Mình thấy có rất nhiều người không thích ngôn tình, có người nhỏ tuổi, có người lớn tuổi. Đọc báo thì thấy nào là “Cảnh báo các bệnh lý do nghiện truyện ngôn tình”, “Văn học ngôn tình hay là sự lãng quên tri thức” rồi “Cảnh báo truyện ngôn tình tạo xu hướng lệch lạc cho giới trẻ”. Hồi đó mình nhớ trong một tiết học, thầy giáo mình cũng từng nhận xét: “Không hiểu tại sao người ta lại chuyền tay nhau thứ rác phẩm độc hại đó, đọc chỉ tổ tốn thời gian.”
Với tư cách là một người đã từng đọc ngôn tình hơn 7 năm và đã từng có xu hướng nghiện và đã dịch hay nói đúng hơn là chỉnh sửa một số ấn phẩm. Mình xin đưa ra góc nhìn của mình. Đầu tiên ngôn tình xuất phát từ đâu? Ngôn tình vốn là sản phẩm của sự bùng nổ internet và văn học mạng. Ở Trung Quốc có những trang rất lớn cho những tác giả Trung có thể thỏa sức viết và trình bày ý tưởng, truyện ngắn, truyện dài đơn cử như Tấn Giang. Tác giả của văn học mạng có thể là đủ loại người từ cụ già tám mươi đến em lớp 9. Miễn sao bạn có ý tưởng, có thể biến nó thành câu chữ và đăng tải trên mạng là bạn có thể trở thành tác giả. Đó là lý do tại sao văn học mạng Trung Quốc có thể phát triển rực rỡ đến như vậy. Nếu ngày trước bạn viết xong một cuốn sách, phải đi gõ cửa từng nhà xuất bản đến khi nào có ai đó chịu in và đến khi in ra bạn vẫn không biết là có ai rảnh tiền mua sách của mình không thì nay chỉ cần một cú click là tác phẩm của bạn có thể đến ngay tay độc giả, dễ dàng và nhanh chóng. Cũng chính vì thế mà văn học mạng có nhiều rác phẩm, đầy những tác giả non tay với suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, đầy những cảnh nóng và ngôn từ dở tệ mà bạn chẳng muốn đọc lần hai, đồng thời cũng đầy những ảo cảnh màu hồng của những tác giả chỉ nhìn cuộc sống qua sách vở. Nhưng không thể vì những rác phẩm đó mà phủ nhận những tác phẩm tuyệt vời đầy tính nhân văn mà những tác giả có tâm đã viết, và nhiều tác phẩm trong số đó đã được dựng thành phim. Ai nói ngôn tình chỉ toàn màu hồng thì chắc chưa từng khóc bởi “Thất tịch không mưa”, ai nói ngôn tình chỉ toàn là những câu chuyện về tình yêu sáo rỗng thì chắc chưa xem “Bộ bộ kinh tâm” hay “Pháp y Tần Minh”. Ngôn tình không chỉ là những câu chuyện về tình yêu nam nữ, mà trong đó còn lồng ghép tình bạn, tình thân. Không có một cuốn truyện ngôn tình nổi tiếng nào mà nội dung chỉ là về một anh đẹp trai và một chị đẹp gái đến bên nhau chẳng hề trắc trở. Ngôn tình ở Việt Nam là cái tên gọi chung của văn học mạng Trung Quốc với vô số truyện dài, truyện ngắn đủ thể loại khác nhau mà khi về Việt Nam bị dán mác thành rác phẩm. Có phải quá bất công cho “ngôn tình” hay không?
Thứ hai, mình thấy những người gọi ngôn tình là rác phẩm đa phần chưa hề đọc ngôn tình. Họ hoặc chỉ lướt qua vài trang với cái đầu đầy thành kiến hoặc mới nghe người khác nói đã kết luận đây là rác phẩm. Mình chỉ muốn nói là muốn nhận xét, chê bai điều gì thì hãy thử trước. Nếu muốn chê Khá Bảnh hãy xem thử video của Khá Bảnh? Chê Linda hãy coi thử Linda làm gì? Cái đáng sợ nhất chính là hiệu ứng đám đông, đừng vì người khác cũng ghét mà bạn phải ghét theo. Hãy đem trái tim công bình cảm nhận. Nếu bạn thấy ghét nó thì hãy ghét cho tới, hãy ghét cho có lý do chứ đừng ghét nửa mùa theo kiểu ghét hùa mà chưa hề biết nó là gì.
Đồng thời mình nghĩ cái gì cũng có lý do của nó. Trào lưu văn học mạng nổi lên không chỉ một ngày một bữa. Nếu nó không cung cấp được giá trị thực, không giải quyết nhu cầu của người đọc, không mang lại giá trị gì thì nó đã sớm bị đào thải chứ nói gì đến tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Giống như văn học hiện thực vẫn chê bai văn học lãng mạn. Chẳng qua thời đại khác đi thì nhu cầu con người cũng thay đổi và cái ta cần làm không phải chống phá nó mà là tìm hiểu nó, dung hòa nó, loại bỏ cái xấu để đề cao cái tốt. Thay vì ngăn người đọc tiếp cận ngôn tình, gọi nó là rác phẩm. Tại sao ta không nhìn nhận được cái tốt của văn học mạng Trung Quốc để học tập và tạo nên một dòng văn học mạng Việt Nam cũng phát triển rực rỡ tương tự. Đừng để giới trẻ Việt Nam biết Đinh Mặc, biết Phỉ Ngã Tư Tồn, biết Đường Thất Công Tử mà tác giả Việt Nam chỉ nghe tên Nguyễn Nhật Ánh nữa. Đừng để phim Việt Nam chỉ toàn là những bộ remade của nước ngoài. Đó mới là cái chính. Và hãy thôi quơ đũa cả nắm ngôn tình là rác phẩm để có cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn và tốt hơn.