“Nghi ngờ” và “tin tưởng”
Bước vào tuổi hai mươi, không ít người trẻ như mình gặp phải tình trạng mất phương hướng, mất phương hướng khi không làm gì, mất phương...
Bước vào tuổi hai mươi, không ít người trẻ như mình gặp phải tình trạng mất phương hướng, mất phương hướng khi không làm gì, mất phương hướng trong lúc bận rộn, mất phương hướng tại sườn dốc sau một thành quả nào đó. Có thể nói lúc đó chúng ta đang tự “nghi ngờ” chính bản thân mình, nghi ngờ những việc mình đang làm, hay cuộc sống xung quanh.
Nhiều bạn nói mình là một người có định hướng rõ ràng, họ nhìn thấy mình đang làm những việc mình giỏi và vui thích hàng ngày, rằng mình đang đi đúng hướng… nhưng nếu để hỏi mình một câu hỏi là: “Mình có nghi ngờ bản thân mình không?”. Thì chắc là mình xin phép nói là “có”. Mình luôn nghi ngờ bản thân!
Các bạn không đọc nhầm đâu, lớp vỏ bọc bên ngoài của mình sẽ dễ khiến nhiều bạn lầm tưởng mình là một người rất tự tin và kiên định với những việc mình đang làm, nhưng không hẳn là như thế với một chàng trai 21 tuổi.
Mình là một người vui tính, nhưng lại khó tính và khá cầu toàn trong công việc, quay lại ý chính cần nói thì ngoài những lúc vui vẻ tương tác và xuất hiện bên ngoài mạng xã hội, hay cuộc sống thường ngày thì mình lại trở về nhà với nhiều sự “nghi ngờ”. Nghi ngờ những hiệu quả của việc mình đang làm, nghi ngờ những con số đang phản ánh về kết quả làm việc, nghi ngờ những thông tin mới mình tiếp nhận mỗi ngày, nghi ngờ định hướng phát triển của những dự án đang làm, nghi ngờ định hướng phát triển của bản thân,…
Liệu mọi việc có đang đi đúng hướng? Liệu mình có thể cải thiện phần nào trong mớ hỗn độn đó? Liệu mình có thể tin vào điều gì trong những lời góp ý của những người xung quanh của mentor? Mình cần thay đổi gì để hoàn thiện hơn nữa? ... Đó là một vài câu hỏi mà mình đang tự vạch ra cho bản thân để tự trả lời mỗi khi có cơ hội, mình luôn nhắc nhở bản thân rằng không điều gì luôn đúng và hoàn hảo, tốt là kẻ thù của vĩ đại. Đôi khi nó khiến mình stress là vì thế, nếu bạn giống mình thì chia sẻ bên dưới để thể hiện sự đồng cảm nhé.
Ấy vậy nên chúng ta không được để sự “nghi ngờ” lấn áp suy nghĩ, con số phù hợp nên là 30-70. 30% dành cho sự “nghi ngờ” và 70% còn lại dành cho sự “tin tưởng”.
Nếu không có tin tưởng thì không có gì cả, không có những mối quan hệ, không có bạn bè, đối tác, đồng nghiệp, … hay chính bản thân mình ngày hôm nay. Nếu không tin tưởng vào bản thân, thì xu hướng chung của chúng ta là đi tin tưởng người khác, như việc không dám làm một việc gì mới vì sợ bản thân không đủ khả năng, sợ thất bại, hay như việc bạn tin bố mẹ sẽ gả đúng bạn đời cho mình nè, hay tin những lời góp ý hời hợt hay thiếu khách quan của người khác với những định hướng cả đời của bản thân. Đời này chỉ sống một lần, nếu không tin tưởng vào những lựa chọn của bản thân thì cứ mạnh dạn giao nó cho người khác quyết hộ, còn đi về đâu thì lúc đó tính sau nhỉ? Nhưng mà bạn có thể làm khác đi với sự tin tưởng vào bản thân mình.
Tin tưởng chính là chìa khóa giúp chúng ta focus vào từng mục tiêu cụ thể để vững bước mỗi ngày cho đến điểm cuối của hành trình. Tin tưởng tạo ra sự kiên định, nhưng cũng tạo ra sự cố chấp, chính vì thế, sự nghi ngờ chính là chìa khóa dung hòa sự tin tưởng mù quáng thiếu thực tế. Trước khi chọn đi 1 con đường, hãy trả lời được câu hỏi “Vì sao?”. Trong câu hỏi, mình thường sẽ tìm ra những luận điểm phù hợp để củng cố cho niềm tin cũng như sử dụng sự nghi ngờ để như một cách tự phản biện chính mình để tạo ra sự quyết định khách quan và chính xác nhất.
“Tin tưởng” là lực đẩy về phía trước, “Nghi ngờ” là lực kéo về phía sau. Chúng ta cần đi về phía trước, nhưng cần đi với tốc độ phụ hợp, chính vì thế xe máy, oto cần phải có phanh, không phanh là sớm về các cụ đấy. Cho nên không phải lúc nào tiến lên cũng là tốt, hãy biết dừng lại đúng lúc, đôi khi lùi lại 1 bước để nhìn bao quát tốt hơn, thế mới là lựa chọn không ngoan. Còn dừng lại lúc nào, hãy để trực giác của bạn quyết định, hãy mạnh mẽ vì mọi việc đã được sắp xếp rồi.
Không có gì tốt hay xấu hoàn toàn, “tin tưởng” và “nghi ngờ” là 2 vế quan trọng không thể tách rời trong suy nghĩ của bạn, sự hòa quyện đó tạo ra sự “thực tế” cho mọi hành động sắp tới của chúng ta. Không quá kỳ vọng, cũng không quá tiêu cực, hãy biết cân bằng.
Mình thích sự cân bằng và mình tin khi mỗi chúng ta khi đứng giữa lằn ranh của sự “tin tưởng” và “nghi ngờ”, bạn sẽ có cái nhìn trực quan và chính xác nhất về hành trình trong cuộc đời của chính mình.
Chúc bạn sẽ luôn “tin tưởng” và “nghi ngờ” bản thân mình nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất