Như đã nói trong phần 4, phần ngoại truyện này kể kỹ hơn về chiến dịch Korsun của Vladimir Đại đế, cùng với chuyện về nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nga về tai tiếng phản bội.
Vladimir Đại đế đánh thành Korsun.
Vladimir Đại đế đánh thành Korsun.

1/ Chiến dịch Korsun của Vladimir Đại đế

Nếu bạn từng lướt qua serie "Lịch sử Nga" riêng lẻ của mình, thì có thể sẽ biết câu chuyện khác khá hài liên quan đến việc chọn Chính thống giáo ở Kiev Rus. Đó là khi Vladimir Đại đế từ chối chọn Hồi giáo chỉ vì họ... không uống rượu.
Chiến dịch Korsun này, trên thực tế chép trong Biên niên sử Sơ khởi cũng có yếu tố truyền thuyết, để giải thích việc Cải đạo Chính thống ở Nga. So với truyền thuyết Korsun sẽ kể trong bài, câu chuyện ham nhậu bỏ đạo của Vladimir Đại đế được coi là phổ biến và đáng tin hơn rất nhiều, ngày nay chúng ta sẽ thấy đa phần người bên Nga hay các nước Đông Âu nhắc về chuyện này nhiều hơn. Và nếu theo đúng như việc ham rượu chọn đạo, thì việc cải đạo ở thành phố Kiev đã diễn ra vào năm 987.
Vladimir gặp triết gia Cơ đốc Hy Lạp - tranh vẽ trong Biên niên sử.
Vladimir gặp triết gia Cơ đốc Hy Lạp - tranh vẽ trong Biên niên sử.
«Руси веселие есть пити» - "niềm vui của Rus là rượu" - danh ngôn nổi tiếng của Vladimir
«Руси веселие есть пити» - "niềm vui của Rus là rượu" - danh ngôn nổi tiếng của Vladimir
Về chiến dịch Korsun: thành Korsun, là một thành phố cổ đại trên bán đảo Crimea do người Hy Lạp lập ra, có vị trí quan trọng với họ. Theo cách phiên âm của người Rus thì Korsun được họ gọi là Kherson - nhưng nó không phải thành phố Kherson ở Ukraine hiện tại dù vị trí khá gần. Vị trí của Korsun hiện tại là nằm ở ngoại ô thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea. Người Nga đã phá hủy thành phố để xây Sevastopol mới sau khi Hãn quốc Crimea sáp nhập vào Nga thế kỷ 18.
Truyền thuyết kể rằng: không rõ là trước hay sau việc chiếm Korsun diễn ra, Vladimir Đại đế của Kiev Rus đã mang lòng simp... à quên lòng thương mến công chúa Anna của Byzantine. Công chúa Anna là con gái của Hoàng đế Roman II, và vào thời điểm đó là em gái của Hoàng đế Basil II.
Hoàng đế Roman II của Byzantine
Hoàng đế Roman II của Byzantine
Hoàng đế Basil II của Byzantine
Hoàng đế Basil II của Byzantine
Công chúa Anna của Byzantine
Công chúa Anna của Byzantine
Tuy nhiên, bản thân Công chúa Anna có vẻ không thích thú với điều đó. Thậm chí theo một số biên niên sử phương Tây, công chúa Anna dường như đã được hứa hôn trước với một Hoàng đế phương Tây nào đó, để tránh phải kết hôn với người Rus.
Dù vậy, thời thế không chiều lòng người. Vào thời trị vì của Basil II, đế quốc Byzantine phải đối mặt với những cuộc nổi loạn quân sự rất nghiêm trọng, vừa phải để mắt tới sự phá phách của Bulgaria dù lúc này đã suy yếu. Trong bối cảnh đó, hoàng đế Basill II đã có nhờ đến sự giúp đỡ của người Rus, chính xác hơn là Vladimir Đại đế của Kiev Rus. Nhưng do mốc thời gian và trình tự ghi chép trong các biên niên sử của Nga lúc đó không được rõ ràng, không biết được liên minh quân sự này diễn ra trước hay sau sự kiện ở Korsun năm 988.
Nổi loạn quân sự ở Byzantine năm 967-969
Nổi loạn quân sự ở Byzantine năm 967-969
Trận chiến Claydion - quân Byzantine của Basil II đại thắng Bulgaria
Trận chiến Claydion - quân Byzantine của Basil II đại thắng Bulgaria
Vào mùa hè năm 988, biên niên sử Nga kể rằng Vladimir Đại đế đã mang đại quân bao vây thành phố Korsun của Byzantine ở bán đảo Crimea. Nhưng đây là một thành trì quan trọng và vững chắc, Vladimir công thành 9 tháng không phá nổi, quân lính Rus trở nên chán nản và kiệt sức.
Tuy nhiên đúng lúc đó, biên niên sử kể rằng có một người Byzantine tên là Anastasius, không rõ lý gì đã bắn mũi tên ra người Rus có viết dòng chữ: "ở phía Đông có một con suối nguồn, từ đó chảy ra các con sông".
Vladimir nhận tin đó, cho người đi tìm và quả nhiên thấy con suối nguồn. Người ta còn kể rằng: sau khi nhận được tin tức quý giá, Vladimir đã ngửa mặt lên trời thề độc rằng: "nếu thành công, tôi sẽ trở thành bất cứ cái gì Chúa trời muốn!".
Nói rồi ông ra lệnh cho chặn dòng suối, vì thế nguồn cấp nước cho Korsun bị cắt. Không chịu nổi đói khát, quân thủ thành Korsun quyết định hạ cờ đầu hàng một cách khá cay đắng vào mùa hè năm 989.
Vị trí thành Korsun trên bán đảo Crimea
Vị trí thành Korsun trên bán đảo Crimea
Tàn tích thành cổ Korsun hiện tại
Tàn tích thành cổ Korsun hiện tại
Kẻ đào tẩu Anastasius trong phim "Viking" của Nga năm 2016
Kẻ đào tẩu Anastasius trong phim "Viking" của Nga năm 2016
Tin Korsun thất thủ thực sự là một tiếng sét ngang tai với triều đình Byzantine của Basil II. Trong khi đó, Vladimir cười ha hả, soạn thư đầy kiêu ngạo gửi cho Basil II, tuyên bố: "Mấy thần thánh chúng mày tao búng phát một. Giờ thì nộp em gái ra đây!".
Lúc này, tình thế gần như không cho Basil II và công chúa Anna lựa chọn khác ngoài việc chấp nhận làm vợ của vua Rus, điều này khiến Anna rất buồn và cô còn định thà kết liễu tính mạng ở quê nhà còn hơn đi làm dâu xa xứ. Thế nhưng, vào phút chót, Basil II đã nghĩ ra một cách gỡ gạc phần nào. Basil II gửi lại thư cho Vladimir, bảo rằng:"Rất tiếc, theo đạo của chúng tôi, không được phép gửi con gái cho người ngoại đạo. Chỉ trừ khi Ngài chấp nhận trở thành một Cơ đốc nhân, chúng tôi mới có thể cho công chúa của mình kết hôn".
Nhân đó, Basil II cũng khuyên em gái Anna rằng "em nên chịu khổ một chút, mang Cơ đốc giáo soi sáng cho bọn họ, giúp cho Byzantine thoát khỏi mối họa trăm năm".
Cuối cùng, Anna quyết định gạt nước mắt, bước lên thuyền hộ tống tới Korsun gặp Vladimir. Tới đây, với tính chất có nhiều câu chuyện kỳ ảo, biên niên sử Nga kể tiếp rằng Vladimir bất ngờ bị mù. Khi Anna tới, cô mang lời của Basil II nhắn tới vị vua người Rus đang trên giường bệnh, thuyết phục ông nên cải đạo sang Chính thống - và dĩ nhiên còn nói thêm nếu chấp nhận, ông sẽ nhận được phép lạ chữa mù mắt.
Công chúa Anna đi thuyền tới Korsun gặp Vladimir
Công chúa Anna đi thuyền tới Korsun gặp Vladimir
Vladimir bị mù trên giường bệnh - công chúa Anna chuyển thư kêu gọi cải đạo
Vladimir bị mù trên giường bệnh - công chúa Anna chuyển thư kêu gọi cải đạo
Người ta lại còn liên hệ tới chi tiết xa trước đó - lời thề độc của Vladimir khi hạ thành Korsun "sẽ trở thành bất cứ gì Chúa trời yêu cầu". Và do vậy, Vladimir Đại đế đồng ý chấp nhận cải đạo. Dĩ nhiên là chuyện sẽ phải cho Vladimir hết bị mù, sau đó ông và toàn bộ binh lính Rus của mình thực hiện một lễ rửa tội ở thành phố Korsun - vào năm 989. Tiếp theo Vladimir mang đạo Chính thống về Kiev, rửa tội cho con dân của mình trên toàn xứ Rus, đánh dấu các vùng đất Rus bước vào thời kỳ Cơ đốc giáo hóa.
Tới đoạn này, phát sinh một vấn đề lịch sử. Theo một số nguồn lịch sử Nga được tin tưởng nhất, câu chuyện Vladimir chọn đạo sau các cuộc nói chuyện với sứ giả các tôn giáo khác, cuối cùng tự mình thực hiện lễ rửa tội ở thành phố Kiev - diễn ra vào năm 987. Còn theo "truyền thuyết Korsun", một câu chuyện drama hơn rất nhiều, việc rửa tội của Vladimir diễn ra tận năm 989 - ở thành phố Korsun, nghĩa là việc rửa tội ở Kiev còn diễn ra sau đó nữa, không sớm hơn năm 990.
Mặc dù vậy thì tranh cãi này cũng chỉ là một vấn đề nhỏ, không ảnh hưởng gì lắm tới các vấn đề lịch sử to tát hơn. Do vậy, tùy người đọc chọn, ai tin chuyện Vladimir ham nhậu chọn đạo thì cứ tin, còn ai thích hít drama nhiều hơn thì nghe chuyện Korsun!!!

2/ Anastasius - kẻ đào tẩu vĩ đại

Lưu ý: đoạn dưới đây có thể có đoạn trùng lặp với phần trên.
Nhiều khi trong lịch sử, có những thứ rất nhỏ làm đảo lộn mọi thứ. Nói thế này vẫn chưa rõ lắm thì phải. Rõ hơn thì: đôi khi thắng thua trên chiến trường chẳng quyết định bởi tài năng của vị tướng, sự máu chiến của binh lính, sự mạnh mẽ của vũ khí,... mà bởi những sự kiện rất ngẫu nhiên. Một trong những trường hợp đó là hàng binh đào tẩu.
Chúng ta chắc đã rất quen với các câu chuyện trong lịch sử đánh nhau Chăm-Việt, trong đấy có 2 chuyện Huyền Trân công chúa và chuyện 1 tay hàng binh Chăm chỉ điểm chiến thuyền Chế Bồng Nga. Kỳ lạ thay, có 2 câu chuyện khá trùng hợp như vậy đã diễn ra trong lịch sử Nga-Byzantine.
Đoạn trên có thể khiến liên tưởng tới công chúa Huyền Trân đi cưới vua Chăm, còn đoạn dưới đây sẽ kể kỹ hơn về tay hàng binh làm thay đổi lịch sử - giáo sĩ Anastasius. Nói kỹ hơn, thì mỗi lần tay giáo sĩ đổi phe, một tòa thành sẽ sụp đổ dẫn đến biến động lịch sử lớn.
Chuyện đã kể, năm 988 nhân lúc Byzantine của hoàng đế Basil II phải căng mình đối mặt với nhiều kẻ thù: quân nổi loạn ở Tiểu Á, quân Bulgaria quấy phá ở phía Tây, thì Vladimir Đại Đế của Kiev Rus cũng tranh thủ vác quân tấn công các lãnh thổ của Byzantine trên bán đảo Crimea.
Mục tiêu lần này của quân Rus là chiếm được pháo đài thành phố Korsun của người Byzantine, vị trí ngày nay gần với Sevastopol. Vị trí phòng thủ của Korsun thời đó khá ổn, nhìn trên bản đồ thì mặt Bắc giáp biển, 3 mặt còn lại đều là đường núi khó đi. Do vậy khi đánh Korsun năm 988 Vladimir cũng chọn đường dễ nhất là đổ quân vào vịnh biển ở mặt Bắc sau đó công thành.
Bản đồ vị trí thành Korsun - lưu ý màu đỏ chỉ vị trí Vladimir đổ quân trong lịch sử.
Bản đồ vị trí thành Korsun - lưu ý màu đỏ chỉ vị trí Vladimir đổ quân trong lịch sử.
Nhưng tường thành phòng thủ của pháo đài cũng không phải dễ ăn. Dù nó đã bị phá hủy gần như hoàn toàn khi Crimea bị sáp nhập vào Nga thế kỷ 18 (một phần vì mục đích xây thành phố mới Sevastopol), thì các nhà bảo tồn di tích đã tạm thời phục dựng lại mô tả của nó đại khái như sau: tường thành bao gồm hầu hết chu vi kể cả mặt biển. Tổng chiều dài 3,5 km. Độ dày tường 4m. Có 32 tháp canh và 7 cổng. Tường cao 8-10m, tháp cao 10-12m.
Khi Vladimir mang quân đến, ông cho quân đổ bộ từ vào vịnh biển từ phía Bắc, sau đó chủ yếu dồn quân vào mặt phía Tây của thành là nơi bằng phẳng nhất. Từ đây, quân Rus bắt đầu công thành, nhưng với sự công trình phòng thủ vững chắc và tinh thần cao, quân Byzantine không để người Rus đạt được bất cứ kết quả nào. Suốt 6 tháng trời công sức đánh thành của người Rus thất bại, binh lính Rus kiệt sức và chán nản, thậm chí một chi tiết trong biên niên sử Sơ khởi của Nga kể rằng thời gian này dịch bệnh khiến Vladimir Đại Đế bắt đầu bị mù.
Vào đúng lúc tình thế của quân Rus đang vô cùng no hope, thì một nhân vật đã xuất hiện thay đổi tiến trình lịch sử. Anastasius - một giáo sĩ trong thành Korsun - không có bất kỳ ghi chép nào về danh tính trong thời gian trước đó. Vào một ngày hè năm 989 khi quân Rus đang rệu rã vật vờ dưới chân thành Korsun, Anastasius bắn một mũi tên ra phía họ, có gắn một bức thư.
Nội dung bức thư nói: "ở rất xa phía Đông, có một con suối nguồn, từ đó đổ ra mọi con sông của Korsun. Hãy cắt nguồn nước và thành sẽ sụp đổ".
Vladimir Đại đế nhận được tin, quyết định cho lính Rus đi xa về phía Đông, vòng qua ngôi thành dù đường núi rất khó đí. Cuối cùng quả nhiên họ tìm được con suối nguồn của các con sông đổ vào Korsun. Vladimir lập tức ra lệnh cho lính Rus đào đất đổi dòng và chặn con suối lại, cắt nguồn nước của Korsun. Biên niên sử còn kể rằng Vladimir đã ngửa mặt lên trời thề độc: "Nếu thành công sẽ trở thành bất cứ thứ gì Chúa trời yêu cầu".
Không ngạc nhiên, quân Rus công thành thêm vài tháng, thành Korsun bị đói khát cùng cực do mất nguồn nước. Không chịu nổi, quân thủ thành quyết định hạ cờ đầu hàng. Mọi chuyện sau đó đã thay đổi lịch sử tới mức nào, phiền đọc lại phần trước. Còn phần này sẽ kể tiếp về số phận giáo sĩ Anastasius.
Một vài biên niên sử lớn nhỏ của Nga sau đó có nhắc tới giáo sĩ Anastasius này. Nó vẽ nên một bức tranh, đại thể là sau khi giúp Vladimir Đại Đế hạ thành Korsun (dĩ nhiên mãi mãi không biết được tại sao Anastasius làm phản), giáo sĩ Anastasius được Vladimir tôn kính, mang theo về Kiev. Tại đây, có ghi chép rằng Anastasius được giao cho nhiệm vụ thực hiện lễ rửa tội trên khắp các vùng đất Nga, từ Kiev cho tới Rostov và Novgorod. Một số lễ rửa tội diễn ra khá khó khăn, đặc biệt là ở Novgorod, nơi người dân Rus nổi lên chống lại Cơ đốc giáo khiến vương công Gleb ở đây phải đàn áp rất nặng tay.
Anastasius làm Giám mục ở nhà thờ Kiev - tranh vẽ trong Biên niên sử
Anastasius làm Giám mục ở nhà thờ Kiev - tranh vẽ trong Biên niên sử
Nhưng cái quan trọng là ở đoạn cuối. Chuyện kể rằng vị thế của Anastasius càng ngày càng cao trong giáo hội và nhà thờ ở Kiev, quyền lực và sự giàu có của ông đứng hàng đầu đất nước.
Nhưng khi Vladimir Đại đế qua đời năm 1015, Kiev Rus bước vào một thời kỳ ngắn tranh giành quyền lực. Vào năm 1018, quân Ba Lan của vua Boleslav I tận dụng sự bất ổn ở Kiev Rus, mang quân đánh thành Kiev lúc đó do Yaroslav Thông Thái (một con trai của Vladimir Đại Đế) chỉ huy.
Một số biên niên sử Nga đã nhắc về "một giám mục nào đó" đã ra gặp quân Ba Lan của Boleslav I. Vị giám mục không được nhắc tên. Nhưng sau đấy người ta biết là quân Ba Lan đã hạ được thành Kiev, vua Yaroslav của Kiev Rus phải bỏ trốn. Giáo sĩ Anastasius sau đó được cho là đầu hàng Ba Lan, được giữ nhiều tài sản. Số phận Anastasius sau đó biến mất khỏi ghi chép trong Biên niên sử Nga, vĩnh viễn không được biết tới.
Như vậy, nếu "vị giám mục bí ẩn" đã gặp quân Ba Lan trước khi họ chiếm Kiev năm 1018 là Anastasius, thì ông giáo sĩ này đã "đóng góp" công sức rất lớn vào sự sụp đổ của 2 ngôi thành Korsun năm 988 và Kiev năm 1018. Trong đó việc hạ thành Korsun năm 988 có ảnh hưởng vô cùng lớn tới lịch sử Nga và Đông Âu nói chung
Vua Boleslav I của Ba Lan hạ thành Kiev năm 1018
Vua Boleslav I của Ba Lan hạ thành Kiev năm 1018
Hết!