Ngôi trường mọi khi – Vùng ký ức tươi đẹp về một thời cắp sách tới trường
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người đọc chắc chắn không thể nào quên được những tác phẩm của ông với những câu chuyện đầy cảm xúc...
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người đọc chắc chắn không thể nào quên được những tác phẩm của ông với những câu chuyện đầy cảm xúc và chân thực dành cho tuổi mới lớn. Không nằm ngoài dòng chảy đó, tác phẩm “Ngôi trường mọi khi” của ông là những câu chuyện về nhóm bạn học sinh cấp 3 với đầy ắp những kỷ niệm vui buồn hờn giận và những trò chơi tinh nghịch của tuổi mới lớn. Thời trung học phổ thông luôn luôn được coi là lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời đi học của tất cả mọi người, ở lứa tuổi mới lớn này ta có thể có những cảm nhận sâu sắc về những biến đổi tâm lý trong lòng mỗi một cô cậu học trò như: những cảm xúc bỡ ngỡ ban đầu khi bắt đầu cuộc sống ở lứa tuổi trung học phổ thông, cách đối nhân xử thể với những người bạn trong lớp hay những câu chuyện về những cảm xúc rung động đầu đời vô cùng chân thành và giản dị…Tất cả những điều này đều được thể hiện một cách rõ ràng trong tác phẩm “Ngôi trường mọi khi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nội dung chính của tác phẩm
Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã khắc hoạ trước mặt người đọc một không khí lớp học vô cùng dễ thương và gần gũi, tràn đầy những tình cảm ấm áp giữa những người bạn học trong cùng mội ngôi trường có tên là Ngôi trường mọi khi là Hạt Tiêu, Tóc ngắn, Bảnh trai, Răng chuột, Hột mít, Mặn mụn, Tóc bím, Bắp rang, Ria mép, Kiếng cận. Tất cả đều xoay quanh những câu chuyện với đầy đủ những cung bậc cảm xúc vui buồn hờn giận về nhóm bạn này
Phút bỡ ngỡ ban đầu của những cô bé khi được mặc tà áo dài trắng đến trường, chính thức được gọi là những nữ sinh trung học.
Khi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa THPT, trong mỗi chúng ta đều bắt đầu đã có những thay đổi về suy nghĩ, tâm lý, phong cách….đặc biệt là đối với các bạn nữ bởi lúc này các bạn đã chính thức được gọi là những nữ sinh trung học, các bạn sẽ bắt đầu phải làm quen với tà áo dài trắng mỗi khi đến trường. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bút pháp và cách kể chuyện vô cùng dí dóm, phóng khoáng dành cho tuổi mới lớn, ông đã giúp bạn đọc cảm nhận được sự bối rối, ngại ngùng của hai cô nàng Tóc bím và Tóc Ngắn khi lần đầu được mặc tà áo dài đến trường với những sắc thái khác nhau. Đối với Tóc Bím “cô bé cảm thấy vô cùng hồi hộp và cảm thấy nó thật sự vô cùng vướng víu khi mặc trên người, cái cúc áo cũng phải quay ngược tay ra để cài lại”, còn với cô nàng Tóc ngắn – một cô nàng vô cùng cá tính, cô được tác giả miêu tả “mặc đồ con trai, đi đứng theo kiểu con trai, dận giày addidas, hai chân đi khuỳnh khuỳnh hệt như Myke Tyson sắp thượng đài Las Vegas”, chính sự miêu tả đầy hài hước và dí dỏm này đã mang đến cho độc giả một sự chờ đợi và mong mỏi sự xuất hiện của Tóc ngắn trong bóng dáng của cô nữ sinh trung học phổ thông. Khi cô nàng xuất hiện tại trường, tất cả mọi người đều đã vô cùng choáng ngợp về sự thay đổi vô cùng chóng mặt của cô nàng, đúng ra dáng của một nữ sinh cấp ba chính hiệu khiến cho những anh bạn con trai phải ra sức trầm trồ khen ngợi về sự thay đổi quá bất ngờ này.
Những câu chuyện đầy cảm xúc về tình bạn và “Tình yêu” tuổi học trò đầy hồn nhiên, mơ mộng.
Đối với những ai đã và đang còn ngồi trên ghế nhà trường, tình bạn chắc chắn là một thứ “gia vị” không thể thiếu, đó là những người luôn luôn chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ khi ta khó khăn. Trong tác phẩm này, người đọc cảm nhận được tình bạn chân thành cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn cho cậu bé Răng Chuột. Ban đầu, cậu vô cùng tự ti về gia cảnh của mình, luôn luôn từ chối tham gia các hoạt động của lớp. Khi tất cả nhóm bạn đã biết được hoàn cảnh khó khăn của cậu, tất cả mọi người trong lớp từ lớp phó học tập Bảnh Trai cho đến lớp trưởng Hột Mít đều cố gắng giúp đỡ cậu bằng hết những khả năng của mình: người cho cuốn tập mới, người thì lại cho cuốn sách….khi đọc đến đây, tất cả độc giả đều cảm thấy vô cùng trân trọng tình bạn của nhóm bạn thực sự trong sáng và chan hoà tình đoàn kết, không phân biệt hoàn cảnh giữa các thành viên.
Song hành với tình bạn, ta không thể không nhắc đến những rung động đầu đời của lứa tuổi mới lớn. Một thời cắp sách đến trường với bảng đen và phấn trắng, mỗi người chúng ta đều có những kỷ niệm đáng nhớ với bạn bè, thầy cô và đặc biệt là những mối tình đầu thuở niên thiếu với những ngây thơ, khờ dại. Tác giả đã khắc hoạ trước mặt bạn đọc một mối tình đậm chất lứa tuổi học trò giữa Bảnh Trai và cô nàng Tóc Ngắn đầy cá tính và mạnh mẽ. Bảnh Trai chính là hình ảnh tiêu biểu của những cậu học trò còn khá rụt rè, nhút nhát, trong đầu luôn nghĩ về người ấy nhưng lại thật khó để bộc lộ cảm xúc bởi sự ương ngạnh, cá tính của cô nàng Tóc Ngắn. Cậu đã thử thăm dò cô nàng xem vị trị của cậu trong lòng cô bé ra sao thì cái kết nhận được vô cùng dở khóc dở cười: cậu còn xếp sau cả thằng Mí và Con Mi – hai con chó và con mèo cưng của Tóc Ngắn. Thông qua giọng văn cùng lối kể chuyện đầy hóm hỉnh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông đã đưa các độc giả tìm về được với tình yêu của tuổi thanh xuân trong lòng mỗi người, đó là một thứ tình cảm trong trẻo, thuần khiết nhưng cũng rất hồn nhiên, tinh nghịch mang đậm màu sắc học trò.
Câu chuyện nhân văn về tình cảm gia đình
Ngoài những câu chuyện đầy cảm xúc về tình bạn, tình yêu học trò thì trong tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng khắc hoạ cho người đọc về câu chuyện đầy nhân văn về tình cảm gia đình cùng nghị lực vượt qua khó khăn của hai anh em Răng Chuột và Cọng Rơm, hai anh em có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, bố mẹ ly thân. Sau giờ học, Răng Chuột phải đi làm thêm ở quán ăn để trang trải cuộc sống cho hai anh em, cậu đã phải nói dối cả em gái là mình đi dạy thêm để em gái bớt lo. Trong một lần tình cờ đi giao đồ ăn, Răng Chuột đã vô tình gặp lại người mẹ của mình đang đi làm giúp việc cho một gia đình khá giả, mẹ cậu bé cũng đã nói dối với hai anh em rằng – bà đi dạy thêm để gửi tiền về cho hai anh em. Khi đọc đến đây, người đọc đều cảm thấy vô cùng khâm phục về nghị lực của Răng Chuột, mặc dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng cậu vẫn cố gắng vượt qua hoàn cảnh, luôn luôn cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Câu chuyện nhân văn về tình cảm gia đình trong tác phẩm này đã được tác giả dựng lên một màn kết vô cùng ý nghĩa cho tất cả độc giả. Trong buổi lễ bế giảng, cả bố mẹ của Răng Chuột và Cọng Rơm không hẹn mà gặp đều đã xuất hiện trong buổi liên hoan văn nghệ tổng kết cuối năm, sự có mặt của cả hai bố mẹ đã tạo nên một cảm xúc vỡ oà cho cả hai anh em, một chi tiết rất đặc biệt mà tác giả đã khắc họa lên ở phần kết truyện. Trong tiết mục văn nghệ bê giảng, hai anh em đã cùng hát bài “Cả nhà thương nhau”, tiết mục dường như cũng đã nói lên ước nguyện cháy bỏng của hai anh em cậu, cả gia đình sẽ đoàn tụ trở lại dưới một mái nhà, hai anh em sẽ có một cuộc sống đầy đủ cả bố và mẹ. Mặc dù chưa biết liệu bố mẹ của cậu bé có thể vì hạnh phúc của hai đứa trẻ mà dẹp bỏ những mẫu thuẫn, bất hoà để quay về với nhau không nhưng đây cũng chính là một món quà vô cùng ý nghĩa cho Răng Chuột để cậu bé có thể tiếp tục vững bước hơn trên con đường học tập và cuộc sống của mình trong tương lai
Những sắc màu ký ức tươi đẹp về thời áo trắng
“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, khi nhắc đến câu nói này tất cả mỗi người trong mỗi chúng ta đều có thể nghĩ ngay đến những trò nghịch ngợm, tinh quái của những cô cậu học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường, khi đặt trong bối cảnh của tác phẩm “Ngôi trường mọi khi” thì ý nghĩa của câu nói này lại càng được bộc lộ rõ nét qua từng trang sách, từng tình huống xảy ra trong truyện cũng như trong diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Tác phẩm có thể được coi là một bức tranh đa sắc màu về một thời áo trắng sôi nổi, hồn nhiên mơ mộng và đầy vô tư.
Thông qua nhưng mảng màu chi tiết đặc sắc, giọng văn đầy hóm hỉnh, lôi cuốn nhưng cũng chất chứa nhiều cảm xúc, tác giả đã rất thành công trong việc đưa người đọc lên chuyến tàu để trở về với những ngày tháng thanh xuân rực rỡ của mình thông qua cách xây dựng tình huống truyện rất logic và chặt chẽ, các nhân vật trong truyện đều được tác giả khắc hoạ rõ nét với những nét tính cách thể hiện sự tinh nghịch, lém lỉnh, hồn nhiên của lứa tuổi học trò. Một lần nữa ta có thể khẳng định rằng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thực sự vẫn là một thỏi nam châm có sức hút rất lớn với lứa tuổi học trò và các tác phẩm của ông vẫn sẽ tạo nên những vùng ký ức tươi đẹp cho mọi thế hệ học sinh.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất