Ngợi ca thú vui nghe nhạc sống
Nguồn : Hanoi rock city Trong những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thói quen...
Trong những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thói quen nhạc của người dùng. Từ các bản ghi trên băng từ, đĩa than, CD cho tới các thiết bị số như ipod và những năm gần đây là qua các dịch vụ phát trực tuyến (spotify, youtube, soundcloud,…).
Các phương tiện nghe nhạc càng phát triển, chất lượng của các bản thu càng cao đã kìm hãm sự phát triển của thói quen đi nghe nhạc sống. Thật sự không thể phủ định được sự tiện lợi của nhạc số. Bây giờ ai cũng có di động, mà chỉ cần sở hữu cho mình thêm 1 bộ tai nghe và tải về ứng dụng nghe nhạc trên điện thoại, bạn có thể nghe bất cứ bài nhạc, nghệ nào bạn thích ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào bạn muốn. Chẳng cần phải mất công mua vé đi xem show ca nhạc hay cất công đi đến một quán cafe nhạc sống nào đó.
Nhiều người mình biết, vẫn luôn coi việc đi nghe nhạc sống là thú vui rành cho những người thừa tiền, rảnh rỗi và mơ mộng.
Vậy tại sao phải đi nghe nhạc sống ?
Dù bài nhạc bạn thích có hay đến mấy, chất lượng bản thu hay chiếc tai nghe của bạn có tuyệt vời đến bao nhiêu. Tất cả đều chỉ mang một màu sắc duy nhất.
Dẫu cho sự bùng nổ của kỷ nguyên nhạc số. Ngày ngày, số lượng người nghe coi việc nghe nhạc sống như một thói quen, một thú vui hay sở thích vẫn ngày một tăng lên. Đơn giản vì đối với mình, 1 liveshow mang lại những cảm xúc đặc biệt cho cả nghệ sĩ lẫn người nghe.
Mình đã từng đi nhiều show của cùng một nghệ sĩ, thấy họ biểu diễn cùng bài, cùng một band nhạc hay thậm chí là cùng một người điều phối âm thanh. Thế mà tuyệt nhiên, mỗi lần đi nghe nhạc đều mang lại cho mình những cảm xúc riêng biệt, không một lần nào giống nhau. Đi nghe nhạc thì cũng có hôm hay, hôm dở, tuỳ thuộc vào nghệ sĩ cũng như người nghe.
Có những thời điểm người nghệ sĩ thăng hoa, màn biểu diễn hay và cảm xúc hơn mọi khi hoặc cũng có những lúc anh/cô ấy bị đau họng hoặc gặp phải lỗi kỹ thuật khiến show nhạc hôm đó không được như ý. Đối với người nghe, có thể hôm đi nghe nhạc bạn gặp chuyện vui, hay thất tình cũng khiến cho cảm nhận của bạn về bản nhạc pop vui nhộn hay bản ballad buồn mà nghệ sĩ biểu diễn không giống như mọi lần. Có thể nói, mỗi show ca nhạc như thể là một độc bản của chính nó vậy, không thể lặp lại hay sao y bản chính.
Không như việc nghe nhạc ở nhà, chỗ làm hay đi chơi bạn thường bị phân tâm bởi các yếu tố ngoại cảnh. Khi đi nghe live, đứng dưới nhìn lên trên sân khấu. Bạn không còn quan tâm đến bất kỳ điều gì khác, thứ duy nhất bạn có thể tập trung vào đó chính là màn biểu diễn của người nghệ sĩ trên sân khấu. Giọng hát, lời nhạc, biểu cảm, màn trình diễn, tiếng la hét hay đồng thanh hát theo nhịp của người nghe xung quanh. Cứ như thể bạn như thể bị hút vào 1 không gian riêng biệt vậy.
Niềm vui của nghệ sĩ
Nhưng để mà nói về niềm vui lớn nhất thì phải thuộc về người biểu diễn. Không giống như khi hát trong phòng thu, bạn không thể làm lại. Lời bài hát, âm thanh, ánh sáng, trình diễn,…vân vân và mây mây. Tất cả điều là một bánh răng trong một bộ máy mà chỉ cần một bánh răng trật khớp thôi cũng có thể đánh mất đi sự hoàn hảo hảo của buổi diễn.
Chính vì vậy mà nghệ sĩ cũng như bộ phận kỹ thuật phải tập với nhau, soundcheck suốt nhiều tuần liền. Tất cả chỉ để dành cho một thời điểm duy nhất – ngày biểu diễn. Tuy nhiên, niềm vui được trình diễn đối với người nghệ sĩ là một điều gì đấy không thể thay thế được. Tiếng hò reo của khán giả đối với người nghệ sĩ nó như một chất doping tự nhiên vậy. Tiếng hò càng lớn, adrenaline tuôn trào trong huyết quản càng nhiều bao nhiêu màn trình diễn càng nhiệt huyết thêm bấy nhiêu.
Đối với bản thân, mình luôn chọn những show nhạc Rock, đặc biệt là nhạc nặng như metalcore, deathcore,… như một cách để trốn tránh thực tại hoặc đơn giản là để xả stress hay thoả mãn niềm khao khát được nghe liveshow Rock. Tiếng trống nện từng nhịp, âm bass, khúc solo hay điệu riff của guitar, tiếng gào của vocal đối với mình là những trải nghiệm không thể nào có được khi ngồi nghe nhạc tại nhà. Ngoài ra còn phải kể đến mosh pit, circle pit hay wall of death – những nghi thức không thể thiếu trong một show nhạc nặng. Trong một cái venue cỡ trung bình, không dưới năm chục người lao vào nhau trong một vòng tròn, dùng vai hay lưng đẩy nhau liên tục, khoa tay múa chân theo tiếng nhạc chát chúa phát ra từ chiếc loa đang bị vắt kiệt sức lao động. Tiếng la hét, mùi hồ hôi hoà lẫn với mùi nước hoa và rượu bia trong không khí. Tất cả đối với mình thật tuyệt vời, không chỉ những nghệ sĩ trên sân khấu mà cả những khán giả ở dưới cũng mang hết tất cả nguồn năng lượng mình có để xả ra một lượt.
Lan man như thế thôi tóm gọn lại là nếu chưa đi bao giờ thì các bạn hãy dành thời gian để đi nghe nhạc sống ít nhất một lần trong đời, vừa là cách hay để tận hưởng thời gian rảnh, trải nghiệm những điều mới mẻ, xả stress vừa là để ủng hộ nghệ sĩ, góp phần phát triển nền âm nhạc nước nhà nhéeeeeee.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất