Tôi rời quán cháo hàu với tâm trạng lưng chừng nửa nửa như thế. Mục tiêu tiếp theo của tôi là Tháp Nghinh Phong. Tôi chọn nơi đây làm điểm tham quan du lịch vì bởi một lần tôi thấy nó thật đẹp khi xem qua Instagram của nàng. Ấn tượng sự tinh tế qua thiết kế của Tháp Nghinh Phong từ lần đầu nhìn thấy nên lần này tôi muốn được tận mắt chiêm ngưỡng nó ngoài đời thực.
Trời lúc này nắng kinh khủng, tôi đã bắt đầu cảm thấy sự nóng rát cắt trên da, có lẽ nhiệt độ đã tăng lên 34 độ không chừng. Tuy vậy, tại tháp có rất nhiều người. Hôm đó là chủ nhật, nên người ta đi tham quan rất nhiều, tôi đoán vậy. Nhìn sơ bộ thì tôi thấy một đoàn học sinh đang chụp kỉ yếu, bọn chúng láo nháo ồn ào cả lên. Xa xa có một nhóm người trẻ và các cô chú lớn tuổi đang thay phiên nhau tạo kiểu để chụp hình. Họ có vẻ gì vui lắm, hớn hở mặc cho cái nóng như đốt da đang dội trên đầu. Tôi thì một mình, tôi đi bộ băng qua họ như một con chim trời bị lạc bầy không ai để ý. Cảm giác cô đơn là điều không thể tránh khỏi khi đi du lịch một mình như thế này, tôi đã dự tính trước được nên không lấy làm quá đỗi thất vọng. Nó vẫn tồn tại âm ỉ đâu đó trong lòng tôi nhưng đồng thời nó cũng cho tôi sức mạnh, một nguồn năng lượng cô độc đẩy tôi đi.
Thôi nghĩ về chuyện ấy, tôi tập trung vào dự định của mình, mục đích của tôi không chỉ đơn giản chỉ nhìn ngắm nơi đây một cách qua loa ngoài mặt. Tôi muốn quan sát, đánh giá, tìm hiểu và khám phá nó. Tôi muốn nghiên cứu nó theo ý thích của mình như một đứa trẻ thỏa sức mày mò vọc vạch món đồ chơi mới của mình. Tôi không muốn đi du lịch một cách hời hợt, tôi muốn học hỏi gì đó từ chuyến đi của mình và những nơi mà tôi đã tới. Tôi muốn hiểu thêm về mình, đồng thời tôi cũng sẽ hiểu thêm về những nơi tôi đặt chân chân đến, hiểu hơn về đất nước nơi mình sống. Tôi lấy điện thoại ra lưu lại những ghi chú để làm tư liệu cho bài viết của mình. Tôi lang thang qua đám đông du khách đang chụp hình đông đúc, nhìn ngắm thật kĩ những ngóc ngách của Tháp Nghinh Phong, sờ sẫm nó, gõ gõ vào nó, nghe ngóng nó. Đôi mắt tôi như thế có tia laze rà soát qua mọi bề mặt của nó. Tôi đánh giá nó qua những hiểu biết ít ỏi của mình và đối chiếu nó với thông tin tôi đã tham khảo được từ trước chuyến đi.
Tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa thuộc Phú Yên
Tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa thuộc Phú Yên
Một điều mà tôi thấy thất vọng khi lần đầu tận mắt chiêm ngưỡng Tháp Nghinh Phong là độ hoành tráng của nó. Khi nhìn các hình ảnh, video trên mạng tôi có cảm giác nơi đây sẽ hùng vĩ hơn nhiều so với cái tháp mà trước mắt tôi đây đang nhìn thấy. Có lẽ do là một người Sài Gòn, một người sinh ra ở chốn đô thị, nơi nhà cao mọc lên như nấm, có những tòa cao ốc phải ngửa cổ ra tận đằng sau mới thấy được chóp, nên tôi có một sự kì vọng nhất định về độ cường tráng của Tháp Nghinh Phong. Tôi đã nghĩ nó sẽ oai phong hơn nhiều.
Chất liệu đá của Tháp Nghinh Phong cho tôi cảm giác mịn mà xốp, dù trên thực tế nó không hề xốp nhưng thiết kế của nó mang lại cho tôi cảm giác nó xốp và có gì đó rất “hiền” bên trong mỗi tảng đá. Một chất liệu lành tính. Nó không sắc lẻm lạnh lẽo hay phẳng băng như nhưng tảng đá hoa cương ta thường chạm vào. Một cách nào đó tôi thấy chất liệu của Tháp Nghinh Phong có chút gì liên quan với thời tiết và cảnh quan hài hòa dễ chịu của vùng đất Phú Yên này, như thể nó tượng trưng cho cái linh hồn nơi đây vậy.
Thiết kế của tháp như ấn tượng ban đầu, tôi thấy nó đẹp và hiện đại. Những đường cắt kim cương làm nó trông mạnh mẽ và sừng sững trước một quảng trường rộng lớn. Tuy vậy, sự sừng sững ấy không quá phô trương ra bên ngoài mà được thể hiện ý nhị qua những đường nét sắc sảo gợi mở một cảm giác vững chãi nhưng không tàn bạo. Thiết kế của tháp được lấy hình tượng từ một cổ tích của người Việt là Con rồng cháu tiên, Lạc Long Quân và mẹ Âu cơ sinh trăm con, năm mươi người xuống biển và năm mươi người lên non. Tháp cao 35m là tượng trưng cho Lạc Long Quân, tháp còn lại 30m là hình ảnh của mẹ Âu Cơ. Tuy cổ tích này trong cuốn Việt Nam Sử Lược đã chứng minh chỉ là một huyền thoại, nhưng theo tôi ý nghĩa mà nó mang lại làm cho tinh thần dân tộc càng thêm mãnh liệt, rằng người Việt là con rồng cháu tiên, dòng máu đỏ da vàng kiên cường, bất khuất. Một huyền thoại mang lại sức mạnh niềm tin cho đất nước. Cổ tích cùng với thiết kế hiện đại, một sự kết hợp vừa phải, tôn vinh được cả mới và cũ. Tôi thấy thích công trình này.
Tôi đứng dựa vào lan can của quảng trường dùng mắt lia tầm nhìn lên tháp, quan sát từ trên xuống dưới rồi ngược lại. Tôi phân tích tổng thể, rồi lại chi tiết rồi sau đó đặt câu hỏi cho những cái thấy của mình và tự tìm câu trả lời cho nó, như một quy trình làm việc của một thám tử chuyên nghiệp – tôi bắt chước nhân vật Sherlock do Benedict Cumberbatch thủ vai.
Đoạn tôi dừng quan sát và quay lưng lại nhìn ra biển. Tôi đã thấy biển từ buổi sáng khi chạy xe bên đường và ghé lại tham quan, nhưng đó chỉ là một sự thưởng ngoạn vội vàng, chộp giật nên tôi không cảm nhận được gì nhiều. Lần này với tâm thế không có gì phải vội, tôi được nhìn biển một cách bình tĩnh hơn. Biển ở đây đẹp cực kì, nó xanh lam đậm ở đằng xa và ngả dần qua sắc lục khi vào gần trong bờ, tôi được biết do thềm lục địa ở đây vào sát trong đất liền nên mới có màu xanh lấp lánh như thế. Trên biển hầu như không có tàu bè gì nhiều, tôi cũng không thấy các phao phân vùng như ở các biển khác. Điều đó làm cho tôi có cảm giác nơi đây còn rất hoang sơ, một cái hoang sơ làm tôi mường tượng đến viễn cảnh hàng ti tỉ năm về trước, khi mà chưa có hơi thở nào tồn tại. Khi đó sóng biển cứ đánh rì rào, gió cứ thổi vi vu, không có một ý thức nào chứng kiến được, không có ý thức, ý thức không tồn tại. Một vẻ đẹp hoang sơ làm cho người ta hồi tưởng về cái mầm móng đầu tiên của sự sống, một sự bắt đầu bằng không của vạn vật. Một vẻ đẹp chạm đến cái giới hạn không thể lĩnh hội được của các giác quan. Giác quan có cảm nhận được cái trước nó không? Tôi không rõ nhưng trước sự nguyên sơ này, tôi dường như được khải thị một điều gì đó vượt ra ngoài cuộc sống bình thường, vượt ra ngoài một cái gì trần tục, chỉ còn lại tôi và nó.
Biển và cát chụp ở Tháp Nghinh Phong
Biển và cát chụp ở Tháp Nghinh Phong
Cát ở đây có phong thái tươi hơn nhiều so với những nơi tôi từng đến, có lẽ nó đã ửng lên sắc vàng tinh khôi hơn do tác động của nắng chiều. Nhiều người ngồi trên bãi biển ngắm những con sóng xô, số khác thì đang ngồi nhìn người thân của mình tắm biển, còn thì trò chuyện với nhau, tuy nhiên không có ai tắm nắng ở đấy (người ta có tắm nắng vào buổi chiều không?). Bãi biển tương đối sạch sẽ, dù vẫn có rác lác đác nhưng nhìn chung mật độ của nó là không nhiều nên làm cho ta có cảm giác nơi này còn rất thuần tự nhiên, chưa bị tác động nhiều bơi con người. Tôi chỉ thấy rác ở những nơi đang có người ta ngồi gần đấy hoặc đang tắm biển. Lạ thật, nơi nào con người xuất hiện nơi đó có rác. Người ta nói Phú Yên có tiềm năng phát triển về sau này, tôi không biết rồi đây mười mươi năm nữa nó có còn giữ được cái hoang sơ của bây giờ không. Nhưng nhìn vào kinh nghiệm của loài người hàng trăm năm qua, tôi nghi ngờ nó. Tôi không nghĩ nước biển màu xam xám ở Vũng Tàu có thể so sánh được với màu xanh biếc như biển ở Phú Yên. Tôi đi bộ xuống chỗ sóng đang đánh vào để cảm nhận biển. Tôi cởi chiếc sandal của mình ra và đi trên cát. Thi thoảng tôi gặp vài xác động vật trong lúc đi dọc bãi biển, chuyện đó làm tôi nhớ tới Haruki Murakami một lần kể lại ông gặp nhiều xác chó mèo trên con đường chạy Marathon của mình ở Athens. Cát mịn bất giác cho tôi cảm giác như thể ta được ai đó ôm mình vào lòng sau những cuộc chiến lê thê, quay về cùng những vết thương. Một cảm giác được ai đó đón nhận mình. Đã lâu rồi tôi không đi trên cát biển, lần cuối (cách đây rất lâu) tôi đi trên cát là ở một công viên tại Sài Gòn. Cát ở đó lạnh, nhiều mảnh lá khô và đá sỏi nằm trà trộn lẫn vào trong cát, khi bước ta có thể thi thoảng bị chúng đâm nhẹ vào chân, chúng không hoàn toàn là cát, đó là một hỗn hợp cát và nhiều thứ khác. Chắc cát ở Sài Gòn cũng như Sài Gòn, khó mà nguyên chất được. Dĩ nhiên, nó không thể sánh với cát vàng ở nơi đây được.
Thi thể của một bạn sứa nằm cô đơn trên bãi cát vàng
Thi thể của một bạn sứa nằm cô đơn trên bãi cát vàng
Thi thể một đôi vợ chồng chim nhạn trên bãi biển
Thi thể một đôi vợ chồng chim nhạn trên bãi biển
Nước biển mát lạnh xoa dịu cái nắng hừng hực trên đầu tôi. Càng lại gần ta càng thấy rõ nước trong nhường nào. Tôi ước mình có thể hòa mình ngay vào trong nó. Tôi nhìn những người đang tung tăng dưới biển phía xa xa đằng kia, họ đang nô đùa cùng con nước, cười toe toét với nhau. Chắc họ đang hạnh phúc lắm. Nhưng tôi không thấy ai bơi cả - ý tôi là bơi đúng nghĩa. Tôi bỗng nhớ lại những kiến thức bơi lội mà mình có, nhớ lại cảm giác hân hoan của mình sau mỗi thành tích đạt được, nhớ cảm giác hòa mình với dòng nước. Nước biển thì khác xa so với nước hồ - dĩ nhiên - nó sống động hơn, có cảm xúc hơn, thi ca hơn và đôi khi dữ dội hơn so với vẻ bình lặng buồn chán của con nước trong hồ bơi. Hay tôi thậm chí có thể nói nước biển có sự sống, hoặc chính nó là sự sống. Một thực thể sống đang luồn qua những kẽ chân tôi. Nước và bơi đã từng chữa lành tôi một thời gian dài. Tôi nhớ mình từng mường tượng bản thân nằm dưới đáy bể nhìn lên bầu trời trong veo phía trên nhìn những người khác bơi qua lại, còn mình thì lặng lẽ quan sát họ. Tôi nhớ một lần nước làm tôi sợ để rồi nhận ra nỗi sợ đó đã cứu rỗi linh hồn mình như thế nào. Giờ đây đứng nhìn những đợt sóng biển Tuy Hòa đánh vỗ vào mình, tôi bâng khuâng nghĩ ngợi về nó. Đây vẫn là nước, nhưng là một thể nước khác. Không biết hòa mình trong nước biển sẽ khác như thế nào so với nước hồ mà tôi hay bơi, có dịp trở lại tôi sẽ thử nó.
Bờ biển từ Tháp Nghinh Phong nhìn ra
Bờ biển từ Tháp Nghinh Phong nhìn ra
Rời bãi biển, tôi trở lại với việc tham quan Tháp Nghinh Phong. Lần này tôi đi vào cái hẻm ở giữa của hai tháp. Người ta nói tháp sẽ phát ra những tiếng nhạc du dương mỗi khi có gió đi qua nhưng tôi không nghe thấy gì, dù cho gió ở quảng trường rất to, nhiều lần thổi bay cái nón hoodie của tôi. Bên trong mỗi tháp có những bức phù điêu trên đó khắc nhiều hình ảnh người đang làm gì đó như đang múa hát. Theo tôi đọc được người ta bảo rằng nó tượng trưng cho hình ảnh của vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh, nhưng tôi không thấy hoa vàng hay cỏ xanh ở đâu cả. Vì vậy tôi thấy chưa thể cảm được ý nghĩa của chúng. Điều đó càng làm tôi thắc mắc hơn, tôi tra thêm thông tin về “hoa vàng trên cỏ xanh” và nhận được một kết quả: Bãi Xép. Người ta nói rằng Bãi Xép là nơi “hoa vàng trên cỏ xanh” của Phú Yên và đồng thời cũng là nơi bấm máy bộ phim dựa trên tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh với địa danh này. Nhưng thông tin chỉ đủ giải khát phần nào cho sự tò mò mãnh liệt của tôi. Vì thế, chưa thỏa được sự hiếu kì của mình, tôi tiếp tục lên đường đi đến Bãi Xép để tìm ra lời giải đáp thật sự cho những bức phù điêu ấy. Tôi thấy vô cùng hào hứng, như kiểu tôi đang đi thám hiểm một khu rừng xa lạ. Tôi đi theo bản đồ, rồi tìm manh mối, tự suy nghiệm và tìm cách đi tới kho báu sau cùng. Tôi chưa bao giờ nghĩ du lịch lại thú vị đến thế.
Du lịch là một cách học
Những bức phù điêu
Những bức phù điêu
Bỏ lại đám đông vẫn còn đang đi lại chụp hình rôm rả, tôi lấy xe và hướng thẳng đến nơi tôi cần đến - phía bắc bản đồ. Tôi lái xe, trong lòng khoan khoái vì cảm nhận được sự hăng say sâu trong mình, sự hăng say của một đứa trẻ. Mặt trời vẫn còn nóng như thiêu nhưng họa chăng đã giảm phần nào. Biển cả vẫn liên tục đồng hành cùng tôi bên phía đông, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của nó. Hàng cây rì rào, bầu trời xanh ngắt. Ở Phú Yên chiều hôm ấy, đang có một người trẻ đi tìm mình.