Ngôi nhà chung
5/12/2017, Việt Nam Ngôi nhà của các bạn trông như thế nào? Hiện tại, chúng tôi đang đặt chân trên mảnh đất Cà Mau - nơi tận cùng...
5/12/2017, Việt Nam
Ngôi nhà của các bạn trông như thế nào?
Hiện tại, chúng tôi đang đặt chân trên mảnh đất Cà Mau - nơi tận cùng Tổ quốc. Cà Mau là một vùng đất nằm ở cực nam của Việt Nam, đây là nơi có ba mặt giáp biển nên trông nó giống như một bán đảo có dạng hình chữ V. Thiên nhiên ở đây cũng rất đa đạng, phong phú với hệ sinh thái rừng ngập mặn và chúng tôi đã có một chuyến phiêu lưu kì thú ở đó. Điểm đến của chúng tôi là rừng đước Cà Mau, hay còn được người dân ở đây gọi là rừng đước Năm Căn hoặc đơn giản hơn là rừng đước. Đây là một bộ phận của rừng ngập mặn Cà Mau, đứng thứ 2 về tầm quan trọng chỉ sau rừng ngập mặn ở sông Amazon. Để có thể tiến sâu và rừng thì cách tốt nhất là dùng thuyền nhỏ, xuồng ba lá là một phương tiện di chuyển rất tuyệt vời ở đây. Lênh đênh trên những con rạch chằng chịt ở đây chẳng khác nào đi vào mê cung, tên của những con rạch này thì chỉ có người bản địa mới biết được hết. Gọi là rừng đước nhưng không phải chỉ toàn là đước, xem lẫn vào đó là rất nhiều loại cây có thể sống ở vùng nước mặn như mắm, chà là và một số loài dương xỉ. Ngồi thuyền được khoảng 15 phút thì chúng tôi đã gần tới nơi, bỏ xuồng lại đó, chúng tôi cuốc bộ vào sâu trong rừng. Đi trong rừng ngập mặn quả là một hành trình gian nan, chẳng có con đường cũng chẳng có lối đi, chúng tôi phải leo qua những cái rễ đước mọc chằng chịt, cái này chồng lên cái kia, cái kia lại nằm dưới cái nọ, tất cả chúng cứ đan xen như mạng nhện. Khi di chuyển ở đây, nếu lỡ chân rơi xuống bùn (người dân ở đây gọi là sình) thì sẽ bị lún xuống quá đầu gối, từng lớp sình quánh đặc cứ ngoạm lấy chân không chịu nhả ra, nếu không có ai giúp đỡ thì việc rút chân lên tưởng là dễ như trở bàn tay lại trở thành một thách thức thật sự. Chính vì như thế nên chẳng một ai muốn bị rơi xuống bùn cả. Chúng tôi leo lên từng sợi rễ cắm chặt xuống đất, những chiếc rễ chống to gần bằng thân cây trông như những bàn tay bấu chặt xuống vùng đất phía dưới, cuộc hành trình của chúng tôi đã trở thành một buổi diễn xiếc khi mà chúng tôi phải liên tục luồn lách và bước từ cây này qua cây nọ. Sau khoảng 1 giờ luồn rừng thì chúng tôi cũng đã tới nơi. Đây là nơi tiếp giáp giữa đất liền và biển, đứng ở đây trông ra xa ngoài kia là một vùng biển rộng mênh mông, cứ như là tôi đang đứng tại nơi tận cùng của thế giới. Chúng tôi bắt đầu công việc của mình, những chiếc máy quay được đặt lên và cố định lại trên những chiếc rễ cây, ở đây thậm chí còn chẳng có nổi một khoảng đất khô ráo để đặt những thứ chúng tôi mang theo, mọi thứ đều được treo trên cây kể cả đồ ăn hay thức uống nên cây đước trông chẳng có gì ăn được bỗng nhiên trở thành một siêu thị thực phẩm cho chúng tôi. Nói đến hệ sinh thái ở đây, quả thực là nó rất đa dạng, ở khoảng không gian phía trên đầu tôi là những tán lá rậm rạp, nó nhiều đến nỗi những tia nắng chỉ lọt qua được chút ít, cao hơn nữa là bầu trời, bầu trời trong xanh không một gợn mây, ngay cả khi có một người nghệ sĩ đa sầu, đa cảm hay là có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể hình dung ra được một đàn trâu cặm cụi làm việc trên các cánh đồng vùng đồng bằng Bắc bộ hay là một ổ bánh mì Sài Gòn thơm phức mới ra lò từ những đám mây kia, ở đây chỉ có yên tĩnh một sự yên tĩnh đến đáng sợ. Thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ lướt ngang qua cũng phá vỡ sự yên tĩnh đó, tiếng lá cọ vào nhau xào xạc, tiếng chim bay và tiếng của những cơn sóng đập vào bờ - những con sóng trĩu nặng phù sa ngày ngày giúp nối dài đất nước. Nhưng cũng chỉ trong thoáng chốc, mọi thứ lại trở nên yên tĩnh. Phần tán cây rậm rạp cũng là những ngôi nhà của loài chim, chim ở đây có rất nhiều, nhiều loài và cũng có rất nhiều thành viên trong mỗi loài, chúng đậu thành hàng trên tán cây, khi có động chúng lập tức bay đi, và lại trở về như không có chuyện gì xảy ra. Trên cây cũng có rất nhiều tổ chim, những ngôi nhà bé nhỏ xinh xinh có mặt ở khắp nơi, và dường như mỗi loài lại có một sở thích riêng trong việc xây nơi để ờ cho riêng mình, có những cái tổ được đặt ở phần thân cây trông khá chắc chắn, cũng có những cái trông như chiếc giỏ đan khéo léo đặt tít ở ngoài nhánh cây, mỗi khi có gió đi qua nó lại đung đưa theo từng nhịp, tưởng chừng như nó sẽ rơi ra và mặc cho gió cuốn đi. Nhưng không, nó vẫn ở đấy, mềm dẻo, nhưng vẫn đầy cứng rắn, mặc cho cơn gió cố tách nó ra khỏi nhánh cây, trông nó không có vẻ gì là chống chọi lại, nhưng nó vẫn cứ đung đưa, không bỏ cuộc. Cũng có những ngôi nhà vững chãi như tổ của loài cò, chúng làm tổ trên ngọn cây nhưng tổ của chúng thường rất to, nó cứ hiên ngang hứng chịu những cơn gió quật vào. Khoảng không gian dưới tán cây thì không có gì có thể tả được nó, một khoảng không trống rỗng, ngoài những thân cây như những cây cột đâm thẳng lên trời thì không có bất cứ thứ gì ở đây cả. Nếu bắt buộc phải tìm thứ gì đó ở đây thì chắc là muỗi, muỗi ở rừng nhiều vô số kể, chúng hoạt động bất kể ban ngày hay là ban đêm và chúng không từ một ai cả, thì ra thứ tiếng mà tôi cứ nghĩ tiếng của gió của rừng cây là do những con muỗi tạo ra. Nhìn xuống phía dưới nữa là phần gốc cây, nơi này giống như cả một hệ sinh thái thu nhỏ lại, mỗi gốc cây như là một thế giới riêng, một ngôi nhà chung của rất nhiều loài. Loài đầu tiên phải kể đến là ba khía, ba khía càng xanh, càng đỏ bám đầy quanh những chiếc rễ cây, và có vẻ như chúng chẳng hề sợ sệt con người, khi tôi vừa đặt chân xuống định quan sát kĩ hơn thì chúng liền giương hai chiếc càng của mình lên, chúng sẵn sàng tấn công bất cứ thứ gì đe doạ đến sự an toàn của nơi có thể gọi là lãnh thổ của chúng. Vượt qua lớp hàng rào với những chú lính gác ba khía là một vùng nước nông, nơi này tập chung khá nhiều cá, những con cá bé nhỏ hoảng sợ khi thấy tôi đến gần, chúng bơi tán loạn làm cho vùng nước khá trong bỗng trở nên đục ngầu. Một lúc sau, phù sa lắng xuống và những con cá lại hiện ra, chúng đang bơi, rõ ràng là chúng đang bơi, hai vây chúng vẫn nhẹ nhàng chuyển động nhưng cơ thể thì vẫn đang bất động. Chắc là chúng đang săn mồi, động vật phù du ở đây thì nhiều vô số kể, chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của chúng nhưng chẳng tài nào thấy được, những con mồi ở đây thì có thể kể đến lăng quăng, lăng quăng có khá nhiều, mặc dù là món khoái khẩu của hầu hết các loài cá nhưng chúng vẫn có thể sống sót ở đây, chẳng hiểu sao ở đây lại có lăng quăng được nhỉ? Dưới gốc đước gần như không có bất cứ một con cá to nào và cũng chẳng có loài chim ăn cá nào có thể săn mồi ở đây, có lẽ vì lý do đó mà gốc đước là một ngôi nhà cực kì an toàn cho những loài yếu đuối. Bên ngoài những ngôi nhà kiên cố là chi chít lỗ, chúng là hang của những con còng nhỏ với đủ màu sắc từ đen, trắng, xanh, đỏ đến màu tím, màu vàng, mỗi khi tôi có bất cứ một động thái nào có thể đe doạ chúng là chúng lại chui vào hang. Bên cạnh hang còng còn có hang của một loài cá mà chỉ cần nghe tên là chúng ta có thể hình dung được hình dạng của nó - cá Thòi lòi. Đây là một loài cá hết sức kì quặc, gọi là cá nhưng hầu hết thời gian chúng đều sống trên bùn, chúng nhảy rất nhanh, tốc độ nhảy còn nhanh hơn cả bơi và thêm một đều đặc biệt nữa là cá Thòi lòi còn có thể leo cây, điều mà nghe thật lạ đời khi nói về một con cá. Cá Thòi lòi lướt trên mặt nước rất nhanh nên khá khó khăn để tiếp cận chúng. Cùng với cá Thòi lòi thì bọ nước cũng là một vận động viên lướt ván tài ba, những chiếc chân khẳng khiu lướt trên mặt nước nhẹ như một chiếc lá đang trôi. Chúng là những loài có cho mình căn nhà riêng ở đây, đôi khi, cá Thòi lòi vẫn chui tọt vào hang còng khi gặp nguy hiểm, chắc là trong tình cảnh hiểm nghèo thì chúng cũng phải san sẻ nơi ở của mình, chẳng có căn nhà riêng nào cả. Cuối cùng cũng đã đến chiều, hoàng hôn ở đây không vắng lặng như trong thơ ca, từng đàn chim dáo dác gọi nhau bay về tổ, bầu trời trở nên nhộn nhịp hẳn lên, dưới nước thì cá bơi thành từng đàn trở về ngôi nhà của mình. Nhưng cũng chẳng được bao lâu không khí vắng lặng lại bao trùm nơi này, chỉ còn mỗi tiếng muỗi.
Chúng tôi phải trở về nhà của mình.
Chúng tôi phải trở về nhà của mình.

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất