Quan điểm về bản năng ngôn ngữ vốn thống trị ngôn ngữ học hàng thập kỷ qua đơn sơ, hùng hậu và... sai tét lét.
Vyvyan Evansis giáo sư Ngôn ngữ học ĐH Bangor, Wales, Anh. Tác phẩm mới nhất của ông là Hoang đường ngôn ngữ: vì sao ngôn ngữ không phải là bản năng (2014).
Bài gốc trên Aeon
--
Thử hình dung ta đang du thú ở một miền đất lạ. Một người dân địa phương tìm tới và bắt đầu xì xào với ta bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ. Ông ta có vẻ chân thành, còn chỉ trỏ nữa. Nhưng ta không thể hiểu được những từ ông ta nói, dù cố gắng tới đâu đi nữa.
Tình huống này khá giống với vị trí của một đứa trẻ lần đầu tiếp xúc ngôn ngữ. Mà thực ra, em còn ở trong một tình thế khó khăn hơn nhiều. Không chỉ ở chỗ người ta xí xa xí xồ những thứ em chưa hiểu; mà còn do khác với người du hành giả tưởng của chúng ta, em thậm chí còn không biết rằng những con người kia đang tìm cách nói chuyện với mình. Ấy vậy mà, khi lên bốn tuổi, mọi đứa trẻ có nhận thức bình thường trên hành tinh này lại được chuyển hóa thành thiên tài ngôn ngữ: trước cả khi đi học, trước cả khi chạy xe đạp, cột dây giày hay làm phép toán trừ cơ bản. Như một phép màu! Nhiệm vụ giải thích phép màu này từ lâu đã là mối bận tâm chính của ngành nghiên cứu ngôn ngữ trong suốt 50 năm qua.
Vào thập niên 60, nhà ngôn ngữ và triết gia Mỹ Noam Chomsky đề ra một cách giải thích chừng như đã giải được bài toán khó. Ông luận rằng trẻ em thật ra không học tiếng mẹ đẻ - hay chí ít, không từ những khối văn phạm cơ bản (vì toàn bộ quá trình vừa quá nhanh chóng vừa chẳng chút khó khăn). Ông kết luận, ắt hẳn trẻ con sinh ra cùng với một khối lượng cơ bản tri thức văn phạm – “Văn phạm khái quát” – ký thác vào ADN loài người. Dựa theo khả năng tri nhận ngôn ngữ có sẵn từ trước, việc phát hiện ra những khác biệt bề mặt giữa tiếng Anh và tiếng Pháp có lẽ là một vấn đề khá là cỏn con. Quá trình này xảy ra hiệu quả vì trẻ em có bản năng ngôn ngữ: một công cụ văn phạm áp dụng chung cho tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.
Chẳng mấy chốc, cách lập luận này xóa đi nỗi khổ học tiếng mẹ đẻ, và giải thích được vì sao một đứa trẻ có thể học ngôn ngữ bản địa trong một thời gian ngắn như thế. Thật tài tình! Lý thuyết của Chomsky thống trị khoa học ngôn ngữ suốt bốn thập kỷ. Ấy thế mà, hóa ra lý thuyết kia thật hoang đường. Một mớ hỗn độn bằng chứng mới ra đời trong vài năm qua đã chỉ ra rằng Chomsky hoàn toàn sai.
Nhưng hãy công nhận đôi chút. Có một điểm mà tất cả mọi người đều đồng tình: chủng loài chúng ta cho thấy một sự chuẩn bị sinh học dành cho ngôn ngữ rất rõ nét. Não bộ của chúng ta “sẵn sàng phục vụ ngôn ngữ” theo hàm nghĩa giới hạn sau đây: chúng có đúng lượng bộ nhớ dùng xử lý cú pháp ở mức độ câu, cũng như một vùng vỏ não trước trán trao cho chúng ta khả năng liên kết bằng biểu tượng ngay từ đầu. Và rồi, cơ thể của chúng ta cũng được trang bị phục vụ cho ngôn ngữ: thanh quản con người khá thấp nếu so với các loài cùng họ, cho chúng ta đẩy khí ra ngoài và kiểm soát dòng lưu chuyển của không khí. Và vị trí của xương móng cho chúng ta điều khiển miệng lưới dễ dàng, từ đó có thể tạo ra tới 144 âm thanh riêng biệt trong một số ngôn ngữ. Không ai phủ nhận những đặc điểm vừa kể là hoàn toàn mang tính bẩm sinh, hoặc phủ nhận tầm quan trọng của chúng đối với ngôn ngữ.
Ảnh: Matt Murphy
Vấn đề cần phải bàn cãi chính là khẳng định rằng tri thức về ngôn ngữ - phần mềm ngôn ngữ - là thứ con người sinh ra đã có. Suy nghĩ của Chomsky là thế này: trong lúc chúng ta hình thành các cơ quan đặc trưng của con người – tim, não, thận và gan – chúng ta cũng hình thành ngôn ngữ trong đầu, mà Chomsky mô tả là “cơ quan ngôn ngữ”. Cơ quan này bắt đầu xuất hiện từ sớm. Rằng nó chứa đựng một blueprint cho mọi bộ quy luật văn phạm trong mọi ngôn ngữ trên thế giới. Và rằng trẻ em dễ dàng sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào tự nhiên hiện có của con người. Một đứa trẻ sinh ra ở Tokyo sử dụng tiếng Nhật còn đứa trẻ ở London sử dụng tiếng Anh, và bề ngoài hai ngôn ngữ này nom rất khác nhau. Thế nhưng bên dưới, về đặc thù, chúng lại giống hệt nhau, có cùng một hệ điều hành văn phạm chung. Nhà khoa học nhận thức người Canada này đã gọi khả năng đó là “bản năng ngôn ngữ”.
Có hai phản lập luận cơ bản về sự tồn tại của bản năng ngôn ngữ. Thứ nhất là do người dạy kém cỏi. Như Chomsky chỉ ra vào năm 1965, trẻ em dường như sử dụng được ngôn ngữ mẹ đẻ mà chẳng cần nhiều chỉ dẫn. Khi chúng nói: “Ba ơi, nhìn lũ cừu kia,” hay “Mẹ căng [trong chữ làm căng vì tức giận] với con,” cha mẹ chúng không sửa văn phạm vụng về của các bé, mà chỉ thán phục sự đáng yêu đó. Ngoài ra, những sai sót có vẻ sơ kỳ kia làm lu mờ thành tựu văn phạm tuyệt vời của trẻ. Theo cách nào đó, đứa trẻ hiểu rằng có một từ loại – danh từ - có thể số nhiều hay số ít, và phân biệt này không áp dụng với các từ loại khác.
Dạng kiến thức này không được trực tiếp giảng dạy cho con cái; hầu hết cha mẹ đều không được đào tạo về văn phạm. Và rất khó để trẻ em có thể tự nghiệm ra quy luật chỉ bằng cách lắng nghe chăm chú: dường như đây là quá trình tiên quyết để hiểu cách vận hành của ngôn ngữ. Để biết đâu là danh từ, vốn có thể ở số nhiều, và vì sao chúng khác với chẳng hạn động từ chính là điểm mấu chốt ở khái niệm bản năng ngôn ngữ này. Trẻ em không cần phải tự mình nhận ra tất cả: một số sự phân biệt cơ bản hoàn toàn đã được tặng không.
Lập luận thứ hai của Chomsky hướng sự tập trung vào khả năng của đứa trẻ. Tạm gọi là vấn đề người học kém cỏi. Trẻ em mang vào quá trình lĩnh ngộ ngôn ngữ những khả năng học tập đa mục đích nào? Vào thời điểm mà Chomsky hình thành các lý luận của mình, các lý thuyết về học tập ảnh hưởng nhất – chẳng hạn cách tiếp cận hành vi của nhà tâm lý học Mỹ B F Skinner – dường như quá yếu khuyết trước thách thức mà ngôn ngữ đưa ra.
Chủ nghĩa hành vi xem mọi quá trình học tập là quá trình củng cố phản ứng có điều kiện, rất giống với cách chú chó Pavlov được huấn luyện để nhỏ dãi khi nghe tiếng chuông báo giờ ăn tối. Nhưng như Chomsky chỉ ra, trong một nhận xét thê thảm vào năm 1959 dành cho nhận định của Skinner, thực tế trẻ em không nhận hướng dẫn bài bản từ ngôn ngữ mẹ đẻ, tức là chủ nghĩa hành vi không thể giải thích được cách trẻ em có được sự thuần thạo về văn phạm. Chomsky kết luận rằng trẻ em phải tiếp cận quá trình lĩnh hội ngôn ngữ với một hành trang nhất định. Nếu trẻ không được dạy về văn phạm, và khả năng học bản ngữ không chỉ tùy thuộc duy nhất vào quá trình học thông qua quan sát, khi ấy, theo phép loại trừ, sự giỏi văn phạm của chúng ắt hẳn đã hiện hữu từ khi sinh ra.
Hai lập luận trên, theo cách này hay cách khác, chính là hai lập luận đã duy trì hệ tư tưởng của Chomsky từ đó tới nay. Thật khiêm tốn làm sao, phải không? Ấy vậy mà gánh lý thuyết mà chúng áp đặt đã trở nên cực kỳ nặng nề. Suốt hai thập kỷ qua, khái niệm bản năng ngôn ngữ luôn chao đảo, loạng choạng trước sức nặng của chính bản thân nó.
Hãy cùng bắt đầu với một luận điểm khá cơ bản. Khi gọi bất kỳ cơ sở bẩm sinh nào đó dành cho ngôn ngữ mà chúng ta sở hữu là một thứ “bản năng”, có bao nhiêu phần có lý? Ngẫm kỹ thì chẳng nhiều nhặng gì. Bản năng là một khả năng bẩm sinh dành cho một số hành vi thích nghi nhất định. Về cơ bản, hành vi ấy buộc phải xảy ra không qua sự huấn luyện. Một con nhện non không cần phải quan sát một bậc thầy giăng tơ để “hiểu” cách giăng tơ: nhện chỉ giăng lưới khi chúng sẵn sàng giăng lưới, mà chẳng cần tới chỉ dẫn bắt buộc nào.
Ngôn ngữ thì khác. Văn hóa đại chúng có thể tung hê những nhân vật như Tarzan hay Mowgli, những con người lớn lên giữa động vật và rồi thuần thục tiếng người khi trưởng thành. Nhưng hiện nay chúng ta có rất nhiều ca được ghi chép cẩn thận về những đứa trẻ “hoang dã” – những đứa trẻ không được tiếp xúc với ngôn ngữ, do bẩm sinh hoặc do tai nạn, như trong trường hợp kinh hoàng của bé Genie, một đứa trẻ ở Mỹ bị cha mình nhốt trong phòng cho tới khi được người ta phát hiện vào năm 1970, khi em 13 tuổi. Bài học chung rút ra từ các cá thể kém may mắn kia chính là, thiếu vắng sự giao tiếp với con người, một đứa trẻ không thể nào sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào cả. Nhện không cần tiếp xúc với mạng nhện để dệt nên chúng, còn trẻ em lại cần phải nghe rất nhiều ngôn ngữ trước khi chúng bắt đầu nói. Dù có chín bỏ làm mười thế nào đi nữa, ngôn ngữ không phải là một bản năng nếu đem so với bản năng hiển nhiên là dệt tơ của loài nhện.
Nhưng đó chỉ là ý phụ. Còn một vấn đề quan trọng hơn nhiều, đó là: nếu như kiến thức về những điều sơ đẳng nhất trong tất cả đâu đó khoảng 7000 ngôn ngữ của con người được cho là bẩm sinh, thì ở một mức độ nào đó tất cả đều phải giống hệt nhau. Hẳn là tồn tại một bộ những “điểm chung văn phạm tuyệt đối” cho tất cả ngôn ngữ. Nhưng đó chẳng phải là những gì chúng ta khám phá ra. Chút hương vị của sự đa dạng mới là thứ chúng ta đã tìm thấy.
Ngôn ngữ nói khác nhau cực kỳ lớn về số âm thanh chúng sử dụng, dao động từ 11 tới con số 144 cực kỳ ấn tượng ở một số ngôn ngữ Khoisan (các ngôn ngữ Châu Phi sử dụng các nguyên âm “hút”). Chúng cũng khác biệt về trật tự từ của chủ ngữ, động từ và tân ngữ, với tất cả các trường hợp đều có dẫn chứng. Tiếng Anh sử dụng một mô thức khá phổ biến – chủ ngữ động từ tân ngữ: chó cắn người đưa thư. Nhưng các ngôn ngữ khác lại rất khác. Trong tiếng Jiwarli, một ngôn ngữ thổ dân Châu Úc, các thành phần trong câu tiếng Anh “người phụ nữ hôn người lau cửa sổ hói đầu” sẽ được sắp xếp theo thứ tự sau đây: Tên đầu hói này được hôn người phụ nữ lau cửa sổ.
Nhiều ngôn ngữ sử dụng trật từ từ để ra dấu ai đang thực hiện điều gì đối với ai. Các ngôn ngữ khác hoàn toàn không theo cách này: trái lại, chúng tạo ra “câu” bằng cách tạo ra những từ khổng lồ từ các cấu-từ đơn vị nhỏ hơn. Các nhà ngôn ngữ gọi chúng là các hình vị. Ta có thể kết hợp các hình vị để tạo thành từ, chẳng hạn từ un-help-ful-ly trong tiếng Anh. Từ tawakiqutiqarpiit trong tiếng Inuktitut, sử dụng ở Bắc Canada, tương đương với câu: Bạn có bán thuốc lá không? Trật tự từ mất đi nhiều sức nặng khi mỗi từ lại là một câu hẳn hòi.
Các thành phần cơ bản làm nên ngôn ngữ, chí ít từ góc độ sử dụng tiếng Anh của chúng ta, là các từ loại: danh, động, tính, trạng từ và vân vân. Nhưng nhiều ngôn ngữ lại không có trạng từ, và số khác, như tiếng Lào (nói tại Lào và một số nơi tại Thái Lan) không có tính từ.  Thậm chí có người còn tuyên bố rằng tiếng Straits Salish, một ngôn ngữ thổ dân tại và xung quanh vùng British Columbia, hoàn toàn không có danh từ và động từ. Ngoài ra, một số ngôn ngữ có các tiểu loại văn phạm dường như xa lạ với góc độ vị-Ăng lê của chúng ta. Từ tượng thanh là một loại từ hoàn chỉnh chỉ về các cảm giác của giác quan xảy ra ở một hành động: chẳng hạn, từ tượng thanh ribuy-tibuy, từ tiếng Mundari vùng bắc Ấn, mô tả cảnh tượng, chuyển động và âm thanh từ hai bờ mông khi một người mập đang bước đi.
Và dĩ nhiên là, ngôn ngữ không nhất thiết phải được phát âm ra: đâu đó khoảng 130 ngôn ngữ ký hiệu được công nhận hoàn toàn có thể sử dụng mà không cần tới âm thanh nào. Ngữ nghĩa có thể được truyền tải theo nhiều cách khác nhau: bằng tiếng nói, bằng ký hiệu ra dấu, trên trang in hay màn hình máy tính, đó là một sự thật lý thú. Ngôn ngữ không phụ thuộc vào một phương tiện diễn đạt cụ thể. Lạ lùng làm sao, nếu như có một điểm gì đó chung ở mọi ngôn ngữ của con người, thì nó hẳn được giấu bên dưới một pho khác biệt phong phú đến đáng ngờ.
Giữa lúc các phát hiện này xuất hiện trong thời gian qua, khái niệm bản năng ngôn ngữ dần dần thu hẹp lại thành một thành phần luôn có trong não người. Trong một phiên bản của khái niệm này vào năm 2002, Chomsky và đồng nghiệp ở Harvard nhận định rằng có lẽ tất cả những gì đặc trưng nhất ở ngôn ngữ loài người chính là khả năng tính toán đa mục đích, còn được gọi là “hồi quy.”
Hồi quy giúp chúng ta tái sắp xếp các đơn vị từ ngữ và văn phạm để tạo thành số lượng câu có độ phức vô tận. Chẳng hạn, tôi có thể cài mệnh đề quan hệ theo hồi quy – các mệnh đề bắt đầu bằng who hay which – để tạo ra những câu văn không-bao-giờ-kết-thúc: cửa hàng, nằm trên lối Petticoat, vốn gần Gherkin, vốn… Nhưng giờ thì chúng ta cũng biết rằng con người cũng không phải sinh vật duy nhất có khả năng nhận ra và sử dụng hồi quy: Loài sáo đá Châu Âu cũng có thể. Thuộc tính “đặc hữu” của văn phạm con người hẳn không phải duy nhất. Chưa hết, chúng ta cũng chưa thật sự rõ liệu đó có phải là một đặc tính có chung ở toàn bộ ngôn ngữ của con người hay không. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ nó thuộc tính kia chỉ xuất hiện khá muộn màng trong cuộc cách mạng các hệ thống văn phạm của con người, là kết quả hơn là nguyên nhân của quá trình đó. Trong vào năm 2005, nhà nhân học ngôn ngữ người Mỹ Daniel Everett đã nhận định rằng Pirahã – ngôn ngữ bản địa rừng nhiệt đới Amazon – không hề có hồi quy. Đây là một phát hiện thật sự kỳ lạ nếu như văn phạm thật sự được cài vào bộ não từ bẩm sinh.
Những đặc điểm toàn thể, nói thế là đủ. Có lẽ một vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan tới bản năng ngôn ngữ chính là những dự báo mà nó đưa ra về cách con người chúng ta học giao tiếp. Bản năng ngôn ngữ ban đầu nhằm để lý giải tốc độ tiếp thu ngôn ngữ diễn ra khá nhanh và tự động. Vấn đề nằm ở chỗ, dường như nó chỉ càng khiến quá trình tiếp thu diễn ra nhanh hơn và tự động hơn những gì xảy ra trên thực tế.

Khi một đứa trẻ được trang bị một hệ thống Văn phạm phổ quát bẩm sinh lĩnh hội ngôn ngữ thứ nhất, khả năng nhận ra quy luật văn phạm từ ngôn ngữ mẹ đẻ đầu vào sẽ khiến trẻ áp dụng quy luật này trong tất cả các trường hợp tương tự. Hãy nghĩ thử về danh từ "mèo". Nghe cha hoặc mẹ nói về con mèo – sử dụng mạo từ xác định the – sẽ thông báo với trẻ rằng mạo từ xác định có thể áp dụng cho tất cả các danh từ. Văn phạm phổ quát dự báo sẽ có danh từ, và có thể còn có thêm một chiến lược để điều chỉnh các danh từ này – để trẻ có thể dự đoán khi gặp lại từ loại này và tìm kiếm chiến lược mà ngôn ngữ Anh sử dụng để chỉ danh từ; còn được gọi là hệ thống mạo từ. Chỉ cần sau một vài lần nghe thấy mạo từ đứng trước một danh từ là đủ; bất cứ trẻ sơ sinh nào học tiếng Anh cũng có thể ngay lập tức nắm được quy luật này và áp dụng hoàn toàn thoải mái cho toàn bộ từ loại danh từ. Nói ngắn gọn, chúng ta nên dự kiến nhìn thấy những cú nhảy không liền lạc trong cách trẻ em lĩnh hội ngôn ngữ. Sẽ luôn có những đợt tung trào văn phạm phức tạp mỗi khi xuất hiện thêm một quy luật mới.
Đó là một dự đoán tài tình. Rủi thay, dự đoán ấy không hề khớp với những kết luận nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ tâm lý phát triển. Ngược lại, trẻ em dường như lĩnh ngộ văn phạm theo cách khá từ tốn, từng bữa một. Chẳng hạn, khi tập trung sử dụng hệ thống mạo từ tiếng Anh, trong một thời gian dài chúng sẽ áp dụng đúng một loại mạo từ (chẳng hạn mạo từ the) cho các danh từ mà chúng đã nghe qua được sử dụng kèm với mạo từ này. Chỉ sau này trẻ em mới nới rộng những gì các em nghe được, dần áp dụng các mạo từ khác cho nhiều danh từ hơn.
Kết quả này chừng như đúng đắn cho tất cả các phân loại văn phạm. “Quy luật” không được áp dụng đại trà không phân biệt, như kỳ vọng của chúng ta, giả sử như tồn tại một blueprint bẩm sinh cho văn phạm. Chúng ta dường như kiến thiết nên ngôn ngữ bằng cách nhận thấy những mô thức lặp lại trong hành vi ngôn ngữ mà ta bắt gặp, chứ không từ cách áp dụng các quy luật có sẵn trong mình. Theo thời gian, trẻ em chậm rãi nhận ra cách áp dụng các phân loại văn phạm khác nhau mà chúng bắt gặp. Do đó dù có vẻ rằng quá trình lĩnh hội ngôn ngữ diễn ra hết sức nhanh chóng, nó lại không hề tự động một chút nào: đây là một quá trình thử-sai-làm lại đầy khó nhọc.
Một bản năng ngôn ngữ trông như thế nào nhỉ? Nếu như ngôn ngữ xuất phát từ một gene văn phạm, tồn tại tại một tiểu khu đặc biệt trong não chúng ta trong quá trình hình thành và phát triển, dường như việc cho rằng ngôn ngữ cũng nên cấu thành một module riêng biệt trong não cũng là hết sức tự nhiên. Hẳn là có một khu vực cụ thể nào đó trong não bộ chỉ dành riêng cho lưu trữ, một vùng chuyên dụng chỉ dành riêng cho ngôn ngữ. Nói cách khác, cơ quan xử lý ngôn ngữ giả sử của bộ não cần phải được tách biệt ra – không chịu ảnh hưởng bởi các khía cạnh vận hành khác của tâm trí.
Một cách tình cờ, nghiên cứu thần kinh nhận thức suốt quãng hai thập kỷ qua cũng bắt đầu vén bức màn bí mật về vị trí trong não bộ nơi ngôn ngữ được xử lý. Ngắn gọn thì đó là ở tất cả mọi nơi. Ngày xưa, một vùng gọi là khu Broca được tin là trung khu ngôn ngữ của não bộ. Giờ đây chúng ta biết rằng vùng này không chỉ xử lý riêng ngôn ngữ - mà còn liên quan tới một loạt nhiều hành vi khác thuộc về cử động. Và các khía cạnh khác trong tri thức về ngôn ngữ và xử lý ngôn ngữ can dự vào gần như tất cả các nơi trong bộ não. Nếu như bộ não người cho thấy tính chuyên biệt nhất định trong việc xử lý các loại thông tin khác nhau, chẳng hạn như hình ảnh, thì dường như lại không có một điểm chuyên biệt nào chỉ dành riêng cho ngôn ngữ.
Nhưng có lẽ sự đặc thù của ngôn ngữ xuất hiện không phải ở “nơi nào” mà  ở “bằng cách nào”. Giả sử tồn tại một quá trình xử lý thần kinh nào đó đặc trưng chỉ có ở ngôn ngữ, bất kể nó xử lý như thế nào, trong não thì sao? Đây là quan điểm về tính module “chức năng”, không phải “cơ chế”. Khái niệm này thể hiện ở những cá nhân có khả năng ngôn ngữ bình thường nhưng khả năng nhận thức lại kém cỏi, hoặc ngược lại. Thực tế ấy mang tới cái mà các nhà khoa học gọi là “song tách” – cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các cơ quan về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Trong quyển Bản năng ngôn ngữ (1994), Steven Pinker khảo sát nhiều khiếm khuyết ngôn ngữ khác nhau nhằm hiểu rõ về sự tách biệt này. Chẳng hạn, một số trẻ mắc phải Khiếm khuyết ngôn ngữ cụ thể - trí tuệ chung của các em có vẻ vẫn bình thường nhưng chúng lại gặp khó khăn với các nhiệm vụ ngôn ngữ riêng biệt, vấp váp một số quy luật văn phạm, vân vân. Nghe như bằng chứng quả tang (kiểu họng súng còn nhả khói khi vừa cướp cò) – hoặc có vẻ như thế, cho tới khi hóa ra Khiếm khuyết này chỉ là sự thiếu vắng khả năng xử lý một số chi tiết âm thanh mà thôi. Nói cách khác, khiếm khuyết ấy là kết quả của sự khiếm khuyết về vận động, thay vì là một khiếm khuyết đặc trưng về ngôn ngữ. Các câu chuyện tương tự cũng khiến Pinker nhận định: vấn đề về phát ngôn hóa ra có nguồn gốc từ một thứ khác, không phải do ngôn ngữ.
Các lập luận đã có đều chỉ ra rằng chẳng hề tồn tại một cơ quan ngôn ngữ chuyên biệt nào trong não bộ. Một loạt bằng chứng khác thậm chí còn cho thấy một thực tế khác rõ nét hơn: chẳng thể nào có một nơi như vậy. Để cài một bộ Văn phạm khái quát vào vi mạch của não người, nó cần phải được duy trì qua gene. Nhưng nghiên cứu mới đây về sinh học thần kinh cho thấy ADN con người chẳng hề có thứ gì gần giống với khả năng chèn mã này. Bộ gene của con người có khả năng lưu trữ thông tin hết sức hạn chế. Một lượng lớn mã di truyền được sử dụng cho việc xây dựng hệ thần kinh, trước khi nó bắt đầu bất kỳ công việc khác. Ghi lại một thứ tri thức vừa chi tiết vừa cụ thể như cái được cho là Văn phạm phổ quát vào não một đứa trẻ sơ sinh sẽ sử dụng tài nguyên thông tin cực kỳ khổng lồ - thứ tài nguyên mà ADN của chúng ta không có đủ mà chi. Do đó tiền đề cơ bản của bản năng ngôn ngữ - cho rằng bản năng này có thể được di truyền – dường như khó lòng xảy ra.
Còn một vấn đề cuối cùng cũng không hề nhỏ xoay quanh khái niệm Văn phạm phổ quát. Đó chính là những hàm ý lạ lùng dành cho sự tiến hóa của con người. Nếu như ngôn ngữ được cài đặt theo di truyền, thì nó đã phải xuất hiện ở một thời điểm nào đó trong chuỗi tiến hóa của chúng ta. Một cách tình cờ, khi Chomsky hình thành lý thuyết của mình, ngôn ngữ thường được nhìn nhận là không tồn tại ở các loài khác trong chi con người, chẳng hạn ở người Neanderthal. Dường như lý thuyết này hạn chế khả năng hy hữu của chính nó. Trong khi đó, sự xuất hiện tương đối muộn màng của văn hóa loài người cách đây khoảng 50.000 năm trước (hãy nghĩ về chế tác công cụ phức tạp, nữ trang, họa phẩm trên vách hang và nhiều thứ khác) dường như vừa giải thích vừa khẳng định vì sao nó lại ra đời chậm đến như vậy. Chomsky lập luận rằng nó hẳn đã lần đầu xuất hiện chỉ khoảng 100.000 năm trước, và có thể nó xuất hiện bởi sự biến đổi về gene.
Ngẫm kỹ thì đó là một ý kiến rất kỳ quặc. Trước tiên, nó xem ngôn ngữ xảy ra qua trình biến đổi trên diện rộng: một cú phốc không liền lạc. Nhưng cách nghĩ này lại xung đột với thuyết tiến hóa tổng hợp tân-Darwin hiện đại, được đông đảo xem là chân lý, vốn cho rằng không có chỗ cho những biến đổi diện rộng từ thinh không mà ra như thế. Sự thích nghi không thể nào đùng một cái là trọn vẹn hình thành. Hơn nữa, một hệ quả kỳ lạ chẳng kém ở nhận định của Chomsky chính là ngôn ngữ lẽ ra không thể tiến hóa vì mục đích giao tiếp: nói cho cùng, kể cả khi một gene văn phạm giả sử xuất hiện bất chợt ở một cá thể may mắn nào đó (tự thân đã là điều gần như không thể nào xảy ra), cơ may để hai cá nhân có cùng một biến dị tình cờ như thế, ở vào cùng một thời điểm, lại càng khó xảy ra hơn. Như vậy, nếu nói theo lý thuyết bản năng ngôn ngữ, con người đầu tiên được trang bị ngôn ngữ chẳng có ai để chuyện trò cùng.
Dường như đã có điều gì đó sai sai. Và quả thật là vậy, khi giờ đây chúng ta tin rằng nhiều giả định tiến hóa của Chomsky là sai. Các tái thiết mới đây về thanh quản của người Neanderthal cho thấy rằng người Neanderthal có lẽ trên thực tế đã có một khả năng phát ngôn nào đó cũng rất hiện đại. Và cũng rõ ràng hơn nữa, rằng, khác rất xa với những kẻ thô kệch đần độn hay bị hình dung ra, họ sở hữu một nền văn hóa vật chất rất cầu kỳ - bao gồm khả năng điêu khắc trên vách hang và tạo ra những công cụ bằng đá tinh xảo – không mấy khác với cuộc bùng nổ về văn hóa con người cách đây 50.000 năm. Khó mà hình dung làm thế nào những con người này có thể xoay sở học tập cầu kỳ và hợp tác bắt buộc với người khác nếu như họ không có ngôn ngữ. Hơn nữa, phân tích về gene mới đây cho thấy rằng còn có xảy ra một chút nào đó quá trình giao phối – hầu hết con người hiện đại có một vài dấu vết của ADN đặc trưng của người Neanderthal trong mình. Khác xa với con người hiện đại vừa xuất hiện và quét xa nhóm người vượn tội nghiệp, dường như các Homo sapiens và Homo neanderthalensis ban đầu đã từng cộng sinh và lai giống cho nhau. Cho rằng hai nhóm người này hẳn đã liên lạc, giao tiếp với nhau dường như cũng không thật quá bất khả thi.
Là như thế, nhưng câu hỏi vẫn còn đó. Vì sao ngày nay, chỉ có con người là có ngôn ngữ, thứ hành vi phức tạp nhất của động vật, mà thôi? Chắc chắn một điều gì đó đã xảy ra và cắt chúng ta ra khỏi nhóm bà con còn tồn tại gần với mình nhất. Thách thức của trường phái phản đối lý thuyết bản năng ngôn ngữ chính là phải nêu ra được rốt cuộc thì nó có thể là gì. Và một giải thích khả dĩ đến từ cái mà chúng ta gọi là “trí tuệ hợp tác”, và những sự kiện đã khiến cho trí tuệ ấy được kích hoạt, xảy ra hơn hai triệu năm về trước.

Tổ tiên của con người, Homo, khởi thủy từ khoảng 2,5 triệu năm trước. Trước đó, các tổ tiên gần nhất của chúng ta thực chất là vượn đứng thẳng còn có tên gọi Australopithecines, các sinh vật có trí tuệ gần bằng tinh tinh. Nhưng vào một lúc nào đó đã xảy ra một thay đổi nào đó về môi sinh. Các sinh vật-tiền-con người khởi thủy này chuyển từ bữa ăn chủ yếu từ trái cây – như thức ăn của phần lớn loài vượn lớn – sang thịt. Loại thức ăn mới yêu cầu phải có các thu xếp đặc trưng giữa các cá thể và một loại chiến thuật hợp tác mới (khó có thể săn thú lớn một mình). Điều này dường như đã đưa tới các dạng thức ý nghĩ hợp tác mới chung chung: các thu xếp giữa các cá thể ra đời nhằm bảo đảm thợ săn nhận được phần thức ăn chia đều, và bảo đảm rằng phụ nữ và trẻ em vốn khó có thể tham gia quá trình săn bắt vẫn có phần của mình.
Theo nhà tâm lý so sánh người Mỹ Michael Tomasello, khi tổ tiên chung của Homo sapien và Homo neanderthal xuất hiện vào khoảng 300.000 năm trước, con người thủy tổ đã hình thành được một loại trí thông minh hợp tác tinh vi. Điều này có thể thấy rõ ở kết quả khảo cổ học, thể hiện cho thấy đời sống bầy đàn phức tạp và các thu xếp mang tính tương tác giữa con người thủy tổ. Có lẽ họ sử dụng biểu tượng – tiền thân của ngôn ngữ - cũng như khả năng suy nghĩ hồi quy (theo một số tài liệu, là kết quả của quá trình xuất hiện chậm chạp một hệ thống văn phạm biểu tượng càng lúc càng trở nên phức tạp hơn). Tình huống sinh thái mới mẻ khắc nghiệt đã dẫn tới thay đổi hành vi của con người. Sử dụng công cụ là bắt buộc, cũng như săn bắt tập thể, và các thu xếp mới mẻ hơn nữa giữa các cá thể - chẳng hạn thỏa thuận gìn giữ an toàn cho các đặc quyền truyền giống đơn giao khi con đực đi săn bắn.
Các sức ép cộng đồng mới mẻ này ắt hẳn đã xúc tiến những thay đổi trong tổ chức não bộ. Đồng thời, chúng ta chứng kiến khả năng dành cho ngôn ngữ. Suy cho cùng, ngôn ngữ chính là ví dụ kiểu mẫu cho hành vi hợp tác: ngôn ngữ yêu cầu những quy ước – những chuẩn mực chung được một cộng đồng đồng thuận – và có thể được triển khai để cùng nhau thực hiện tất cả các hành vi phức tạp khác trước yêu cầu mới.
Từ góc độ này, chúng ta không cần phải có một bản năng ngôn ngữ đặc biệt; chúng ta chỉ cần nhìn vào các thay đổi khiến mình là mình hôm nay, các thay đổi đã dọn đường sẵn cho ta phát ngôn. Điều này cho phép chúng ta hình dung về sự ra đời của ngôn ngữ là một quá trình dần diễn tiến xuất phát từ nhiều khuynh hướng chồng lấp lên nhau. Hẳn ngôn ngữ đã bắt đầu như một hệ thống cử chỉ phức tạp, chẳng hạn, để từ đó tiến triển thành các phát ngôn mô tả chúng. Nhưng chắc chắc thúc đẩy lớn nhất trên đường hình thành ngôn ngữ chính là sự phát triển của bản năng hợp tác. Nói như thế, tôi không hề có ý cho rằng chúng ta lúc nào cũng như vậy. Nhưng thật tình chúng ta gần như luôn nhận ra những người khác là các sinh vật có đầu óc giống mình, có tư duy và cảm xúc mà chúng ta muốn tìm cách gây ảnh hưởng.
Chúng ta xem bản năng này diễn ra ở trẻ sơ sinh khi chúng tìm cách lĩnh hội tiếng mẹ đẻ. Trẻ có các khả năng học hỏi tài tình hơn rất nhiều hình dung trước kia của Chomsky. Chúng có thể triển khai các khả năng nhận thức về các mối quan tâm phức tạp ngay từ bé, có lẽ chỉ chừng chín tháng tuổi, để bắt đầu hình dung ra mục đích giao tiếp của người lớn xung quanh. Và đây cũng chính là kết quả của những cái đầu hợp tác của con người. Tức chớ nên xem thường ngôn ngữ: khi ra đời, ngôn ngữ cho phép chúng ta nhào nặn thế giới theo ý chí cá nhân – dù tốt dù xấu. Ngôn ngữ giải phóng các khả năng phát minh và chuyển hóa to lớn của nhân loại. Nhưng ngôn ngữ không hề tới từ hư không, và không đứng độc lập với phần còn lại của cuộc sống. Cuối cùng, trong thế kỷ 21, chúng ta đang trong tư thế sắp sửa dứt bỏ cái huyền thoại về Văn phạm phổ quát, và bắt đầu nhìn về khía cạnh điển trưng của loài người theo đúng bản chất của nó.
k.