Nghĩ khi lái xe
tôi vượt qua những ngã tư và những cột đèn, tôi vượt lên những người khác. Chúng tôi dừng ở một đèn đỏ, đèn không số, những dòng xe hai đầu ngã tư hòa vào nhau trước mắt tôi...
Tôi chạy trên đường, tôi dừng đèn đỏ ít hơn mọi lần. Có lẽ do hôm nay giảng viên cho ra sớm hơn 15 phút. Tôi đi thẳng ra nhà xe, lặp lại một chu trình: lấy xe, mặc áo khoác, xếp hàng, đóng tiền giữ xe và rời đi. Hôm nay trời không tệ như tôi nghĩ lúc còn trong lớp, nắng vẫn le lói dù mây xám vẫn mảng mảng trên trời.
Tôi đi qua bùng binh mà không bị kẹt xe, có lẽ do tôi rút kinh nghiệm chạy vòng ngoài của bùng binh. Tôi tiếp tục đi, con đường dễ dàng và thẳng tấp, tôi dừng đè đỏ một lần, tôi vượt qua tất cả vạch trắng đang bị kéo dài hai bên đường, những cột đèn tín hiệu đang chờ tôi, một đèn, hai đèn, ba đèn, tôi dừng lại, tôi rẽ trái, tôi lên ga, con đường không kẹt như mọi khi.
Bạn có thể nghe Audio bài viết tại link này:
Tôi lo lắng khi lần đi này dễ dàng hơn những lần trước. Tôi tin rằng khi mọi thứ đang tốt là một điều tồi tệ sắp sửa sớm đến. Đây không phải điều tôi bịa ra, cũng chẳng phải điều tôi học vẹt từ sách vở hay nghe một ai đó nói. Mà, điều này được tôi rút ra từ mấy năm tôi sống ở đại học:
Cuộc sống giống như đồ thị, khi nó đi lên thì phải sẵn sàng cho lúc nó đi xuống, khi nó đi xuống thì chắc chắn nó sẽ đi lên. Còn nếu nó cứ tiếp tục đi lên hoặc giảm liên tục là nó chưa đạt đến đỉnh để rơi xuống hoặc bật lên. Tôi cần sẵn sàng và nghĩ đến thật nhiều tình huống có thể, dù hầu hết trường hợp sẽ xảy ra là những tình huống tôi không lường trước được. Nên đôi khi, tôi nghĩ đến tất cả tình huống tệ nhất, để nó không thể xảy ra.
Đương nhiên tôi không xem quy luật trên là chân lý, nhất là sau khi tôi nghe Podcast phỏng vấn dịch giả Trịnh Lữ ở Have A Sip của Vietcetera (xem ở cuối bài). Nhưng ít ra, với tôi, cái cách suy luận về quy luật cuộc sống ở trên vẫn đúng cho đến hiện tại.
Tôi không biết cách suy luận của mình có xuất hiện ở lời răng, câu nói, hay lý thuyết tâm lý, chân lý cuộc đời của một người nào đó hay một trường phái triết học nào đó hay không? Tôi cũng chưa tìm hiểu, biết đâu điều đó cũng được đề cập trong chủ nghĩa Khắc Kỷ, cũng có lẽ không.
Nếu cách nghĩ trên chưa được ai thốt lên, và nếu tôi đủ danh tiếng, có lẽ người ta sẽ gọi đó là Câu nói của Nguyễn Phương Thế Ngọc, nhưng lúc đó tôi nhất định sẽ thêm dòng “đừng xem đây là chân lý”, tôi bật cười vì suy nghĩ điên khùng này.
Tôi tiếp tục chạy trên đường, vượt qua con hẻm tôi hay rẽ vào, tôi băng qua nhiều tòa bê tông, tôi băng qua mấy hàng cây bên đường, tôi vượt qua những ngã tư và những cột đèn, tôi vượt lên những người khác. Chúng tôi dừng ở một đèn đỏ, đèn không số, những dòng xe hai đầu ngã tư hòa vào nhau trước mắt tôi.
Đèn xanh, xe tôi ngang qua mấy trăm cuộc đời khó gặp lần hai, xe tôi rẽ vào đường, đường có chút kẹt xe, liệu đây là điều không tốt? Tôi không biết, có lẽ không phải. Tôi cứ đi, xe tôi lên cầu vượt, cầu vượt nhiều gió, bọn học sinh chạy ngang tôi, bọn không phải học sinh chạy ngang tôi, tôi hòa vào dòng xe kẹt, tôi tách khỏi dòng xe kẹt, tôi vào hẻm, tôi vào nhà, những ngã tư, những cột đèn, những dòng xe, những đàn người tiếp tục chu trình vô cảm của nó.
Tôi dọn phòng, tôi đau đầu, xương sống tôi như sắt mục, ngón tay út của tôi đau, có lẽ tôi bị gì đó về khớp do tôi bẻ tay nhiều. Tôi nghĩ mình bị Covid, tôi nghĩ mình không bị Covid, tôi mệt, tôi đặt thuốc, tôi không đặt thuốc, tôi tắm, tôi ăn hai phần cơm. Cơm lạnh.
Tôi nhận ra. Có lẽ tôi mệt vì tôi đã chạy xe rất nhiều hôm nay. Tôi nhận ra, có lẽ sự mệt này chính là một điều cân bằng với những thuận lợi của con đường hôm nay.
__________
Xem thêm nhiều bài viết khác tại blog phuongthengoc.com
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất