Giá Trị Bài Viết: Lịch sử hình thành gù lưng,Nguyên nhân có tư thế không chuẩn, Cách khắc phục một số tư thế, Một số mẹo để có vóc dáng đẹp.

Mở Bài

Thú thật thì mình nghĩ sẽ ít người quan tâm đến bài viết này vì cùng thành thật với nhau nào, người ta sẽ chọn một bài viết “bật mí 10 nghệ thuật giao tiếp của người thành công” thay vì “cải thiện ngôn ngữ cơ thể”. Không biết bạn tìm đọc bài viết này vì quan tâm đến nó hay đơn giản chỉ vì nó xuất hiện trên đề xuất, dù trường hợp nào mình cũng rất biết ơn vì bạn đã quan tâm đến cơ thể mình và đồng thời mình muốn nói rằng “Ngôn Ngữ Cơ Thể” là một trong những dễ bị bỏ qua nhất!
Có bao giờ bạn nhìn thấy một người cảm nhận ngày rằng “À! anh bạn này trông đáng tin cậy đây” hay “sao con bé nhìn rụt rè vậy”,... điểm chung là bạn chẳng cần nói chuyện với họ câu nào nhưng vẫn có thể kết luận họ là người thuộc kiểu người a b c.
Dù bạn có nhận ra hay không, cách bạn đứng, cách bạn ngồi, cách bạn nhìn vào người khác đều đang gửi đi một thông điệp. Một cái bắt tay mạnh mẽ có thể giúp bạn tạo ấn tượng tốt ngay lập tức, trong khi một tư thế gù lưng có thể vô tình khiến bạn trông thiếu tự tin.
Vậy làm sao để tận dụng ngôn ngữ cơ thể một cách có lợi nhất? Làm sao để đọc được suy nghĩ của người khác chỉ qua cử chỉ nhỏ? Xin chào mình là Kraven, đây là bài viết Ngôn Ngữ Cơ Thể, chương 4 của chuỗi bài viết CĐ&NQTV.
Dùng phần mục lục để nhảy đến phần bạn muốn đọc
Dùng phần mục lục để nhảy đến phần bạn muốn đọc

Câu Chuyện Cá Nhân

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ vài tháng một lần, mình lại được nghe một câu chuyện đầy cảm hứng (chắc cũng do self-help haha). Chuyện kể rằng ở Mỹ, thầy cô hỏi đám học sinh về ước mơ nghề nghiệp tương lai. Đến lượt một cậu bé, cậu ấy tuyên bố chắc nịch: “Em sẽ làm Tổng thống Mỹ!” Thầy cô cười rồi hỏi tiếp: “Vậy em cần làm gì đầu tiên để biến ước mơ thành hiện thực?” Cậu bé không ngần ngại đáp: “Sửa lại dáng đi của mình.” Lúc ấy, mình chỉ thấy câu chuyện này ngồ ngộ, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng phải giữ lưng thẳng, bước đi đàng hoàng. Giờ lớn lên rồi, mình tin chắc chả có ông Tổng thống Mỹ nào thực sự khởi đầu từ việc “sửa dáng đi” đâu, nhưng cái ý tưởng ấy vẫn cứ hay ho sao sao đó.
Rồi cuộc sống cuốn mình vào guồng quay công việc – sách vở, máy tính, giấy tờ ngập đầu. Lưng mình bắt đầu gù xuống, chẳng khác gì đa số mọi người thời nay. Chưa kể đến “kẻ thù” mang tên điện thoại, nó không chỉ làm lưng cong mà còn kéo luôn cổ mình chúi xuống. Mình chẳng phải ngoại lệ, cũng trở thành nạn nhân của cái tư thế xấu xí ấy một cách vô thức mới đau.
Cho đến một ngày, tình cờ xem lại mấy đoạn video quay kiểu "bắt khoảnh khắc", mình giật mình nhận ra bản thân trông tệ đến thế nào. Lưng khòm, cổ gập, mắt dán chặt vào màn hình điện thoại - đúng là mất hết thần thái. Nhưng rồi, trong chính video ấy, ở phía xa xa, có một anh chàng lạ mặt lại thu hút ánh nhìn của mình. Anh ấy ngồi đó, lưng thẳng tắp, tay dang rộng ngoài sau ghế đá, nở nụ cười tự tin, như thể đang lặng lẽ tỏa sáng giữa đám đông. Mình tự hỏi: “Sao một người chẳng liên quan, đứng xa tít như thế, lại có thể cướp hết spotlight của cả nhóm mình?”
Chắc đã đến lúc mình thay đổi. Mình bắt đầu để tâm hơn đến vóc dáng của bản thân. Lục tìm mấy chương trình về người mẫu để xem, mình phát hiện ra một điều: họ luôn giữ lưng thẳng, ngực ưỡn, toát lên vẻ tự tin hiếm có. Thế là mình quyết định hành động. Từng chút một, mình tập sửa tư thế – khi ngồi, khi đứng, khi bước đi. Chẳng dễ dàng gì, nhưng mình tin rằng, giống như cậu bé trong câu chuyện ngày xưa, chỉ cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, mình cũng có thể thay đổi, từng bước tiến gần hơn đến phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bản năng tự nhiên

Họ hàng gần nhất với chúng ta, các loài linh trưởng như khỉ hay vượn đều có lưng tương đối thẳng và ngang do chúng phải di chuyển bằng 4 chân (tư thế pronograde). Đến các loài di chuyển bằng 2 chân ở một số tình huống nhất định như tinh tinh, đười ươi nhưng cột sống của chúng không có độ cong như ở người.
img_0
Nếu bạn để ý thì em bé khi ngồi không hề cong lưng (lần sau để ý thử nhé), hay các vận động viên mù bẩm sinh, khi về đích họ vẫn ăn mừng kiểu dang rộng 2 tay và đưa tay lên trời - ăn mừng kiểu chiến thắng - trước giờ họ chưa từng thấy tư thế như vậy, nhưng khi họ đạt được thành tựu, họ vô thức có một tư thế như bao kẻ chiến thắng khác. Điều này chứng minh cho việc cơ thể con người vốn dĩ không sinh ra để thích nghi với việc gù lưng. Vậy điều gì đã thay đổi chúng ta?

Nguyên Nhân

Để trị được bệnh thì ta cần hiểu nguyên nhân của bệnh. Con người vốn không sinh ra để ngồi 8 tiếng/ ngày, hay bán mặt cho đất bán lưng cho trời,...  Trong quá trình tiến hóa, con người đã chuyển từ cuộc sống săn bắt hái lượm sang nền văn minh nông nghiệp, và sau đó là công nghiệp. Sự thay đổi này kéo theo những thói quen sinh hoạt mới. 
Trong thời kỳ săn bắt hái lượm, con người thường xuyên di chuyển và hoạt động đa dạng, giúp duy trì cột sống khỏe mạnh và linh hoạt. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nông nghiệp (10000 năm TCN), nhiều hoạt động yêu cầu tư thế cúi gập, như cày cấy và thu hoạch, dẫn đến áp lực liên tục lên cột sống. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người làm nông nghiệp trong thời gian dài có nguy cơ mất cân bằng cột sống và đau lưng cao hơn. [1]
Khi bước vào thời kỳ công nghiệp và hiện đại, nhiều công việc yêu cầu ngồi lâu và ít vận động, như làm việc văn phòng. Tư thế ngồi không đúng, đặc biệt là khi sử dụng máy tính, điện thoại, đọc sách,... đến cả những đứa trẻ còn phải ngồi học hàng giờ kia mà. Trong thời gian dài, có thể dẫn đến cong lưng, vừa gây thiếu tự tin, cổ thì cúi xuống dùng điện thoại, mất thẩm mỹ.

Tác hại tiềm ẩn của gù lưng

Kỳ thực, ai cũng biết cong lưng là xấu nhưng ai cũng làm, nguyên do là việc cong lưng rất thoải mái, nó không tốn nhiều sức và bỗng nhiên trở thành thói quen của chúng ta. Do đó, một người gù lưng cũng vô tình phát cho ta một tín hiệu là “à, anh chàng này coi bộ lười đây”. Hay một người mà, tay chân thì luống cuống, miệng thì ấp a ấp ớ, không dám nhìn thẳng vào mắt đối phương thì phát ra tín hiệu “anh chàng này rụt rè quá vậy?”. Ngược lại, bạn có bao giờ để ý rằng một người có khuôn mặt tươi cười, vai rộng, hay dáng đi tự tin thường dễ “đốn tim” người khác không?
Ví dụ nhé, nghiên cứu của Devendra Singh thường được đàn ông đánh giá là hấp dẫn hơn, vì nó vô thức gợi lên ý niệm về sức khỏe và khả năng sinh sản. Với đàn ông thì sao? Vai rộng, ngực ưỡn, dáng đứng thẳng luôn được xem là biểu tượng của sự mạnh mẽ và đáng tin cậy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mấy anh siêu anh hùng trong phim lúc nào cũng đứng kiểu “ta đây là số một” đúng không?
img_1
Vậy với phụ nữ thì sao? Một nghiên cứu khác từ Tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin chỉ ra rằng nếu phụ nữ có tỷ lệ eo-hông cân đối (khoảng 0.7), làn da mịn màng và khỏe mạnh, cùng với tư thế đứng thẳng và tự tin, thì họ thường được xem là hấp dẫn hơn, đáng tin cậy hơn, và có sức khỏe tốt hơn trong mắt người đối diện. Lý do là những đặc điểm này không chỉ phản ánh vẻ đẹp thể chất mà còn gửi tín hiệu về khả năng sinh sản và sự tự tin trong giao tiếp xã hội. Chẳng hạn, làn da mịn màng thường được liên kết với mức hormone ổn định, trong khi tư thế đứng thẳng cho thấy sự mạnh mẽ và tự tin – điều mà ai cũng dễ bị thu hút. (đây cũng là lý do chính mình tin vào việc con trai yêu bằng mắt)

Khắc phục và cải thiện tư thế

Trích trong quyển The Way Of The Superior Man - David Deida (một trong những lý do chính để mình viết nên chương này).
“Để ý những lần bạn thấy khó khăn khi nhìn vào mắt người khác, hay những lần lồng ngực và vùng giữa xương sườn của bạn căng thẳng và co thắt lại. Đây là dấu hiệu của một phản ứng không chuyên nghiệp với đau đớn… Người đàn ông vượt trội thực hiện mở lòng trong những lúc khép mình theo phản xạ như vậy. Mở rộng phần cơ thể ở phía trước để lòng ngực và vùng giữa các xương sườn của bạn tránh được căng thẳng… nhìn thẳng vào mắt bất cứ ai ở cạnh bạn, cảm nhận nỗi đau của chính mình cũng như cảm xúc của đối phương.”
Đúng vậy, hãy làm theo những điều đó. Nhưng làm sao để biến một người từ rụt rè thành “những điều đó” thì cần nhiều quá trình, sau đây là từng bước cơ bản. 

Lợi ích của hình thể tốt

Ông bà ta có câu “tâm sinh tướng” còn với khoa học thì nói “bạn có cảm giác như thế nào thì cơ thể sẽ phản ánh như thế”.
Bạn có bao giờ để ý không, cái cảm giác khi mình đứng thẳng lưng, ngực ưỡn ra một chút, tự nhiên thấy mình “chất” hơn hẳn? Tư thế tốt không chỉ làm bạn trông đẹp hơn trong mắt người khác đâu, mà nó còn âm thầm giúp cơ thể bạn dễ chịu hơn mỗi ngày. Chẳng hạn, lúc ngồi làm việc lâu mà lưng thẳng, bạn sẽ đỡ bị mỏi cổ hay đau lưng hẳn – kiểu như giải phóng cơ thể khỏi cái cảnh cứ phải xoa bóp suốt ấy.
Rồi còn chuyện thở nữa, bạn thử để ý mà xem, khi đứng thẳng, hít vào thở ra nó sâu hơn, thoải mái hơn. Đầu óc cũng vì thế mà tỉnh táo hơn, không bị cái cảm giác lờ đờ khi ngồi gù lưng cả ngày. Mà nói thật, tư thế tốt còn làm bạn tự tin hơn hẳn, cứ thử tưởng tượng bước vào phòng họp hay đi gặp ai đó với dáng đứng hiên ngang, ai mà chẳng ấn tượng?
Còn một cái hay nữa là nó ảnh hưởng đến tâm trạng. Có hôm nào bạn thấy hơi chán, thử đứng dậy, vươn vai, ngẩng đầu lên xem – tự nhiên thấy đời bớt xám xịt hơn chút xíu (nhưng chung quy lại thì vẫn tệ hehe). Nói chung, tư thế tốt không chỉ là chuyện dáng dấp, mà là cách để bạn sống khỏe, vui, và “cool” hơn mỗi ngày. Thử để ý mà điều chỉnh dần đi nhé, bạn sẽ thấy khác liền! Nghiên cứu được thực hiện trên 74 người, chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: một nhóm ngồi thẳng lưng và một nhóm ngồi gù. Kết quả cho thấy nhóm ngồi thẳng lưng báo cáo cảm giác tự tin hơn, ít sợ hãi hơn, và tâm trạng tích cực hơn so với nhóm ngồi gù. Họ cũng có tốc độ nói nhanh hơn và ít tập trung vào bản thân (self-focus), điều này liên quan đến việc giảm căng thẳng [2]
Đối với cánh mày râu, việc có một tư thế chuẩn sẽ khiến anh em trông cao to hơn từ đó dễ cạo cảm giác rằng “à! anh bạn này đáng tin cậy đây”. Trong khi với các chị em, việc giữ đúng tư thế sẽ làm cho các đường cong của cơ thể trong rõ ràng và quyến rũ hơn.

Những tư thế tốt

img_2
Ngoài những điều mình nêu như thẳng lưng, thẳng cổ,... thì cũng có một số tư thế khác mà bạn cần lưu ý. Dù bạn có để ý hay không, nhưng một người trong thu người lại, đôi mắt đảo liên tục,... thì trong họ rất đáng nghi. Những người không tự tin thường có xu hướng thu mình lại như vắt chéo chân, khoanh tay, ngồi ở mép ghế (thay vì ngồi vào trung tâm ghế) bỏ tay vào túi quần,...những hành động này là vô thức, cốt là để họ trong được an toàn hơn.
Vậy ngược lại với những tư thế đó thì sao? Người mở rộng cơ thể, đôi mắt giữ cố định, thoải mái, đi đứng không hấp tấp. Là đàn ông thì nên di chuyển một cách chậm rãi và giữ nguyên tốc độ khi di chuyển vì cốt lõi làm nên sự bản lĩnh của người đàn ông đó là sự điềm đạm và chín chắn (ý kiến chủ quan của thằng viết bài). Tay nên để thả lỏng, có thể vung tay khi giao tiếp cho uyển chuyển hay đơn giản là cằm một cốc nước cho tay đỡ bị sượng.
img_3
Tất nhiên là cũng tùy trường hợp mà ta sử dụng tư thế ấy. Ví dụ như với bạn thân hay một mình thì bạn có thể ở tư thế nào cũng được, nhưng với người lớn tuổi hơn thì điều đó tuyệt đối là cấm kỵ vì trông rất vô lễ.
Mẹo: Rất nhiều bạn ngại khi nhìn trực tiếp vào mắt người khác. Một mẹo ở đây là hãy nhìn vào giữa phần chân mày của họ. Khi giao tiếp với một ai đó, việc nhìn thẳng vào người chính diện có thể gây khó chịu, nhưng cũng không có nghĩa là bạn chỉ nhìn mây nhìn trời. Thi thoảng hãy áp dụng cách nhìn của mình nhé.
Tiếp theo đó là về biểu cảm trên khuôn mặt. Một sự thật là khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ cười. Nhưng nếu bạn giữ nguyên miệng cười trong vòng 30s, thì bạn cũng sẽ tự cảm thấy hạnh phúc dù bạn chẳng có cảm xúc gì trước đó cả. Mỗi sáng khi thức dậy, hãy tự thưởng mình một nụ cười để biết bản thân còn được sống bạn nhé.
Đối với những bạn có cơ địa khuôn mặt mình gọi là “căng” - là khuôn mặt sinh ra đã trông cộc cằn (cọc hay cộc mới đúng chính tả nhỉ?) - thì bạn hãy tập động tác hơi nhướng mày xem. Chắc chắn không phải kiểu nhướng quá lố bịch, mà là vừa đủ, hãy tập trước gương cho đến khi bạn cảm thấy khuôn mặt mình đang ở trạng thái tốt nhất nhé.
Nhướng vừa phải làm bạn "tươi" và dễ gần hơn
Nhướng vừa phải làm bạn "tươi" và dễ gần hơn

Thiền

Ngoài các phương pháp rèn luyện thể chất như yoga, tập gym hay các bài tập điều chỉnh tư thế, thiền cũng là một công cụ vô cùng hiệu quả để cải thiện vóc dáng và tư thế. Trong các buổi thiền, đặc biệt là thiền ngồi, bạn bắt buộc phải giữ lưng thẳng, cổ thẳng và vai thả lỏng. Duy trì tư thế này trong thời gian dài giúp bạn hình thành thói quen giữ cột sống đúng chuẩn.
Không chỉ vậy, thiền còn giúp bạn phát triển sự nhận thức về cơ thể. Khi nhắm mắt và tập trung vào hơi thở, bạn dễ dàng cảm nhận được từng điểm căng, đau hay lệch trong tư thế của mình – điều mà bình thường bạn sẽ bỏ qua. Nhờ đó, bạn dần chỉnh sửa những điểm sai lệch ấy một cách tự nhiên, không gượng ép.

Kết bài

Tóm lại, ngôn ngữ cơ thể — từ cách bạn đứng, ngồi, đi lại cho đến biểu cảm gương mặt — luôn gửi đi những thông điệp vô cùng mạnh mẽ về con người bạn. Bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất như giữ lưng thẳng, ngực ưỡn, ánh mắt tự tin hay một nụ cười chân thành, bạn không chỉ tạo ấn tượng tốt với người khác mà còn mang lại cho chính mình sức khỏe, tinh thần minh mẫn và sự tự tin vững vàng. Hãy tập chú ý và rèn luyện mỗi ngày, bởi thay đổi tư thế chính là khởi đầu của hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn.
14:20 | 29/04/2025
Kraven
Tham Khảo:
[1] https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7477152/
[2] Nair, S., et al. (2015). "Do Slumped and Upright Postures Affect Stress Responses? A Randomized Trial." Health Psychology, 34(6), 632-641.