Con người là một sinh vật dễ yếu lòng nhưng không dễ sa ngã.
“Tâm trạng khi yêu” có lẽ là bộ phim khắc họa tinh tế nhất mà tôi từng xem về hành trình tâm lý của sự ngoại tình, mà nói đúng hơn, là cách mà ngoại tình trong tư tưởng sẽ diễn ra. Bộ phim dõi theo hai người hàng xóm xa lạ, vò võ cô quạnh trong cuộc hôn nhân của chính mình, phải lòng nhau.
Chúng ta có thể được phép yếu lòng, nhưng không được phép sa ngã.
Chúng ta có thể được phép yếu lòng, nhưng không được phép sa ngã.
Tô Lệ Trân có một người chồng thường xuyên đi công tác xa nhà – người thường đeo chiếc cà vạt giống với Châu tiên sinh nhà bên. Vợ của Châu Mộ Văn cũng thường vắng nhà, và cô cũng có chiếc túi xách hàng ngoại giống hệt chiếc túi Tô Lệ Trân được chồng tặng. Sự trùng hợp bất thường này khiến cho Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn nặng trĩu ưu tư về người bạn đời của mình. Hai người hàng xóm, được kết nối với nhau bằng cùng một mối hoài nghi trăn trở, lại thường đi về chung một lối, mua cơm cùng một quán, ra vào cửa là chạm mặt, dần dần nảy sinh một cảm xúc mới đầy vấn vương. Họ đã “Yêu”…
Ban đầu chỉ là những câu chào xã giao giữa những người xa lạ mới quen, về sau là sự thân tình hàng xóm, và sau nữa là một mối quan hệ mập mờ của tình yêu khi hai người đến với nhau nhiều hơn, cùng dạo phố, cùng ăn hàng, cùng thuê một phòng khách sạn chỉ để… giúp nhau viết lách và cùng nhau tâm sự. Nhưng họ chưa bao giờ là người tình của nhau. Mọi hành động, cử chỉ đều trong chuẩn mực, đều tồn tại một khoảng cách, một giới hạn không thể vượt qua. 
Về bản chất, nếu xét ngoại tình trong tư tưởng là khi ta phải lòng một người khác trong hoàn cảnh ta không nên và không được phép làm vậy, thì Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn đã ngoại tình. Nhưng không ai có thể nói Tô Lệ Trân đã sai khi cô tựa vào vai Châu Mộ Văn trên chiếc taxi hay khi cô cùng anh vào khách sạn và chẳng làm gì đi quá giới hạn. Con người là một sinh vật dễ yếu lòng nhưng không dễ sa ngã. Nếu ta phải lòng một người nào đó vô tình đi ngang qua đời mình thì hãy cứ xem như ý nghĩa của người đó là để ta được thêm một lần thử thách bản thân mình vượt qua những cám dỗ. 
Nhưng như mọi trò chơi cảm xúc, ngoại tình trong tư tưởng cũng có chất gây nghiện và tiềm ẩn những rủi ro như khi đánh cược một canh bạc. Nếu ta phải lòng và giữ cảm xúc chỉ riêng tư cho mình ta biết, đó là số tiền cược nhỏ nhất. Ta có thể chủ động thoát ra khỏi trò chơi bằng cách chạy thật xa khỏi người đó. Nhưng khi sự phải lòng đến từ hai phía thì ngoại tình trong tư tưởng chỉ cách ngoại tình một làn ranh giới mỏng manh chực chờ bị xóa nhòa bằng một cơn bùng nổ cảm xúc.
Trong trường hợp này, nếu ta không đủ niềm tin về khả năng kiểm soát phẩm cách và lòng tự trọng của bản thân, thì chớ dại mà đánh cược. Bởi theo quy luật quán tính, khi ta đã làm một lần, thì sẽ dễ có lần thứ hai, và nhiều lần sau đó nữa. Và cái giá của canh bạc thua này sẽ đeo bám ta mãi về sau, không thể nào tẩy xóa được.