Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nhỏ gần rừng núi, người ta trao đổi với nhau để có mọi thứ mà họ cần. Vào mỗi ngày họp chợ, mọi người đi qua đi lại với gà, trứng, thịt hun khói và bánh mì, rồi tham gia các cuộc thương lượng kéo dài với nhau để đổi lấy thứ họ cần. Vào các thời điểm quan trọng trong năm, ví dụ như ngày mùa hoặc bất kì khi nào trang trại của ai đó cần được sửa chữa nhiều sau một cơn bão, người ta lại giúp đỡ lẫn nhau theo như truyền thống mà họ mang theo từ quốc gia cũ.
Họ biết rằng nếu một ngày nào đó họ gặp vấn đề gì, thì người khác sẽ hỗ trợ họ để trả ơn cũ.Vào một phiên chợ, một người lạ đi giày đen bóng lộn và đội một chiếc mũ phớt trắng đến và quan sát toàn bộ quá trình trao đổi với một nụ cười khinh khỉnh. Khi ông ta thấy một người nông dân chạy quanh để quây sáu con gà của mình để đổi lấy một tảng thịt hun khói lớn, ông ta không thể nhịn được cười.
“Mấy người tội nghiệp!”, ông ta nói, “cổ lỗ quá”! Vợ người nông dân nghe thấy vậy liền thách thức người lạ mặt kia và nói: “Ông cho rằng bản thân có cách xử lí gà tốt hơn chăng?” Người lạ mặt đáp lời: “Gà ư, không! Nhưng có một cách để loại bỏ những rắc rối này tốt hơn nhiều”.
“Vậy sao, như thế nào?”, người vợ hỏi lại. “Có nhìn thấy cái cây kia không?”, người lạ mặt trả lời. “Tôi sẽ đến đó và đợi cho đến khi có một người trong làng đến và đưa cho tôi một tấm da bò lớn. Rồi sau đó hãy gọi tất cả các gia đình tới chỗ tôi. Tôi sẽ giải thích cách làm tốt hơn.”
Và mọi chuyện xảy ra đúng như vậy. Người lạ mặt lấy tấm da bò và cắt nó thành nhiều mảnh hình tròn, và đóng một con tem trau chuốt và thanh nhã lên mỗi mảnh tròn đó. Rồi ông ta đưa cho mỗi gia đình 10 mảnh, và giải thích rằng mỗi mảnh đại diện cho giá trị của một con gà.
Ông ta nói: “Bây giờ mọi người có thể trao đổi và thỏa thuận mua bán bằng những đồng tiền này thay vì bằng các con gà khó bảo”.Nghe cũng có lí. Tất cả mọi người đều rất ấn tượng với người đàn ông lạ mặt đi giày bóng lộn và đội chiếc mũ phớt đầy cảm hứng.Sau khi mỗi gia đình đã nhận 10 đồng tiền, người lạ mặt nói thêm: “À, tiện thể, một năm nữa tôi sẽ quay lại và ngồi ở chính cái cây này.
Tôi muốn mỗi gia đình mang trả lại cho tôi 11 đồng. Đồng thứ 11 là để biểu trưng cho lòng biết ơn của mọi người đối với cải tiến công nghệ mà tôi đã vừa mang tới cho cuộc sống của mọi người”. “Nhưng đồng tiền thứ 11 ở đâu ra?”, người nông dân có 6 con gà hỏi. Người lạ mặt trả lời với một nụ cười làm yên lòng người kia: “Rồi anh sẽ biết thôi”.
Giả sử dân số và sản phẩm tạo ra hàng năm của ngôi làng giữ nguyên vào năm tiếp đó, theo bạn điều gì sẽ phải xảy ra? Hãy nhớ là, đồng tiền thứ 11 chưa bao giờ được tạo ra. Bởi vậy, kể cả nếu tất cả mọi người đều xoay sở tốt, thì một trong số 11 gia đình sẽ phải mất hết tiền để 10 gia đình còn lại có được đồng thứ 11.
Bởi vậy khi một cơn bão đe dọa hoa màu của một trong số các gia đình, người ta trở nên bớt hào phóng hơn với thời gian của họ cho việc giúp đỡ gia đình khác di chuyển hoa màu trước khi thảm họa ập tới.
Dù cho đúng là thuận tiện hơn nhiều khi dùng những đồng tiền thay vì mang gà theo để trao đổi ở các phiên chợ, nhưng cách làm mới này cũng kéo theo một tác dụng phụ ngoài ý muốn là không khuyến khích sự hợp tác tự phát vốn có trong truyền thống ngôi làng.
Thay vào đó, trò chơi tiền bạc mới đang tạo ra một sự cạnh tranh có hệ thống giữa tất cả những người tham gia.Vậy bây giờ hãy tưởng tượng rằng những người dân trong làng đến quanh người đàn ông đội mũ và nói: “Thưa ngài, ngài có thể làm ơn cho chúng tôi thêm tiền để không ai trong chúng tôi bị phá sản được không?”
Người đàn ông nói: “Tôi sẽ làm vậy, nhưng chỉ với những ai có thể đảm bảo với tôi rằng họ có khả năng trả lại tiền cho tôi. Bởi vì mỗi miếng tiền da tròn có giá trị bằng một con gà, nên tôi sẽ cho những người có số gà nhiều hơn số mảnh tiền mà họ đang nợ tôi vay tiền. Như thế, nếu họ không trả lại tôi tiền, tôi sẽ có thể lấy gà của họ để thay thế.
À, và bởi vì tôi là một người tốt, nên tôi thậm chí sẽ tạo ra những đồng tiền mới cho những người hiện tại chưa có thêm gà, nếu họ có thể thuyết phục tôi rằng họ sẽ gây giống thêm gà trong tương lai. Vậy, hãy cho tôi xem kế hoạch làm ăn của các anh! Hãy cho tôi thấy rằng các anh đáng tin cậy (một người dân làng có thể viết “báo cáo tín dụng” để giúp các anh điều này).
Tôi sẽ cho mượn tiền ở mức 10% lãi – nếu các anh là những người nuôi gà thông minh, mỗi năm đàn gà của các anh có thể tăng 20%, các anh trả lại tôi tiền, và bản thân các anh cũng giàu lên.”Những người dân làng nói: “Như thế nghe cũng hợp lí đấy, nhưng vì ông đang tạo ra những đồng tiền mới với lãi suất 10%, thì đến cuối cùng chúng tôi vẫn không có đủ tiền để trả lại cho ông.”Người đàn ông trả lời: “Không vấn đề gì.
Các anh sẽ thấy, vào thời điểm đó, tôi sẽ tạo ra thêm nhiều đồng tiền nữa, và khi đến hạn phải trả lại những đồng tiền đó, tôi lại tạo thêm nhiều đồng tiền nữa. Tôi sẽ luôn luôn sẵn lòng cho các anh mượn thêm tiền.
Tất nhiên, các anh phải sản xuất thêm nhiều gà nữa, nhưng miễn là các anh liên tục phát triển chăn nuôi gà, thì sẽ chẳng bao giờ có vấn đề gì hết”.Một đứa trẻ đến và nói với người đàn ông: “Thưa ông, gia đình cháu bị bệnh, và chúng cháu không có đủ tiền để mua thức ăn.
Ông có thể cho cháu thêm tiền được không?”Người đàn ông nói: “Ta rất tiếc, nhưng ta không thể làm thế được. Cháu ạ, ta chỉ tạo ra thêm tiền cho những người có khả năng trả lại được cho ta thôi. Nhưng nếu gia đình cháu có vài con gà để mang ra thế chấp, hoặc nếu cháu có thể chứng tỏ là mình có thể lao động chăm chỉ hơn để gây giống thêm nhiều gà hơn, thì ta sẽ rất vui lòng đưa cho cháu tiền”.
Ngoại trừ một vài trường hợp không may, hệ thống đó hoạt động tốt trong một thời gian. Những người dân làng chăn nuôi đàn gà của họ đủ nhanh để có thể kiếm thêm những đồng tiền mà họ cần để trả lại người đàn ông đội mũ. Vài người, vì lí do nào đó, có thể là kém may mắn hoặc không đủ tài giỏi, đã phá sản; và những người hàng xóm may mắn (hoặc lao động hiệu quả hơn) của họ tiếp quản trang trại của họ và thuê họ lao động ở chính trang trại đó.
Tuy nhiên, nói chung là các trại gà đều tăng trưởng 10% mỗi năm với nguồn cung tiền. Ngôi làng và các trại gà đã phát triển lớn đến mức có nhiều người khác tương tự như người đàn ông đội mũ cùng tham gia với ông, tất cả đều bận rộn tạo cắt thêm những mảnh tiền da mới và đưa chúng cho bất kỳ ai có kế hoạch khả thi để mở rộng trại gà. Thời gian trôi, vấn đề nổi cộm.
Một trong số đó là, rõ ràng rằng không có ai thực sự cần tất cả những con gà kia. Bọn trẻ kêu ca: “Con ngán trứng lắm rồi”. Những người vợ nội trợ phàn nàn: “Trong nhà bây giờ phòng nào cũng có một cái giường lông gà”.
Để giữ cho việc tiêu thụ các sản phẩm từ gà liên tục tăng trưởng, những người dân trong làng sáng tạo ra đủ thể loại kế sách. Mỗi tháng phải thay một cái nệm lông mới, phải mua những ngôi nhà to hơn để chứa những nệm lông đó, và phải có sân vườn và sân vườn toàn gà là gà, tất cả đã trở thành mốt.
Tranh chấp nảy sinh với các ngôi làng khác được giải quyết ổn thỏa bằng những trận chiến ném trứng gà tầm cỡ. Ngài thị trưởng đồng thời là em rể của người đàn ông đội mũ kêu gọi: “Chúng ta phải tạo ra nhu cầu tiêu thụ gà!
Như vậy thì chúng ta sẽ càng ngày càng giàu có”. Một hôm, một người già trong làng phát hiện ra một vấn đề khác. Trong khi, cánh đồng bao quanh làng từng xanh ngát và màu mỡ trước đây, thì nay trở nên hôi hám bẩn thỉu.
Rau quả đã bị loại bỏ để trồng hạt nuôi gà. Ao và suối, từng đầy tôm cá, giờ đây trở thành những cái hầm chứa phân gà hôi thối. Bà nói: “Chuyện này phải chấm dứt! Nếu chúng ta cứ mở rộng trại gà mãi thế này, thì chúng ta sẽ sớm chết chìm trong phân gà”!
Người đàn ông đội mũ kéo bà sang một bên và nói với bà bằng một giọng ra vẻ trấn an rằng: “Đừng lo, ở dưới con đường kia có một ngôi làng vẫn còn đầy các cánh đồng màu mỡ. Những người trong làng ta đang lên kế hoạch sang đó để mở trang trại gà. Và nếu người trong làng đó không đồng ý thì… chúng ta vẫn đông hơn họ. Mà này, bà không nghiêm túc khi nói về việc ngừng tăng trưởng đấy chứ.
Nếu thế thì những người hàng xóm của bà sẽ trả nợ bằng cách nào? Tôi làm sao có thể tạo ra những đồng tiền mới nữa? Ngay cả tôi cũng có thể phá sản ấy chứ”. Và thế là, từng ngôi làng một đều trở thành những bể chứa phân gà hôi thối bao quanh những đàn gà khổng lồ mà chẳng ai thực sự cần, và các ngôi làng thì đánh nhau để tranh giành những không gian xanh còn sót lại, mà có thể giúp họ tăng trưởng thêm được vài năm nữa.
Tuy nhiên, mặc dù rất nỗ lực để duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Khi tăng trưởng chậm lại, các món nợ bắt đầu tăng tỉ lệ so với thu nhập, cho đến mức nhiều người phải dùng tất cả số tiền mà họ có chỉ để trả nợ cho người đàn ông đội mũ.
Nhiều người phá sản và phải làm việc với mức lương đủ sống cho những ông chủ mà chính những ông chủ đó cũng gần như chỉ kiếm đủ để trả nợ cho người đàn ông đội mũ.
Càng ngày càng ít người có thể mua các sản phẩm từ gà, khiến cho việc duy trì nhu cầu và tăng trưởng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh về dư thừa thái quá gà mang tính hủy hoại môi trường, càng nhiều người gần như không có đủ nhu yếu phẩm để sống, dẫn đến một nghịch lí về sự khan hiếm ngay trong chính sự dư giả.
Và đó là tình trạng của xã hội hiện đại ngày nay.Áp lực nợ liên miên đồng nghĩa với việc sẽ luôn luôn có những người bất an và tuyệt vọng – những người vì áp lực sinh tồn nên sẵn sàng đốn hạ mảnh rừng cuối cùng, bắt những con cá cuối cùng, bán một đôi sneaker cho ai đó, thanh lý bất cứ nguồn vốn tự nhiên, văn hóa, xã hội hay tinh thần nào còn lại.
Sẽ không bao giờ có lúc chúng ta chạm tới thời điểm “đủ đầy” bởi vì trong một hệ thống nợ dựa trên lãi suất, sự trao đổi không chỉ là “hàng hóa hiện tại lấy hàng hóa tương lai” mà là hàng hóa hiện tại lấy nhiều hàng hóa hơn trong tương lai.
Để trả nợ hoặc đơn giản để sống, hoặc bạn phải chiếm lấy tài sản hiện có của người khác (do đó dẫn tới cạnh tranh) hoặc bạn phải tạo ra tiền “mới” từ các tài nguyên chung.