Có gì trong đầu óc của những nhà thông thái lỗi lạc, nổi tiếng về triết lý đạt được toàn phần hạnh phúc? Đặc biệt là các nhà sư: họ có thể triết lý như thể họ đã thấu tình đạt lý hết, chẳng qua chỉ là những con người chẳng nghĩ ngợi gì mà chỉ đọc thuộc kinh kệ làu làu rồi phán truyền như bà thầy bói, nói một câu triết lý thần sầu tóm gọn cả đời người trong một phút phán truyền; là những con người sống giản đơn tằn tiện hết mức, không có nhu cầu, chẳng có ngưỡng vọng nào phải đạt được, thật sự trần trụi với đời. Nhà sư nổi tiếng với cái câu nói: Muốn đạt được hạnh phúc, phải buông tất cả ra, phải biết ngừng tham sân si; ông ấy nghĩ gì, chẳng lẽ lại đơn giản chỉ là mỗi lần sắp sửa biết mình nổi máu tham sân si, lại kịp tự bảo mình hãm lại, cười xòa và bước tiếp? Nếu như vậy, không thể nói họ ngu si nên hạnh phúc được. Vì thứ nhất, nói trên góc độ vĩ mô - nhà sư trong mối tương quan với xã hội loài người, không tiến bộ gì thì không sống được, sư cũng thế mà người cũng thế (ai làm ra gạo cho mình khất thực); nói trên góc độ vi mô, thì nhà sư chẳng lẽ suốt ngày chỉ nghĩ về việc đạt được tự do thật sự và thăng tiến đến một cái đỉnh cao chân lý đáng ngưỡng vọng toàn năng đó, không phải là khổ sở hay sao; vi mô nữa, thì (quên rồi để sau nhớ thì thêm sau). Và thứ hai là, họ thật sự không hề ngu si, vì chí ít họ còn tự hiểu mình, biết mình muốn gì, và làm chủ được ham muốn đấy mà hãm lại.
Lời bình về "nửa sau nhạt nhẽo" của cướp biển Caribeen 5 (hình như cũng là phần cuối), mình đọc lúc cái két buộc vào tàu rồi mà không còn lấy một đồng vàng, làm mình bước ra khỏi quãng thời gian tận hưởng bộ phim mình thích nhất ấy với một tâm thế cực kỳ khó chịu. Mình bắt đầu đi nhặt sạn bộ phim, bóc mẽ cái cách họ làm mình mê muội xem phim, cách dựng chuyện, tuyến nhân vật mỏng tang, kẻ thù mới không hề đáng sợ (đã thế còn thích kể lể: Không thể nghĩ cách khác để cho khán giả biết về họ ngoài việc cho huyền thoại Tây Ban Nha ấy tâm tình về bản thân hay sao), tính huyền thoại - sử thi của cướp biển và mọi điều xung quanh hắn (đôi khi, câu chuyện và cuộc đời nhân vật, chỉ nên được tiết lộ một phần, như cách họ làm với mặt tuộc Davy Johns, có lẽ lại ám ảnh hơn)... Và dư âm rất sâu sắc về sau, đến độ mỗi khi giới thiệu phim này hay lắm, mình thích lắm với ai, cho dù họ chẳng hiểu, và khả năng cao hơn là chẳng quan tâm và không muốn hiểu, cũng phải thêm vào một hai câu chê bai gì đó, mỗi lần một khác và sáng tạo hơn lần trước, như "Johny Depp già rồi, chậm lắm, nói chẳng thành câu", "Con lớn tướng mà bố mẹ vẫn trẻ măng", "Tự dưng cho vào hai đứa trẻ chẳng liên quan đến mạch truyện gì hết cả", "". Cảm giác hẫng chân thường trực, vượt cả ra ngoài giấc ngủ, vực ngày càng thẳm sâu và đen hơn nhiều hũ nút.
Như chàng Gù nhà thờ Đức Bà, mình chưa đọc, chỉ nghe mẹ nói chàng ta kiên định và mẹ tiếc cho chàng. Kiên định với (có lẽ không còn gì khác có thể đâu) nàng Di-gan đó ư? Có phải vì thế giới của chàng ta chỉ biết đến nàng? Có phải con người ta chung thủy, chỉ vì không biết thế nào là gian dối, cũng như con người chân phương đến độ, trong suốt quãng thời gian mà chung thủy vẫn còn là đức hạnh cần trân quý, chưa bao giờ (có thời gian, điều kiện...) rung động trước người nào?
        Càng biết nhiều, thì càng hay nghĩ ngợi, đa nghi. Đầu óc giản đơn thì sống đời dễ chịu hơn nhiều: ít thắc mắc, cũng chẳng cần phải biết.
        Thấm thía lắm rồi, cái câu: Người hạnh phúc nhất trần đời là kẻ ngu si nhất.
        Như biết tự do không là gì để rồi rơi vào vùng tri thức rỗng trống trơn, như lúc ngủ mơ màng giật mình hụt chân, vậy đấy.