Than ôi, hai ba ngày nay, gần như đâu đâu mình cũng trông thấy những mẩu tin buồn về cô gái có nụ cười toả nắng - Sulli. Từ trước đến giờ mình không phải là người hâm mộ cuồng nhiệt cô ấy, mình chỉ biết và lặng lẽ follow Sulli, mình cũng chẳng để tâm đến những thứ scandal vớ vẩn hay chuyện không mặc bra, trái lại mình ủng hộ việc đó, và khi mình nghe tin Sulli qua đời, tay chân mình đã run rẩy, hồn trí mình đi đâu mất, mình ngồi thẫn thờ tột độ, dư âm kéo dài mãi đến tận hôm nay, mình còn chẳng dám lên mạng xã hội nữa. Và chắc ai cũng biết, trầm cảm là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến cái chết của cô gái ấy. Mình sẽ không bàn nhiều về Sulli nữa, vì ai cũng không muốn nhắc lại những chuyện đau buồn.
Ê dạo này sao trông mày buồn thế? Trầm cảm à
——————
- Mình mắc căn bệnh trầm cảm từ năm mình 15 tuổi
- Haha trầm cảm vì thi cấp 3 đúng không? Tôi cũng vậy nè, trầm cảm dễ sợ luôn
Dạo gần đây không hiểu tại sao các bạn trẻ trên mạng lại hay dùng từ “trầm cảm” thường xuyên và theo một cách châm biếm, “chầm kảm”, “ckamcam”. Chẳng hiểu các bạn ấy nghĩ gì, có vẻ là vui lắm, lâu lâu lên mạng lại thấy vài comment than thở, “ôi dạo này bài vở nhiều đến chầm cảm”. Mình biết các bạn đang có ý châm biếm những người mang trầm cảm ra để cho bản thân trở nên đặc biệt hơn. Nhưng chính các bạn cũng đang là người chơi đùa với căn bệnh đó. Các bạn ơi, đó là thứ đã giết hàng trăm nghìn người mỗi năm, là thứ đã huỷ hoại cuộc đời của rất nhiều người, là thứ mà nhiều người đang chung sống cùng và hành hạ họ theo thời gian, nó không phải là một từ vui nhộn để có thể dễ dàng nói ra miệng, cũng chẳng phải là thứ để các bạn mang ra châm biếm. 
Chắc nhiều bạn cũng biết, vô tình body shaming cũng khiến cho đối phương bị tổn thương nặng nề, dù chỉ là vài câu đùa “Dạo này gầy gò xanh xao thế”, “Mặt mày như cái ổ gà ấy”, “Giảm cân đi con quỷ”,... Và với trầm cảm cũng vậy, người mắc bệnh này chắc chắn sẽ không thích nghe người khác lấy căn bệnh của mình ra làm trò, các bạn nghĩ thế nào khi có một bệnh nhân bộc bạch mình bị trầm cảm và người đối diện bật cười vì cứ ngỡ người kia đang nói đùa với mình. Các bạn đang bình thường hoá căn bệnh này và biết đâu sau này vài năm, trầm cảm sẽ là một tính từ thay thế cho từ mệt, buồn và chán. Trong khi người người đang tuyên truyền để giảm thiểu căn bệnh này và cố gắng giúp đỡ những người mắc bệnh thì bạn lại đang biến tấu hai chữ trầm cảm theo một cách vớ vẩn chỉ để làm trò vui?
Suy cho cùng thì những ngồi sau bàn phím múa máy là những kẻ giết người gián tiếp. Cái trò châm biếm cũng từ mạng xã hội mà ra, mắng chửi, vùi dập và xúc phạm người khác cũng từ đó mà ra. Bao nhiêu người đã chết gián tiếp vì những nickname ảo chỉ giỏi đi comment chửi rủa người ta nhỉ, để mình đếm xem, một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, à không, không thể đếm được đâu.
Nhắc mới nhớ, hồi đó có một cô gái gây xôn xao vì mang căn bệnh trầm cảm và xyz những hội chứng bệnh khác của mình ra để viết sách. Thậm chí còn có một drama to đùng về nữ quyền với nhóm Dota2vn. Mình không cho rằng cô ấy đúng hay là sai, cũng không biết cô ấy có bị trầm cảm thật không, nhưng bây giờ cô ấy đã qua đời thật rồi. Và biết gì không, khi gia đình đăng tin cáo phó trên facebook, vẫn có những người vào bình luận một cách thật sự không ra gì, “ô chết thật rồi à?”, “chết thật hay giả nữa đấy?”, “con này chết cũng đáng”,... đến mức gia đình họ phải thay đổi thành chế độ bạn bè vì có nhiều người khủng bố. Wow, những người ngồi sau bàn phím đang đùa giỡn với cái chết của người khác, thật là hay ho làm sao.
Tóm lại thì, đừng ngồi sau màn hình và chơi đùa với nỗi đau mà người khác đang phải cam chịu, để rồi đến lúc hậu quả đến thì lại tiếp tục lật mặt cầu nguyện cho họ trong khi người giết họ chính là các bạn.