"Ngôi thứ nhất số ít" và số nhiều triết lý sống của Haruki Murakami
Ngôi thứ nhất số ít là những lần "nhất kỳ, nhất hội" của con người
Sau nhiều ngày rong ruổi với tiểu thuyết trinh thám, mình đã gặp lại tác giả yêu thích Haruki Murakami với tác phẩm xuất bản mới nhất “Ngôi thứ nhất số ít”. Sách gồm tám truyện ngắn, được kể theo ngôi thứ nhất với góc nhìn từ những người đàn ông.
Quyển sách là những lần "nhất kỳ, nhất hội" của con người. Trong Trên gối đá, người con trai chỉ ở bên cô gái một đêm và hôm sau hai người lại hai đường thẳng song song, hay trong Kem cậu trai trẻ bị ám ảnh với câu hỏi “Hình tròn có nhiều tâm, đã vậy lại không có đường ngoại biên” của ông lão lạ mặt qua đường mãi về sau. Chính điểm chung đó làm nên phong cách rất Murakami - các nhân vật gặp gỡ rồi đột nhiên biến mất, bằng cách này hay cách khác.
Murakami còn mang đến cảm giác hợp lý của những điều phi lý. Ông nhắc đến hình tượng "kem của kem, thứ tốt nhất trong những thứ tốt nhất", kể câu chuyện "tôi" tâm sự với con khỉ biết nói ăn cắp tên của những người con gái thầm thương hay một thế giới khác trong gương. Với giọng văn cuốn hút và trí tưởng tượng phong phú, Murakami đã mang đến những câu chuyện chân thực mà cũng đầy huyền ảo, thách thức địa hạt sáng tạo của độc giả.
Thực tâm mà nói những truyện trong “Ngôi thứ nhất số ít” hơi ngắn và chưa thể hiện hết sự tài hoa của tác giả so với các phẩm lớn khác nhưng đủ hiệu quả khi nhà văn duy trì lối viết đơn giản, miêu tả số phận “những ký sinh đô thị” gần gũi, quen thuộc và truyền tải số nhiều những triết lý sống của tác giả. Qua đó, chúng ta nhìn thấy những mảnh ghép của cuộc sống, những ký ức và cảm xúc sống động, tạo nên một bức tranh thành thị đầy hiện sinh.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất