. Và hành động này có thể xem là bằng chứng dành cho sự phân biệt rạch ròi của Wolf giữa đạo đức và vô đạo đức trên thực tế là hết sức mơ hồ. Tình yêu có thể đưa một hứng thú vô đạo đức sang một cam kết đạo đức, và rất khó để định rõ khi nào ta bước qua lằn ranh giữa hai bên.
Ta cũng có thể, chẳng hạn, trở thành một nhân viên chính sách và dần thấy ưa thích một cư dân nào đó trong khu vực đang sinh sống. Những bận tâm dành cho cô ấy dần trở thành bận tâm đối với các chính sách đang làm thay đổi cuộc sống của cô cũng như gia đình cô theo chiều hướng xấu đi. Ta có thể trở thành một nhân vật hóa-thánh khi tận tâm tìm cách thay đổi các chính sách này. Nhưng nếu đã thấm nhuần các bài học của Wolf, ta sẽ không bao giờ dành hết cuộc đời mình vì nguyên cớ kia. Ta sẽ vẫn dành thời gian cho bạn bè, cho những đêm hè rỗi rảnh nghe tiếng ong vo ve ở cành oải hương, và chẳng hề đánh mất đi cái khiếu khôi hài châm chích vô song của mình. Nói cách khác, ta sẽ không bao giờ trở thành đức-thánh.
---
Nếu vẫn còn hứng thú với chủ đề trên, xin mời dạo bước qua chốn này.
k.