Ngừng tự thương hại bản thân
Tôi nghĩ mình đã đăng ký một cuộc sống với những điều bình yên, không rắc rối xảy ra. Thế nhưng bây giờ... Tôi muốn hoàn lại tiền, vì cuộc đời đã không diễn ra như vậy
Trong mỗi chúng ta, ắt hẳn đều đã từng một lần trải qua cảm giác “dường như cả thế giới đang chống lại mình”. Trạng thái đó có thể kéo dài rất lâu, nhưng cũng có thể chợt đến như một cơn bão, sau đó nhanh chóng tan biến chỉ trong khoảnh khắc.
Đôi lúc, chính những suy nghĩ ấy ta cũng không thể kiểm soát được. Ta mệt nhoài và cáu kỉnh sau khi rời khỏi nơi làm việc, tưởng chừng các mối quan hệ đã sắp đổ vỡ hay rơi vào bế tắc. Rất nhiều gánh nặng trên vai đến từ gia đình, người thân ta phải gồng gánh... Chúng làm ta kiệt sức và thất vọng, để lại bên trong cảm giác ngờ vực về chính bản thân, rồi tự đặt ra câu hỏi “Liệu việc mình sống đem lại giá trị gì?”.
Thôi nào... Chúng ta đang tự thương hại mình đó sao? Nếu cứ đâm đầu vào những vấn đề “chết tiệt” trong cuộc sống, tập trung vào quả trứng có mùi vị thật kỳ lạ vào sáng nay, thay vì chuẩn bị một bữa ăn mới. Thì ta đã bỏ lỡ sự hứng khởi trong việc tìm hiểu lý do tại sao mọi thứ dường như diễn ra thật nhẹ nhàng với người khác. Còn mình thì không!
“Tôi nghĩ mình đã đăng ký một cuộc sống với những điều bình yên, không rắc rối xảy ra. Thế nhưng bây giờ... Tôi muốn hoàn lại tiền, vì cuộc đời đã không diễn ra như vậy”.
Thật không dễ dàng để một người thừa nhận bản thân họ đang tự thương hại với một ai đó khác, thậm chí ngay cả chính mình. Đó là một chủ đề không thú vị tí nào. Làm gì có ai muốn lắng nghe một người suốt ngày than thở, cảm thấy tội lỗi về bản thân cơ chứ?
Nhưng điều quan trọng và tốt hơn hết, chúng ta cần làm sáng tỏ cảm xúc để học cách thừa nhận hành vi trong trạng thái này, cho chính chúng ta và cả người khác. Bởi vì khi chối bỏ một điều gì đó thuộc về bản thân, chính là lúc ta đang tự tay hủy hoại mình.
Có những tên gọi khác cũng được sử dụng thay vì “tự thương hại”, tôi tạm gọi là “cảm thấy tội lỗi về bản thân” hay “tâm lý nạn nhân”. Sở dĩ, đưa ra nhiều tên gọi như vậy là để chúng ta có thể dễ hình dung hơn ở nhiều hoàn cảnh.
“Nạn nhân” ở đây, không phải chúng ta đang bị uy hiếp bởi một nhân tố nào, mà là một người đang sống hay thích nghi với tâm lý nạn nhân. Đó là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Có hai kiểu tự thương hại mà chúng ta thường hay thấy. Kiểu đầu tiên đó là “người chủ trì bữa tiệc đơn độc” (Solo pity-party host). Những người này thường không cố gắng tham gia hoặc muốn gây ảnh hưởng đến bất cứ ai, cũng không muốn sự chú ý hay đồng cảm từ người nào khác. Tất cả những gì họ muốn và quan tâm là được ở yên một chỗ, gặm nhấm tổn thương một mình.
Kiểu thứ hai, chính là “người chủ trì bữa tiệc mời gọi” (Invite pity-party host). Họ là những người sử dụng sự thương hại với chính bản thân, như một công cụ khiến người khác chú ý đến và cảm thấy có lỗi nếu không đặt sự quan tâm vào họ. Đôi lúc, những người này sẽ gán ghép trách nhiệm cho người khác. Họ tìm kiếm sự đồng cảm từ nhân tố bên ngoài, có thể cố tình hoặc vô ý.
Bất kể chúng ta thuộc kiểu nào bên trên, một khi rơi vào trạng thái tâm lý nạn nhân “tự thương hại”, chúng ta sẽ trở thành phiên bản hoàn toàn – Chỉ quan tâm đến mình. Đó là khi ta nhìn nhận và khắc họa bản thân như là một người cần được giúp đỡ và dễ bị đánh gục. Ta làm lơ suy nghĩ và cảm nhận của người khác, cho rằng họ không hiểu được hoàn cảnh mình đang trải qua và nhận định nỗi đau của mình mới là lớn, mới là điều đáng để tâm.
“Họ thật là may mắn, tôi thì không”, “Tại sao họ lại đạt được điều đó dễ dàng vậy nhỉ?”, “Thật sự chẳng một ai hiểu tôi cả”... Đó là những câu nói “thương thân” điển hình. Thay vì đưa ra kết luận dựa trên lẽ phải “Tôi không nhận được công việc này, bởi vì họ đã tìm được ai khác phù hợp hơn. Điều đó không sao cả. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm”, thì họ lại tô vẽ viễn cảnh bằng cảm xúc không có thực “Tôi không nhận được công việc này, bởi vì tôi chỉ là kẻ đeo bám, là thành phần dư thừa để họ phải trả lương”.
Không phải tự nhiên khi mới sinh ra, chúng ta đã mang sẵn mặc cảm “cảm thấy tội lỗi về bản thân”. Nó đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó tôi cho rằng, 3 nguyên nhân này là phổ biến nhất.
Đầu tiên, bản ngã. Phần lớn chúng ta thường không chú ý đến những người “không vấn đề” trong cuộc sống. Đó là những người không có một mối bận tâm hay sự thử thách nào cho chính mình. Thậm chí, chúng ta còn cảm thấy bực bội khi tiếp xúc với họ.
Vậy nên, khi hòa mình vào một đám đông, ai cũng muốn có một câu chuyện đáng để kể. Nhưng những câu chuyện ấy đòi hỏi ta phải trải qua một số loại đau khổ nhất định. Và chúng ta bán nó! Không chỉ là “bán” theo nghĩa đen, câu chuyện đó còn khiến ta trông có vẻ thú vị hơn khi bước ra ngoài thế giới. Khiến ta cảm thấy việc trở thành người đáng thương sẽ xứng đáng được người khác nhìn nhận, cởi mở và quan tâm hơn.
Đến một ngày, khi sự tự thương hại trở thành thói quen, chúng ta không tìm kiếm hành động ân cần từ người khác nữa, ta cũng sẽ không muốn dừng lại. Bởi vì nỗi sợ bị bỏ rơi. Khi cuộc đời không còn những kịch tính, phàn nàn hay vấn đề. Rồi ta sẽ là ai? Chúng ta mong cầu một cuộc sống bình yên và thanh thản nhưng khi có cơ hội đạt được điều đó, như một phần ích kỷ - trong bản ngã, ta lại lo lắng rồi sẽ nhàm chán và không còn điều gì hứa hẹn.
Thứ hai, ta mong muốn trốn tránh trách nhiệm và hành động. Bạn còn nhớ “người chủ trì bữa tiệc mời gọi” chứ? Lúc này, chúng ta sẽ ở trong trạng thái tâm lý nạn nhân, kể khổ về mọi thứ để nhận được sự cảm thông từ người khác. Sẽ được coi là thành công nếu khách mời đó tham gia vào bữa tiệc do mình bày sẵn. Như vậy, ta có thể thuận lợi thoái lui trách nhiệm và không cần phải làm gì nữa.
Còn người đứng ở vai trò khách mời kia, nếu là chúng ta. Mọi chuyện chỉ có thể kết thúc khi chủ trì dừng nói. Vậy nên, để tránh rơi vào trường hợp bất lợi, bài học mà tôi rút ra là hạn chế tiếp xúc và chỉ giúp, nhận trách nhiệm khi thật sự cần thiết.
Cuối cùng, là con người, đôi lúc chúng ta cũng hành động theo bản năng. Sự tự thương hại giống như một cơ chế phòng thủ, giúp ta cảm thấy được bảo vệ khỏi môi trường bên ngoài, có thể kiểm soát khổ đau để khiến bản thân cảm thấy thoải mái. Giống như kiểu “Nếu tôi đã ở dưới đáy, không ai hoặc không điều gì khác có thể đụng vào tôi nữa” hoặc “Tôi biết mình là một kẻ thua cuộc. Vậy nên, dù bạn có nói gì cũng không ảnh hưởng đến tôi”.
Tôi nhớ mình từng đọc câu nói thế này: “Tự thương hại là một loại ma túy – phi dược phẩm hủy hoại bản thân dễ nhất. Nó là chất gây nghiện, đem lại niềm vui nhất thời và tách rời nạn nhân với thực tại” – John Gardner.
Dù muốn hay không, chúng ta hãy tự chịu trách nhiệm về bản thân thay vì đùn đẩy việc ấy cho một nhân tố nào đó khác. Lúc đầu, bạn có thể nhận được sự đồng cảm nhưng đừng để cái đồng cảm ấy biến thành từ bi, rồi trở thành đối tượng tiêu cực bị né tránh lúc nào không hay.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng vẹn toàn. Quá khó khăn với bản thân đôi khi lại phản tác dụng. Nếu buồn bực, hãy cứ làm những gì bạn muốn, nằm cuộn tròn ở trên giường, có thể một mình hoặc nói ra với ai đó, khóc thật to và thương hại bản thân thật nhiều, bật những bản nhạc buồn rười rượi... Nếu những điều đó khiến bạn cảm thấy thoải mái và hãy đảm bảo bạn sẽ ngừng cảm thấy bất hạnh sau khi cảm xúc được giải tỏa nhé.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất